Hành động của Trung Quốc tại Biển Đông đang đẩy Việt Nam lại gần Mỹ hơn

Lê Hồng Hiệp

Sau một thời gian tạm lắng ngắn ngủi khi Bắc Kinh dường như kiềm chế không tiến hành các hành động gây hấn đối với các bên tranh chấp khác ở Biển Đông, Trung Quốc lại bắt đầu dương oai diễu võ trong những tuần gần đây. Từ giữa tháng 6, một tàu Hải cảnh Trung Quốc đã quấy rối các tàu Việt Nam đang phục vụ giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản tại Bãi Tư Chính, nơi Việt Nam coi là thềm lục địa của mình nhưng Trung Quốc đòi là một phần thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp.

Từ ngày 3 tháng 7, Trung Quốc cũng đã cử tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 để thực hiện một cuộc khảo sát dầu khí tại một khu vực rộng lớn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hộ tống tàu khảo sát này có ít nhất ba tàu hải cảnh, khiến Việt Nam phải gửi các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của mình tới hiện trường để theo dõi đội tàu Trung Quốc. Cuộc đối đầu này gợi nhớ đến một cuộc tranh chấp tương tự vào năm 2014 vốn đưa quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.

Vào ngày 19 tháng 7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ lên án các hành động của Trung Quốc và, thú vị hơn, đã kêu gọi “tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế” đóng góp vào việc duy trì trật tự, hòa bình và an ninh ở Biển Đông.

Ngày hôm sau, Hoa Kỳ dường như đáp lại lời kêu gọi của Việt Nam khi Bộ Ngoại giao nước này đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về “sự cưỡng ép của Trung Quốc đối với hoạt động dầu khí ở Biển Đông” nói chung và sự can thiệp của Trung Quốc vào “các hoạt động thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam” nói riêng. Tuyên bố cũng kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt hành vi bắt nạt và không tham gia vào loại hoạt động gây khiêu khích và bất ổn này”.

Tuyên bố của Hoa Kỳ cho thấy có một sự song trùng lợi ích mạnh mẽ giữa Hà Nội và Washington trong việc thách thức các yêu sách trên biển quá mức của Trung Quốc. Trong khi Việt Nam muốn bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông, Hoa Kỳ cũng đang tìm cách kiềm chế tham vọng hàng hải của Trung Quốc cũng như các thách thức mà những tham vọng này đặt ra đối với vị thế chi phối của Washington tại khu vực.

Nếu xét sự đối đầu chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông khiến người ta đặt câu hỏi về tính hữu lý trong chính sách đối ngoại của nước này: đúng vào lúc mà Trung Quốc đang cần có thêm nhiều bạn bè và đồng minh hơn bao giờ hết để đối phó với sự thù địch của Mỹ, thì Trung Quốc lại đang khiến Việt Nam trở nên xa cách và đẩy Hà Nội sâu hơn vào vòng tay Washington.

Việt Nam từ lâu đã theo đuổi một sự cân bằng chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Hà Nội coi trọng quan hệ với Bắc Kinh, bất chấp tranh chấp Biển Đông, bởi vì tầm quan trọng của người láng giềng khổng lồ phương Bắc đối với an ninh và thịnh vượng của đất nước, cũng như sự gần gũi về ý thức hệ giữa hai đảng cộng sản cầm quyền.

Vì vậy, trong khi muốn phát triển quan hệ với Mỹ, Việt Nam cũng đã thận trọng để không làm tổn thương quan hệ vốn có với Trung Quốc. Ví dụ, vào năm 2013, khi Hoa Kỳ thúc đẩy Việt Nam thiết lập một mối quan hệ đối tác chiến lược song phương, Hà Nội thay vào đó đã chọn quan hệ “đối tác toàn diện” vì lo ngại rằng quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ sẽ làm Bắc Kinh phật lòng.

Tuy nhiên, Trung Quốc dường như không chú ý đến các mẫn cảm chiến lược của Việt Nam. Bằng cách hung hăng áp đặt các yêu sách của mình ở Biển Đông, Trung Quốc đang thúc đẩy Việt Nam thay đổi các tính toán chiến lược lâu nay bằng cách cân nhắc một sự “xoay trục” dần dần khỏi Bắc Kinh hướng về phía Washington – một quá trình đã được đẩy nhanh kể từ sự cố khủng hoảng giàn khoan năm 2014.

Sau cuộc khủng hoảng đó, một mức độ đồng thuận lớn hơn đã xuất hiện ở Hà Nội cho rằng quan hệ chiến lược với Mỹ – đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng – cần phải được tăng cường để đối trọng lại hành vi cưỡng bức của Trung Quốc trên Biển Đông.

Một năm sau, Việt Nam đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng với Mỹ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên đến thăm Nhà Trắng.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Hà Nội vào năm 2016, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Cùng năm, Mỹ đã đưa Việt Nam vào Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á – cung cấp cho Hà Nội các hỗ trợ xây dựng năng lực hàng hải đáng kể.

Năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là một trong những nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump, người cũng đã chọn Việt Nam làm điểm đến cho chuyến thăm đầu tiên của mình tới Đông Nam Á.

Chuyến thăm lịch sử của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vào tháng 3 năm ngoái cũng là một bước ngoặt quan trọng khác trong mối quan hệ chiến lược ngày càng tăng giữa hai cựu thù.

Và vào tháng 6 vừa qua, Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ đã liệt kê Việt Nam là một đối tác an ninh mới nổi quan trọng mà Washington muốn tăng cường quan hệ chiến lược.

Tất cả những diễn biến này phản ánh một mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi nói đến việc làm cho mối quan hệ chiến lược song phương trở nên thực chất và nổi bật hơn, Việt Nam dường như vẫn còn một số do dự. Chẳng hạn, hồi tháng 10 năm ngoái, Việt Nam đã thông báo hủy 15 hoạt động hợp tác quốc phòng đã lên kế hoạch với Mỹ cho năm 2019, có thể để Trung Quốc không cảm thấy lo lắng trong bối cảnh gia tăng đối đầu chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Gần đây, nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm thứ hai của TBT Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, đã có một số tranh luận nội bộ ở Hà Nội về việc Việt Nam có nên đồng ý nâng cấp quan hệ với Washington lên mức “đối tác chiến lược” hay không, một điều mà Mỹ đã thúc đẩy từ lâu. Một lần nữa, việc Hà Nội mong muốn không làm Trung Quốc bất an vẫn là một trở ngại lớn đối với nỗ lực của Mỹ.

Tuy nhiên, với sự hung hăng trở lại tại Biển Đông, Bắc Kinh đang gia tăng vị thế của những quan điểm muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc tại Hà Nội, đồng thời củng cố hình ảnh của Mỹ như là một đối tác tốt hơn cho Việt Nam.

Rốt cuộc, tại sao Việt Nam phải quan tâm đến những mẫn cảm an ninh của Trung Quốc nếu Bắc Kinh không quan tâm đến những lo lắng an ninh chính đáng của Hà Nội?

Trong khi đó, sự cởi mở của Washington đang ngày càng trở nên hấp dẫn – đặc biệt là việc Mỹ mong muốn đưa Việt Nam tham gia vào một cấu trúc an ninh “khu vực kết nối”, điều không chỉ giúp tăng cường vị thế đàm phán của Việt Nam trước Trung Quốc mà còn tạo điều kiện cho Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế và quốc phòng cho các nước đối tác nhằm giúp Mỹ ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Do đó, chúng ta không nên quá ngạc nhiên nếu trong một tương lai không xa Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và tăng cường hơn nữa quan hệ quốc phòng, bởi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm giảm sức hấp dẫn chiến lược của Bắc Kinh, trong khi mang lại cho Mỹ hình ảnh của một đối tác an ninh mà Việt Nam nên lựa chọn.

Nếu Trung Quốc thực sự muốn Việt Nam quan tâm đến các quan ngại về an ninh của mình, thì Trung Quốc cũng phải chú ý đến các quan ngại của Việt Nam. Rốt cuộc, không ai khác mà chính đại học giả Trung Quốc Khổng Tử là người đã từng nói một cách khôn ngoan rằng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” – Đừng làm với người khác những gì mình không muốn người khác làm với mình!

*

Một bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên South China Morning Post (https://www.scmp.com/week-asia/opinion/article/3019890/beijings-south-china-sea-stance-driving-vietnam-americas-arms)

L.H.H.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2019/07/26/trung-quoc-bien-dong-day-viet-nam-lai-gan-my-hon/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn