SỐNG TRONG TÂM DỊCH THÀNH PHỐ VŨ HÁN ĐÓNG CỬA

Trích Nhật ký của nhà văn nữ Trung Quốc Phương Phương, sinh năm 1955.

Chuyển ngữ: dịch giả Lương Hiền

*

... Ngày 12 tháng 2-2020

Ngày thứ 21 thành phố đóng cửa.
Hơi hoang mang. Đã đóng cửa thành phố chừng đó ngày rồi kia à?
Chúng ta vẫn có thể cười đùa trong các group? Vẫn có thể trêu chọc nhau? Vẫn thảnh thơi bình bầu chọn món? Thật đáng nể.
Tôi nằm trên giường, mở điện thoại di động, thấy đồng nghiệp đăng status mới. Cô ấy khoe chạy được 3 km từ phòng bếp ra phòng khách. Nể quá! Vì nó hoàn toàn khác với cảm giác khi chúng ta vừa chạy vừa ngắm cảnh ven hồ. Tôi nghĩ, nếu là mình, chắc chắn sẽ chóng mặt quay cuồng mà ngất mất.
Hôm nay trời rất trong. Xế chiều có ló ra chút nắng, mùa đông bớt ảm đạm hơn.
Lệnh phong tỏa đến từng tiểu khu từ hôm qua. Không ai được ra ngoài. Lệnh phong tỏa này nhằm mục đích cách ly nghiêm ngặt hơn. Bao ngày trôi qua, chứng kiến bao bi kịch, mọi người đều hiểu, và vì thế, đều chấp nhận.
Ai cũng cần ăn cơm, nên cứ cách dăm ba ngày, mỗi hộ được phép cử một người ra ngoài mua thức ăn cho cả nhà trong ít ngày. Vậy nên, mấy bữa nay, người Vũ Hán đều đổ ra đường, chia nhau đi các ngả mua sắm và tích trữ lương thực.
Hôm nay, đồng nghiệp cắt cử ông xã làm “thiên sứ”, ra ngoài mua đồ ăn cho gia đình cô ấy, nhân tiện cũng mua giúp tôi và gia đình Sở Phong mỗi nhà một túi lương thực. Anh ấy còn nhiệt tình ship đến tận cửa. Tôi thuộc nhóm dễ lây nhiễm, Sở Phong thì đau lưng, khó đi lại. Vì thế chúng tôi trở thành đối tượng được chăm sóc.
Trong túi lương thực có đủ thịt, trứng, cánh gà, rau và hoa quả. Trước thời điểm đóng cửa thành phố, nhà tôi chưa bao giờ nhiều đồ ăn đến thế. Tôi vốn ăn ít, chừng này đủ cho tôi dùng trong 3 tháng.
Anh cả của tôi bảo, khu nhà anh ấy sống, người ta chỉ mở một cổng ra vào. Cách ba ngày mỗi hộ được cử một người ra ngoài. Còn ở khu nhà anh út tôi, có một anh chàng shipper, chuyên nhận đơn và đi mua đồ ăn cho các hộ gia đình. Anh út có order anh chàng shipper mua một túi lớn rau cỏ, trứng gà, gia vị, nước khử trùng, và mỳ tôm. Nhờ thế, gia đình anh có thể ở yên trong nhà dăm bảy ngày nữa. Khu nhà anh út nằm đối diện Bệnh viện Trung tâm (thành phố Vũ Hán), là tiểu khu mà mấy hôm trước bị liệt vào khu vực nguy hiểm nhất. Anh tôi bảo: “Chúng ta phải cố gắng và kiên trì, mong là cuối tháng Hai sẽ có chuyển biến tốt”.
Vâng, có lẽ tất cả mọi người đều nguyện cầu như vậy.
Thời điểm gian khó, người thiện lương vẫn rất nhiều. Nhà văn Trương Mạn Lăng từ Vân Nam gửi cho tôi một đoạn clip, quay lại hành trình chị ấy về huyện Doanh Giang quyên góp cứu tế cho Hồ Bắc năm xưa, được gần trăm tấn khoai và gạo. Chị ấy bảo nơi đó là quê hương của “Lễ tế thanh xuân”. “Lễ tế thanh xuân” là bộ phim mà những người thuộc thế hệ tôi đều yêu thích. Vì đó là cuốn nhật ký tuổi thanh xuân của chúng tôi. Tôi tới Vân Nam nhiều lần, nhưng chưa từng ghé Doanh Giang. Giờ thì tôi không thể quên địa danh này.
Tôi vừa ăn cơm vừa lướt mạng. Đa số vẫn là những tin tức cũ. Tin giật gân thì tất nhiên vẫn rất nhiều. Bạn bè nhiệt tình post, share, tô hồng, bôi đen, giăng mắc đủ cả. Điện thoại hết cả dung lượng, tôi đành học theo các đồng chí cảnh sát mạng, delete như vũ bão.
Rất ít tin tức mới. “Tình hình dịch bệnh đã có chuyển biến tích cực. Con virus bất trị có vẻ như đã bắt đầu mệt mỏi. Mặc dù, số ca tử vong không ngừng tăng, nhưng chúng ta sẽ sớm được thấy ánh sáng cuối đường hầm…”.
Vậy nhưng, tôi lại thấy bất an.
Tiếng còi cấp cứu đã thưa hơn, nhưng người Vũ Hán cũng đã thôi hài hước.
Điều này cho tôi hai cảm nhận:
Một là, mọi thứ đã có trật tự hơn, công tác kiểm soát dịch bệnh đã đi vào quỹ đạo. Chỉ cần gọi cấp cứu là có người chịu đến giúp bạn. Và hai là, người Vũ Hán, dường như đã trở nên trầm tư hơn.
Ở chỗ chúng tôi, thâm tâm ai cũng đều chịu tổn thương. Sự thực này không thể quanh co chối cãi. Dù đó là nhóm người khỏe mạnh đã giam mình trong nhà hơn 20 ngày (gồm trẻ em), hay những người nhiễm bệnh vật lộn trên đường phố giữa trời mưa gió, hay những người còn sống, đăm đắm dõi theo những chiếc xe cà tàng chở từng bao tải đựng xác người thân của mình ra khỏi thành phố, hay những nhân viên y tế bất lực chứng kiến từng bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng.
Vân vân và vân vân.
Những thương tổn này, có lẽ sẽ còn ám ảnh chúng tôi trong nhiều năm tháng nữa.
Nếu ngày nào đó dịch bệnh kết thúc, tôi nghĩ Vũ Hán cần rất rất nhiều bác sỹ tâm lý. Nếu được, nên chia từng tốp bác sỹ theo từng tiểu khu, tiến hành điều trị tâm lý cho từng người dân. Chúng tôi cần giải tỏa, cần gào khóc, cần giãi bày, cần an ủi. Hô hào khẩu hiệu không làm vơi bớt nỗi đau của người Vũ Hán.
Tâm trạng của ngày hôm nay, chất chứa nhiều nỗi niềm, tôi đã cố nén nhưng quả thực không hề dễ chịu.
Nhiều thành phố đã cử cán bộ nhân viên đến hỗ trợ các Đài hóa thân ở Vũ Hán.
Nhóm tình nguyện giương cao cờ tổ quốc và biểu ngữ, chụp hình lưu niệm rầm rộ, rồi nhiệt thành đăng tải lên mạng xã hội. Họ đông lắm, nhìn mà lay động tâm can, nhưng cũng nổi cả da gà.
Cảm ơn họ đến cứu trợ chúng tôi, nhưng cũng xin thưa: Không phải việc gì cũng nên dong cờ đánh trống.
Xin đừng làm chúng tôi sợ.
Chính phủ yêu cầu cán bộ nhân viên của mình về hỗ trợ tuyến dưới là việc tốt. Và tôi cũng tin rất nhiều người trong số họ đã tận tâm tận lực. Nhưng bạn tôi có gửi cho tôi clip ghi lại hình ảnh những người đó, họ giương cao cờ tổ quốc, dàn hàng chụp hình lưu niệm, như thể, họ sắp đến một địa điểm du lịch, mà không phải đến làm việc tại một vùng dịch cực kỳ nghiêm trọng và nhiều khổ nạn.
Chụp hình xong, họ xé bỏ quần áo bảo hộ, vứt vào thùng rác ven đường.
Bạn tôi hỏi, họ làm gì vậy?
Sao tôi biết được.
Tôi nghĩ, có lẽ họ đã quen như vậy. Họ đã quen làm việc gì cũng phải theo nghi lễ, nghi thức, cao giọng biểu dương khen ngợi. Nếu xuống tuyến dưới công tác là việc làm thường xuyên, như hàng ngày họ xách cặp đến cơ quan, thì có cần phải giương cờ gióng trống như vậy không?
Tôi còn chưa viết xong đoạn trên đã lại nhận được một clip khác bạn bè gửi trong group. Càng xem càng thấy nhức nhối.
Ở một bệnh viện dã chiến nào đó, hình như có lãnh đạo đến thị sát. Mấy chục người đứng nghiêm trang, trong đó có cả quan chức, nhân viên y tế, và có lẽ cả người bệnh. Tất cả đều đeo khẩu trang, đứng quay mặt về phía giường bệnh mà bệnh nhân đã nằm kín chỗ, cao giọng hát bài “Không có ĐCS thì không có Trung Quốc đổi mới”.
Tuy ai cũng thuộc lời, nhưng có cần hát vang trong phòng bệnh không?
Họ có để tâm đến cảm giác của người bệnh không? Đây là bệnh truyền nhiễm kia mà? Bệnh này gây khó thở kia mà?
Vì sao đại dịch ở Hồ Bắc lại ngày càng nghiêm trọng như vậy?
Vì sao quan chức Hồ Bắc bị cư dân mạng phỉ báng như vậy?
Vì sao các biện pháp của Hồ Bắc lại liên tục mắc sai lầm như vậy?
Sai lầm nối tiếp sai lầm, khiến nhân dân khổ chồng thêm khổ. Đến lúc này mà chưa vị nào chịu tỉnh ngộ ư? Chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, nhân dân vẫn đang chịu khổ, bao người phải giam mình trong nhà, sao đã vội giương cờ, hát vang, ca tụng?
Tôi còn muốn nói thêm: Khi nào thì cán bộ viên chức bỏ những nghi lễ ra quân rầm rộ kia?
Khi nào thì họ thôi chụp ảnh lưu niệm?
Khi nào lãnh đạo đi thị sát không cần hát ngợi ca?
Khi nào không cần diễn kịch làm màu nữa?
Khi ấy, có lẽ chúng ta mới hiểu những điều cơ bản, mới biết thế nào là người thực việc thực.
Bằng không, nỗi khổ của quần chúng biết đến khi nào mới chấm dứt?…".

Hình ảnh quen thuộc góc phố Vũ Hán. Ảnh SCMP

Mẹ của BS Lý văn Lượng yêu cầu cảnh sát giải thích vì sao buộc con bà im lặng. Ảnh SCMP.

Một nhóm HS ở Vũ Hán yêu cầu chính quyền xin lỗi BS Lý. Ảnh SCMP.
*

Ngày 15/2/2020

...Tuyết đã rơi.
Đêm qua, gió giật sấm rền, nay trời đổ tuyết. Ở Vũ Hán, trận tuyết lớn thế này vào mùa đông cũng là hãn hữu.
Nghe nói, Bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn có vài phòng bệnh tốc mái, mới biết gió đêm qua dữ dằn nhường nào! Cầu mong bệnh nhân được chuyển chỗ an toàn, kiếp nạn nhỏ xảy đến giữa kiếp nạn lớn.
Hôm nay tâm trạng thật tệ. Mới tinh mơ đã nhận được tin, tài khoản weibo của người tên Hạng Lập Cương kết tội tôi viết bài tung tin thất thiệt. Người này post lên trang cá nhân bức hình một chiếc di động fake bán ngoài chợ đen có gắn bài viết của tôi, kèm tranh. Xưa nay mọi ghi chép của tôi đều chỉ thuần chữ viết, chưa bao giờ kèm tranh minh họa. Có người viết bình luận, nhắc nhở anh Cương về điều này, nhưng anh không thèm quan tâm.
Thật hiếm có! Thanh niên trai tráng, tài khoản VIP hơn triệu người theo dõi, nếu nói anh ta không có não, chắc khó ai tin.
Do Vũ Hán đang bị đóng cửa, tôi không thể ra khỏi nhà. Nhân khi tài khoản weibo của tôi bị an ninh mạng khóa lại. Nhân khi tôi không có cách gì lên tiếng, anh ta làm ra trò này, chắc cũng khổ công lắm.
Nếu thiện chí, sao không cắt hình lưu lại, chờ khi tôi được “giải phóng” cả ngoài đời thực lẫn trên cõi mạng mà tìm tôi tính sổ? Thế có phải đàng hoàng hơn không?
Tôi chỉ còn nước thanh minh trên ứng dụng wechat. Hôm nay, tôi đã nhờ bạn bè tìm giúp luật sư. Nhưng thành phố đã đóng cửa, gửi thư ủy quyền cho luật sư bằng cách gì được? Nhưng, cũng nhanh, luật sư chưa tìm đến, anh Cương đã vội vã xóa hết post liên quan.
Những người như anh Cương, tôi gặp đã nhiều, và thường không buồn bận tâm. Chỉ tiếc cho hơn 1 triệu người follow anh ta. Theo dõi một người như thế, có học được điều gì hay không? Một số fans của anh ta, chẳng cần biết thật giả phải trái, chửi mắng tôi thậm tệ cả trong bình luận lẫn inbox, như thể tôi có huyết hải thâm thù gì với họ. Mà đám người này, phần nhiều đều chưa từng đọc bài nhật ký nào của tôi.
Có anh tên Từ Hạo Đông, tự giới thiệu là nhà quay phim người Vũ Hán, inbox cho tôi rất dài, lời lẽ thô bỉ, còn dọa tìm đến tận nhà xử lý tôi.
Rốt cuộc điều gì, chuyện gì khiến họ có thể căm hận thấu xương, đến mức muốn xé xác một người chưa từng gặp mặt, không hề quen biết, cũng chẳng thấu hiểu như vậy?
Lẽ nào hồi bé họ không được dạy những điều “chân” và “thiện”, thay vào đó lại là “thù” và “hận”? Đám người này, có lẽ chính là đám “não tàn” mà mọi người thường nhắc đến.
Hôm nay tin xấu nối tiếp tin xấu. Cô y tá Liễu Phàm đi làm ngày mùng 2 Tết, không mặc đồ bảo hộ, không khẩu trang, đã bị lây nhiễm. Sau đó, cả bố mẹ và em trai cô đều vào viện. Bố mẹ cô sau đó đã qua đời, rồi hôm qua, cô cũng ra đi. Chỉ còn cậu em trai đang nguy kịch. Hồi chiều, bạn tôi là bác sỹ trong viện cho biết, em trai cô cũng vừa mất. Virus đã cướp đi mạng sống của cả một gia đình, không chừa một ai. Tôi rất đau lòng, lại nghĩ, mạng sống của họ bị cướp đi, chỉ bởi virus?
Đau lòng hơn nữa, hôm qua, cô bạn học ngồi cùng bàn hồi cấp ba của tôi cũng ra đi. Cô ít hơn tôi một tuổi, dịu dàng, nhu mì, rất xinh đẹp và khỏe mạnh. Năm xưa chúng tôi cùng trong đội văn nghệ của trường. Tôi chơi piano, cô gảy tì bà. Chúng tôi chơi thân suốt thời cấp ba. Trung tuần tháng Giêng năm nay, cô đi chợ mua thức ăn vài lần, không may nhiễm bệnh. Vất vả lắm mới nhập được viện, và nghe bảo cô hồi phục rất tốt. Vậy mà gia đình đột ngột thông báo, cô đã mất. Hôm nay, nhóm bạn cùng khóa ai nấy đều khóc thương cô. Nhóm bạn từng một thời hát vang ngợi ca “đất nước đẹp giầu”, nay đã phải bật lên tiếng uất: “Không xử bắn đám giòi bọ hại người, làm sao yên được lòng dân!”.
Hôm nay, tôi học thêm được từ mới “virus lưu manh”.
Các chuyên gia đều bảo con virus này rất lạ lùng, rất khôn lường, khó kiểm soát, nhiều người lây nhiễm mà không hề có triệu chứng. Sau khi điều trị các triệu chứng, bệnh tình thuyên giảm, bạn những tưởng thế là thoát, có thể sống khỏe rồi, thì nó, lúc này đang ẩn mình rất kỹ, đột ngột bùng phát gây tử vong. Nó quả rất lưu manh.
Nhưng không chỉ mình nó lưu manh.
Có những kẻ coi thường tính mạng con người, mặc kệ người dân sống chết; những kẻ mượn danh nghĩa quyên góp từ thiện để trục lợi, nhận được hàng cứu tế liền rao bán khắp nơi trên mạng; những kẻ cố tình phun nước bọt vào thang máy, vào tay nắm cửa nhà hàng xóm; những kẻ chặn đường ăn cướp các dụng cụ y tế của bệnh viện; và cả những kẻ tung tin đồn thất thiệt khắp nơi.
Chúng ta đều biết, con người còn tồn tại thì virus còn tồn tại. Trong đời sống xã hội cũng tương tự, nơi đâu có con người, thì nơi đó vẫn còn những “virus người” (bao gồm những kẻ não tàn). Ngày tháng yên ổn, cuộc sống êm đềm bình lặng, tính thiện và ác của con người được đậy điệm, che giấu, có khi cả đời không hiển lộ. Chỉ vào thời kỳ bất thường, như chiến tranh, thiên tai, tính thiện và ác của con người mới được dịp “hiển hiện”. Bạn sẽ thấy những điều không ngờ, không tưởng. Bạn kinh ngạc, đau đớn, thở than, rồi cũng sẽ thành quen. Vòng luân hồi ấy, cứ thế xoay vần.
Còn may, khi cái ác được dịp tung hoành, thì cái thiện cũng được cổ vũ, lan rộng. Thế nên chúng ta mới được chứng kiến những anh hùng, những tấm lòng vị tha không vị kỷ, những người mạnh mẽ không sợ hãi.
Nào, bây giờ sẽ là tình hình Vũ Hán hiện nay, điều mà mọi người quan tâm nhất.
Người bạn là bác sỹ của tôi bảo, trước ngày 20/02, Vũ Hán buộc phải có thêm 1 bệnh viện dã chiến với 1.000 giường, và hoàn thiện nguồn cung ứng cho 100.000 giường bệnh. Điều này có nghĩa, dự đoán 100.000 ca nhiễm bệnh của các chuyên gia lúc ban đầu là không sai.
Đối với những người nhiễm bệnh, Vũ Hán sẽ nỗ lực để có thể tiếp nhận 100%. Dù số lượng ca nhiễm gia tăng, nhưng tình hình hiện tại không tệ như dạo trước.
Các bác sỹ đã rút ra kinh nghiệm qua khám chữa lâm sàng:
1. Độc tính của virus hiện đã yếu đi rõ rệt.
2. Sau khi được chữa khỏi, không để lại di chứng, phổi không bị xơ hóa.
3. Những ca lây nhiễm thuộc thế hệ 3, 4 đa số đều là ca nhẹ, điều trị đơn giản hơn.
4. Người bệnh nặng vượt qua được giai đoạn suy hô hấp, cơ bản có thể điều trị khỏi.
Xét cho cùng, số người chết không giảm là bởi giai đoạn đầu không được điều trị kịp thời.
Khi tôi viết đến đây thì nhận được tin nhắn của anh cả: Giáo sư, viện sĩ Đoàn Chính Trừng của Đại học Khoa học và công nghệ Hoa Trung đã qua đời lúc 6 giờ 30 phút chiều nay. Đây là một mất mát vô cùng lớn lao của nhà trường.
Bác sỹ bạn tôi cũng nhờ tôi truyền đạt thêm: Hiện Vũ Hán chỉ có Bệnh viện Đồng Tế, Hiệp Hòa và Bệnh viện nhân dân tỉnh có thể tiếp nhận các ca bệnh ngoài Covid-19. Còn thì tất cả các bệnh viện còn lại đều được trưng dụng để chuyên trị viêm phổi Covid-19.
Để tiện cho người bệnh mua thuốc, 10 hiệu thuốc đã được mở, bệnh nhân có bảo hiểm y tế và hồ sơ bệnh án là mua được thuốc...
Lệnh đóng cửa hoàn toàn tiểu khu thứ 2 đã ban xuống.
Khu tôi ở cũng đã thành lập ban quản lý tự phát, các hộ tự bình bầu trưởng ban, phụ trách liên hệ với ban quản lý phường, để mua nhu yếu phẩm.
Cuộc sống kiểu khác kéo theo phương thức quản lý linh hoạt kiểu mới.
Chúng ta hãy bình tĩnh, tiếp tục chờ đợi dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Tôi chợt nhớ câu thơ của Hải Tử, mạn phép chỉnh sửa đôi chữ, lưu lại đây:
"Vũ Hán,
đêm nay tôi mặc đám não tàn,
chỉ bận lòng vì bạn".

Đi chợ giùm và chia lại rau quả cho hàng xóm

Chuẩn bị BV dã chiến mới

Khoảnh khắc lạ: ông lão tìm về ngồi 1 mình giữa góc phố ẩm thực có các bức tượng vui ngày cũ


Bác sĩ vừa khám bệnh khu cách ly, được xịt cồn thẳng vào mặt để khử trùng



Đoạn tweet của Joshua Wong giải thích tên mới của cúm Vũ Hán
*

Nhật ký ngày 17.2.2020

Hôm nay vẫn có nắng.
Nếu là dạo trước, mọi người sẽ kéo ra ngoài ngồi sưởi ấm.
Tiếc là cảnh tượng ấm áp ấy khó mà được thấy trong cái tao đoạn này.
Cũng phải thôi, hiện đang là giai đoạn bất thường. Được ngắm mặt trời và cây cối qua ô cửa sổ cũng thấy vui rồi.
Lệnh kiểm soát mức cao nhất đã được ban bố: Mọi người phải ở yên trong nhà. Chỉ những ai buộc phải đi làm hoặc cán bộ nhà nước thực thi công vụ mới được ra ngoài, nhưng phải mang theo giấy thông hành.
Nghe nói, ra đường mà không có giấy thông hành sẽ bị bắt ngay và đưa đi cách ly 14 ngày. Không biết thông tin có chính xác không.
Có cây viết nọ đùa rằng, Vũ Hán vẫn còn tốt chán, ở Hoàng Cảng, trong thời gian cách ly còn phải làm bài kiểm tra toán cấp 2, và theo thống kê thì quá nửa số người không giải được toán.
Mấy bữa nay, các cây viết hài hước có vẻ hơi trầm. Tôi mong họ vui nhộn, hoạt bát hơn, để giúp những người Vũ Hán đã chịu khó giam mình trong nhà hơn 20 ngày qua được bật cười khi share bài của họ.
Còn với tôi, không ra khỏi cửa là “nghề” của tôi rồi.
Tôi cũng không dắt chó đi dạo nữa, cứ kệ nó tự chơi trong sân. Nó cũng già rồi, đã quen với việc lượn vài vòng trong sân rồi ngoan ngoãn chui vào phòng máy giặt ngủ yên. Tôi sắm riêng cho nó cái máy sưởi mini, nên nó cũng chẳng buồn ra khỏi ổ.
Năm nay rất lạ, hồi giữa tháng một, không biết vì sao tôi nổi hứng thay toàn bộ hệ thống lò sưởi trong nhà. Ngày lắp đặt là ngày cuối cùng trước khi nghỉ Tết của các nhân viên kỹ thuật ở công ty lò sưởi. Lò cũ còn dùng được, nhưng vì đã nhiều năm, tôi nghĩ chắc nó cũng sắp hỏng. Lò mới có khác, nhiệt độ phòng lúc nào cũng 22-25 độ. Mấy hôm trước, thời tiết ấm lên, trong nhà có lúc lên tới 25 độ. Tôi còn thấy hơi bức.
Khi lệnh cấm “xuất ngoại” ban xuống thì cũng là lúc các group mua bán thực phẩm sinh sôi nảy nở. Các kênh online cũng lập tức thay đổi phương thức bán hàng.
Ngẫm lại mới thấy, nếu không có thương mại điện tử, cuộc sống quẩn quanh trong bốn bức tường sẽ khó biết chừng nào. Chỉ riêng việc ăn gì, uống gì cũng là cả vấn đề to tát. Nay thì, thương mại điện tử đã len lỏi và tỏa sáng trong từng group mua thực phẩm của từng tiểu khu. Căn cứ tình hình thực tế, họ linh hoạt điều chỉnh cách thức. Đủ loại cơm hộp “giao hàng không tiếp xúc” ra đời. Cư dân chỉ việc đặt hàng trong group, họ sẽ giao tận nơi. Admin của từng group cũng phát huy vai trò tổ chức sắp xếp nhóm hợp lý theo sự điều chỉnh của các kênh thương mại điện tử.
Sự linh hoạt, năng động của quần chúng ăn đứt lề lối vận hành kiểu “thiểu năng” cứng nhắc, nhất nhất phải đủ thủ tục giấy tờ trong các đơn vị nhà nước. Đây mới là phương thức hoạt động “thực sự cầu thị”, các cơ quan nhà nước nên học hỏi và thực hành.
Và nói thật, nếu các cơ quan ban ngành không quan liêu, hủ lậu, cứng nhắc, tầng nọ làm lỡ việc của tầng kia, người nọ làm hỏng việc của người kia, thì tình hình dịch bệnh không đến nông nỗi này.
Bạn học biết tôi không muốn gia nhập các nhóm mua sắm, đã nhiệt tình gửi riêng cho tôi danh mục thực phẩm trong group. Hôm kia tôi có đặt một set bánh mì Kengee, không ngờ được nhiều đến thế, đủ cho tôi ăn trong 10 ngày.
Hôm nay, tôi tiếp tục nhắn hỏi người bạn bác sỹ về tình hình dịch bệnh. Thực ra, nội dung của cuộc chuyện là tôi đặt câu hỏi và anh ấy trả lời. Tổng kết lại, gồm những chủ đề sau:
1. Câu hỏi về việc “Viện trưởng Bệnh viện Lôi Thần Sơn thông báo: tình hình dịch bệnh đã có bước ngoặt”.
Bạn tôi bảo, “bước ngoặt” là một danh từ khoa học, nói một cách dễ hiểu thì nó dùng để chỉ số ca mắc bệnh đã lên đến đỉnh điểm. Với lý giải này, thì hiện vẫn chưa đến thời điểm “bước ngoặt”. Điều đó có nghĩa, số ca mắc vẫn tiếp tục tăng. Cá nhân anh bạn tôi cho rằng, đỉnh dịch sẽ vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 năm nay. Tôi bấm ngón tay, vậy là còn hai tuần nữa.
2. Câu hỏi “Có bao nhiêu nhân viên y tế bị lây nhiễm? Thậm chí một số người đã ra đi. Hiện nay tình hình của họ ra sao?”
Anh bạn đáp, có hơn 3.000 nhân viên y tế nhiễm bệnh. Nhưng đại đa số đều đã được điều trị khỏi. Bởi vì phải điều trị dài ngày, nhiều người chưa xuất viện. Hơn 3.000 là con số được công bố chính thức, nhưng tôi nghĩ thực tế có lẽ nhiều hơn.
Thời kỳ đầu không ai đề phòng, lại thêm tình trạng thiếu hụt trầm trọng vật tư y tế. Còn nay, số người nhiễm bệnh đã giảm đi nhiều.
3. Câu hỏi về việc “trong quá trình điều trị, các bác sỹ tại bệnh viện Vũ Hán có sử dụng thuốc Đông y không?”.
Bạn tôi khẳng định, 75% bệnh nhân đã được cho uống thuốc Đông y, hiệu quả rất rõ rệt.
Tôi lại hỏi, 25% còn lại vì sao không dùng thuốc Đông y?
Bác sỹ đáp, họ phải gắn ống trợ thở, không uống được. Đó là những người bệnh nặng.
Tỉ lệ này khiến tôi sững sờ.
4. “Những ca bệnh nặng chiếm bao nhiêu %? Bao nhiêu % đã khỏi bệnh?”
Bạn tôi trả lời, trước kia số ca bệnh nặng ở Vũ hán chiếm 38%, bởi vì có nhiều ca bệnh nhẹ nhưng không được nhập viện, nên chuyển biến thành bệnh nặng.
Hiện số giường bệnh đã tăng lên đáng kể, bệnh nhân có thể nhập viện ngay lập tức, được điều trị kịp thời, nên tỉ lệ ca bệnh nặng đã giảm xuống còn 18%. Tỷ lệ số ca chữa khỏi cũng tăng lên nhiều.
Tôi thì nghĩ, gần 60.000 ca bệnh vẫn là một con số rất lớn. Chỉ e, tỷ lệ tử vong chưa thể giảm xuống nhanh chóng.
Trên mạng có người phê phán tôi suốt ngày ghi chép mấy thứ vớ vẩn, sao không viết về: đoàn quân giải phóng đã vào thành phố; về sự quan tâm và ủng hộ nhiệt thành của nhân dân cả nước đối với vùng dịch; về thành tựu vĩ đại khi chúng ta xây dựng thành công, thần tốc Bệnh viện dã chiến Lôi Thần Sơn, Hỏa Thần Sơn; về những đoàn cứu trợ anh dũng, kiên cường, … ?
Thực phải nói làm sao đây?
Nếu tôi đáp rằng, viết lách cũng cần phân công công việc, họ có chịu không? Cơm cũng chia món chính và món phụ kia mà! Bao nhiêu trang tin chính thức của nhà nước, bao nhiêu kênh thông tin tự do trên toàn quốc, ngày nào họ chẳng đưa những thông tin mà mọi người yêu cầu. Những góc nhìn vĩ mô, tình hình dịch bệnh, tấm gương anh hùng, nhiệt huyết tuổi trẻ, vân vân. Những bài viết “có nghề” ấy nhiều không kể xiết.
Còn tôi, tôi chỉ là một tác giả tự do, với góc nhìn hạn hẹp. Tôi chỉ đủ sức quan tâm và cảm nhận những điều nhỏ bé, những con người cụ thể xung quanh mình. Vậy nên, tôi chỉ có thể ghi chép vài điều lặt vặt, vài cảm nhận tức thời, để lưu làm kỷ niệm một-chặng-đường-vật-lộn-để-sinh-tồn.
Và còn nữa, công việc chính của tôi là viết văn. Ngày xưa, khi có dịp được phát biểu cảm nghĩ về công việc này, tôi từng nói, văn chương thường đồng hành cùng những người lạc loài, những người cô độc, những người khốn khổ, hai bên nương tựa vào nhau, dìu nhau bước đi. Văn chương truyền tải tình người và lòng nhân ái. Có lúc giống như gà mái xù lông bảo vệ đàn con, văn chương bảo vệ những con người, những sự kiện bị lịch sử bỏ quên, che chở những sinh mệnh bị xã hội hiện đại xa lánh. Văn chương sẵn lòng đến bên, sưởi ấm và cổ vũ họ. Trong hơi thở của văn chương luôn dạt dào lời nguyện sinh tử với lớp người này. Đến lượt mình, văn chương cũng cần họ ở bên, sưởi ấm và cổ vũ.
Trong cuộc sống, kẻ mạnh, kẻ chiến thắng thường chẳng màng đến văn chương. Đối với họ, văn chương, cùng lắm chỉ là đồ trang trí. Nhưng với những người khốn khổ, văn chương là ngọn đèn chiếu sáng, là phao cứu sinh, là ân nhân cứu mạng. Bởi vì, những lúc nguy nan, chỉ có văn chương ân cần nói với họ, rằng kém cỏi không sao cả, nhiều người cùng chung hoàn cảnh như họ, nhiều người cũng cô đơn và bất lực như họ, cũng đau khổ và gian khó như họ, cũng phiền muộn và yếu đuối như họ.
Chúng ta sống theo nhiều cách khác nhau, thành công đương nhiên là tốt, nhưng không thành công cũng không hẳn là điều gì quá tệ.
Còn như tôi, tôi là một người viết văn, trong lúc ghi chép những điều lặt vặt của bản thân, tôi vẫn cố gắng nương theo tuyên ngôn nghề nghiệp của mình. Tôi quan sát, tôi tư duy, tôi cảm nhận, rồi tôi đặt bút. Không lẽ, như thế cũng là sai?
Bài viết hôm qua cũng đã bị xóa.
Ngoài thở dài, chỉ biết thở dài.
“Nhật kí muốn đăng, muôn vàn khó
Khói sóng trên sông não dạ người”.
(Phong thành kí lục hà xứ phát
Yên ba giang thượng sử nhân sầu)
P.P.

L.H dịch

Nguồn: FB Vũ Kim Hạnh & FB Hà Thanh Vân

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn