Lãnh Tụ Tối Cao

Tiêu Dao Bảo Cự

Dẫn nhập:

Bài viết sau đây là một chương trong tiểu thuyết đầu tay “Trên đỉnh thanh xuân” của tôi viết từ năm 1967 khi vừa tốt nghiệp đại học nhưng mãi đến gần đây (2012) mới được công bố, do Nhà xuất bản Trẻ và Đại học Duy Tân phối hợp xuất bản trong tủ sách “Đáp lời sông núi”, với bút hiệu cũ thời sinh viên là Vũ Hoài. Cuốn sách viết về tình bạn, tình yêu, lý tưởng, suy tư và dấn thân của một thế hệ sinh viên trong giai đoạn lịch sử nhiều biến cố ở Miền Nam từ 1963-1967 tại thành phố Huế. Đây là những năm tháng sôi động, bi tráng và đẹp nhất trong đời mà người viết đã “sống đến gần đứt sự sống”.

Chương “LÃNH TỤ TỐI CAO” sau đây (từ trang 187 của cuốn sách “Trên đỉnh thanh xuân”) viết về cuộc tiếp xúc với Thượng tọa Trí Quang lúc đó là người lãnh đạo tinh thần và thực chất của phong trào tranh đấu Miền Trung năm 1966. Trong biến động này, tôi tham gia với tư cách là Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Đại  học Sư phạm, Phó Chủ tịch Hội đồng Sinh viên Liên khoa Đại học Huế, thay thế vai trò của Tổng hội Sinh viên nhiệm kỳ trước không được tổ chức bầu cử lại. Hội đồng này  khi tham gia tranh đấu đổi tên là Hội đồng Sinh viên Liên khoa Tranh thủ Cách mạng Đại học Huế. Trong cao trào tranh đấu, Huế hình thành nhiều tổ chức, bao trùm là Lực lượng Nhân dân Tranh thủ Cách mạng, bên dưới có nhiều tổ chức tập hợp quần chúng theo ngành nghề như Lực lượng Giáo chức, Lực lượng Tiểu thương, Lực lượng Xích lô..., tất cả đều chịu sư chi phối của Phật giáo. Riêng Hội đồng Sinh viên ít chịu chi phối nhất, một phần vì tinh thần tự trị đại học của sinh viên, phần khác do hai nhân vật chủ chốt của Hội đồng Sinh viên là anh Nguyễn Hữu Giao (đại diện Luật khoa) làm Chủ tịch và tôi (đại diện Sư phạm) làm Phó chủ tịch, không phải là Phật tử và có xu hướng hoạt động độc lập (vào thời điểm này cũng hoàn toàn không có quan hệ gì với cộng sản).

Sau khi có sự việc một toán lính Mỹ xé băng rôn “Yankee go home” treo trên tường trường đại học, Hội đồng Sinh viên ra một tuyên cáo đọc trên Đài phát thanh yêu cầu các lính Mỹ này trong vòng 24 giờ phải đến công khai xin lỗi, nếu không Hội đồng Sinh viên sẽ không bảo đảm tính mạng cho người Mỹ. Do tuyên cáo có tính chất gay cấn này, cùng với một số hoạt động khác của Hội đồng Sinh viên không chịu sự chi phối của Phật giáo, Thượng tọa Trí Quang đã có quyết định mời anh Nguyễn Hữu Giao và tôi đến chùa Từ Đàm để trao đổi riêng. Người trực tiếp chuyển lời mời là anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, thuộc Lực lượng Giáo chức và là người thân cận của Phật giáo.

Ngoài những chi tiết phụ mang tính hư cấu cho phù hợp với tính chất tiểu thuyết (như Lãnh tụ tối cao ám chỉ Thượng tọa Trí Quang và tên các nhân vật), nội dung cuộc tiếp xúc được ghi lại khá trung thực, phản ánh rõ tư tưởng của Thượng tọa Trí Quang lúc bấy giờ và suy nghĩ, tâm trạng của các nhân vật khác. Vào thời điểm này tôi 21 tuổi, học năm thứ ba Đại học Sư phạm.

Tôi gởi đăng phổ biến đoạn văn này như một tư liệu tham khảo cho những người quan tâm, với nhận định hoàn toàn chủ quan, qua mắt nhìn của một sinh viên tranh đấu 21 tuổi ở chính thời điểm đó, không nhằm mục đích phê phán hay ngợi ca, về một nhân vật đã đi vào lịch sử và gây ra những nhận thức trái chiều.

Tiêu Dao Bảo Cự

Mấy con dốc cao lấp lánh ánh mặt trời. Hai đường sắt xe lửa băng ngang. Rẽ qua bên phải. Xuống một con dốc nữa. Hai người dừng xe đạp trước cổng một ngôi chùa khuất trong hàng cây im vắng. Dựng xe vào một thân cây lớn, hai người đi lên tầng cấp cao làm bằng đá ong cũ kỹ rêu mốc. Chùa dựng sâu trong xa. Hai người đi qua một khoảng sân rộng rợp bóng cây. Không ai nói gì. Tiếng gió thì thầm trên cao. Hoài thốt nhiên cảm thấy một cảm giác lạ lùng thấm vào cơ thể. Ngôi chùa bỗng mang một vẻ huyền bí cô tịch. Thời gian cũng như lùi lại rất xa trong quá khứ và hai người là những kẻ đang tìm đến ra mắt một hiền sĩ ẩn dật.

Ý nghĩ đó làm Hoài mỉm cười khi nhớ lại mục đích của chuyến đi này và không khí chính trị hiện tại. Anh thấy mình quả thật lãng mạn và trí tưởng tượng luôn có thể đẩy anh đi thật xa trong nhiều trường hợp. Thứ tưởng tượng này đôi khi là một thứ cánh gió phiêu lưu đưa anh bay qua nhiều không gian, nhiều thời gian, nhiều cảnh ngộ, nhiều thành công huy hoàng hay những địa ngục thê thảm. Tưởng tượng thường làm anh mất ngủ. Khởi đầu bằng một ý nghĩ, ý nghĩ này dẫn ý nghĩ khác đến. Rồi chúng nối nhau xuất  hiện không sao kìm hãm được. Đầu óc bị lôi cuốn vào dòng tư tưởng chảy băng băng. Một giờ, hai giờ, ba giờ sáng, anh vẫn không thể làm cho mình thôi suy nghĩ cho đến khi ý nghĩ cạn nguồn hay vì mệt mỏi quá mới có thể thiếp đi được. Nhưng bây giờ không phải là lúc thả lỏng cho trí tưởng tượng. Anh đến đây để gặp Lãnh Tụ Tối Cao của phong trào tranh đấu.

Từ mấy năm nay, Lãnh Tụ Tối Cao đã nổi tiếng là một nhà lãnh đạo có tài chính trị và dẫn dụ quần chúng. Ông đã tạo ra nhiều biến động liên tiếp, lật đổ nhiều chính phủ và trở thành một lãnh tụ chính trị được nhiều người ngưỡng mộ. Tên ông quen thuộc với đa số quần chúng. Người ta nhắc đến tên ông với bao kính mến ngưỡng phục. Ông còn nổi tiếng vì lòng ái quốc và tinh thần dân tộc. Ông luôn đi guốc, không nói ngoại ngữ dù ông rất giỏi, thích đi bộ hơn đi xe. Người ta truyền tụng rất nhiều chi tiết chung quanh con người ông đến nỗi đôi lúc ông trở nên như một huyền thoại.

Từ lâu Hoài vốn ngưỡng mộ ông. Trong tâm trạng khát khao tham dự vào lịch sử, anh thấy nhân dáng ông thật lớn lao và sáng rỡ như một mặt trời. Anh vẫn quan niệm không ai được đứng ngoài lịch sử vì cớ này hay cớ khác. Tôn giáo thuần túy, học đường thuần túy là những quan niệm hẹp hòi, xuẩn ngốc và hèn nhát. Với  hoàn cảnh Việt Nam hiện tại, tất cả mọi người đều có bổn phận tham dự vào những hoạt động chính trị để cứu lấy đất nước và chính mình. Nếu cần, học đường sẽ được võ trang, nhà thờ, chùa chiền trở thành những cơ sở hoạt động bí mật, tu sĩ phải làm gián điệp. Khi tình thế đòi hỏi, phải vận dụng tất cả mọi phương tiện để phục vụ. Không ai được quyền vô trách nhiệm. Không ai được quyền lẩn trốn. Anh mơ ước một Việt Nam hùng cường trong đó tất cả mọi người đều nỗ lực đóng góp và xây dựng. Sống là làm một nhịp đi chung với kẻ khác. Nhịp đi này tùy thuộc vào tất cả mọi người để trở thành một thế bền vững. Khi tất cả đều mong ước đổi thay số phận, thanh bình và đi lên thì không ai được quyền phó thác sự nỗ lực của mình cho người khác.

Đi hết khoảng sân rộng, hai người bước lên bậc tam cấp nhỏ, một cụ già từ đằng sau đi ra chắp tay chào. Anh bạn Chủ tịch lên tiếng:

- Chào cụ. Ông chủ có mời chúng tôi đến đây nói chuyện. Nhờ cụ vào nói lại có hai sinh viên đến.

Cụ già đáp:

- Hai anh chịu phiền đợi đây một chút để tui vô bẩm lại.

Cụ già quay gót đi vào trong, một lúc sau trở ra cung kính mời hai anh vào. Hai anh theo cụ già băng qua một phòng để sách và một hành lang nhỏ bên cạnh chánh điện đóng cửa, đến tận căn phòng cuối cùng phía bên kia. Trong phòng một số người lố nhố đang đứng dậy, hình như vừa họp xong.  Khi thấy hai anh cúi đầu chào ở cửa, họ chào lại và lần lượt đi ra luôn. Một người đứng nán lại nói gì với chủ nhân từ trên tấm phản gỗ mới bước xuống, nhưng chủ nhân không trả lời và khoát tay bảo đi ra. Một người khác, người đã đến trụ sở Hội đồng Sinh viên mời hai anh đến gặp lãnh tụ, tiến đến bắt tay hai anh và giới thiệu với chủ nhân:

- Thưa, đây là hai anh trong Ban Thường vụ Hội đồng Sinh viên.

Chủ nhân chỉ hơi gật đầu mỉm cười, mời hai anh đến ngồi ở ghế và mở đầu một cách đột ngột:

- Tôi nghe nói đến các anh luôn. Các anh hoạt động tích cực lắm. Tuổi của các anh bao giờ cũng cần phải làm việc một cách nhiệt thành như thế để sau này khỏi phải hối tiếc. Tuy nhiên đôi khi cũng cần thận trọng và suy tính nhiều để khỏi hư việc.

Hoài ngồi xuống ghế đối diện với lãnh tụ.  Đây là lần đầu tiên anh nhìn rõ mặt ông. Từ trước anh chỉ thấy thoáng ông từ đằng xa hay lẫn trong đám đông một vài lần.

Lãnh tụ có mắt sáng và sâu. Thứ ánh sáng dũng mãnh và trầm hùng của tư tưởng phát ra từ hai hốc mắt không nhìn rõ con ngươi. Ánh sáng thoát ra từ mắt ngăn cản tia nhìn của người đối diện, như một vũ khí chận vũ khí của đối phương lại để giao tranh. Hai xương hốc mắt  nhô ra thành một bờ cao. Lông mày rậm phủ một hàng xanh đen vững chắc. Cao hơn nữa là vầng trán vuông hơi nhô ra như một thách đố và đương đầu. Vầng trán không cao rộng để biểu lộ thông minh nhưng che dấu những trầm tư sâu sắc mãnh liệt. Toàn thể khuôn mặt toát ra một vẻ dữ dội, cái dữ dội làm người khác vừa sợ hãi vừa yên lòng.

Lãnh tụ chợt cất cao giọng làm Hoài bừng tỉnh:

- Các anh đã đóng góp nhiều vào phong trào của quần chúng. Các anh đã làm việc một cách hăng say và hữu hiệu nhất là đằng khác. Vì các anh là sinh viên, là trí thức. Các anh sáng suốt và làm việc có tổ chức, phương pháp. Hơn nữa, hoạt động nào cũng đòi hỏi sự thống nhất mà các anh vốn hoạt động với nhau trong tình huynh đệ. Các anh là bạn bè nhau cả. Nhưng điều quan trọng nhất là tuổi trẻ của các anh. Tuổi trẻ bao giờ cũng nhiệt thành và trong sạch. Tuổi trẻ chứa sức lực phong phú và lòng can đảm vô biên để có thể dấn thân không sợ hãi. Đó là điều căn bản nhất. Đại cuộc đòi hỏi nhiều hi sinh và người ta chỉ có thể hi sinh khi không biết sợ hãi. Sự sợ hãi làm chùn bước và lúc đó bao nhiêu kế hoạch, mưu tính đều trở thành vô hiệu vì không có người thi hành. Sự nhiệt thành cũng đi đôi với lòng trong sạch. Các anh làm việc và hi sinh mà không nghĩ đến mình, không nghĩ đến quyền lợi mà mình sẽ đánh đổi. Các anh hơn người lớn ở điểm đó. Người lớn thực ra có tâm lý còn trẻ con hơn cả trẻ con nữa. Họ kể công. Con nít làm cho cha mẹ cái gì thì vòi vĩnh, kể lể và bắt đền bù. Người lớn cũng thế. Họ muốn phải được xã hội ưu đãi cho xứng  với công của họ. Họ đòi cho kỳ được, bằng đủ mọi cách, kể cả cách luồn cúi, nịnh hót hay phản bội hèn mạt. Các anh không thế. Xong việc rồi các anh vẫn ngày hai buổi cắp sách đến trường, vẫn đi bộ hay đi lọc cọc trên chiếc xe đạp không có gì thay đổi. Có phải như vậy không?

Hoài tránh tia mắt lãnh tụ và nhìn đôi môi vừa ngậm lại của ông. Đôi môi thâm viền rõ mím lại vẫn còn rung rinh như sắp phát ra lời nữa. Ông đã nói chậm rãi, từ tốn nhưng rõ rệt và cương quyết, đẩy vào tai người nghe từng lời, từng chữ. Môi ông mấp máy linh động biến chuyển theo ánh sáng của mắt thể hiện sự cương quyết và sâu sắc. Có cái gì cương nghị và dũng mãnh làm thành một sức mạnh vừa dẫn dụ vừa lôi cuốn.

Lãnh tụ nhìn hai người đối diện, im lặng một chút để hỏi nhưng không đợi trả lời. Ông tiếp tục như nói với chính mình:

- Trong giai đoạn này tôi chủ trương bất bạo động. Tôi không muốn thấy máu đổ. Trong quá khứ tôi đã chứng kiến nhiều và đến bây giờ tôi vẫn còn sợ hãi. Tôi không có quyền thấy máu nữa. Máu là sinh mạng và giá trị của con người, đổ ra là mất hết và thù hận sẽ lan tràn thành biển. Đường lối của tôi là chịu đựng và kiên nhẫn. Tôi cho đó là đường lối tốt nhất. Chiến đấu mà không cần phải đổ máu, hay nếu cần chỉ đổ máu chính mình chứ không làm đổ máu kẻ thù. Làm vậy là thua thiệt nhưng thành công. Trong cuộc chiến đấu, không có kẻ thắng người bại mà chỉ có người mất nhiều, kẻ mất ít và hận thù sinh trưởng. Bên nào thắng vẫn còn đối thủ để e ngại và đề phòng. Tôi quan niệm chiến đấu không phải là đánh nhau. Đánh nhau là xung đột và thanh toán không có kết thúc. Chiến đấu chỉ là một cách đòi hỏi và thể hiện khát vọng của mình. Muốn chiến đấu như thế phải chịu đựng và thể hiện ý chí mình một cách trầm tĩnh và lâu dài. Trong cuộc chiến đấu hiện tại, chúng ta đòi hỏi dân chủ và tự do vì chúng ta làm dân và làm người. Chúng ta không thể làm con vật bị nô lệ và áp bức. Chúng ta phải đứng dậy đòi quyền sống của chúng ta. Chúng ta nói lớn khát vọng của mình và chờ đợi. Người ta có thể dùng vũ lực để dập tắt tiếng nói của chúng ta không? Nếu quả thật tiếng nói này là âm thanh khẩn thiết và hòa hợp của tất cả quần chúng, thì một người chúng ta bị bắn chết, hai người có thể tan xác, năm người, mười người có thể gục ngã,  nhưng tiếng nói của chúng ta không thể tắt vì họ không thể giết chết tất cả chúng ta. Chúng ta còn là chúng ta thành công. Tôi mong ước các anh hiểu rõ chủ trương của tôi và giải thích cho đồng bào để chúng ta có thể đi đến cùng cuộc chiến đấu này.

Anh bạn Chủ tịch liếc nhìn Hoài nhiều lần trong khi Lãnh tụ nói và khi ông ngừng lời, anh ngẩng lên:

- Nhưng thưa ông, tôi cho rằng...

Lãnh tụ vội đưa tay ngăn:

- Tôi hiểu anh muốn nói gì. Anh nghi ngờ giá trị của chủ trương bất bạo động trong giai đoạn hiện tại. Nhưng anh sẽ chứng nghiệm được nó khi anh tự mình thi hành. Đó là sức mạnh của tinh thần, không phải sức mạnh của vũ khí, vật chất. Vũ khí có thể bị đàn áp trong một lúc nhưng tinh thần thì trường tồn bền vững. Thực ra vấn đề bây giờ chứa đựng nhiều phức tạp và chúng ta phải chờ đợi một cách khôn ngoan. Tôi nói để các anh hiểu rõ hơn. Ngay từ khi phát khởi cuộc tranh đấu, tôi đã liên kết với Tướng X để sửa soạn một cuộc đảo chánh bằng quân sự. Gần đây, tôi nhận thấy rằng uy tín và thế lực của Tướng X chưa đủ để đảo chánh. Ông ta chỉ có một số sĩ quan thân cận ủng hộ nhưng không có sự ủng hộ rộng lớn của toàn thể binh sĩ và nhất là không lôi kéo được các tướng lãnh khác. Đó là điều khá nguy hiểm nếu không sớm nhận ra. Do đó tôi định biến cuộc đảo chánh bằng quân sự thành một áp lực chính trị rộng lớn và lâu dài để làm cho Chính quyền Trung ương nao núng. Lúc đó, ta có thể giải quyết vấn đề một cách ôn hòa hơn.

Hai người ngồi đối diện với lãnh tụ đưa mắt nhìn nhau. Hoài định lên tiếng nhưng Lãnh tụ đã cười nhẹ nói tiếp:

- Tôi có một ý nghĩ thật trẻ con nhưng tôi sẽ thực hiện. Từ trước người ta vẫn bảo cuộc tranh đấu nào cũng phát khởi ở đây và kết thúc ở thủ đô. Đây là nhân và thủ đô là quả. Ở đây không có khả năng để kết thúc. Chỉ có thủ đô mới làm được thôi. Bây giờ thì khác. Phong trào này khởi phát ở đây mà cũng kết thúc ở đây mà không cần đến thủ đô. Rồi các anh sẽ thấy. Tuy ý nghĩ đó có vẻ trẻ con nhưng có lý do riêng của nó và tôi sẽ thực hiện được.

Lãnh tụ ngừng lại để mời hai người uống nước do cụ già vừa bưng lên. Anh bạn chủ tịch cầm tách lên nhấp một ngụm và để xuống hỏi:

- Thưa ông, thái độ của ông đối với người Mỹ bây giờ như thế nào?

- Chúng ta hãy để người Mỹ yên ở đó đã. Không nên có bất cứ một hành động vội vàng thiếu suy xét nào. Dĩ nhiên mọi người đều đồng ý người Mỹ không tốt đẹp gì. Họ thiếu thiện chí và thiếu thành thật đối với chúng ta. Càng ngày họ càng đi những bước ghê gớm, chà đạp lên số phận người Việt. Chúng ta đau lòng vì sự tàn nhẫn của họ. Tuy nhiên người Mỹ không khờ dại và dốt về chính trị như nhiều người nghĩ đâu. Họ làm chúng ta phải bám vào họ như một con khỉ đeo trên lưng ngựa đang phi nước đại. Buông tay ra là chết. Họ làm chúng ta gãy đổ, phân hóa, kiệt sức để dễ bề chế ngự. Chống lại họ, chúng ta phải đi từ từ. Khi chưa lấy lại sức, chúng ta đừng vội tuyên chiến. Những bài chúng ta cảnh cáo họ trên đài phát thanh về chính sách của họ cốt cho họ hiểu rõ hơn về trình độ nhận thức của chúng ta. Họ sẽ chùn tay trước những điều chúng ta tố giác. Chúng ta sẽ tăng mức độ từ từ. Biện pháp bất hợp tác với người Mỹ trong vòng 24 giờ vừa rồi chắc chắn sẽ làm họ suy nghĩ. Rồi chúng ta sẽ có những biện pháp khác, nhưng bây giờ hãy để họ yên.

Hoài bỗng có cảm giác khó chịu, anh nói đột ngột:

- Hòa hoãn với người Mỹ là điều vô ích. Nếu không có biện pháp quyết liệt họ sẽ không bao giờ thèm đếm xỉa đến nguyện vọng của chúng ta cả. Hơn nữa...

Lãnh tụ trừng mắt:

- Không phải hòa hoãn là chịu thua họ. Nhưng làm việc gì cũng phải có kế hoạch hẳn hoi. Trong lúc này không nên tạo thêm nhiều đối thủ. Phải đối phó với Chính quyền Trung ương trước đã. Nên thanh toán từng đối thủ một, chứ không nên chiến đấu với nhiều kẻ thù một lúc.

Ngừng một lát, Lãnh tụ dịu giọng:

- Dù sao đi nữa, bây giờ là lúc chúng ta cần bình tĩnh và khôn ngoan. Con đường chúng ta đi quá nhiều chông gai nhưng chúng ta không nản lòng. Bây giờ sắp đến chặng đường cuối, chúng ta phải thận trọng hết sức, lỡ một chút là tiêu tan tất cả những gì đã tạo dựng được. Các anh cứ tin cậy ở tôi. Tôi sẽ không lầm lạc đâu vì tôi lầm lạc thì đại cuộc sẽ hỏng và bao nhiêu người sẽ đau khổ, tù đày. Tôi không có quyền lầm lạc. Các anh cứ tin tôi đi.

Lãnh tụ nâng tách nước lên uống và đứng dậy:

- Thôi chúng ta nói chuyện như thế này tạm đủ rồi. Sẽ còn nhiều dịp khác gặp nhau nữa. Tôi mong các anh hoạt động tích cực và đi đúng đường lối của phong trào. Trong lúc này chúng ta cần thống nhất hơn bao giờ hết. Chúng ta cùng phục vụ cho lý tưởng chung của quần chúng, không có lý do gì để chúng ta chia rẽ nhau cả. Thôi các anh về.

Lãnh tụ tiễn hai người ra cửa. Họ lặng lẽ chào ra về. Khoảng sân đầy bóng cây trước chùa lặng im, nắng chiều rất nhạt lung linh trong cành lá. Bước chân hai người chợt chĩu nặng âm thầm. Họ không nói gì. Họ không nhìn nhau. Mỗi người cúi đầu nhìn mũi giày đưa lên hạ xuống. Mãi cho đến lúc tới chỗ lấy xe đạp, anh bạn Chủ tịch nhìn vào mắt Hoài một lúc lâu rồi cất giọng buồn rầu:

- Ông ta độc tài quá. Ông gọi mình đến để ra lệnh chứ không phải để nói chuyện. Mình có nói được tiếng nào đâu. Ông ta diễn thuyết một mình và không cho ai xen vào để hỏi, trả lời hay bày tỏ ý kiến gì cả. Mình có vị trí của mình chứ đâu phải ai muốn sai bảo gì cũng được. Tôi chán nhất lối nói chuyện đó. Tụi mình đâu phải là loại người ai bảo  gì cũng làm như một cái máy. Mình là đại diện cho sinh viên mà. Trong tương lai mình chắc sẽ gặp nhiều rắc rối và khó hoạt động hữu hiệu được. Tình thế này nản thật.

Hoài không nói gì. Anh lặng lẽ đạp xe lên dốc. Đến một ngã ba, hai người chia tay nhau sau khi hẹn giờ gặp nhau ngày mai. Hoài đạp xe chầm chậm đến công viên gần bờ sông. Anh tựa xe đạp vào một gốc cây và ngồi xuống bãi cỏ. Lòng anh hoang mang. Mặt nước phía trước lấp loáng ánh sáng. Ý tưởng trong đầu anh rõ dần. Buổi nói chuyện vừa rồi chứng tỏ Lãnh Tụ Tối Cao quả thật độc tài. Độc tài có cần thiết không? Nếu độc tài sai lầm, hậu quả bi thảm sẽ không lường được. Lãnh tụ có quả thực sáng suốt hoàn toàn như ông tin tưởng? Hoàn cảnh hiện tại không cho Hoài tin như thế. Anh không đồng ý nhiều điểm trong chủ trương của Lãnh Tụ. Hiện tình đang bế tắc, chưa tìm được lối thoát. Ngày mai sẽ ra sao? Ít ra anh phải được bày tỏ những cảm nghĩ. Sự đóng góp nào cũng cần thiết trong lúc này. Lãnh Tụ đã cự tuyệt mọi sáng kiến chỉ vì ông tin mình đúng khi chưa chịu nghe người khác. Vấn đề đã quá rõ ràng và anh thừa sáng suốt để nhận định. Tại sao Lãnh Tụ có thể nghĩ như thế được? Vì những hậu ý nào, những khó khăn nào không thể nói ra? Rồi sao? Các anh, những người trẻ sẽ đơn phương hành động. Mọi sự sẽ đi đến đâu? Tương lai bấp bênh nghiệt ngã.

Hoài nhắm mắt lại một lúc rồi mở choàng ra. Dòng sông trước mặt chợt biến hình. Dòng sông xanh êm mà anh đã đầm mình tắm mát một thời thơ ấu. Dòng sông tuyệt vời ru êm một thành phố hiền hòa không còn dáng vẻ cố hữu nữa. Mặt nước phẳng yên như nâng cao lên, im sững. Dòng nước chảy vô hình thể chìm sâu bên dưới quằn quại như một con rắn trườn mình. Dòng sông tách lànm hai phần. Và bề mặt lặng yên phủ lên chiều sâu cuồng phẫn, âm thầm.

TDBC

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn