Hạt gạo Việt: Sau cả thập kỷ tổn thất vì chính sách giờ là lúc Việt Nam có cơ hội sửa chữa sai lầm

Mộc Trà (tổng hợp)

Hạt gạo Việt: Sau cả thập kỷ tổn thất vì chính sách giờ là lúc Việt Nam có cơ hội sửa chữa sai lầm

Những người nông dân đang thu gom và bỏ thóc đã phơi khô vào các túi để bán ở Vị Thủy, Hậu Giang vào ngày 2/3/2016. (STR / AFP / Getty Images)

Chính sách xuất khẩu gạo khiến thị trường xuất khẩu gạo Việt rơi vào thương nhân nước ngoài, gạo Việt bị mất thương hiệu, người nông dân bị chèn ép giá. Trước đại dịch, Trung Quốc tăng thu mua gạo ở nước nhận đầu tư “Vành đai - con đường” khiến thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam rớt thảm. Phải chăng virus Corona Vũ Hán là cơ hội cho hạt gạo Việt?

Chính sách xuất khẩu gạo của Việt Nam từng làm khó thương nhân Việt đến mức nào?

Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo năm 2010 đã tạo rào cản kỹ thuật cao đến mức doanh nghiệp nội địa không thể theo kịp và mất mát thị phần. Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trong tất cả các điều kiện, từ công suất kho, công suất cơ sở xay xát, địa điểm đặt kho, máy xay xát, vùng nguyên liệu... cho đến việc xin giấy phép, đăng ký hợp đồng xuất khẩu mới... trong Nghị định này đều tạo ra rào cản kỹ thuật quá lớn cho doanh nghiệp, không phù hợp với thực tế thị trường khiến doanh nghiệp “hụt hơi” trong việc gia nhập và phát triển thương hiệu gạo Việt.

Lấy dẫn chứng về điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, ông Ngô Văn Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC cho biết, hiện công ty này có vùng nguyên liệu khoảng 35.000 ha với 6.000 nông dân, hệ thống nhà máy xay xát, kho bãi có sức chứa 30.000 tấn. Mặc dù có đủ điều kiện để đăng ký xin giấy phép xuất khẩu gạo, công ty này không thể trực tiếp làm, mà phải thông qua một công ty con đứng ra thực hiện điều này.

Theo ông Nam, mỗi lần xin phép xuất khẩu gạo vừa tốn thời gian, vừa tốn chi phí của doanh nghiệp, chi phí này khá đắt đỏ, không dưới 20.000 USD/lần. Chưa hết, mỗi lần xuất khẩu, doanh nghiệp phải báo cáo số liệu cho các cơ quan chức năng, rằng xuất khẩu được bao nhiêu, tồn kho bao nhiêu… Những việc này rất nhỏ nhưng rất tốn thời gian, thậm chí doanh nghiệp phải tuyển thêm người chỉ để làm báo cáo.

Do vậy, vị Giám đốc này đề xuất bãi bỏ các điều kiện về sở hữu kho bãi… để giảm chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Riêng các đơn hàng được ký kết theo hình thức tập trung, cần có cơ chế đấu thầu để các doanh nghiệp tư nhân có năng lực có thể được tham gia vào xuất khẩu, thay vì chỉ tập trung cho các doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.

Mãi cho tới cuối năm 2018, Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã ra đời để thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, nới lỏng các “tiêu chuẩn” vốn là rào cản phi lý ngăn thương nhân nội địa gia nhập thị trường như sở hữu kho, xưởng theo tiêu chuẩn. Nghị định 107 không bắt buộc thương nhân kinh doanh sở hữu kho chứa thóc, gạo, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, mà có thể thuê các cơ sở này để đáp ứng điều kiện kinh doanh; bãi bỏ quy định thủ tục bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam; bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký; điều chỉnh giảm quy định lượng gạo dự trữ xuống 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó, thay vì 10% như trước đây…

Sai lầm chính sách khiến hạt gạo Việt mất thương hiệu, giá hạt gạo bị chèn ép… 

Từ năm 1989 đến năm 2019, tròn 30 năm hạt gạo Việt Nam có mặt ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong ba nước xuất khẩu gạo nhiều nhất, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Từ năm 1989 đến năm 2018, nước ta đã xuất khẩu 127,77 triệu tấn gạo, thu về 44,67 tỷ USD. Năm 2012, lượng gạo xuất khẩu đạt cao nhất với 7,72 triệu tấn, trị giá 3,45 tỷ USD. Nhưng chất lượng gạo Việt còn thấp, giá xuất khẩu rẻ, sử dụng nhiều thuốc trừ sâu và giống lúa sản lượng cao, chất lượng thấp… Thêm vào đó, quy định về điều kiện được phép xuất khẩu đã khiến chỉ doanh nghiệp lớn của quốc doanh và nước ngoài mới tham gia vào việc xuất khẩu gạo. Đã có tình trạng hạt gạo Việt gắn mác xuất xứ Thái Lan, Indonesia, Malaysia để xuất khẩu.

Nhận thấy việc bán gạo chất lượng thấp, giá rẻ không còn là lợi thế, giá trị gia tăng không được bao nhiêu do sử dụng quá nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nhập khẩu, ngày 3/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 492/QĐ-TTg). Tuy nhiên trong chiến lược xuất khẩu gạo này, không thấy đề cập đến việc xây dựng thương hiệu gạo, cũng không có loại gạo mang tên riêng mà chỉ gọi chung là “gạo thơm”, “gạo đặc sản”. Chuyện lạ nữa là vào ngày 18/12/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại công bố logo thương hiệu quốc gia “gạo Việt Nam” để dùng chung cho mọi loại gạo xuất khẩu, mà không có điều kiện kèm theo là nếu doanh nghiệp nào xuất khẩu gạo thì đính kèm tên thương hiệu riêng của loại gạo ấy, ví như Thái Lan đã rất thành công với thương hiệu gạo Jasmine (trong chủng loại gạo Hom Mali), kèm theo chữ “THAI”; Campuchia với thương hiệu gạo Phka Romdoul và gần đây là Malys Angkor.

Nhiều năm qua, một số DN như Tập đoàn Lộc Trời, Công ty CP Agricam, Công ty CP Xuất nhập khẩu Intimex, Công ty CP Nông nghiệp Trung An... đã chú trọng xây dựng thương hiệu gạo nhưng cũng khá “vất vả”. Chẳng hạn, các DN này thành lập nhiều hợp tác xã kiểu mới ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo đó, DN cung cấp giống, vật tư để nông dân sản xuất theo “quy trình sạch” và DN sẽ bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng, chỉ cần thương lái trả thêm vài trăm đồng/kg lúa là nông dân lại "bẻ kèo", doanh nghiệp không đủ lượng gạo giao cho khách hàng như hợp đồng đã ký.

Điều này cho thấy, cho tới nay, mặc dù đã có những thay đổi nhất định trong chính sách xuất khẩu gạo và thương hiệu gạo nhưng hệ thống chính sách thiếu đồng bộ, thiếu vắng cơ chế phát triển thương hiệu và thị trường xuất khẩu bền vững khiến Việt Nam mất thế chủ động trong cuộc chơi, tổn thất về giá, thị trường và chịu sự “chèn ép” của những tay chơi lớn, trong đó có Trung Quốc.

Trước đại dịch, Trung Quốc áp thuế nhập khẩu gạo Việt tới 50% vì “Vành đai - Con đường”? 

Theo số liệu thống kê, hiện nay Việt Nam vẫn là quốc gia mà Trung Quốc nhập khẩu gạo với tỷ trọng cao nhất. Một phần do sản lượng gạo cao và giá gạo cạnh tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc rõ ràng giảm thiểu tỷ trọng nhập khẩu gạo từ Việt Nam và gia tăng nhập khẩu gạo từ Myanmar, Lào, Cambodia - đây cũng là quốc gia có hợp tác với Trung Quốc trong chương trình Vành đai - Con đường (BRI) trong khi Việt Nam vẫn chưa tỏ rõ thái độ ủng hộ Trung Quốc về chương trình BRI này.

Tỷ trọng gạo Trung Quốc nhập khẩu theo quốc gia (top 9) 

Tốc độ tăng gạo nhập khẩu vào Trung Quốc tính từ năm 2014 đến nay (top 9) 

  1. Vietnam: US$739.2 billion (46.2% of China’s total rice imports)
  2. Thailand: $508.4 billion (31.8%)
  3. Pakistan: $145.4 billion (9.1%)
  4. Cambodia: $122.8 billion (7.7%)
  5. Laos: $38 billion (2.4%)
  6. Myanmar (Burma): $31.5 billion (2%)
  7. Taiwan: $11.9 billion (0.8%)
  8. Japan: $1.9 billion (0.1%)
  9. Russia: $472,000 (0.03%)
  1. Myanmar (Burma): Up 886.4% since 2014
  2. Taiwan: Up 563.2%
  3. Laos: Up 455.8%
  4. Japan: Up 353%
  5. Cambodia: Up 287.7%
  6. Russia: Up 117.5%
  7. India: Up 100%
  8. Thailand: Up 27.2%
  9. Vietnam: Up 18.1%

Nguồn: World to Exports 

Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 318,146 tấn, tương đương 159,45 triệu USD, giảm 65,7% về lượng và giảm 67,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước; giá giảm 5,4%, đạt 501,2 USD/tấn. Tình trạng này kéo dài trong quý 4 năm 2019, trước dịch virus Corona Vũ Hán xuất hiện. Kể từ năm 2013, Trung Quốc nổi lên thành nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Các nước cung cấp gạo chính cho thị trường Trung Quốc là Việt Nam, Thái Lan và Myanmar, trong khi Trung Quốc cũng nhập khẩu khá nhiều từ Campuchia. Việt Nam và Thái Lan là hai nhà cung cấp gạo lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm hơn 3/4 (78%) tổng trị giá gạo nhập khẩu năm 2018 (theo World top Exports).Theo các chuyên gia, Trung Quốc chiếm 30% tổng sản lượng cũng như tổng tiêu thụ gạo toàn cầu, là nước sản xuất và tiêu dùng gạo lớn nhất thế giới.

Trung Quốc đã giảm nhập khẩu gạo từ Việt Nam bằng cách ban hành chính sách đánh thuế cao lên hạt gạo Việt. Ủy ban Thuế quan Quốc Vụ viện Trung Quốc ban hành Thông báo số 33/2018 về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với sản phẩm gạo và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018. Một số dòng sản phẩm trong bộ mã HS 100630 là những dòng sản phẩm bị điều chỉnh thuế nhập khẩu lên đến 50%.

Việc Trung Quốc áp thuế nhập khẩu cao để quay lưng với gạo Việt vì các mục đích “trừng phạt” là có thể. Nhưng chắc chắn, các quốc gia mà Trung Quốc gia tăng nhập khẩu gạo trong 2-3 năm gần đây đều là các nền kinh tế mà chương trình BRI của Trung Quốc đã thực sự đặt chân vào.

Thiên ý và nhân hòa 

Những tháng đầu năm nay, diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán đã và đang gây ra những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Nhu cầu đối với một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có gạo, đang tăng rất nhanh, và nhiều dấu hiệu cho thấy người dân đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ lương thực để bảo đảm cuộc sống.

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu gạo đã tăng đột biến trong 2 tháng đầu năm, với tỷ lệ lên tới 32%, đạt 930.000 tấn. Giá gạo theo đó cũng biến động, tăng 20-25% tuỳ từng chủng loại thóc, gạo. "Nếu xuất khẩu gạo tới đây vẫn tăng đột biến như 2 tháng đầu năm, Việt Nam có thể đối diện với rủi ro thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước", Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dự báo.

Vì thế, trong các đề xuất lên Chính phủ về vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án. Một là cấp giấy phép xuất khẩu gạo trở lại, và hai là tạm hoãn xuất khẩu gạo cho đến hết tháng 5/2020. Sau nhiều cân nhắc, Thủ tướng kết luận rằng sẽ hoãn việc xuất khẩu gạo đến cuối tháng 5/2020, và yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan ngừng xét duyệt tờ khai thông quan từ 0h ngày 24/3.

Vào chiều ngày 25/3, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương dừng xuất khẩu gạo. Các hợp đồng mà các doanh nghiệp đã ký sẽ phải chờ kết quả làm việc của đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì. Sau quá trình kiểm tra, đoàn sẽ tiến hành rà soát, đánh giá nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, sau đó báo cáo để Thủ tướng xem xét điều chỉnh. Trong thời gian này, Thủ tướng cũng yêu cầu dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới.

Bộ Công thương tiền hậu bất nhất xin tạm hoãn thi hành chính sách ngừng xuất khẩu gạo sau khi tư vấn nên ngừng xuất khẩu

Sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo xuống bộ phận hải quan địa phương. Nhưng ngay sau đó, Bộ Công Thương cũng nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp địa phương phản hồi về việc đang có sự chênh lệch nhất định giữa số liệu của Bộ Công Thương và số liệu mà địa phương và doanh nghiệp nắm được, chẳng hạn như:

  • Về sản lượng dự trữ gạo, nhất là sản lượng vụ Đông Xuân tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

  • Về lượng gạo tồn trong dân và trong doanh nghiệp, đặc biệt là mức dự trữ 5% mà doanh nghiệp phải thực hiện.

Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng để xin phép kiểm tra lại một lần nữa về số lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các doanh nghiệp, cũng như số hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký (có thể số lượng này không lớn như dự kiến). Sau khi báo cáo lại, Thủ tướng sẽ xem xét đề nghị của Bộ Công Thương.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết, trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra như là dịch bệnh kéo dài hoặc thiên tai địch họa, thì đã có dự trữ quốc gia. Thủ tướng đã có chỉ đạo trong kết luận 121 về việc Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm trong việc tăng cường dự trữ quốc gia, cần mua vào thêm từ 200 – 300 nghìn tấn gạo.

Hơn nữa, Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo cũng yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu, tương đương 5% số lượng gạo mà doanh nghiệp đã xuất khẩu (trong vòng 06 tháng trước đó). Nếu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc này, thì lượng dự trữ sẽ có trong các doanh nghiệp. Bộ Công Thương đã chuẩn bị tất cả kịch bản phân phối hàng hóa, không để xảy ra việc thiếu lương thực cục bộ ở bất kỳ địa phương nào.

Theo tính toán, vụ lúa của Việt Nam gieo trồng nhanh, trong thời gian ngắn có thể đáp ứng được yêu cầu. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tuy nhiên tốc độ xuất khẩu phải được kiểm soát nhất định. An ninh lương thực phải đảm bảo đưa lên hàng đầu, do đó Bộ Công Thương đã có đề xuất ngừng việc xuất khẩu gạo.

Chính phủ nên chủ động trong dự phòng an ninh lương thực, không thể hoàn toàn dựa vào doanh nghiệp

Kịch bản xấu nhất là doanh nghiệp không dự phòng đủ 5% theo Luật định khi cầu về gạo tăng cao, giá tốt hơn trong khi ngập mặn và dịch châu chấu cận kề khiến sản lượng lương thực có thể không cao như dự kiến. Khi đó, an ninh lương thực sẽ thực sự bị đe dọa và hỗn loạn xã hội có thể xuất hiện.

Hiện nay, đứng trước nguy cơ an ninh lương thực, dấu hiệu đầu cơ gạo, tăng dự trữ gạo ở các nước gia tăng, cùng với việc nguồn cung gạo giảm, thì hành động tạm thời ngừng xuất khẩu gạo hoặc xuất khẩu gạo rất tiết chế của Việt Nam có thể làm giảm nguồn cung và hạt gạo Việt có cơ hội được bán với giá tốt hơn, là cơ hội để thúc đẩy thương hiệu. Bởi vậy, việc tạm dừng xuất khẩu trong ngắn hạn được cho là một quyết định khôn ngoan trong khi cũng không ảnh hưởng tới nông dân trồng gạo khi nhà nước gia tăng thu mua dự trữ.

Lưu ý: Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDTV.

M.T.

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2017-02-23/de-xuat-phuong-an-coi-troi-cho-kinh-doanh-xuat-khau-gao-40974.aspx

https://bnews.vn/bo-cong-thuong-de-nghi-tam-hoan-viec-dung-xuat-khau-gao-de-xac-minh-so-lieu/151547.html

https://bnews.vn/nghi-dinh-107-2018-nd-cp-se-tao-thay-doi-lon-cho-xuat-khau-gao/100107.html

https://doanhnhansaigon.vn/kinh-doanh/ba-muoi-nam-xuat-khau-gao-khong-dau-an-thuong-hieu-1094682.html

Nguồn: https://www.ntdvn.com/kinh-te/hat-gao-viet-sau-ca-thap-ky-ton-that-vi-chinh-sach-gio-la-luc-viet-nam-co-co-hoi-sua-chua-sai-lam-24577.html

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn