Hiệp hội Lương thực là một hội đoàn độc quyền nhà nước

Võ Hàn Lam

(VNTB) – Hiệp hội Lương thực Việt Nam: Kém hiệu quả, kém minh bạch, chỉ là sân riêng của doanh nghiệp nhà nước.

Chương trình hoạt động hàng năm của VFA chủ yếu chỉ xoay quanh chuyện hạn ngạch xuất khẩu gạo là bao nhiêu, đấu thầu tập trung ở đâu, tóm lại là “phân chia mâm bát”.

Còn việc nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu, nâng cao giá mua lúa, đồng nghĩa với việc nâng cao lợi nhuận cho nông dân, bằng các biện pháp như phát triển vùng nguyên liệu, tổ chức lại hệ thống thu mua, công nghệ sau thu hoạch thì VFA gần như không thèm ngó ngàng tới.

Không những thế, những khi giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh, để cứu nhiều doanh nghiệp thành viên vì đã lỡ ký hợp đồng xuất khẩu gạo giá thấp khi chưa có sẵn chân hàng trong kho, VFA lại thường tìm cách “dìm” giá lúa xuống.

Vừa rồi nhân chuyện dịch bệnh đến từ con virus Vũ Hán, VFA đã lobby thành công qua ‘trung gian’ Bộ Công thương trong chuyện khiến Chính phủ ra quyết định dừng mọi chuyện xuất khẩu. VFA còn không ngần ngại luôn chiêu thức tung tin ảo về giá cả và nguồn dự trữ lúa gạo.

Đó là kết luận của một khảo sát do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện, và đã chỉ ra hàng loạt vấn đề trong cách thức tổ chức và hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).

‘Chành cơ chế’

Trong con mắt quản trị học hiện đại, chành vựa không chỉ là khâu trung gian phân phối – thu mua mà còn là hệ thống quản trị các mối quan hệ, nền tảng bảo đảm sự vận hành của các hệ thống này.

Trước năm 1975, chành là nơi dự trữ lúa, vay vốn ngân hàng, cung ứng xuất khẩu và mua gạo cho tổng cục thực phẩm của chính quyền Sài Gòn.

Hệ thống chành gồm có kho, mua lúa, kể cả lúa non và tín dụng nhỏ, nhà máy xay gắn với hệ thống làm ăn ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Chành gắn với thương nhân ở chợ. Mọi việc đều lấy lòng tin làm trọng. Chành phải có điểm giao nhận ở miền Tây và Sài Gòn, có kho tạm tương ứng hoặc liên doanh làm kho tạm, có đội xe tải, có người nhận hoặc phát hàng.

“VFA đã ra đời dựa trên ý chí của một bộ phận các cơ quan quản lý nhà nước, với kỳ vọng sẽ trở thành cánh tay nối dài của Chính phủ để quản lý ngành gạo”, báo cáo của VEPR nhấn mạnh. Báo cáo cũng cho biết bộ máy quản lý, điều hành của VFA được xây dựng với đầy đủ các vị trí, ban bệ và bộ phận giúp việc nhưng thực tế hoạt động rất kém hiệu qua và kém minh bạch.

Theo điều lệ thì VFA được thành lập trên nguyên tắc tự nguyện, nhưng vị trí chủ tịch hiệp hội lại vẫn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê chuẩn. Vị trí này cũng thường do lãnh đạo của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thay nhau đảm nhận. Nhiều mâu thuẫn nội bộ bùng phát từ đây, khi liên tục có sự thiếu minh bạch và tự nguyện trong bầu cử lãnh đạo.

Hiểu nôm na, VFA là ‘chành cơ chế về lúa gạo xuất khẩu’ với quyền lực độc quyền nhà nước được bảo hộ bằng những chính sách được gọi là ‘thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’. Hoàn toàn không có một cạnh tranh nào khác ở đây với VFA.

Sở dĩ gọi là ‘chành cơ chế’ vì doanh nghiệp khi cần mua gạo thành phẩm, chỉ cần đặt hàng cho thương lái: Loại gạo nào, số lượng bao nhiêu, giá cả ra sao. Vậy là xong. Còn trong chương trình hoạt động hàng năm của VFA chủ yếu chỉ xoay quanh chuyện hạn ngạch xuất khẩu gạo là bao nhiêu, đấu thầu tập trung ở đâu, tóm lại là “phân chia mâm bát”.

Còn việc nâng cao chất lượng hạt gạo xuất khẩu, nâng cao giá mua lúa, đồng nghĩa với việc nâng cao lợi nhuận cho nông dân, bằng các biện pháp như phát triển vùng nguyên liệu, tổ chức lại hệ thống thu mua, công nghệ sau thu hoạch thì VFA gần như không thèm ngó ngàng tới.

Không những thế, những khi giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh, để cứu nhiều doanh nghiệp thành viên vì đã lỡ ký hợp đồng xuất khẩu gạo giá thấp khi chưa có sẵn chân hàng trong kho, VFA lại thường tìm cách “dìm” giá lúa xuống.

Vừa rồi nhân chuyện dịch bệnh đến từ con virus Vũ Hán, VFA đã lobby thành công qua ‘trung gian’ Bộ Công thương trong chuyện khiến Chính phủ ra quyết định dừng mọi chuyện xuất khẩu. VFA còn không ngần ngại luôn chiêu thức tung tin ảo về giá cả và nguồn dự trữ lúa gạo. (*)

Số là năm 2019, Vinafood 1 xuất gạo cho Cuba và Malaysia với giá 355 USD/tấn, rồi ép giá thu mua của nông dân: 4.200 đ/kg lúa 504, nên lời to! Quen ăn trên mồ hôi nông dân, đầu năm 2020, Vinafood 1 ký hợp đồng bán gạo cho Cuba giá 365 USD/tấn, Malaysia giá 334 USD/tấn, tổng cộng 490.000 tấn.

Ai dè, năm 2020, nông dân giảm diện tích trồng lúa 504 để trồng lúa thơm. Nên đầu tháng 3/2020, giá lúa 504 lên 5.100 đ/kg – 5.300 đ/kg, quy gạo phải 380 USD/ tấn. Vinafood 1 cầm chắc lỗ 400 tỷ đồng, nên xúi bộ Công thương xin Thủ tướng dừng xuất khẩu gạo, để giá lúa trong nước giảm!...

Vì sao không có các hiệp hội lương thực của những nhà nông?

Lão nông Nguyễn Ngọc Hưởng ở ấp B1, xã Thạnh Thắng, Vĩnh Thạnh – Cần Thơ, nói rằng:

“Nông dân chúng tôi một nắng hai sương, chân lấm tay bùn để làm ra hột gạo nhưng lại là người chịu thiệt thòi nhất. Để có được hột lúa, nông dân phải làm việc quần quật trên đồng ruộng mấy tháng trời, nớp nớp lo thiên tai dịch bệnh nhưng mỗi ký lúa giỏi lắm cũng chỉ lời được chừng 1.000 – 2.000 đồng.

Trong khi doanh nghiệp, chỉ làm cò mua đi bán lại thôi đã lời hơn cả nông dân, còn nếu xuất được giá thì có khi lời gấp 4-5 lần cái lời của nông dân. Đó là lúc giá lên, làm ăn thuận buồm xuôi gió, còn lúc giá xuống thì nông dân còn lãnh đủ hơn nữa. Giá tuột thì doanh nghiệp phải bán giá thấp, trong khi họ vẫn giữ phần lời của mình do đó là chỉ còn cách quay lại ép giá nông dân.

Mặc dù vậy, nhiều năm qua chúng tôi cũng chẳng thấy vai trò của VFA ở đâu, họ giúp được gì cho nông dân? Tiếng là VFA, nhưng thực chất họ chỉ chăm chăm cho lợi ích của mình… còn hàng triệu nông dân chân lấm tay bùn làm ra hạt gạo lại bị đẩy ra rìa. Thử hỏi trong cả trăm đơn vị thành viên của VFA trên khắp cả nước, có được bóng dáng anh nông dân nào không? Không chỉ vậy mà họ còn xa rời nông dân vì hiện nay chỉ thấy thương lái đi thu mua lúa của nông dân, họ chỉ ngồi đó mua lại gạo nguyên liệu rồi chế biến xuất khẩu kiếm lời, thế là xong”.

Lão nông Châu Văn Điệp A, cựu chủ tịch Hội Nông dân xã An Tức, Tri Tôn, An Giang, nói rằng nếu chưa có sự cạnh tranh về vấn đề hội đoàn, thì cần hạn chế quyền lực của VFA.

“Theo điều lệ thì VFA là tổ chức xã hội, nghề nghiệp của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, nông sản và các sản phẩm chế biến từ lương thực. Vai trò chính của VFA là kiến nghị, tham gia ý kiến với các cơ quan Nhà nước về các vấn đề có liên quan đến chỉ đạo, điều hành xuất – nhập khẩu lương thực… Tuy nhiên, không hiểu sao VFA lại được giao quyền sinh, sát trong điều hành xuất khẩu gạo, quản lý đầu ra của hạt gạo Việt Nam. Nói đúng hơn là VFA đang hoạt động như một cơ quan quản lý nhà nước hơn là tổ chức xã hội, nghề nghiệp. Đó là chưa kể trong những năm qua, VFA đã nhiều lần có những kiến nghị chết người, dẫn đến hạt gạo Việt Nam bị mất cơ hội bán giá cao, bí đầu ra, gây thiệt hại cho nông dân hàng triệu USD.

Người nông dân vẫn phải tự bơi dù mang tiếng là có VFA. Có lẽ đã đến lúc đã đến lúc phải tiến hành làm cuộc đại phẫu lại việc điều tiết xuất khẩu gạo để hạn chế bớt quyền lực của VFA; hay tốt hơn hết là hãy đoạn tuyệt những độc quyền nhà nước trong hội đoàn” – ông Châu Văn Điệp A, nhấn mạnh.

Tạm kết hồi một về chuyện VFA bằng thông tin mà nhiều người nhận định đây chỉ là ‘hạ màn – chuyển cảnh’:

Tổng cục Hải quan đã cho mở cổng đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4-2020 vào lúc 2 giờ của đêm về sáng Chủ nhật 12-4. Nhiều doanh nghiệp do không biết thông tin này nên đành kêu trời vì không bán được gạo.

__________

Chú thích:

(*) Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, cùng các thông tư liên quan cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và FTA cùng chịu trách nhiệm về việc điều hành xuất khẩu gạo.

V.H.L.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn