Đối thoại bất ngờ

Nguyễn Đình Cống

Đó là 3 cuộc đối thoại của LS Nguyễn Mạnh Tường  vào cuối năm 1956, sau khi ông trình bày và viết ra bài diễn văn nổi tiếng “Qua những sai lầm trong CCRĐ”. Diễn văn được trình bày trong 6 giờ, ngày 30 tháng 10 năm 1956 tại cuộc họp của UB TW MTTQVN, theo lời kêu gọi của ông Trường Chinh, TBT Đảng Lao động, rằng trí thức cần góp ý để Đảng sửa chữa sai lầm.

Nói là bất ngờ vì người ta không định tổ chức đối thoại mà là “đấu tố” hoặc xử án, cho rằng ông Tường là một trí thức phản động, đã công khai chống Đảng, chống chế độ, làm hại cách mạng. LS Tường ví von, các cuộc đấu tố đó giống như đấu bò tót, mà ông là con bò nạn nhân. Thế mà nhờ tài năng và chính nghĩa của một “Triết gia quân tử”, ông  đã xoay chuyển, biến các cuộc đấu tố thành đối thoại, và đã tự bảo vệ được chính nghĩa của mình. Tuy vậy ông vẫn bị quyền lực nhận xuống bùn đen, bị đẩy vào sa mạc hoang vu để chết dần chết mòn. Nhưng ông không chết mà đã tỏa sáng.

Người ta đã định dùng thủ đoạn trong CCRĐ, trong chỉnh đốn tổ chức, dùng áp lực của số đông bị khống chế để đấu tố, nhằm khuất phục, nhằm  hạ nhục những nhân cách lớn. Phải công nhận rằng họ đã thành công trong nhiều trường hợp, đến nỗi người như nhà văn Nguyễn Tuân phải công nhận: “Để tồn tại phải biết sợ”. Và bao người khác phải  ôm hờn nuốt tủi để giữ mạng sống qua ngày. Họ tưởng với thủ đoạn như thế có thể triệt hạ Nguyễn Mạnh Tường, Họ đã nhầm, đã thất bại.

Cuộc đấu tố thứ nhất diễn ra tại Hội trường của Mặt trận Tổ quốc ở phố Tràng Thi, với sự tham dự của các cán bộ Mặt trận và các phóng viên. Cuộc thứ hai diễn ra ở phòng họp lớn của trường Đại học với rất đông thầy giáo và sinh viên. Trong cả hai cuộc, LS Tường không những đã đanh thép bác bỏ mọi lời luận tội và vu cáo, đã tự bảo vệ việc làm trong sáng, chính nghĩa của mình mà còn vạch ra, lên án những chủ trương, đường lối sai lầm của Đảng Lao động. Nói theo ví von thì con bò đã húc ngã mọi đấu sĩ, không những giữ được mạng sống mà còn làm cho đấu trường bị tơi tả, bị ngã nghiêng.

Toàn bộ các đấu sĩ, trước khi ra trận hăng hái và tự tin, nghĩ rằng họ có lý luận bách thắng Mác-Lê, có chỗ dựa vững chắc là Đảng và chính quyền thì sẽ dễ dàng đánh bại một kẻ thân cô thế cô, nhưng rồi những ngụy biện đã bị lột trần. Người ta hy vọng qua việc này sẽ giáo dục và răn đe số đông, làm cho họ biết run sợ mà tuyệt đối tin vào Đảng. Nhưng rồi số đông đã bị thuyết phục bởi tài năng, bởi chính nghĩa của LS. Những điều sai trái của Đảng mà họ mơ hồ cảm nhận được trong thực tế đã được LS bóc trần, chứng minh

Lần thứ 3 người ta tổ chức tại văn phòng Đảng Xã hội, ngoài con bò chỉ có 3 đấu sĩ được chọn lựa kỹ càng, không có khán giả. Ba đấu sĩ cùng là trí thức bậc cao, cùng là đảng viên Đảng Xã hội như ông Tường. Họ đã được hưởng nhiều ân huệ của Đảng Lao động. Ở cuộc đấu này người ta vừa tranh luận về triết học, vừa dọa nạt và dụ dỗ.

Ba trí thức bậc cao, nhưng kiến thức triết học và luật pháp so với ông Tường chỉ đáng học trò. Thế thì làm sao thuyết phục được. Trường hợp này không thể vận dụng câu “Ba thợ da hơn ông Gia Cát”. Không thể thuyết phục thì dọa dẫm và dụ dỗ. Cũng không xong. Không thể dọa dẫm hoặc dụ dỗ một trí thức chân chính, một triết gia quân tử, người không biết sợ, sẵn sàng chấp nhận tai họa để bảo vệ khí tiết và chính nghĩa.

Người ta lập kế hoạch rất chu đáo cho các cuộc đấu tố hoặc xét xử, lập ra trận địa liên hoàn, dùng kết hợp nhiều thủ đoạn để nếu không bắt được nạn nhân đầu hàng thì phải làm nhục và hạ gục. Nhưng rồi, bằng quyền uy và bạo lực họ đã hành hạ được nạn nhân, nhưng không hạ gục được, không làm nhục được, mà ngược lại họ bị vạch mặt đê hèn, chuốc lấy những lời phỉ nhổ.

Nội dung và hình thức của 3 cuộc đấu tố đã được LS Nguyễn Mạnh Tường trình bày khá chi tiết trong hồi ký, viết bằng tiếng Pháp “Un Excommunie”, được dịch ra tiếng Việt: Kẻ bị khai trừ, hay là Một người bị rút phép thông công (hiện có ở trên mạng)

Đối thoại. Đó là con đường ngắn nhất, có hiệu quả để tiếp cận chân lý. Ở VN hiện nay rất cần có đối thoại giữa lãnh đạo Đảng và Nhà nước với những trí thức phản biện, bất đồng chính kiến. Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo từng nói rằng cần đối thoại, không sợ đối thoại. Nhưng khi được đề nghị đối thoại thì ông lảng tránh. Vì sao vậy? Phải chăng ông và cả Bộ Chính trị rất sợ những sự thật sẽ được phơi bày tại một diễn đàn đối thoại. Những sự thật được cố tình che giấu, mặc dầu cũng đã bị vạch ra nhiều trên các trang mạng xã hội và trong dư luận rộng rãi.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn