Lá phiếu dân chủ trong đảng cầm quyền nhìn từ Hong Kong

Minh Châu

Một trong những vấn đề gai góc nhất giữa những người biểu tình ở Hong Kong hiện giờ, và chính quyền khu tự trị này là quy chế bầu cử trưởng đặc khu. Các cử tri muốn trực tiếp được lựa chọn người đứng đầu khu hành chính, trong khi thực tế hiện nay, đó là một cuộc “hiệp thương” thường cho ra kết quả là một trưởng đặc khu có quan điểm mềm mỏng hơn với chính quyền trung ương.

Liệu lần này ông Nguyễn Chí Dũng có đủ ‘Dũng’ trong việc mạnh dạn thoát Trung?

Câu hỏi đặt ra: đảng cộng sản đang cầm quyền tại Việt Nam sắp tới đây cũng bước vào những bước “hiệp thương” cho lựa chọn những người sẽ có mặt trong Bộ Chính trị ở nhiệm kỳ mới. Liệu có sự dân chủ ở chính lá phiếu của những đảng viên?

Nếu câu trả lời là ‘không’, thì lá phiếu của cử tri dân chúng sẽ vẫn là dân chủ hình thức của ‘đảng cử - dân bầu’, và ‘tự do’ vẫn là giấc mộng đã kéo quá dài gần nửa thế kỷ tính từ tháng 5-1975 của người dân miền Nam, và miền Bắc Việt Nam suốt gần 90 năm qua, tính từ cột mốc tháng 2-1930.

Cách hiểu về ‘dân chủ’ của đảng cầm quyền tại Việt Nam được quy định như sau tại Điều 9, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, phiên bản năm 2011, theo đó không có cụm từ ‘dân chủ’, mà là cụm từ ‘tập trung dân chủ’, như sau:

“Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Nội dung cơ bản của nguyên tắc đó là:

1. Cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

2. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là đại hội đại biểu hoặc đại hội đảng viên. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo của Đảng là Ban Chấp hành Trung ương, ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp uỷ).

3. Cấp uỷ các cấp báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước đại hội cùng cấp, trước cấp uỷ cấp trên và cấp dưới; định kỳ thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc, thực hiện tự phê bình và phê bình.

4. Tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng. Thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, các tổ chức trong toàn Đảng phục tùng Đại hội đại biểu toàn quốc và Ban Chấp hành Trung ương.

5. Nghị quyết của các cơ quan lãnh đạo của Đảng chỉ có giá trị thi hành khi có hơn một nửa số thành viên trong cơ quan đó tán thành. Trước khi biểu quyết, mỗi thành viên được phát biểu ý kiến của mình. Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp uỷ cấp trên cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc, song phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết của Đảng. Cấp uỷ có thẩm quyền nghiên cứu xem xét ý kiến đó; không phân biệt đối xử với đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số.

6. Tổ chức đảng quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quyền hạn của mình, song không được trái với nguyên tắc, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp trên”.

Như vậy, xem ra trong mọi trường hợp từ lựa chọn nhân sự đến đề ra các chính sách đều phải bắt buộc tuân thủ ‘nghị quyết của cấp trên’, không được quyền phản biện nghị quyết của cấp trên khi áp dụng vào thực tiễn.

Trong thời gian chuẩn bị “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII” của đảng cộng sản Việt Nam, dự kiến tổ chức vào đầu năm 2021, tiếng là việc tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp cho việc đề cử nhân sự tham gia vào “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, song lại phụ thuộc vào quyền ‘nhắc lên – đặt xuống’ của những bí thư đảng bộ từ cấp cơ sở hiện tại cho đến Bộ Chính trị đương nhiệm.

Theo cách nào đó, phe nhóm nào có vây cánh đủ mạnh trong nội bộ đảng cầm quyền, thì người của phe nhóm đó sẽ được đề bạt tham gia vào nhiệm kỳ mới của đảng cầm quyền.

Nôm na, nếu như phe nhóm ‘thân Trung’ có số lượng áp đảo phe ‘thân Mỹ’ trong hàng ngũ lãnh đạo, thì nhân sự trong Bộ Chính trị nhiệm kỳ tới, chắc chắn sẽ nghiêng về Trung Quốc.

Chính điều này nên trong vài ngày gần đây, tin tức về chuyến công cán sang Mỹ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thu hút sự theo dõi của nhiều nhà bình luận chính trị.

“Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ, đoàn công tác gồm các thành viên của Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu đã tới thủ đô Washington D.C ngày 10-9, và có các buổi làm việc với Ngân hàng thế giới (WB), Viện Brookings, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) và Asia Group”. Tin tức trên báo Hà Nội Mới, cho biết như vậy. [Nguồn: http://bit.ly/2kkRpfF]

Theo tường thuật của tờ Hà Nội Mới, thì các nội dung về địa - chính trị Biển Đông, chiến lược “Vành đai và con đường” của Trung Quốc và Sáng kiến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của Mỹ... là những nội dung mà đoàn của ông Nguyễn Chí Dũng đặc biệt quan tâm khi làm việc với phía Hoa Kỳ.

Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng là bộ phận chịu trách nhiệm chính trong việc tổng hợp ý kiến, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2021 đến 2030 và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2021 đến 2025.

Liệu lần này ông Nguyễn Chí Dũng có đủ ‘Dũng’ trong việc mạnh dạn thoát Trung?

Dư luận có quyền hoài nghi điều này vì trước Quốc hội năm 2018, về bề mặt trên chính trường cho thấy Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là người ủng hộ thông qua dự Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, tức dự luật đặc khu.

Sở dĩ dùng từ ‘bề mặt’, vì các quan chức ‘bề trên’ trong đảng cầm quyền là Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Minh Chính, Đinh Thế Huynh đều tìm mọi cách để Quốc hội thông qua dự luật đặc khu này. Trong guồng máy quyền lực đó, ông Nguyễn Chí Dũng không thể nói khác được.

Trong bài diễn văn nhân dịp mừng năm mới Kỷ Hợi 2019, gọi là chia sẻ về tầm nhìn năm 2019 và những năm tiếp theo của ngành kế hoạch và đầu tư, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng có đoạn viết: “Đã đến lúc chúng ta có thể chủ động để quyết định tương lai của mình, định hình cho tương lai của mình và thế hệ mai sau, tương lai có một đất nước thịnh vượng. Một đất nước phải có chăm chỉ hơn, đồng tâm hiệp lực, cùng gánh vác, khát vọng, sẽ xây dựng một đất nước hùng mạnh hơn nữa”.

Trở lại với câu hỏi, ‘lá phiếu dân chủ trong đảng cầm quyền?’, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, cựu tổng biên tập tạp chí Sóng Nhạc (Hội Âm nhạc TP.HCM), từng tâm sự với đồng nghiệp báo chí về lý do ‘xin vào Đảng’, vì ông muốn được ‘nói chuyện ngang hàng phải lứa’ với những người gọi là lãnh đạo tại bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương, nơi ông làm việc.

“Họ ỷ thế là bề trên, là bí thư chi bộ để lãnh đạo. Mình là quần chúng trơn, ý kiến chẳng ai coi ra ký lô nào”. Tôi cũng từng có ý ‘xin vào Đảng’ với lý do như nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, thế nhưng may quá, về sau anh Thiện thú nhận rằng con én chưa bao giờ có thể làm nên mùa xuân. Ý kiến của những đảng viên nặng tình về thời cuộc, sẽ dễ dàng bị quy chụp là tự diễn biến, là thoái hóa tư tưởng…

Phe nhóm trong đảng cầm quyền chỉ có thể trị được, nếu như có sự cạnh tranh ‘dòm ngó’ về mặt quyền lực của những đảng phái khác, kiểu như đảng Cộng Hòa, đảng Dân Chủ ở Mỹ chẳng hạn…

Người dân bằng lá phiếu cử tri của mình sẽ hiểu cần chọn lựa ai khi người dân được quyền tự do ứng cử, tự do tranh cử, mà không phải qua những cuộc ‘hiệp thương’ của Mặt trận Tổ quốc”. Nhà báo Cao Minh Tâm, cựu Trưởng Văn phòng Đại diện phía Nam của báo Đời sống và Pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam), chia sẻ.

M.C.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn