Nhật ký Vũ Hán những ngày phong thành – Ngày 18 tháng Ba

Phương Phương

(Ủy viên Hội Nhà văn Trung Quốc, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn tỉnh Hồ Bắc)

Ngày 18 tháng 3.

Ngày thứ 56 phong thành.

Trời trong xanh, ánh nắng chói chang, có một cảm giác như đi suốt đến mùa hè vậy. Có ánh nắng nhưng không ẩm ướt, đó là tiết trời rất sảng khoái ở Vũ Hán. Kỳ thật, cái tôi yêu thích Vũ Hán, lý do khí hậu cũng là điều rất quan trọng.

Vũ Hán có bốn mùa rõ rệt, và mỗi mùa có cá tính riêng của nó. Nói theo cách của người dân Vũ Hán, cái nóng mùa hè, nóng đến chết, cái lạnh của mùa đông cũng lạnh đến chết. Mùa xuân có một khoảng thời gian ẩm ướt, và mùa thu thì trời cao quang đãng, luôn luôn sảng khoái mỗi ngày. Khi còn trẻ, tôi hơi khó chịu với khí hậu của Vũ Hán, bởi vì, tôi sợ nóng và cũng sợ lạnh. Sau đó, công nghệ phát triển và chất lượng cuộc sống được cải thiện. Với máy lạnh vào mùa hè và máy sưởi vào mùa đông, máy hút ẩm vào mùa xuân, và mùa thu lại tiếp tục tận hưởng vẻ đẹp của nó. Bằng cách này, tất cả những thiếu sót của thời tiết được giải quyết bằng trí tuệ con người, và lợi thế của nó thậm chí còn nổi bật hơn. Do đó, bây giờ tôi cảm thấy, bốn mùa ở Vũ Hán khá tốt. Nhiều năm trước, khi tôi đang làm một bộ phim tài liệu, lúc đó Vũ Hán nóng đến bốn mươi độ, nhưng người già ở Vũ Hán phán: Phải nóng như vậy! Đổ nhiều mồ hôi, giải độc mạnh, cho cái nóng thẩm thấu, con người mới dễ chịu. Điều này làm tôi sốt. Vào mùa hè ở Vũ Hán, nếu năm nào không nóng đến bốn mươi độ, người dân Vũ Hán sẽ thất vọng tràn trề, và nói: Đây đâu giống mùa hè ở Vũ Hán!

Tiếp tục nói về dịch bệnh. Dịch bệnh đã được cải thiện từng ngày, từ khi kết thúc thời kỳ đầu hỗn loạn và đau đớn, bây giờ rõ ràng tình hình đã được kiểm soát. Hôm nay, chỉ có một ca nhiễm mới. Vẫn còn 10 người chết và ca nghi nhiễm là con số không.

Người Vũ Hán nóng lòng muốn tất cả những con số đều bằng không, đó mới thực sự là kết thúc. Nghĩ lại, ngày này chắc không xa.

Buổi chiều, tôi gọi cuộc nói chuyện dài với một người bạn bác sĩ làm việc ở tuyến đầu. Đối với một số điểm, chúng tôi không được nhất quán, chẳng hạn như trách nhiệm.

Bạn bác sĩ tin rằng bây giờ bàn chuyện truy trách, chắc không ai muốn làm. Nhưng tôi nghĩ rằng, cho dù chính phủ hay bệnh viện, đều không thể nhu nhược như vậy, người giỏi giang ở bệnh viện không phải là ít, người tài giỏi ở chính phủ cũng rất nhiều, người có thể kế nhiệm cũng có rất là nhiều người. Bây giờ dịch bệnh đang trong giai đoạn cuối, mọi người đều còn những ký ức mới mẻ, về những gì đã xảy ra trong giai đoạn đầu. Đây là thời điểm tốt nhất để ghi nhớ lại. Trách nhiệm cũng phải được thực hiện, nếu không, làm thế nào có thể đối mặt với hàng ngàn người đã qua đời, và càng rất nhiều người Vũ Hán đã trải qua đau khổ?

Dịch bệnh này, tôi luôn nói trước đây, là một sự kết hợp chung. Từ trên xuống dưới, có nhiều yếu tố khác nhau. Những yếu tố này, mỗi loại thêm thắt một chút, dồn lại thành một nồi lớn. Bây giờ, mọi người đều muốn thoát khỏi cái nồi này. Và điều chúng tôi cần làm là phải giám sát: Các người không thể dễ dàng thoát khỏi cái nồi. Trách nhiệm của cá nhân nào, cá nhận đó tự chịu trách nhiệm.

Người bạn bác sĩ đã nói về hai điều, điều mà tôi thấy đặc biệt thú vị. Viết nó ra để tham khảo trong tương lai:

- Đầu tiên, người bạn bác sĩ nghĩ rằng có một vấn đề với việc cấu trúc bệnh viện. Điều kiện thông gió kém và không gian hạn chế có thể dễ dàng làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng. Người ta nói rằng trong những năm gần đây, các bệnh viện đã được xây dựng với các tòa nhà mới. Đáp lại lời kêu gọi bảo tồn năng lượng và giảm phát khí thải, việc xử lý không gian không phù hợp với bệnh viện. Người bạn bác sĩ cho biết, nhớ là vào năm dịch SARS, Thâm Quyến có khí hậu ấm áp. Người bạn của ông đã mở cửa sổ trong bệnh viện. Sự lưu thông không khí đã làm loãng con virus, và số người nhiễm bệnh đã giảm.

Tôi không thể kiểm chứng dữ liệu, tôi không biết liệu Thâm Quyến năm đó có thật sự như vậy không, nhưng tôi cảm thấy anh ấy nói có chút ý nghĩa gì đó. Chỉ là Vũ Hán năm nay là mùa đông lạnh lẽo, hình như các cửa sổ không thể mở, và tôi hơi hoài nghi. Tuy nhiên, tôi nghĩ sự thông thoáng của bệnh viện, đặc biệt là khoa cấp cứu và khoa truyền nhiễm, nên là một vấn đề rất quan trọng.

- Thứ hai, bạn bác sĩ tin rằng thời khắc giao mùa giữa mùa đông và mùa xuân mỗi năm, là thời điểm hoành hành lớn của dịch bệnh. Lần trước là SARS, lần này là covid-19. Vậy tại sao không thay đổi thời điểm của các cuộc hội họp sang mùa khác? Thay vào mùa nào có ít dịch bệnh nhất?

Ý tưởng của người bạn bác sĩ thực sự đã mở mang đầu óc của tôi.

Không cần phải che giấu, tôi sống ở Hồ Bắc và đã từng tham gia “Hai kỳ đại hội” từ năm 1993. Từ Đại hội đại biểu quốc dân tỉnh đến Đại hội chính trị hiệp thương nhân dân tỉnh, trong suốt 25 năm. Tôi quá hiểu rõ về tình trạng của từng ban ngành trước và sau hai kỳ đại hội này.

Để đảm bảo việc khai mạc 2 kỳ đại hội diễn ra suông sẻ, tất cả các thông tin tiêu cực của giới truyền thông đều không phép thông báo, vào thời điểm đó, hầu như không ai làm việc gì cả vì các nhà lãnh đạo đang bận đi họp.

Lần này cũng giống vậy. Chúng tôi thấy rõ ràng rằng, thời điểm ủy ban y tế và sức khỏe thành phố ngừng thông báo số ca nhiễm bệnh gần như hoàn toàn trùng khớp với thời điểm của các kỳ đại hội cấp tỉnh và cấp thành phố.

Đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, cũng không phải sự cố ý, mà là hành động theo thông lệ. Những thông lệ này thậm chí không phải được nuôi dưỡng trong những năm gần đây, mà nó đã được thiết lập trong nhiều năm trước.

Trong nhiều năm qua, các ban ngành sẽ phải ém nhẹm các vấn đề liên quan, cho đến hết hai kỳ đại hội mới cho tiếp tục, và trong nhiều năm, để bảo đảm cho việc khai mạc 2 kỳ đại hội diễn ra một cách suông sẻ, sẽ phát đi toàn là tin tốt và không bao giờ có tin xấu. Cán bộ đã quen với nó, các nhà báo đã quen với nó, các nhà lãnh đạo đã quen với nó và bá tánh cũng đã quen với nó. Trì hoãn công việc và trấn áp những tin tức tiêu cực. Hầu hết thời gian, thường không có chuyện gì xảy ra ngoài ý muốn. Suy cho cùng, có rất nhiều chuyện lặt vặt xảy ra trong cuộc sống, nhưng không có chuyện gì không thể bỏ lại trong vài ngày. Mọi người đều vui vẻ, và mọi người ai cũng đều nở mặt nở mày. Tuy nhiên, con virus lại không có chút lịch sự, nó làm rách khuôn mặt này ngay tức thì. Dịch SARS đã xé rách một lần, COVID-19 lại xé rách một lần nữa, liệu sẽ có lần thứ ba? Tôi hơi lo ngại…

Ở đây, thuận theo lời khuyên của bạn bác sĩ, tôi cũng có một kiến nghị: Nếu như không thể thay đổi thời gian của 2 kỳ đại hội, thì phải thay đổi những thói quen xấu này; nếu không thể thay đổi những thói quen xấu này, thì phải thay đổi thời gian của hai kỳ đại hội: Hãy để nó ở vào thời điểm ấm áp, thời điểm không thể xảy ra dịch bệnh hoàn hành, mà tổ chức cho 2 kỳ đại hội này. Trên thực tế, hai điều này không khó để thay đổi.

Hôm nay, còn một điều nữa tôi không thể tránh né. Đoán rằng có rất nhiều người, đang chờ xem câu trả lời của tôi. Đó là một người tự nhận mình là học sinh cấp ba mười sáu tuổi, chàng trai này đã viết cho tôi một bức thư ngỏ công khai. Có rất nhiều điều sơ hở trong bức thư, mà vô số bạn bè nói rằng, đây rõ ràng không phải do một học sinh mười sáu tuổi viết, mà nó giống như một tác phẩm của một gã vô liêm sĩ nào đó, khoảng năm mươi tuổi. Tuy nhiên, cho dù có chuyện này hay không, tôi vẫn sẵn sàng trả lời, thư ngỏ của học sinh mười sáu tuổi này.

Tôi muốn nói, chàng trai trẻ, bạn viết không tệ, chất đầy những nghi ngờ theo lứa tuổi của bạn. Ý tưởng của bạn rất phù hợp bạn, những nghi ngờ của bạn được đưa ra bởi những người giáo dục bạn. Nhưng điều tôi muốn nói với bạn là: Tôi không thể trả lời những nghi ngờ của bạn. Nhìn thấy bài viết của bạn làm tôi nhớ đến một bài thơ tôi đọc nhiều năm trước.

Bài thơ này được viết bởi Bạch Hoa (nhà thơ và nhà biên kịch Trung Quốc 1930-15/1/2019), tôi tự hỏi nếu bạn đã nghe nói về ông ta: một nhà thơ và nhà biên kịch tài hoa. Tôi đã đọc bài thơ đó vào khoảng năm 12 tuổi. Đây là thời kỳ “Cách mạng Văn hóa” vào năm 1967. Vào thời điểm đó, cả một mùa hè ở Vũ Hán, đều đang võ đấu. Chính trong năm đó, một học sinh tiểu học lớp Năm như tôi, đã nhận được một tập thơ của Bạch Hoa, tập thơ có tựa đề là "Những tờ rơi được nghênh đón chống lại ngọn giáo sắt". Bài thơ đầu tiên là "Tôi cũng đã từng có thời thanh xuân như bạn". Câu đầu tiên của bài thơ: "Tôi cũng đã từng có thời thanh xuân như bạn/ Chúng tôi thời đó cũng giống như các bạn thời này". Khi tôi đọc bài thơ này, tôi đã rất phấn khích và luôn luôn ghi nhớ nó.

Chàng trai, bạn nói bạn 16 tuổi. Khi tôi 16 tuổi, đó là năm 1971. Vào thời điểm đó, nếu ai đó nói với tôi: "Cuộc cách mạng văn hóa là một thảm họa", tôi chắc chắn sẽ nhảy ra và chiến đấu với họ đến bể đầu đổ máu, cho dù anh ta nói ba ngày ba đêm cũng không thuyết phục được tôi. Từ năm 11 tuổi, tôi đã nhận được sự giáo dục rằng "Cách mạng văn hóa là điều tốt". Khi tôi 16 tuổi, việc giáo dục này đã diễn ra được 5 năm. Để thuyết phục được tôi bằng ba ngày ba đêm luôn là không đủ.

Tương tự, tôi cũng không thể trả lời nghi ngờ của bạn. Ý tôi là cho dù nói ba năm và viết tám cuốn sách, tôi sợ bạn cũng sẽ không tin nó, bởi vì bạn cũng có ít nhất năm năm, trong những năm tháng đó như tôi.

Nhưng tôi muốn nói với bạn, thằng nhóc này, những nghi ngờ của bạn sẽ sớm được trả lời. Và câu trả lời này là tự mình bạn trả lời cho bạn. Mười hay hai mười năm sau, sẽ có một ngày, bạn sẽ chợt nghĩ ra, ồ, sao lúc đó tôi quá ấu trĩ, quá bỉ ổi. Bởi vì đến thời điểm đó, bạn có thể đã là một con người mới bạn hoàn toàn. Tất nhiên, nếu bạn đi theo con đường được dẫn dắt bởi nhóm người cực tả, bạn có thể không bao giờ có câu trả lời, và cũng suốt đời vẫy vùng trong vực thẳm cuộc sống.

Chàng trai này, tôi muốn nói với bạn: Thời đại 16 tuổi của tôi còn tệ hơn bạn nhiều. Tôi thậm chí không được nghe thấy câu từ "suy nghĩ độc lập". Tôi chưa từng hiểu rằng con người cần phải có suy nghĩ độc lập. Những gì giáo viên của tôi nói cái nào, là nghe theo cái đó. Những gì nhà trường nói, là nghe theo cái đó, đài phát thanh nói cái gì, cũng nghe theo cái đó.

11 tuổi bắt đầu thời kỳ “Cách mạng văn hóa” và 21 tuổi kết thúc thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”. Trong mười năm này, tôi đã trưởng thành như vậy. Tôi chưa bao giờ là chính mình. Bởi vì tôi chưa bao giờ là một người độc lập, chỉ là một cái đinh vít trên dây chuyền máy móc. Chuyển động theo máy móc, máy dừng, tôi dừng, máy chuyển động, tôi chuyển động. Trạng thái đó, tương tự như bạn ngày nay (không phải các bạn, bởi vì nhiều người 16 tuổi đương đối có khả năng suy nghĩ độc lập). May mắn thay, cha tôi nói: lý tưởng lớn nhất cuộc đời ông là, hy vọng rằng tất cả các con ông có thể đi học đại học. Hình bóng cha tôi khi nói câu đó tôi còn ghi nhớ. Vì vậy, khi tôi còn làm công việc bốc vác, tôi đã muốn thực hiện ước nguyện cuối cùng của cha tôi, vì vậy tôi đã thi được vào đại học: Đại học Vũ Hán đẹp nhất Trung Quốc.

Con trẻ ơi, tôi thường tự hào về chính mình. Cho dù thời niên thiếu của tôi đã nhận được nền giáo dục toàn là những chuyện ngu ngốc, nhưng tôi đã học đại học trong tuổi thanh xuân. Tôi đã ở đó, như đói như khát nhảy vào học tập và trau dồi đèn sách, tranh luận với các bạn cùng lớp về các chủ đề có ý nghĩa, và cũng bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình, cuối cùng tôi được hiểu rằng, tôi phải suy nghĩ độc lập.

Tôi may mắn khi gặp thời kỳ cải cách và mở cửa, và thậm chí còn may mắn hơn khi tham gia vào toàn bộ quá trình cải cách và mở cửa.

Tôi đã thấy Trung Quốc chấm dứt thảm họa của "Cách mạng văn hóa", từ một quốc gia lạc hậu như vậy, từng bước từng bước mạnh mẽ tiến lên. Có thể nói, không có công cuộc cải cách và mở cửa, ngày nay hầu như không có tất cả những thứ gì, kể cả quyền viết nhật ký này và quyền viết thư ngỏ này. Chúng tôi nên biết ơn vì điều này.

Chàng trai, bạn có biết? Trong khoảng mười năm trước khi có công cuộc “cải cách và mở cửa” là gần như là trong mười năm tôi đấu tranh suốt với chính mình. Tôi muốn dọn sạch sành sanh rác rưởi và chất độc mà trước đây đã bị nhồi nhét vào đầu. Tôi muốn tải những thứ mới vào, tôi muốn nhìn thế giới bằng chính đôi mắt của mình, và tôi phải học cách suy nghĩ bằng chính đầu óc của mình. Tất nhiên, học được những điều này, là dựa trên kinh nghiệm trải qua trong quá trình trưởng thành, đọc sách, quan sát và làm việc chăm chỉ của chính mình.

Chàng trai trẻ, tôi luôn nghĩ rằng kiểu đấu tranh với chính bản thân của mình, chuyện tự dọn dẹp rác rưởi và tự giải độc cho bản thân, chỉ được thực hiện trong thế hệ của tôi. Điều bất ngờ là, bạn và một số bạn đồng hành của bạn, cũng sẽ xảy ra một ngày nào đó như vậy trong tương lai. Đó là, tự mình chiến đấu chống lại chính mình, để dọn sạch rác rưởi và chất độc, được nhồi nhét vào tâm trí thời niên thiếu. Quá trình này, sẽ không đau đớn, và mỗi khi nó được làm sạch, nó là một sự giải phóng. Giải phóng nhiều lần sẽ biến một con ốc vít cứng nhắc, vô tri vô giác và rỉ sét thành một con người chân thật.

Bạn có hiểu tôi không, chàng trai trẻ?

Bây giờ, tôi muốn tặng bạn bài thơ này: "Tôi cũng đã từng có thời thanh xuân như bạn, chúng tôi thời đó cũng giống như các bạn thời này".

Trong hình ảnh có thể có: 1 người

P.P.

Phần 1: https://www.facebook.com/khang.phuc.7121/posts/2539114033042807

Phần 2: https://www.facebook.com/khang.phuc.7121/posts/2548885298732347

Phần 3: https://www.facebook.com/khang.phuc.7121/posts/2552362868384590

Phần 4: https://www.facebook.com/khang.phuc.7121/posts/2555708111383399

Phần 5: https://www.facebook.com/khang.phuc.7121/posts/2560527260901484

Phần 6: https://www.facebook.com/khang.phuc.7121/posts/2566104943677049

Phần 7: https://www.facebook.com/khang.phuc.7121/posts/2570023186618558

Phần 8: https://www.facebook.com/khang.phuc.7121/posts/2574705352817008

Tổng hợp: https://docs.google.com/…/1f0PoNEKr6oAepSDepeZt3desY4Y…/edit

Nguồn: FB Khang Phuc https://www.facebook.com/khang.phuc.7121/posts/2576340875986789

_____

Phụ lục: 

PHƯƠNG PHƯƠNG Ở VŨ HÁN: “QUAN CHỨC TRUNG QUỐC RẤT GIỎI ĐẨY TRÁCH NHIỆM”

Ngô Ngọc Văn

Gửi cho BBC từ London

(Ngô Ngọc Văn là một nhà phân tích Trung Quốc và cựu nhà báo lâu năm của BBC Thế giới vụ)

Nhà văn Phương Phương. Bản quyền hình ảnh PHANG PHANG

Khi Vũ Hán bị cách ly ngay sau Tết Nguyên Đán, tôi bắt đầu theo dõi những câu chuyện được kể từ Vũ Hán và đọc tất cả những gì tôi tìm được.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc tràn ngập những bài huy động cả nước hỗ trợ Vũ Hán, với các đoàn nhân viên y tế xếp hàng lên máy bay hay hàng cứu trợ được gửi đến thành phố này.

Trái lại, mạng xã hội, đặc biệt là Wechat, lại tràn ngập những câu chuyện ở góc độ cá nhân, như cái chết của người thân hay bạn bè, những cảnh tượng hãi hùng ở bệnh viện và những lời kêu gọi giúp đỡ thương tâm.

Rất nhiều lần, khi tôi mở một đường link, thì nội dung bài viết đã được xóa. Nhiều lời đồn đại được lan truyền. Đây là thời điểm rất nhạy cảm.

Một người bạn gợi ý tôi nên theo dõi tài khoản Phương Phương trên Weibo. Họ bảo tôi bà là một nhà văn nổi tiếng đã đoạt nhiều giải thưởng, người mà ngoài tài năng về văn học còn có nhiều phẩm chất rất đáng ngưỡng mộ.

Một nữ y tá cắm hoa tại Bệnh viện Vũ Hán. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Một ngòi bút dám lên tiếng

Chẳng hạn, khi bà là Chủ tịch Hội Nhà văn ở Hồ Bắc, bà phản đối việc đề bạt lên hạng một nhà thơ trên cơ sở kinh nghiệm và tính cách của người này. Khi nhà thơ này vẫn được đề bạt và công kích cá nhân Phương Phương, bà đấu tranh bằng cách đăng một lá thư ngỏ về hành xử của nhà thơ đó, và của phòng nhân sự đã phê duyệt việc bổ nhiệm người này.

Hành động của Phương Phương được coi là rất táo bạo trong nền một văn hóa coi trọng quan hệ và "giữ thể diện" hơn bất cứ điều gì khác.

Bạn bè tôi cho rằng trong thời buổi hỗn loạn, nhiều thông tin sai và người dân mất lòng tin, những bài viết của Phương Phương trên Weibo mang lại một bức tranh chân thực về tình hình ở Vũ Hán và những đánh giá của cá nhân bà.

Hóa ra bạn bè tôi rất có lý.

Phương Phương bắt đầu ghi nhật ký của mình vào ngày 25 tháng Một. Bà vừa hết bị cấm viết và có ý định bỏ viết trên Weibo. Nhưng khi dịch virus corona hoành hành ở Vũ Hán, một người bạn gợi ý bà hãy viết nhật ký. Bà đồng ý thử viết "để cho mọi người biết những gì đang thực sự xảy ra ở Vũ Hán".

Hơn 40 ngày sau, Phương Phương vẫn tiếp tục viết, và số người theo dõi tài khoản của bà đã tăng từ 3,7 triệu lên 3,9 triệu.

Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên vỉa hè ở Vũ Hán. Hình chụp hôm 5/3. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Tiếng nói của dân Vũ Hán

"Lớp bụi thời gian, khi phủ lên một người, sẽ trở thành một ngọn núi", câu nói nổi tiếng này của Phương Phương thể hiện sự cảm thông sâu sắc của bà về con người và nỗi khổ sống còn của họ.

Sự cảm thông này có thể được thấy rõ trong những dòng nhật ký của bà, khi bà tả về gia đình và bạn bè đang đối phó với dịch bệnh thế nào, và các cộng đồng giúp đỡ nhau ra sao. Bà đều đặn đăng lại những gợi ý tốt về cách phòng chống cũng như những lời cầu cứu được giúp đỡ.

Một điểm nổi bật khác là Phương Phương cảm thấy có nghĩa vụ buộc những người lãnh đạo chịu trách nhiệm.

Dưới đây là một vài dòng trích trong nhật ký của bà:

29 tháng Một

"Khi khủng hoảng tiếp tục, chúng tôi thấy rõ đây là một thảm họa do con người gây ra. Khi mọi thứ trở lại bình thường, sẽ không một ai không hoàn thành trách nhiệm của mình được quên hay tha thứ. Giờ đây, chúng tôi chỉ cố hết sức để tồn tại".

2 tháng Hai

"Hôm nay tôi xem một clip thương tâm nhất. Một cô bé gào khóc khi thi thể người mẹ được đưa đi. Cô bé còn không được tới đài hóa thân hoàn vũ để chia tay mẹ. Cô bé có thể sẽ chẳng bao giờ biết tro mẹ mình ở đâu".

7 tháng Hai

"Tôi rất buồn vì bác sỹ Lý Văn Lượng đã qua đời. Cả nước khóc thương ông ấy, và những dòng nước mắt tạo nên làn sóng lớn trên internet. Người dân Vũ Hán sẽ chiếu đèn lên trời và thổi còi để tưởng nhớ ông đêm nay. Từ rất lâu rồi chúng tôi đã kìm nén nỗi chán chường, đau đớn và tức giận; có lẽ đây là cách để xả chúng".

Bản quyền hình ảnh FANG FANG

Những người ủng hộ và kẻ chỉ trích

Tài khoản Weibo của Phương Phương lại bị khóa hôm Bác sỹ Lý Văn Lượng qua đời, nhưng bà đã nhanh chóng tìm được các mạng xã hội khác để đăng nhật ký của mình, mà đến thời điểm đó đã trở thành món ăn tinh thần cho nhiều người ở Vũ Hán và các nơi khác ở Trung Quốc. Nhật ký của bà được đọc và chia sẻ hàng triệu lượt mỗi ngày.

Những người chỉ trích, ngược lại, phê phán bà là tiêu cực, "không nhìn thấy đại cục" hay "đứng nhầm bên".

Tôi đề nghị được phỏng vấn Phương Phương để xem bà đối mặt với áp lực ra sao và bà nghĩ gì về cách xử lý dịch bệnh của chính quyền.

Mãi tôi mới nhận được trả lời. Bà rất bận rộn, thức khuya tới 2 hay 3 giờ sáng để viết, và trả lời rất nhiều yêu cầu phỏng vấn. Hiện nay, bà chỉ trả lời phỏng vấn qua bút đàm vì "câu trả lời của tôi rất hay bị bóp méo", bà cho biết.

Hình chụp một bài nhật ký của Phương Phương trên mạng Weibo. Bản quyền hình ảnh OTHER

Tôi gửi cho bà vài câu hỏi, và câu trả lời của bà rất đúng mực, thẳng thắn và sắc sảo. Bà không kiệm lời khi tôi hỏi bà liệu chính quyền có chậm trễ trong việc thông báo cho người dân về virus không.

"Họ không cảnh báo người dân một cách đúng lúc, và họ cũng không có các biện pháp cương quyết. Họ chỉ bận họp", bà cho tôi biết.

"Các quan chức và chuyên gia Trung Quốc không có cảm giác tội lỗi hay thói quen xin lỗi. Nhưng họ rất giỏi trong việc đẩy trách nhiệm. Đây là do thể chế mà họ chỉ phải chịu trách nhiệm trước cấp trên mà không phải trước người dân. Sự hỗn loạn ở Vũ Hán chứng tỏ điều đó".

Một người đưa hàng chuẩn bị rau quả tươi để giao cho người dân Vũ Hán. Bản quyền hình ảnh GETTY IMAGES

Với tình hình đã cải thiện đáng kể ở Vũ Hán, Phương Phương, cũng như những người dân khác ở Vũ Hán, mong cuộc sống trở lại bình thường.

Trong một bài phỏng vấn gần đây với một tạp chí Trung Quốc, bà được hỏi điều gì bà muốn làm nhất khi thành phố không còn bị cách ly.

"Điều tôi mong nhất là không viết nhật ký này nữa". Phương Phương trả lời theo đúng phong cách thẳng thắn của bà.

"Tôi cần nghỉ ngơi lâu, sau đó viết cuốn tiểu thuyết tôi định viết trong dịp Tết Nguyên đán".

Đó sẽ là tin vui cho những người theo dõi tài khoản của bà và cho cả nước Trung Quốc.

N.N.V.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/forum-51769244

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn