Dân tộc tính và cuộc chiến coronavirus

Mạnh Kim

Một điểm xét nghiệm nhanh coronavirus tại Hàn Quốc (ABC News)

Chủ nghĩa xã hội hay tư bản gì “nó” chẳng “quan tâm”. “Nó” dường như san phẳng tất cả, từ hệ thống chính trị (dân chủ lẫn độc tài) đến các hệ thống xã hội kiến tạo nên nền chính trị quốc gia đó. Có lẽ cũng nhờ vậy mà trận dịch đã làm bật ra những ưu điểm lẫn khiếm khuyết của nền chính trị và cách thức điều hành quốc gia của từng nước. Nó đồng thời làm trỗi lên các yếu tố định tính dân tộc, trong đó có văn hóa và cả cách sống, thể hiện ở các giải pháp đối phó dịch bệnh mà từng quốc gia thực hiện.

“Cách” của Hàn Quốc

Ngày càng có thể thấy rõ không quốc gia nào giống quốc gia nào trong cuộc chiến chống coronavirus. “Cách của Hàn Quốc”, “cách của Trung Quốc”, “cách của Nhật”, “cách của Mỹ”, “cách của Pháp” hoặc “cách của Đức” (dù hai nước này đều có thể cùng chia sẻ những giải pháp chung để tạo nên “cách của EU”). Trên bề mặt, gần như tất cả các quốc gia đều có những giải pháp chung chẳng hạn cách ly, khoanh vùng, phong tỏa, khóa cửa… nhưng trong thực tế thì mỗi nước khi áp dụng đều “bản địa hóa” để phù hợp quốc gia mình.

Hàn Quốc đang được đánh giá rất cao trong cuộc chiến chống dịch. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lẫn Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven đều điện Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để hỏi về cách “đánh” coronavirus. Cựu viên chức Cơ quan quản lý dược-thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) Scott Gottlieb cũng đề cao Hàn Quốc như một hình mẫu. Điều căn bản nhất mang lại thành công cho Hàn Quốc là phản ứng cực nhanh. Chỉ một tuần sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 1-2020, giới chức chính phủ đã gặp những đại diện các hãng thiết bị y tế, yêu cầu họ nhanh chóng sản xuất hàng loạt bộ thử coronavirus. Chỉ trong hai tuần, dù số ca nhiễm lúc ấy vẫn chưa đến 100, hàng ngàn bộ thử đã xuất xưởng mỗi ngày. Tính đến hạ tuần tháng 3-2020, Hàn Quốc đã có thể sản xuất 100.000 bộ thử/ngày và bắt đầu thừa đến mức đang đàm phán bán cho hơn 17 nước.

Hàn Quốc không đóng cửa chặn người nhập cảnh từ Trung Quốc nhưng họ tự tin kiểm soát cực tốt các nguồn lây bệnh. Tất cả trong khoảng 10.000 thành viên giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) ở Daegu đều được xét nghiệm, bất luận có dấu hiệu bệnh hay không. Cảnh sát truy lùng thành viên Tân Thiên Địa nào không trả lời điện thoại; dò GPS và xem camera an ninh để biết họ trốn ở đâu. Hàn Quốc cũng lập ra 50 địa điểm xét nghiệm công cộng để có thể thực hiện hơn 15.000 xét nghiệm mỗi ngày; và đưa ra mức phạt khoảng 8.300 USD cho những ai từ chối nhập viện nếu bị nhiễm.

Khử trùng trên một tàu điện ở Seoul (Getty Images)

Việc ứng dụng kỹ thuật được tận dụng tối đa. Điện thoại di động sẽ báo tin bất cứ khi nào khu vực đang sống có ca nhiễm mới. Các website và ứng dụng điện thoại cập nhật từng phút cho thấy người bị nhiễm đi đâu và lúc nào (họ đón xe bus nào, lúc mấy giờ, lên và xuống xe ở đâu, thậm chí có mang khẩu trang không). Bất cứ ai nghi mình đi ngang những con đường mà một bệnh nhân vừa đi qua đều được khuyến khích thông báo cho trung tâm giám sát dịch bệnh để có thể được xét nghiệm nếu cần thiết.

Người dân không chỉ tuân thủ các biện pháp nghiêm ngặt mà còn hỗ trợ chính quyền. Sinh viên Lee Dong-hun đã tạo website “Coronamap” để cung cấp tất cả thông tin đáng tin cậy về dịch bệnh. Website được đưa lên mạng ngày 30-1 và lập tức được truy cập 2,4 triệu lượt vào hôm sau (hiện là 37 triệu lượt). Lee Dong-hun còn tạo ra bản đồ trực tuyến chia sẻ những thông tin đại loại địa điểm nào đang bán khẩu trang. Trong khi đó, Choi Hyoung-bin, 15 tuổi, lập ra website “Coronanow” với thông tin dựa vào dữ liệu các cơ quan y tế chính phủ, đồng thời dùng website để kêu gọi sự ủng hộ dành cho nhân viên y tế…

Có thể thấy tinh thần quyết liệt của dân tộc Hàn Quốc trong tình huống khẩn cấp. Nó không chỉ cho thấy sự gắn kết cao trong xã hội Hàn Quốc, nhiệt huyết ái quốc (điều kiến tạo nên một quốc gia kỹ trị thành công với những Samsung hay Huyndai) mà còn là thái độ luôn chuẩn bị đối phó với hiểm họa. Nhiều bài báo phương Tây khi khen ngợi Hàn Quốc trong cuộc chiến chống dịch đã nhắc đến kinh nghiệm của họ rút ra được từ trận dịch MERS năm 2015.

Nhận xét đó không sai nhưng chỉ đúng một phần. Chính sự đe dọa thường trực từ Bắc Hàn mới là điều tạo nên ý thức đoàn kết cộng đồng. Ngoài ra, báo chí phương Tây cũng quên một yếu tố quan trọng: truyền thống kỷ luật trong “văn hóa công ty” của Hàn Quốc. Khi sự tuân thủ kỷ luật và tôn trọng kỷ luật trở thành thói quen thì việc thực hiện nghiêm túc yêu cầu chính quyền trong tình huống đe dọa sự sống còn quốc gia hẳn nhiên chẳng phải là một ép buộc nặng nề, mà có lẽ với người dân nước khác, họ không dễ dàng chấp nhận và thích ứng nhanh chóng. Kỷ luật là một phần trong tính cách người Hàn Quốc và là một phần trong bản thể dân tộc Hàn Quốc.

Tương tự, Đài Loan cũng đang chống dịch tốt và họ cũng có nhiều điểm giống Hàn Quốc. Sức mạnh của nền chính trị dân chủ-kỹ trị đã được tận dụng rất tốt trong cuộc chiến coronavirus. Ngay khi dịch bệnh bắt đầu tấn công, Bộ trưởng Kỹ thuật số Audrey Tang đã làm việc chặt chẽ với các tập đoàn kỹ thuật để tung hàng loạt ứng dụng điện thoại giúp người dân đối phó dịch bệnh và giúp chính quyền kiểm soát lây nhiễm. Đài Loan chỉ khác Hàn Quốc ở chỗ họ áp dụng nghiêm ngặt biện pháp hạn chế nhập cảnh. Và nếu Hàn Quốc không chủ quan trước mối đe dọa Bắc Hàn thì Đài Loan luôn cảnh giác trước mối đe dọa Trung Quốc. Điều đó giúp Đài Loan dễ thích ứng với một tình huống tương tự thảm họa chiến tranh đe dọa an ninh quốc gia và sinh mạng toàn bộ người dân.

Nước Ý đã phản ứng rất chậm với dịch bệnh (ảnh: kiểm dịch tại một nhà ga ở Milan – AP)

“Dân chủ” và coronavirus

Rất nhiều bình luận phương Tây đang mổ xẻ khái niệm dân chủ khi đặt dân chủ lên bàn cân so với các giải pháp đối mặt dịch bệnh, rằng “giá trị dân chủ” bị xói lở khi những quyền tự do căn bản bị tước đoạt, khi người dân bị “nhốt trong nhà”, khi thành phố khóa cửa, khi biên giới bị phong tỏa, khi các chính phủ (phương Tây) biến thành nhà cầm quyền độc tài… Tuy nhiên, đối mặt tình trạng lây nhiễm tràn lan, các giải pháp cứng rắn tránh lây lan dẫn đến hỗn loạn xã hội là sự chọn lựa duy nhất, trừ phi có thể nắm chắc được khả năng kiểm soát dịch bệnh như Hàn Quốc.

Cả hai nước, Hàn Quốc và Ý, đều là quốc gia dân chủ. Tuy nhiên, mô hình dân chủ của bộ máy chính quyền Ý đã thất bại trong những ngày đầu chống dịch, dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát như hiện nay. Thất bại của Ý không bắt nguồn từ sự thất bại của chính trị dân chủ như cách nói của vài nhà bình luận phương Tây mà đến một phần từ tính cách dân tộc họ. Một trong những nét truyền thống của văn hóa Ý là “furbo” (đại khái kiểu như “láu lỉnh”, “láu cá vặt”), khi họ luôn thích thú với “kỹ năng” lách luật – một “di sản” hàng thế kỷ của người dân sống từ thế hệ này sang thế hệ kia với những chính quyền bất tài, ích kỷ và “ham vui”. Không phải tự nhiên khi kêu gọi toàn dân tuân thủ lệnh phong tỏa, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã nói: “Chúng ta đừng nghĩ đến việc “furbo”.

Ngày 27-2, Nicola Zingaretti – thủ lĩnh một trong hai đảng chính trị chính trong liên minh cầm quyền Ý và là thủ hiến vùng Lazio – đã post lên Instagram bức ảnh ông cụng ly vui vẻ với nhiều người trong một quán rượu ở Milan. “Đừng đánh mất thói quen chúng ta. Không thể đóng cửa Milan và nước Ý. Nền kinh tế chúng ta mạnh hơn sợ hãi. Cứ đi ăn nhậu, càphê cà pháo, và xơi pizza cái đã” – Zingaretti nói. Không đầy 10 ngày sau, nhân vật này được xét nghiệm dương tính với coronavirus.

Phong tỏa là giải pháp duy nhất để tránh lây lan và điều này cần được tuân thủ nghiêm ngặt (trong ảnh là một góc New York City sau khi có lệnh phong tỏa – Getty Images)

Trận dịch thật ra đã giúp nhìn thấu đáo và chi tiết hơn về các hệ thống chính trị dân chủ mở mà tưởng chừng luôn giống nhau. Trong thực tế, cho dù đi theo mô hình chính trị dân chủ mở nào, cho dù lá phiếu bầu cử đặt trên tinh thần dân chủ như thế nào, mỗi quốc gia đều có những hệ giá trị riêng khi dựng lên bộ máy chính quyền cai trị quốc gia mình. Những hệ giá trị đó được đặt trên căn bản văn hóa dân tộc và dân tộc tính. Và chỉ khi chạm mặt một tình huống nguy cấp cực kỳ nghiêm trọng thì tất cả giá trị đó, ưu lẫn khuyết, mới “bung” ra đầy đủ.

Nó giúp thấy rõ sự khác biệt mô hình dân chủ mở của phương Tây khác với châu Á như thế nào; và thậm chí cho thấy lý do xảy ra sự va chạm và rạn nứt trong khối EU về sự tương trợ cũng như cách thức chống dịch dù trên lý thuyết EU là một mô hình dân chủ phổ quát: đó chính là sự trỗi dậy và xen vào của yếu tố dân tộc tính. Dĩ nhiên dân tộc tính không là thứ duy nhất để giải đáp và giải quyết tất cả vấn đề liên quan trận dịch nhưng một quốc gia biết tận dụng tối đa các nguồn lực từng có nhờ những giá trị dân tộc mình xây dựng nên trong suốt quá trình kiến tạo quốc gia, cho dù là bộ máy chính quyền, hệ thống y tế hay trình độ kỹ thuật, thì họ dường như nhanh chóng hơn trong việc tìm được cách đối phó. Coronavirus đang san phẳng mọi giá trị trong đó có giá trị dân chủ. Có lẽ điều còn lại tạo nên tinh thần và ý chí, trong một cuộc chiến chưa từng có tiền lệ như cuộc chiến này, là yếu tố dân tộc và sự khơi dậy được tinh thần gắn kết dân tộc.

M.K.

Nguồn: https://saigonnhonews.com/quoc-te/dan-toc-tinh-va-cuoc-chien-coronavirus/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn