Ngày Phụ nữ 8/3 và “cô Vi”

Chi Mai 

Cùng là phụ nữ, nhưng nói thật thì chỉ có mà như cô Phim, làm thơ nịnh thì được như cô Thanh, khôn lỏi thì được cô Vi (Covid-19).

 

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng

Ngày 27/1, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết rằng lãnh đạo Sở đã làm việc để đề nghị khách sạn Đà Nẵng Riverside cất bảng thông báo không nhận khách Trung Quốc vì lo ngại khả năng bùng phát bệnh viêm phổi lạ do virus corona. Khi ấy (ngày 26/1/2020) Trung Quốc chỉ mới 2.019 trường hợp mắc bệnh do virus corona và có 56 người tử vong cùng với 15 cán bộ y tế nhiễm bệnh. Còn tại Việt Nam, theo thông tin được Bộ Y tế công bố chiều 26/1 có 2 người dương tính với virus corona. Bà Hạnh cho rằng không nên vì vậy vì sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của điểm đến trong mắt du khách. Nhiều người sẽ nghĩ lúc cần thì chúng ta mời gọi họ, còn lúc không cần thì từ chối. Theo ý bà Hạnh thì: “Có nhiều cách để từ chối khách ví dụ như thông báo hết phòng… chứ không nên công khai thế sẽ ảnh hưởng đến điểm đến, có hành vi không đẹp. Sở chỉ muốn trao đổi và tìm cách làm tốt nhất cho các bên chứ không hề có động thái bắt buộc”. Bộ não của bà Hạnh làm du lịch nhưng lại có vấn đề vì việc đặt phòng khách sạn. Khách đã đặt phòng, có tiền cọc hoặc thậm chí đã trả tiền bằng thẻ tín dụng thì không thể nào từ chối khách bằng cách nói hết phòng. Thứ hai, bà đã thản nhiên coi việc nói láo là cách từ chối khách “nhẹ nhàng” và là “hành vi đẹp” để tránh ảnh hưởng đến du lịch của tỉnh nhà. Cho đến nay, ngành du lịch trên cả thế giới đang điêu đứng vì con virus corona được xuất khẩu từ Trung Quốc, hàng chục quốc gia đã cấm du khách Trung Quốc đến từ các vùng dịch hay đề nghị công dân họ không đi du lịch đến các quốc gia đang có dịch hoành hành. Con số nhiễm bệnh đã lên đến trên 105.000 người trên 101 quốc gia. Chính phủ đã ra lệnh cho cách ly tất cả khách lẫn người Việt đến từ vùng dịch như Trung Quốc, Hàn Quốc thì lại thấy bà im thin thít, không hó hé gì đến việc ảnh hưởng điếm đến điểm đi. Bà vẫn còn nợ ông chủ khách sạn Đà nẵng Riverside một lời xin lỗi công khai.

Cô giáo làm thơ

Cô Chu Ngọc Thanh đã kịp thời làm một bài thơ ca ngợi Đảng, Chính phủ đã chống dịch quyết liệt, nhưng không kém phần nhân văn. Chính phủ ông Phúc đã nhanh nhảu có công văn khen cô giáo làm thơ. Chủ tịch huyện Iagrai lại còn lẹ tay hơn khi “trao bằng khen cho cô giáo”. Chỉ với 4 câu thơ đã cho thấy cô giáo làm thơ nếu không có vấn đề về đọc hiểu, thì có lẽ là có trí tưởng tượng tuyệt vời. “Với con tàu đang khóc giữa đại dương Mình mở cửa đón họ vào bến cảng Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ”. Bài thơ làm cho nhiều người thổn thức lẫn với niềm hân hoan mà quên béng đi chỗ phản ánh không đúng sự thật. Những ai khen bài thơ hay mà không biết sàng lọc thông tin đúng sai thì họ ắt đã không biết sử dụng bộ não vào cho đúng chỗ. “Bài thơ chống dịch” của cô đã làm lộ rõ cái không khí “xu nịnh đặc quánh”. Cái thứ dễ dàng khiến cho một môi trường bao phủ bởi sự giả dối và vun trồng lớp người ươn hèn. Ninh nọt, gian dối, bợ đỡ, xưng tụng quá mức đã và đang tiếp tục bào mòn chính danh, minh bạch, ngay thẳng của xã hội.

Cô Phim bị kỷ luật

Ngày 6/2,Cô Lô Thị Phim cán bộ thiết bị - Thư viện của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phà Đánh đã chụp, đăng ảnh học sinh lớp 6B của trường mình đeo khẩu trang bằng giấy lên Facebook. Theo Phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, bài đăng của cô Phim gây ra hình ảnh phản cảm, làm ảnh hưởng đến uy tín, trái ngược với sự quan tâm chỉ đạo của của huyện Kỳ Sơn cũng như của ngành giáo dục. Với mức độ vi phạm như trên, hội đồng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phà Đánh đã “phê bình, nhắc nhở” cô Phim chỉ vì cô lỡ dại nói lên sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của huyện của ngành. Sau khi bị phản ứng, thì phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn đã nói lại rằng: “Có thể mục đích của cô giáo là tốt nhưng có nhiều ý kiến trái chiều gây phản cảm. Những ý tốt của cô giáo đó có thể chuyển qua một hình thức khác như đề nghị cấp trên bổ sung thêm khẩu trang. Mạng xã hội cũng rất tốt nhưng cán bộ, công chức, giáo viên khi đưa các vấn đề lên mạng xã hội cũng cần tỉnh táo, cân nhắc”. Thật chua chát cho người trong ngành giáo dục khi phải chấp nhận những tiêu chuẩn kép được áp dụng không giống ai. Người nói lên sự thật thì bị nhắc nhở, khiển trách. Người nói sai sự thật nhưng lại được khen nhờ biết nịnh.

Áo vàng có não

Cô áo vàng từ vùng dịch Hàn Quốc trở về Việt Nam đã nổi như cồn khi đăng livestream trên Facebook kể lại chiến tích lách phòng dịch ở sân bay khi nhập cảnh vào Việt Nam. Cô sử dụng bộ não của mình để đi lách từ Busan về Việt Nam, sau đó tiếp tục không khai báo thật về lịch trình của mình để trốn không bị cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh theo như quy định kiểm dịch của Chính phủ. Cô tự cho rằng mình có bộ não để thể hiện sự khôn lỏi. Nhưng khôn chỉ có một mà không có hai khi tưởng rằng đã thoát cửa kiểm dịch ở sân bay, thì lên Facebook nói gì không ai sẽ lùng ra mình. Bộ não của cô đã không dung nạp được dữ liệu rằng hộ chiếu của cô được sử dụng để đi lại có chứa tất cả thông tin cá nhân trong đó, và chỉ cần một cái click chuột là mọi thứ hiện ra mồn một. Chưa kể một cộng đồng Facebook tới mấy chục triệu người sẽ truy ra cô trong vòng ba nốt nhạc. Bằng chứng là không những cô đã bị điệu đi cách ly ngay sau đó mà còn mang theo được cả hai người thân đã tiếp xúc gần cùng đi “nghỉ dưỡng miễn phí” 2 tuần.

Ca thứ 17

Ca thứ 17 đã dùng bộ não để lách kiểm dịch khi nhập cảnh vào Việt Nam khi không thành thật khai báo đã có đi đến vùng tâm dịch châu Âu là Milan, Ý. Ca thứ 17 này cũng đã dùng bộ não để quyết định đi đến bệnh viện thăm khám khi các triệu chứng bệnh trở nặng và dù đã được chị gái ở châu Âu cho biết đã dương tính với Covid-19. Ơ hay, bệnh thì phải đi bệnh viện? Đúng là như vậy. Nhưng phải khuyến cáo nhân viên y tế về khả năng lây nhiễm bệnh khi cho họ biết cô đã tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh ở nước ngoài cũng như công bố lịch trình trong hai tuần vừa qua. Cô là quản lý khách sạn, từng du học ở Anh nhưng lại không thâu nạp được những giá trị nhân văn lâu đời của châu Âu. Bộ não của cô chỉ xử lý được việc đi về nhà mình bằng mọi cách, đi đến bệnh viện để được chữa nhanh nhất chỉ vì mình có điều kiện. Bộ não của cô đã khiến cả một hệ thống phải mất ăn, mất ngủ, hàng trăm người sẽ phải bị cách ly, không chỉ ở Việt Nam mà cả hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đã lỡ không may có mặt trùng với thời điểm có sự hiện diện của cô. Bộ não của cô đã khiến cho hàng ngàn người dân Hà Nội hoảng loạn và cũng có những bộ não với cùng trình độ xử lý đã tớn tác vác vali di tản ngay trong đêm trước khi công bố phong toả để trốn dịch. Không biết có bao nhiêu người sẽ bị ảnh hưởng và mức độ thiệt hại sẽ đến đâu chỉ vì bộ não không có lập trình “ý thức cộng đồng”. Người viết lại xót xa cho gần 150 du khách nước ngoài không may cùng ngồi trên chuyến bay định mệnh VN0054 từ London về Hà Nội. Họ mong chờ một kỳ nghỉ trọn vẹn ở điểm đến Việt Nam, với biển xanh, cát trắng, món ăn ngon. Oái ăm thăm kỳ nghỉ của họ chưa bắt đầu đã vội kết thúc vì tất cả đều bị lùa vô trung tâm cách ly. Sau hai tuần họ sẽ buộc phải trở về chính quốc. Kỳ nghỉ đã bị lấy mất và không biết bao giờ họ mới dám quay lại Việt Nam hay lại “một đi không trở lại”. Cùng là phụ nữ, nhưng nói thật thì chỉ có như cô Phim, làm thơ nịnh thì được như cô Thanh, khôn lỏi thì được cô Vi. Chẳng lẽ “một thời đểu cáng đã lên ngôi” lại chưa bao giờ thật như thế?! C.M.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn