CON ĐƯỜNG THOÁT HẠN Ở MEKONG DELTA

Huy Nguyen

BÀI 1

Tôi nói thẳng luôn là Mekong Delta không thoát hạn được. Người dân Mekong Delta phải học cách sống chung với hạn và mặn.

HIỆN TRẠNG và TƯƠNG LAI

Tôi chưa đi hết các ngóc ngách của đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng cũng đã từng khảo sát, đánh giá về nhiều khía cạnh của ĐBSCL ở hầu hết các tỉnh thành và lặp lại trong vòng 10 năm qua. Việc quan sát diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu cho tôi cái nhìn ít lạc quan về tương lai đồng bằng.

Năm 2016, xâm nhập mặn lần đầu tiên tiến đến Cần Thơ vào ngày 14/3. Tôi nhớ rõ ngày hôm đó, vì khi đó tôi đang là người phụ trách kỹ thuật cho dự án quan trắc nước mặn tự động của thành phố Cần Thơ.

Đó được coi là một mốc lịch sử quan trọng về sự tiến sâu của xâm nhập mặn. Cả năm 2016, 60-80% diện tích lúa vụ 3 ở các tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Bạc Liêu bị mất trắng. Nhiều thửa ruộng không thể canh tác lại trong vụ tiếp theo.

Năm nay thì sao? Xâm nhập mặn diễn ra từ đầu tháng 12 và đạt mốc lịch sử mới từ giữa tháng 1/2020. Như vậy là nó vừa phá mốc lịch sử 2016 vừa diễn ra trước 2 tháng.

Nhận định của tôi là việc xâm nhập mặn và hạn hán sẽ vô vùng khốc liệt trong 2 tháng tiếp theo, ngay cả khi ĐBSCL đón những cơn mưa trái mùa vào tháng 4.

Lý do là lượng nước lâu nay dùng để canh tác và sinh hoạt ở ĐBSCL chủ yếu là nước thượng nguồn về theo các nhánh sông. Nước mưa tại đồng bằng sẽ không được giữ lại ở đồng bằng vì không có hồ chứa nên mưa bao nhiêu sẽ chảy hết ra biển bấy nhiêu. Đất đang khô, háo nước nên mưa không đủ ngấm vào đất thì làm gì đủ cho tích trữ.

Số liệu mà tôi có hiện nay cho thấy khoảng 83.300 hộ dân đang gặp khó khăn về nước sinh hoạt. 39.000 ha lúa vụ 3 đang chết khô và con số này sẽ gia tăng hơn nữa trong vòng một tháng tới đây.

Tại Tiền Giang, người dân đang phải mua nước với giá 300.000 VND một m3 nước ngọt để tưới sầu riêng. Phía Tây Nam Bộ, giá nước ngọt đang là 150.000-200.000 VND một m3. Lưu ý, đây là nước ngọt chứ không phải nước tinh khiết để uống được liền. Nước này có thể là nước sông và cũng có thể là nước máy.

Tại Cà Mau, hàng trăm điểm sạt lở và sụt lún xảy ra trong vòng một tháng qua phá hủy nhà dân và nhiều công trình hạ tầng giao thông. Ở hầu hết các địa phương không còn khả năng khai thác nước ngầm vì mạch nước ngầm đã tụt sâu do khai thác quá mức.

NGUYÊN NHÂN GỐC RỄ

1- Siêu đập thủy điện thượng nguồn

Trong vòng 7 năm qua, đã có 7 siêu dự án thủy điện chặn dòng chính Mekong được vận hành và đưa vào sử dụng, trong đó có 6 dự án dòng chính ở Trung Quốc và 1 dự án dòng chính trên đất Lào.

Tháng 7/2019, Thủy điện siêu lớn Xayaburi âm thầm đi vào hoạt động mà không thông báo cho các nước thành viên của Ủy hội Mekong. Ngay thời điểm đó, tôi đã dự báo về một đợt hạn khốc liệt ở Mekong Delta vì nhận thấy lượng mưa về sườn Tây Trường Sơn ít hơn 60% trung bình các năm.

Ngày 20/02/2020, tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao Mekong – Lan Thương, ngoại trưởng Trung Quốc đã tuyên bố sẽ xả nước giúp các quốc gia láng giềng chống hạn.

ĐỪNG MƠ và ĐỪNG NGHE LỜI HỨA HÃO của Trung Quốc.

Mà ngay cả Trung Quốc có xả đập thì nước cũng không về đến hạ lưu Mekong Delta, bởi đập thủy điện Xayaburi bên Lào đã chặn lại rồi.

Nếu có chút nước nào xuống thì người Thái cũng chờ sẵn để họ lấy nước vào sông Loei trong chiến lược của siêu dự án 75 tỷ USD Kong-Loei-Chi-Mun của họ.

Vậy nên tôi dự báo là đến hết tháng 5 chưa chắc đã hết hạn, mặn.

Hạn và mặn chỉ có thể giảm nếu mùa mưa đến sớm ở miền Trung và với điều kiện mưa nhiều ở Tây Trường Sơn.

rong hình ảnh có thể có: núi, thiên nhiên và ngoài trời

Ảnh: Dòng Mekong cách đập Xayaburi hơn 297 km trong tình trạng khô nước nghiêm trọng (nguồn National Geographic)

2- Đóng cống ngăn mặn làm tụt mực nước ngầm (đây là nhận định của cá nhân tôi, chưa có nghiên cứu cụ thể để chứng minh)

Khi Mekong Delta bắt đầu bị hạn mặn vào đầu tháng 12 thì phản ứng tự nhiên của Việt Nam đó là chặn nước biển vào sông. Việc này là phản ứng bình thường, vì nếu không đóng cống sẽ có nguy cơ không gieo cấy được lúa vụ 3 ở hầu hết các tỉnh. Không những thế, mặn có thể xâm nhập sâu, và các nhà máy nước sinh hoạt có thể không lấy được nước để cấp nước cho các đô thị.

Tuy nhiên, việc không cho nước biển vào, kết hợp với nước nguồn không về, khiến cho mực nước ở các lòng sông hạ thấp kỷ lục.

Khi nước ở các lòng sông hạ thấp thì nước ngầm ở các vườn cây ăn trái, ở kênh mương nội đồng sẽ bị tụt theo. Đây là cơ chế bình thường trong tự nhiên khi nước luôn lắng xuống chỗ trũng. Nếu chỗ trũng đầy nước nó sẽ dâng lên chỗ cao dù chỗ cao là nước hay là đất.

Như vậy có thể thấy, việc đóng cống ngăn mặn có thể bước đầu giữ được lượng nước ngọt ít ỏi từ thượng nguồn về. Nhưng về lâu dài, cụ thể là đến thời điểm này trở đi, việc đóng cống ngăn mặn không giải quyết được vấn đề nữa vì có còn nước ngọt đâu mà giữ! Nếu giữ thì có thể ngăn nó không lên cao quá Cần Thơ ảnh hưởng nước sinh hoạt đô thị và diện tích lúa vụ 3 của các tỉnh ở giữa đồng bằng.

3- Khai thác nước ngầm quá mức

Tôi nhiều lần nói về việc này ở nhiều hội nghị khoa học bằng các số liệu thống kê về số lượng các nhà máy cấp nước nông thôn (có đến 90% lấy nước ngầm để cấp nước ở các huyện ven đô tp Cần Thơ – link bài báo của tôi phía dưới), và gần như 80% các hộ dân có giếng nước ngầm tại nhà. Ở các tỉnh cuối nguồn tình trạng khai thác nước ngầm dữ dội hơn nữa.

Việc lấy nước ngầm để sinh hoạt và tưới tiêu vô cùng nguy hiểm và nghiêm trọng cho hiện tại và tương lai, vì nó làm sụt lún đất và nước mặn vào sâu thêm.

Nhưng giờ muộn rồi. Mekong Delta đang chìm dần.

Tôi đã có nhận định về điều này và trả lời một tạp chí nước ngoài từ năm 2018 (link ở phần cuối bài). Đến năm 2019, Đại học Utreck của Hà Lan, sau đó là tạp chí nổi tiếng Nature đưa ra nghiên cứu chỉ ra rằng Mekong Delta sẽ biến mất trong vòng 100 năm nữa nếu kịch bản khai thác nước ngầm như hiện tại và nước biển tiếp tục dâng do biến đổi khí hậu.

4- Tưới tràn

Hầu hết hệ thống canh tác nông nghiệp ở Mekong Delta đang áp dụng phương pháp tưới tràn. Cách tưới này phù hợp với bối cảnh xưa, khi các đập thủy điện thượng nguồn chưa có. Nhưng giờ đây cách này là cách phí phạm nguồn nước nhất.

5- Canh tác lúa vụ 3

Khi nguồn nước có hạn, cơ quan hoạch định chính sách về điều tiết nước cần phải xác định dùng nước ưu tiên cho các ngành và lĩnh vực phù hợp để không bị ‘’chết chùm’’ cùng nhau.

Theo tôi, mức độ ưu tiên cho cấp nước cần tính đến số dân số bị tác động đầu tiên và ưu tiên nước sinh hoạt đầu tiên. Sau đó là ưu tiên cho gia súc, gia cầm, sản xuất công nghiệp nhẹ và đến nông nghiệp. Việc trồng lúa vụ 3 đã ngốn một lượng nước khổng lồ của các ngành khác, khiến giờ đây lúa cũng không cứu được, cây ăn trái cũng không cứu được và người dân thiếu nước sinh hoạt.

6- Ô nhiễm các dòng sông

Nhiều nhánh sông ở Mekong Delta vẫn còn nước ngọt, nhưng đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Hoạt động chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, khu công nghiệp… đẩy hết chất thải xuống sông, và vì thế nước có còn cũng không dùng được nữa.

P/S: Chiều nay tôi giật mình khi thấy tin người dân ĐBSCL cào lớp đất phù sa đi để bán. Tôi thấy buồn và lo lắng vô cùng. Đang rất bận nhưng tôi vẫn cố gắng viết nhanh về vấn đề chống hạn ở đồng bằng. Định viết một bài nhưng thông tin nhiều quá nên tôi sẽ viết thành 2 bài. Bài sau sẽ phân tích về giải pháp.

Người dân ĐBSCL cào lớp đất phù sa đi để bán.

Dưới đây là link các bài báo tôi có đề cập trong bài viết:

- Báo The Culture Trip phỏng vấn tôi về tương lai đồng bằng https://theculturetrip.com/…/vietnams-mekong-delta-could-d…/

- Bài báo về mâu thuẫn trong cơ chế cấp nước ở khu vực ngoại ô https://pubs.iied.org/10756IIED/

*

BÀI 2

(Bài rất dài nên mọi người kiên nhẫn đọc nhé. Share thoải mái và share đến các cán bộ quản lý tôi cảm ơn)

GIẢI PHÁP CHO MỘT MEKONG KHÁT NƯỚC

Trong bài trước tôi đã nói rằng Mekong Delta không thể thoát hạn được với những lý do về việc vận hành của các con đập thủy điện ở thượng nguồn và kịch bản xấu của biến đổi khí hậu trong tương lai.

Việc Trung Quốc không chia sẻ nguồn nước, việc người Lào tự biến mình thành cục pin của Đông Nam Á và phía dưới là người Thái với siêu dự án hàng chục tỷ đô chuyển nước Kong-Loei-Chi-Mun. Sông Mekong thật sự đã và đang bị chặt khúc thành những vũng “hồ trên sông’’, và điều này vô cùng nguy hiểm.

Hạn và mặn không còn là nguy cơ mà đã hiện hữu như chúng ta đã thấy.

Nhưng còn một nguy cơ nữa đó là lũ lớn. Một khi mưa quá lớn xảy ra trong thời gian dài ở các tỉnh phía Tây Trung Quốc, Lào và Cambodia thì sau một tháng Mekong Delta sẽ ngập lụt nghiêm trọng.

Nguy hiểm nhất của thủy điện trên dòng Mekong Delta đó là liên hồ thủy điện dòng chính và phụ, nhưng không có kế hoạch vận hành liên hồ thủy điện, mạnh ai nấy xả.

Một khi các hồ ở Trung Quốc quá tải và xả nước cấp tập thì các thủy điện dòng chính dưới trung lưu và hạ lưu cũng phải mở cửa xả đáy để cứu đập. Kịch bản về lượng mưa lớn xảy ra liên tục không phải là không có, vì vậy nên giải pháp chống hạn ở Mekong Delta cũng phải đi kèm với phương án dự phòng chống lũ.

Với Mekong delta, sẽ không có một giải pháp hoàn hảo mà chỉ có một giải pháp tốt hơn các giải pháp khác mà thôi.

Dưới đây tôi đưa ra quan điểm của mình về chống hạn, mặn và lũ cho Mekong delta. Đây là quan điểm cá nhân và tôi tin rằng sẽ tạo ra nhiều tranh luận trái chiều, đặc biệt là trong giới làm khoa học, nhà quản lý. Nhưng không sao. Tôi chào đón mọi quan điểm trái chiều, nhiều phản biện với tinh thần cùng xây dựng.

I. GIẢI PHÁP CÔNG TRÌNH

1) Hồ Chứa nội đồng và Liên Hồ Chứa trên các nhánh sông nhỏ

Mọi người sẽ nghĩ: “Ồ tưởng gì, hồ chứa thì ai mà chẳng nghĩ ra”! Nhưng thực sự khái niệm về hồ chứa của tôi đưa ra khác với cách nghĩ về hồ chứa mà các công trình ngàn tỷ đang phơi khô ở miền Trung.

Các loại hồ chứa cho Mekong delta gồm các loại sau:

- Hồ chứa nước trên các nhánh sông:

Các hồ chứa này là những nhánh sông và kênh rạch nội đồng được nạo vét sâu, làm các cửa cống lấy nước tự nhiên vào mùa mưa và đóng lại vào mùa khô. Những nơi cần nguồn nước cấp chủ động có thể lắp hệ thống máy bơm 2 chiều để tích nước được nhiều hơn.

Như vậy, thay vì làm cống chặn nước mặn vào, ta làm cống giữ nước để nước ngọt không đi ra ngoài.

Các hệ thống cống giữ nước ngọt vào mùa mưa, sử dụng trong mùa khô chỉ nên áp dụng ở các nhánh sông nhỏ không có thuyền bè qua lại, và điều quan trọng là nó ít, nó không phá vỡ cân bằng sinh thái, không làm ảnh hưởng đa dạng sinh học.

- Hồ chứa nội đồng:

Phân làm hai loại.

+ Loại có diện tích lớn

Loại hồ này nên được quy hoạch theo tỉnh và bắt buộc phải được kết nối với các kênh rạch tự nhiên để có thể lấy nước tự chảy từ hệ thống sông tự nhiên vào mùa lũ và đóng cống trong mùa hạn.

Các hồ nước này cần được bảo vệ nghiêm ngặt và được vận hành bởi một ủy ban điều phối nguồn nước liên tỉnh hoặc ít nhất là cấp tỉnh.

Nhiệm vụ của hồ nước này là cấp nước cho hệ nước sinh hoạt, nước cho gia súc gia cầm, chế biến, tưới tiêu và sau cùng mới đến các ngành khác.

+ Loại có diện tích vừa

Loại này nên có ở quy mô các huyện, xã, nhằm điều phối cho nhu cầu sử dụng nước tưới tiêu. Các hồ chứa có chức năng tích nước vào mùa mưa và cấp nước vào mùa hạn.

Các hồ chứa nội đồng sẽ “ngốn” một diện tích đang trồng lúa nhất định.

Tuy nhiên thà mất một phần diện tích đất lúa để có nước để cứu cả huyện hơn là cả huyện khát khô.

- Hồ chứa quy mô gia đình:

Ở hầu hết các hộ nuôi tôm và vườn cây ăn trái đều có các nhiều hồ nước. Hiện nay đa số là các hồ nước mặn để phục vụ nuôi tôm, hoặc là hồ cạn dạng kênh mương ở các vườn cây ăn trái.

Tuy nhiên, hiện nay, vào mùa mưa thì việc tích nước ngọt vào các hồ này cũng khá khó khăn do lịch đóng/mở cống ngăn mặn ngoài cửa biển ảnh hưởng đến mực nước có thể lấy được vào hồ.

Chỉ cần điều chỉnh thời gian mở cống là có thể có được nước ngọt nhất là những khu vực không trực tiếp giáp biển như Sóc Trăng, Bạc Liêu.

Những hồ chứa này có thể giúp người dân chủ động bảo vệ nguồn nước tưới tiêu và cân bằng độ mặn ở các ao nuôi tôm khi hạn xảy ra.

Việc tạo các hồ chứa và liên hồ chứa đòi hỏi kèm theo là hệ thống dẫn nước đến với các công trình hạ tầng xử lý nước và cấp nước. Việc này có thể phát sinh kinh phí nhưng nếu chúng ta nhìn với tầm nhìn dài hạn thì việc đầu tư này sẽ rẻ hơn và hiệu quả hơn là xây cống và đê ngăn mặn.

Việc đào hồ cũng cho chúng ta số lượng đất rất lớn để đôn cao nền làm nơi trồng cây, đắp đường.

Mô hình hồ chứa hộ gia đình có thể giúp giảm tải về nhu cầu nước từ nguồn chung rất lớn và chính quyền các tỉnh, huyện nên khuyến khích người dân tự đào hồ tích nước ngọt. Các hồ nước phải đủ sâu (từ 1-2 mét nước) được bảo vệ nghiêm ngặt tránh đuối nước và tránh ô nhiễm.

2) Không xây thêm Cống Ngăn Mặn ở cửa biển

Đã có rất nhiều cống ngăn mặn chặn các dòng chính hoặc nhánh lớn nối ra biển ở Mekong Delta. Trong kế hoạch quản lý nguồn nước, ở hầu hết các tỉnh đề đề xuất xây cống ngăn mặn.

Theo tôi đây là một giải pháp không phù hợp với Mekong Delta trong bối cảnh hiện tại và kịch bản biến đổi khí hậu trong tương lai.

Mekong Delta vốn dĩ là một đồng bằng bồi đắp bởi phù sa, và vì vậy đây là một nền đất yếu, tương đối bằng phẳng và thấp. Với địa hình như vậy, việc xây cống phải đi kèm với việc xây đê, vì nếu cống mà không có đê nước mặn cũng vào ruộng đồng. Nhưng nếu xây đê thì vô cùng tốn kém, bởi Mekong Delta không những có những nhánh sông kết nối với biển, mà có cả những phần đất thấp là các ruộng, vườn, rừng kết nối với bờ biển. Việc kết nối này khiến nước biển khi dâng lên sẽ dễ dàng tràn vào các dòng sông. Nếu đầu tư xây đê bao xung quanh Mekong Delta thì bà con đồng bằng có trồng lúa, nuôi tôm 7 đời cũng không đủ tiền trả nợ cho việc xây đê, kè biển.

Việc xây cống cũng sẽ ảnh hưởng trong quản lý rủi ro lũ lụt.

Các cống ngăn mặn cỡ lớn sẽ cản trở quá trình thoát lũ khi có sự cố thủy điện thượng nguồn, và nguy cơ ngập lụt ở khu vực giữa đồng bằng sẽ cao.

Việc xây cống ngăn mặn ở các nhánh lớn của sông Mekong cũng gây tổn hại nghiêm trọng đến đa dạng sinh học.

Cửa sông là nơi các loài cá di cư đi vào sông để đẻ trứng. Khi sông bị chặn, chúng không còn khả năng sinh sản và giảm dần về số lượng, mật độ trong loài. Việc biến mất của một loài không chỉ mỗi loài đó bị tuyệt chủng mà nó kéo theo các loài khác trong chuỗi thức ăn. Và vì thế, sinh kế của ngư dân Mekong Delta cả bên trong sông và ngoài biển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vựa cá tôm trù phú của Mekong Delta cũng vì thế mà biến mất.

Chúng ta cũng không nên so sánh với Hà Lan và đặt câu hỏi vì sao Hà Lan lại áp dụng biện pháp trị thủy bằng xây đê. Đơn giản là việc xây đê, xây cảng biển ở Hà Lan nó đẻ ra tiền, bởi nơi đây là nơi trung chuyển hàng hóa đường thủy lớn nhất Châu Âu, và cũng từ đây Châu Âu kết nối với các châu lục khác.

Giá trị từ việc trị thủy của Hà Lan đem lại cho họ nguồn thu rất lớn từ vận tải và thương mại trong khi đó ở Mekong Delta giá trị của việc trị thủy của chúng ta mới chỉ có nguồn thu từ cây lúa. Mà trồng lúa 7 đời chắc gì đủ tiền xây một con đê nhỏ?

3) Sử dụng điện năng lượng mặt trời chạy máy lọc nước lợ thành nước ngọt

Đây không phải là giải pháp viễn vông mà thực tế đã được áp dụng cả quy mô gia đình và quy mô cấp nước theo cụm.

Trước mắt tôi đề nghị các Trung tâm Nước sạch Nông thôn ở các tỉnh chuyển đổi ngay các mô hình lấy nước từ nước ngầm sang lấy nước lợ dưới sông để lọc qua RO và cấp nước cho người dân.

Bà con phải chấp nhận giá nước cao hơn để đảm bảo mạch nước ngầm không bị tụt và đất không bị lún.

Khi giá nước cao hơn, người dân sẽ tự ý thức trong việc bảo vệ nguồn nước.

Trong cuốn sách ‘Con Đường Thoát Hạn’ của Israel, bên cạnh thành công về công nghệ, người Do Thái còn thành công trong quản trị nước bằng cách nâng cao giá nước để người dân quý từng giọt nước.

Nếu tính giá lắp hệ thống lọc RO hiện tại thì không quá đắt nếu dùng lâu dài và dùng cho nhiều hộ gia đình. Chẳng hạn nếu đầu tư 30 triệu có thể có được một hệ thống lọc RO lọc từ nước lợ từ dưới sông với công suất 300-500 lít/h đủ cho sinh hoạt và tưới nhỏ giọt cho một cụm gia đình.

4) Chấm dứt tuyệt đối việc khai thác nước ngầm

Việc khai thác nước ngầm khiến ĐBSCL càng ngày càng bị lún sâu và chẳng mấy chốc bị thấp hơn mặt nước biển. Việc khai thác nước ngầm quá nhiều cũng khiến nước ngọt ở các sông hồ bị tụt theo.

Vì vậy, chấm dứt từng bước và triệt để theo kế hoạch chuyển đổi chậm nhất trong 2 năm tới là cần thiết. Việc chấm dứt này kèm theo việc thay thế bằng hệ thống lọc RO quy mô cụm gia đình và gia đình cần được tiến hành đồng thời.

5) Trữ nước mưa quy mô hộ gia đình và cơ quan đoàn thể

Mỗi năm Mekong Delta có lượng mưa tương đối tốt vào các tháng từ 7-11. Những tháng này đủ lượng nước cho các bể chứa hộ gia đình để dùng cho nước uống.

Tôi đã từng đi Marshall Islands, nơi một đảo giữa biển không hề có hồ chứa và con sông nào cả. Chính quyền thành phố đã đào một bể nước mưa ngầm bên cạnh sân bay để chứa nước mưa làm nước cấp. Đi đến hộ dân nhà nào cũng có bể chứa nước mưa, và họ có quy trình sử dụng nước khoa học để tái sử dụng nước mưa. Chẳng hạn dùng nước vo gạo, rửa rau để tưới cây và cho gia súc uống.

II. GIẢI PHÁP PHI CÔNG TRÌNH

6) Tiết kiệm nước

Người dân đồng bằng cần thay đổi suy nghĩ về nguồn nước vô tận như trước kia và phải quý giá từng giọt nước.

Người dân Israel những năm 1940s không có nước để làm được gì cả, vì xung quanh toàn sa mạc, nhưng sau đó họ có một con đường nước quốc gia, họ có công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt, họ có công nghệ lọc nước thải thành nước uống từ những năm 1970s bằng các giải pháp công nghệ. Nhưng hơn tất cả, họ biết tiết kiệm nước bằng tưới nhỏ giọt được áp dụng từ những năm 1960s.

Đến nay, Israel đủ nước dùng cho nền nông nghiệp trù phú và cả nước xuất khẩu sang các nước láng giềng.

Ngay trong những ngày hạn nhất, với giá nước lên đến 250.000-300.000 VND một m3 mà người dân vẫn dùng vòi nước phun tưới cho cây thì quả là lãng phí!

Đối với một số cây ăn trái thì việc tưới nước nhỏ giọt nên áp dụng sớm để có thể tiết kiệm đến 9/10 nguồn nước so với tưới phun hoặc tưới tràn.

Tiết kiệm nước cũng thể hiện ở việc chuyển đổi mô hình canh tác lúa. Từ tưới tràn cả vụ chuyển sang các mô hình tưới ướt – khô xen kẽ.

7) Chuyển đổi từ đất lúa vụ 3 sang các mô hình tôm lúa hoặc tôm

Việc chuyển đổi đất lúa vụ 3 này sang nuôi tôm sẽ giúp tiết kiệm một lượng nước vô cùng lớn dùng cho các nhu cầu khác trong mùa hạn.

Vào đầu tháng 12, tôi đi đến các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, và gặp gỡ với các Sở Nông nghiệp, các Phòng Khuyến nông, Thủy lợi. Đi đâu tôi cũng khuyên mọi người phải bỏ lúa vụ 3, bởi tôi dự đoán hạn sẽ khốc liệt năm nay.

Nhiều địa phương vẫn bơm một lượng nước khá lớn để phục vụ lúa vụ 3, và bây giờ thì héo khô hết cả, trong khi nước cho cây ăn quả và sinh hoạt thì khan hiếm!

Việc chuyển đổi này phải tiến hành đồng bộ cho cả vùng Mekong Delta chứ không chỉ riêng ở hạ lưu. Bởi nếu trồng vụ 3 ở thượng nguồn thì nước bị lấy vào ruộng ở thượng nguồn cũng ảnh hưởng đến lượng nước ngọt về hạ lưu.

Đây là một kế hoạch cần ủy ban điều phối nước liên ngành quản lý.

8) Đưa giáo dục và thực hành tiết kiệm nguồn nước vào trường học và khu dân cư

Xây vạn hồ chứa mà người dân không nhận thức được tầm quan trọng của nước thì cũng bỏ đi!

Việc đưa giáo dục về bảo vệ nguồn nước vào cộng đồng cần đồng bộ cho toàn vùng Mekong Delta và giáo dục cho cả khách du lịch đến với đồng bằng. Họ phải được tuyên truyền ý thức bảo vệ các hồ chứa, các nguồn nước từ kênh rạch để không làm ô nhiễm nguồn nước.

Các cộng đồng có thể xây dựng các hương ước để có sự đồng thuận trong từng ấp để bảo vệ các dòng kênh và giám sát lẫn nhau.

Việc đưa vào trường học nhằm giáo dục cho thế hệ sau của đồng bằng rằng Mekong Delta cạn rồi. Chúng ta không còn dồi dào nguồn nước và cần tiết kiệm.

*

Trên đây là những giải pháp tôi đưa ra với góc nhìn cá nhân của mình và bằng việc cân nhắc rất nhiều các giải pháp khác.

Tất nhiên nghe thì chung chung như “văn kiện đại hội”, nhưng nếu chia nhỏ và chi tiết hóa các đề xuất trên thì chúng ta vẫn còn có nước ở lại với đồng bằng.

Nếu không, tôi không nhìn ra thêm giải pháp nào khác cả!

Trong bài, tôi không đề cập đến khía cạnh ngoại giao nguồn nước. Việc đó cũng cần, nhưng tôi sẽ nói ở một bài khác.

Rất welcome tất cả mọi ý kiến đóng góp, kể cả phản biện trái chiều để cùng xây dựng.

H.N.

Nguồn:

- Phần 1: FB Huy Nguyen

- Phần 2: FB Huy Nguyen

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn