Chế độ dân chủ mong manh

Dani Rodrik

Phạm Nguyên Trường dịch

Không bảo vệ được quyền của các nhóm thiểu số là hệ quả dễ hiểu của logic chính trị của quá trình hình thành chế độ dân chủ. Chế độ dân chủ tự do là hiện tượng tương đối hiếm, nhưng đấy không phải là điều cần giải thích mà cần giải thích vì sao nó vẫn tồn tại được.

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjtQ4q21-nVBZbuw5zBbASufszxi2In8l-7-QpSEA9E04YHD8EJPaRtrUIqOkfTMFM2kwnHyH2EaPKxOHJMW_tfaa1MSj5r7xZF5vTiTPg8c9OZNbQWQrGKHgGqkf3Gv32IfXlDUMCQ3E8/s640/13a89c9e1d76236a399b5b2630c03d3d.2-1-super.1.jpg

Trong tiểu thuyết Red Birds (Những con chim màu đỏ) của Mohammed Hanif có đoạn nói về một máy bay ném bom Mỹ rơi trong sa mạc Ả Rập và viên phi công bị kẹt lại cùng với dân chúng địa phương trong một trại tị nạn gần đó. Viên phi công nói với một chủ cửa hàng về những tên trộm: “Chính phủ của chúng tôi là thằng kẻ trộm lớn nhất”, anh ta giải thích: “Nó ăn cắp của cả người sống lẫn người chết”. Người bán hàng trả lời: “Lạy Chúa, chúng tôi không có vấn đề đó. Chính chúng tôi ăn cắp lẫn nhau”.

Chi tiết nhỏ này đúng là bản tóm tắt thông điệp chính của tác phẩm vừa được xuất bản của Daron Acemoglu và James Robinson: The Narrow Corridor: States, Societies, and the Fate of Liberty  (Hành lang hẹp: Các quốc gia, các xã hội và Số phận tự do). Luận đề của Acemoglu và Robinson là triển vọng của tự do và thịnh vượng nằm trong một khe hẹp giữa áp bức của nhà nước và tình trạng vô luật pháp và bạo lực mà xã hội thường tự gây ra cho mình. Cho nhà nước quá nhiều quyền lực đối với xã hội thì sẽ là chế độ chuyên chế. Để cho nhà nước yếu trước xã hội thì sẽ xảy ra tình trạng vô chính phủ.

Như nhan đề cuốn sách đã chứng tỏ, chỉ có “một hành lang hẹp” giữa hai dystopias (phản địa đàng, từ gốc Hi Lạp, dùng để chỉ các xã hội phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ - ND), một con đường rất nhỏ mà chỉ một ít quốc gia, chủ yếu là ở phương Tây công nghiệp hóa, đã tìm được. Hơn nữa, bước được lên con đường không chắc chắn là sẽ tiếp tục đi trên đó. Acemoglu và Robinson nhấn mạnh rằng trừ khi xã hội dân sự luôn luôn cảnh giác và có thể huy động lực lượng nhằm chống lại những kẻ có thể trở thành độc tài, khả năng quay lại chế độ độc tài luôn luôn hiện hữu.

Cuốn sách mới xuất bản của Acemoglu và Robinson, được xây dựng nền tảng trên tác phẩm Why Nations Fail (Tại sao các quốc gia thất bại) từng làm chấn động dư luận. Trong cuốn sách đó cũng như những bài viết khác, hai tác giả này đã định danh cái mà họ gọi là “các thiết chế dung hợp” (inclusive) của cộng đồng là động lực chính của tiến bộ kinh tế và chính trị. Các thiết này, ví dụ, quyền sở hữu tài sản được bảo đảm và chế độ pháp quyền, là dành cho tất cả (hoặc hầu hết) các công dân chứ không ưu tiên một nhóm nhỏ những kẻ ăn trên ngồi trốc trong xã hội.

Một nước luôn luôn làm cho luận điểm của Acemoglu-Robinson gặp rắc rối là Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm độc quyền về chính trị, tham nhũng tràn lan, và những người cạnh tranh với Đảng về kinh tế và các đối thủ chính trị của Đảng có thể dễ dàng bị đẩy ra khỏi các thiết chế dung hợp. Nhưng, không thể phủ nhận được rằng trong bốn thập kỷ qua Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa từng có và tốc độ xóa đói giảm nghèo ấn tượng nhất trong lịch sử thành văn.

Trong tác phẩm Tại sao các quốc gia thất bại, Acemoglu và Robinson khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ hết hơi nếu các thiết chế chính trị chiếm đoạt (extractive) không nhường chỗ cho các thiết chế dung hợp. Họ còn nhấn mạnh hơn nữa luận điểm này trong Hành lang hẹp. Họ mô tả Trung Quốc là đất nước mà nhà nước đầy sức mạnh đã thống trị xã hội trong gần hai trăm năm qua. Họ khẳng định rằng vì Trung Quốc đã đi quá lâu bên ngoài hành lang, khó  có khả năng là Trung Quốc có thể trở lại hành lang một cách suôn sẻ. Cả cải cách chính trị lẫn tăng trưởng kinh tế nhanh chóng dường như không có khả năng xảy ra.

Một quốc gia rộng lớn khác mà giờ đây dường như không thoải mái với luận đề độc đáo của Acemoglu-Robinson, đấy là nước Mĩ. Khi Tại sao các quốc gia thất bại được chấp bút, nhiều người vẫn coi Mỹ là ví dụ điển hình của các thiết chế dung hợp - đất nước trở nên giàu có và dân chủ nhờ quá trình xây dựng các quyền sở hữu và chế độ pháp quyền. Hiện nay, phân phối thu nhập ở Mĩ cũng chênh lệch như trong bất kỳ chế độ tài phiệt nào khác. Và các thiết chế chính trị đại diện của đất nước, bị một kẻ mị dân tấn công, dường như là rất dễ đổ vỡ.

Hành lang hẹp dường như được viết một phần là để trình bày về sự mong manh của các chế độ dân chủ tự do. Các tác giả sáng tạo ra thuật ngữ “Hiệu ứng Nữ hoàng Đỏ” để thể hiện cuộc đấu tranh liên tục nhằm bảo vệ các thiết chế chính trị cởi mở. Tương tự như nhân vật trong tác phẩm của Lewis Carroll, xã hội dân sự phải vận động nhanh hơn bao giờ hết thì mới theo kịp được các nhà lãnh đạo độc đoán và kiềm chế khuynh hướng chuyên chế của họ.

Đến lượt mình, khả năng của xã hội dân sự trong việc tự bảo vệ trước Leviathan (Leviathan – Thủy quái, thuật ngữ được Thomas Hobbes dùng để chỉ chính thể quân chủ tuyệt đối – ND), có thể phụ thuộc vào các nhóm xã hội và sự tiến hóa của chúng. Dân chủ thường xuất hiện từ sự vươn lên của các nhóm có đông người tham gia có thể thách thức sức mạnh của giới ăn trên ngồi trốc hoặc do giới ăn trên ngồi trốc chia thành nhiều phe phái. Trong thế kỉ XIX và XX, công nghiệp hóa, hai cuộc Thế chiến và phi thực dân hóa đã dẫn kết quả là các nhóm như thế được huy động. Giới cầm quyền chấp nhận một số đòi hỏi của phe chống đối làm cho quyền bầu cử được mở rộng (thường là) cho tất cả nam giới mà không cần bằng cấp hoặc tài tài sản. Đến lượt mình, các nhóm mới được trao quyền bầu cử chấp nhận giới hạn về khả năng chiếm đoạt tài sản của những người đang nắm giữ khối tài sản đó. Tóm lại, quyền bầu được đổi bằng quyền sở hữu tài sản.

Nhưng, như tôi đã thảo luận trong công trình viết chung với Sharun Mukand, (cuốn The Political Economy of Liberal Democracy – ND) chế độ dân chủ tự do đòi hỏi nhiều hơn thế: Các quyền nhằm bảo vệ các nhóm thiểu số (chúng ta có thể gọi là các quyền dân sự). Đặc điểm mang tính quyết định của dàn xếp chính trị tạo ra chế độ dân chủ là nó loại bỏ những người thụ hưởng các quyền dân sự quan trọng nhất – các nhóm thiểu số - ra khỏi bàn đàm phán. Những nhóm thiểu số này vừa không có nguồn lực (bằng giới ăn trên ngồi trốc) vừa không đông (bằng nhóm đa số) chống lưng cho mình. Do đó, các dàn xếp chính trị ủng hộ cho hình thức dân chủ nghèo nàn - có thể gọi là dân chủ bầu cử - chứ không phải là dân chủ tự do.

Đây là lí do vì sao dân chủ tự do là của hiếm như vậy. Không bảo vệ được quyền của các nhóm thiểu số là hệ quả dễ hiểu của logic chính trị của quá trình hình thành chế độ dân chủ. Chế độ dân chủ tự do là hiện tượng tương đối hiếm, nhưng đấy không phải là điều cần giải thích mà cần giải thích vì sao nó vẫn tồn tại được. Cái làm chúng ta ngạc nhiên không phải là ít chế độ dân chủ là dân chủ tự do, mà là chế độ dân chủ tự do đang tồn tại ở đâu đó. Vào giai đoạn khi mà chế độ dân chủ tự do dường như đang bị đe dọa nặng nề - ngay cả ở những khu vực mà dường như nó đã ăn sâu bén rễ vĩnh viễn - đây không chắc đã là kết luận đủ sức an ủi lòng người. Nhưng nói đến sự mong manh của chế độ dân chủ tự do có lẽ sẽ giúp chúng ta tránh được tình trạng buông xuôi vì coi đó là chuyện hiển nhiên.

Dani Rodrik, là Giáo sư về Kinh tế Chính trị học Quốc tế ở John F. Kennedy School of Government thuộc Harvard University, tác giả cuốn Straight Talk on Trade: Ideas for a Sane World Economy.

P.N.T.

Bản gốc: project-syndicate

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn