Nghĩ giữa ngày đại dịch

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

Sáng sớm, tiếng đàn piano thánh thót vọng tới, như một đôi cánh âm thanh trang trọng đưa tôi ra khỏi giấc mộng nặng nhọc đêm qua. Đó là tiếng đàn của phu nhân cố nhà văn Đào Vũ, hàng xóm thân thuộc của tôi. Bản nhạc “Hành khúc Thổ Nhĩ Kỳ” của Mozart mở đầu cho một ngày đầy căng thẳng của cả xã hội trước những diễn biến về đại dịch mỗi lúc một dồn dập trên khắp thế giới… Trong những hợp âm chuyên nghiệp của bà giáo già dạy nhạc, tôi lan man trước bao ý nghĩ lộn xộn để rồi lại trở về với lo toan đời thường của vợ, con, hàng xóm, quanh chuyện dịch Corona đời mới, và thốt nhiên tôi nhớ đến cuốn tiểu thuyết “Dịch hạch” (Nguyên tác: La Peste, NXB Văn học, 2002) của nhà văn Pháp Albert Camus. Tôi bật dậy, lục tìm cuốn sách đọc lại, và sửng sốt nhận ra rằng: những điều Albert Camus viết về những gì đã diễn ra một thành phố Pháp trên bờ biển Algérie, trong một nạn dịch hạch hoành hành khủng khiếp vào những năm chủ nghĩa phát-xít đang thống trị toàn châu Âu kia, cũng là những điều tiên báo cho tương lai của nhân loại, buộc con người trong các thời đại, các chính thể xã hội phải suy ngẫm một cách thực sự nghiêm túc về lương tâm, trách nhiệm của mình đối với đồng loại. Những ngày qua, nhiều đoạn trích dẫn từ nhiều nguồn mang tính cách huấn dụ và cảnh báo nghiêm trọng như thế này đã xuất hiện dày đặc trên những trang sách báo chính thống mà không sợ bị quy là “tự diễn biến” hoặc “suy thoái tư tưởng”:

“Virus chỉ là một sứ giả đáng sợ cảnh báo sự vô cảm và “đoạn kết” của loài người…”.

“Con người tự cho mình là thượng đẳng, là làm chủ được muôn loài, nên muốn làm gì cũng được. Tàn phá, hủy hoại thiên nhiên, giết chóc lẫn nhau liên miên từ thiên niên kỷ này sang thiên niên kỷ khác. Nhân tai đã khiến vô số loài đã tuyệt chủng, đang tuyệt chủng và trớ trêu thay, số phận giống loài "cao cấp" nhất cũng đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sinh tử…”.

“Virus có phải giống loài đáng sợ nhất? Chắc chắn không phải. Giống loài đáng sợ nhất chính là con người - sinh vật có thể giết thịt và tàn phá mọi giống loài khác…”.

“Con người đang điên cuồng cướp đoạt mọi thứ từ Trái đất. Chúng ta khiến cho Trái đất chịu tổn hại nặng nề, chúng ta đã làm ô nhiễm sông ngòi, biển cả và không khí, chúng ta chen chúc chung một chỗ, dùng sắt thép và xi măng xây nên những kiến trúc cổ quái kỳ lạ, gọi những nơi này bằng cái tên đẹp đẽ là thành phố…”.

“Hôm nay, chúng ta đã nhìn thấy "những điều chẳng còn ý nghĩa gì" từ hậu quả của đại dịch. Đó là rất nhiều người trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời mình không có được cái ân huệ cuối cùng: Nhìn mặt người thân… Khi thiên tai địch họa xảy ra, con người thường xót xa coi mình là nạn nhân của tự nhiên, số phận. Mấy ai nghĩ được sâu xa, hàng ngày chính họ cũng góp phần để trở thành hung thủ?”.

“Thực tế của đại dịch Covid – 19, thêm một lần nữa, đã chứng minh rất rõ: Mọi toan tính ích kỷ và vô cảm, vun vén riêng mình của một quốc gia nào đó, dù có khôn ranh đến mấy, cũng không thoát khỏi sự giáng trả của thời thế”.

“Chưa bao giờ một đại dịch lại có thể phơi bày cùng lúc cả hai bộ mặt: Cao cả, nhân văn và phi nhân tính của con người một cách rõ ràng đến như vậy…”.

“Đại dịch nào rồi cũng sẽ hết. Nhưng những mất mát ấy có thể trở nên vô cùng giá trị nếu chúng ta nhận ra, gìn giữ tâm Phật trong mỗi người và phá bỏ tham lam, ích kỷ, vô cảm trước đồng loại…”.

v.v.

Thực ra, những điều đó trước nay đã được nói nhiều trong sách báo, đài phát thanh, truyền hình (chính thống) hàng ngày hàng giờ (dĩ nhiên là ở những hình thức “an toàn” hơn), đến độ nó trở thành “kinh điển”, cũng có nghĩa là chai lỳ, mọc rêu, thường để dành cho các lớp sinh viên khoa học xã hội hay nghệ thuật tụng niệm thuộc lòng rồi trả bài…

Nhưng tới ngày hôm nay, những điều tưởng bình thường, xa lạ, bị chìm đi giữa các chương trình giải trí vô bổ và “Tinh thần thể dục”, bỗng hiển hiện về thực tại với mức độ dày đặc, trong tình thế cấp bách. Với sự lan tràn của đại dịch mới, người ta chợt nhận ra rằng: sự hủy hoại môi trường sinh thái đã trở nên nguy hại và cấp bách đến thế nào; người ta đã từng dửng dưng cười cợt trước sự đau khổ của người khác và tình đồng bào đã từng bị dày xéo lăng nhục rồi bị giết chết thê thảm ra sao... Dường như mỗi người khi đã tự đặt mình vào vai trò là nạn nhân mới thảng thốt hiểu ra rằng “Đời là giấc mộng” và bắt đầu quan tâm đến thế giới nhân sinh vật vã đau khổ trong Cõi Người - Cõi Trời - Cõi Âm mà một nhà thơ gửi gắm trong tiểu thuyết ra đời cách đây gần chục năm… Những lò thiêu người bị bệnh dịch hạch ở châu Âu, châu Á, châu Phi trong các thế kỷ trước được nhớ lại khiến người ta rùng mình liên tưởng tới những lò thiêu người Do Thái của bọn Na-zi… Ý thức công dân được thổi bùng lên, tình đồng bào được nhen nhóm lại, một “tâm lý đám đông” mới được khơi dậy một cách vừa theo định hướng vừa tự phát, cứ như một cuộc tỉnh ngộ mới mẻ, tựa câu chuyện trong tác phẩm "Suối thép" của nhà văn Sêraphimôvích (Liên Xô cũ) và đã lên màn ảnh lớn: sau khi đoàn hồng quân đói khát rệu rã được chính ủy cố tình đưa đi qua một đoạn đường thử thách, gian khổ, đầy hy sinh của đồng đội, thì đoàn quân ấy như được tiếp thêm sức mạnh tinh thần ghê gớm, và họ đã trở thành một "suối thép" để có thể chiến thắng quân thù… Thái độ phẫn nộ, mạt sát với một số người từ nước ngoài trở về mà kênh kiệu, đòi hỏi, cũng có thể thông cảm được; và những lời ngợi ca thái quá dễ gây hiểu lầm là tâng bốc đối với những người có chức trách trong công việc mà phận sự đòi hỏi cần phải thế cũng có thể hiểu được, thậm chí cũng đáng trân trọng… Cách đây mấy phút, tôi nhận được tin nhắn của một người quê Nghi Xuân - Hà Tĩnh, bạn mới toanh trên FB: “Em chào anh… Có anh chia sẻ vui buồn điều hay lẽ phải trong cuộc sống em cảm thấy bớt cô đơn và buồn tủi hơn…”.

Tôi đã lặng người hồi lâu và ứa nước mắt trước cái tin nhắn của người bạn trẻ chưa hề quen biết ấy. Thì ra, sự cô đơn và buồn tủi lâu nay đã trở thành một trạng thái tâm lý xã hội khá điển hình, khi mà sự hỗn loạn của đạo đức đang hoành hành, sự tôn thờ chủ nghĩa vật chất lên ngôi, tình người đã phải lùi bước và lẩn trốn trước sự vụ lợi trơ tráo, những người lương thiện muốn sống và làm việc tử tế thực sự mà nghèo túng thì bị coi thường, khinh rẻ, xua đuổi, lòng trung thực hóa thành thứ xa xỉ phẩm…

Nhưng hôm nay, cái khối bê tông của thói thực dụng và sự vô cảm đó chắc chắn đang bị lung lay trước sự đe dọa tính mạng của đám mây đen dịch bệnh bao phủ toàn cầu, trước những dấu hiệu của sự hỗn loạn và đổ vỡ xã hội ở tầm vĩ mô, và trước mưu đồ và hành động độc ác không thèm che dấu của bọn cầm quyền Bắc Kinh. Nếu ở đâu đó, có học giả đã nói tới một cơ hội cho nền kinh tế cần làm lại trên một tờ giấy trắng, khi nguy cơ ô nhiễm môi trường giảm thiểu và xuất hiện nền kinh tế thủ công trong/ sau đại dịch này, thì ở nước ta, bộ mặt của chủ nghĩa bá quyền Đại Hán đã lộ nguyên hình khiến những ảo tưởng cuối cùng về chúng cùng sự níu kéo tuyệt vọng sau rốt ở những điều giả nhân giả nghĩa của chúng cũng đã trở thành sự ô nhục sâu sắc nhất đối với nhân cách làm người!

Và người dân Việt đau thương - dũng cảm đã trỗi dậy từ lòng sâu truyền thống, không phải là “rũ bùn” nữa mà là rũ ra khỏi sự dối trá, lừa bịp bấy lâu nay về những “chữ vàng” nhuốm đầy máu của dân tộc ta suốt hàng ngàn năm qua cho tới tận bây giờ!

Đại thi hào Nguyễn Du trong một cuộc “Bắc hành”, trong khi thực thi công vụ của một sứ quan, đã đồng thời làm một cuộc giải ảo, giải thiêng Trung Hoa, và công cuộc thoát Trung do cụ khởi xướng gần hai trăm năm trước, đến nay mới lại được tiếp nối một cách quyết liệt, thực chất, một phần không nhỏ nhờ con Virus Vũ Hán, Virus Tàu- theo cách gọi chuẩn xác của các chính khách hàng đầu nước Mỹ!

Trong những nỗ lực chống dịch hiện tại, đã xuất hiện biết bao câu chuyện cảm động, bao “người anh hùng” kiểu mới mà người dân Việt vốn nhạy cảm với khổ đau và đang thiếu thốn tình thương đã nhận ra và tỏ lòng kính yêu, quý trọng hết mực; đó là những “vị cứu tinh” thời hiện đại, xuất thân từ dân, đứng trước họ là các bệnh nhân, quan điểm chính trị không quan trọng bằng tính mạng và sự an toàn của các nhân và các gia đình.

Trong cuốn tiểu thuyết “Dịch hạch” mà tôi nhắc ở trên, có các nhân vật “người hùng” như vậy: bác sĩ Riơ, nhà báo Rămbe, linh mục Panơlu, luật sư Taru. Nhưng điều khiến tôi nhắc đến cuốn tiểu thuyết này, chính là suy nghĩ trĩu nặng tình xót thương con người của nhân vật Taru, người mà ngay giữa cao trào của dịch hạch đã nói tới nguyên nhân sâu xa của bệnh dịch, đó là cái ác của con người. Taru, sau khi nghe lời buộc tội độc ác của cha mình và chứng kiến tòa kết tội tử hình một bị cáo, đã rời bỏ cuộc sống nhung lụa và lao vào cuộc chiến đấu chống lại sự giết người.

Albert Camus đã nói rõ tư tưởng của các nhân vật tích cực đang chống lại dịch hạch nói riêng và cái ác nói chung: “Cái ác trên đời này hầu như bao giờ cũng bắt nguồn từ sự dốt nát, và thiện chí cũng có thể gây tổn thất như tà dâm nếu không được soi đường… và tính xấu tồi tệ nhất là của những kẻ dốt nát nhưng lại cho là mình biết hết thảy và lúc đó tự cho mình chém giết. Tâm hồn đứa giết người là một tâm hồn mù quáng, và sẽ không có lòng tốt chân chính và tình yêu cao đẹp nếu không có toàn bộ sáng suốt cần thiết.” (Trg.175)

Cái thông điệp nhân văn quý giá có khả năng cứu giúp con người và để con người xứng là Con người đó, kỳ lạ thay, lại được thốt lên giữa những làn khói lò mù mịt thiêu xác người nồng nặc mùi vôi! "Dịch hạch" thực ra là ngụ ngôn ám chỉ "bệnh dịch" của chủ nghĩa phát-xít, con đẻ của tên đồ tể Hitler, kẻ đã tự coi mình có sứ mạng thánh thần sắp xếp lại trật tự thế giới - kết quả của sự ngu xuẩn - để lý giải hành động tàn ác của mình và đồng bọn. Đến hôm nay, những lời cảnh báo của nhà văn vẫn còn nguyên giá trị, cái nhìn tiên tri của ông vào thế giới phi lý của con người dường đã ứng nghiệm, khi toàn cầu hôm nay cũng đang đương đầu với một đại dịch thế kỷ!

Trong những ngày này, chắc chắn những lời cảnh báo của hai tác giả Aurelio Peccei (Italia) và Daisaku Ikeda (Nhật) viết những năm cuối thế kỷ trước chợt có sức vang vọng và đồng cảm đáng kể, cũng có tác dụng thức tỉnh nhân loại đang u mê trong vòng xoáy của danh lợi, tuân theo định mệnh và từ chối chiến đấu với cái xấu, cái ác, sự vô luân: “Tình hình toàn cảnh thế giới đang trở nên xấu đi, và một điều rất thực tế là mối nguy hiểm do những cuộc khủng hoảng hiện nay gây ra đang trở nên nghiêm trọng hơn... Thật vô lý nếu chúng ta xao lãng những cơ hội to lớn mà nhân loại có được do kết quả của tri thức cùng những phương tiện khoa học; và cũng thật vô lý nếu chúng ta từ chối trách nhiệm cải thiện số phận của chính chúng ta”. Trong khi cố gắng “thức tỉnh con người”, thực hiện “cuộc cách mạng con người”, hai tác giả đó đã nhấn mạnh yếu tố “con người” như một dạng năng lượng đặc biệt có sức mạnh kỳ diệu: “Chúng tôi cho rằng, rất nhiều vấn đề chủ yếu hiện nay là thuộc về tư tưởng và đạo đức, và không có một sức mạnh khoa học kỹ thuật nào hoặc biện pháp kinh tế nào có thể giải quyết được những vấn đề đó... Khi chúng ta tự hoàn thiện mình từ bên trong, chắc chắn chúng ta không bao giờ bị sụp đổ…” (Tiếng chuông cảnh tỉnh cho thế kỷ XXI, NXB Chính trị Quốc gia, 1993).

Hy vọng rằng, với công cuộc “tự hoàn thiện mình từ bên trong” bắt đầu từ lâu và đặc biệt trong những ngày thử thách cam go này, Đất nước tôi và đồng bào tôi sẽ không bao giờ bị sụp đổ!

Hà Nội, ngày 20-3-2020

N.A.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn