Nhớ Lại ngày 23/4 của hơn 70 năm trước

Vũ Cao Đàm

Trên các phương tiện truyền thông, chúng ta nhiều lần nghe nhiều người có chức quyền thể hiện lòng biết ơn Tàu Cộng đã chi viện cách mạng Việt Nam, nhưng chưa bao giờ được nghe các nhà lãnh đạo Tàu Cộng nhắc đến công ơn của các chiến sỹ Quân đội nhân  dân Việt Nam, ngay từ khi còn non yếu, đã hy sinh xương máu chi viện cho công cuộc giải phóng Hoa Lục của họ.

Bài viết sau đây của tác giả Vũ Cao Đàm đã nhắc lại Chiến dịch Thập vạn đại sơn như một sự kiện hầu như chưa từng được nhắc đến trong các văn kiện có tính chất chính sử của Việt Nam.

Nhắc lại sự kiện này, người Việt Nam luôn cảm thấy đau xót trước sự phản bội của bè lũ Tàu Cộng đang phát xít hóa, ngày một lấn tới trong tham vọng xâm lược Việt Nam, một sự phản bội trắng trợn đã xúc phạm tình hữu nghị của dân tộc Việt Nam đối với dân tộc láng giềng Trung Hoa anh em.

Nhắc lại sự kiện này, cũng là để giúp người Việt chúng ta rút ra được một chân lý hết sức bổ ích nhằm truyền lại cho muôn đời con cháu: Chỉ có mối quan hệ quốc gia trên tinh thần tôn trọng độc lập tự chủ của nhau, vì con đường phát triển dân chủ tự do của mỗi dân tộc, mới là quan hệ bền vững có thật, ngoài ra mọi thứ khẩu hiệu ngọt ngào “bốn phương vô sản đều là anh em”, v.v... mà dân chúng được nghe cán bộ tuyên giáo một thời giải thích, mê mẩn tin theo, thì cũng giống như những khẩu hiệu "4 tốt", "16 chữ vàng" mà hàng chục năm nay quan chức Cộng sản hai bên lúc nào cũng đem ra làm đầu câu chuyện mỗi khi gặp mặt chúc tụng nhau, đó toàn là lời lẽ giả dối nhằm che đậy mọi âm mưu nham hiểm bậc nhất của con sói miệng đỏ lòm những máu đang cố dỗ dành con cừu hèn mọn đầu đàn lần lượt dâng cho nó cả đàn cừu cũng như bãi cỏ non, để được nó kết nạp làm một "đàn em ngoan", cho về hầu hạ bầy con trong hang ổ của nó.

Bauxite Việt Nam

Đầu năm 1949, trên đường tiến xuống phía Nam để giải phóng toàn bộ Hoa Lục, Cộng sản Tàu đã có lời đề nghị Quân đội nhân dân Việt Nam đưa quân chi viện để giải phóng miền Nam Hoa Lục.

Ngày 23/4/1949, mặc dầu lực lượng kháng chiến còn vô cùng non yếu, Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phát Mệnh lệnh phái một lực lượng quân đội tiến vào phía Nam Hoa Lục giúp Tàu Cộng "Xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm (chỉ ba huyện Ung Châu, Long Châu và Khâm Châu thuộc hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây) liền với biên giới Đông Bắc Việt Nam, thông ra bể, tạo điều kiện khuếch trương lực lượng, đón Đại quân Nam Hạ của Tàu Cộng".

Sự kiện này được gọi là “Chiến dịch Thập vạn đại sơn”. Chiến dịch được diễn ra ở vùng núi có tên là “Thập vạn đại sơn”

Dãy núi Thập Vạn Đại Sơn (mười vạn quả núi lớn), ranh giới tự nhiên giữa Quảng Tây và Quảng Đông, cao hơn 1.000m, đường rừng hiểm trở. Riêng việc hành quân vượt Thập Vạn Đại Sơn đã là một chiến tích. Dân địa phương kể lại rằng chưa từng thấy ai, kể cả quân đội của Tưởng Giới Thạch, vượt qua được dãy núi này, vừa rất hiểm trở, vừa là sào huyệt lâu đời của bọn thổ phỉ khét tiếng tàn bạo.

Tôi đã hết sức cố gắng tìm các tài liệu viết về sự kiện Thập vạn đại sơn, cả trên các trang mạng chính thống của Tàu Cộng, và cả trên các trang lề trái chống Tàu Cộng, nhưng hầu như không ở đâu nhắc đến sự kiện này. Cuối cùng tôi tìm được vài mẩu tin ngắn trên trang Wikipedia (1) và một bài của tác giả Phạm Quý trên trang điện tử Quân đội Nhân dân ngày 27/07/2007 với tiêu đề “Những chiến sỹ quốc tế” nói về cuộc chi viện Trung Cộng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo những gì đăng trên Wikipedia, thì theo yêu cầu chi viện của Tàu Cộng, Bộ Tư lệnh QĐND Việt Nam đã phái một số đơn vị thuộc 3 trung đoàn 28, 174 và 95 thâm nhập 3 huyện Ung Châu, Long Châu và Khâm Châu dưới sự chỉ huy của Tướng Lê Quảng Ba, phối hợp với quân địa phương thuộc 3 huyện Ung-Long-Khâm dưới sự chỉ huy của một viên chỉ huy quân địa phương là Chen Mingjiang (Trần Minh Giang 陈明江) trong Chiến dịch Thập vạn đại sơn bắt đầu từ Tháng 6 đến Tháng 10/1949.

Theo Mệnh lệnh phát đi từ 23/4, tháng 6 năm đó, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến vào Hoa Lục theo hai hướng, Khâm Châu và Long Châu.

Trên hướng huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Quân đội Nhân dân Việt Nam đánh chiếm các thành phố Bằng TườngThủy Khẩu (ngày 12 tháng 6), Hạ Đống (ngày 13 tháng 6). Ngày 18 tháng 6, diệt viện binh Quốc dân Đảng từ Long Châu xuống và tiến đánh Ninh Minh.

Trên hướng Khâm Châu, tỉnh Quảng Đông, quân đội Việt Nam xuất phát từ huyện Lạng Giang, thuộc tỉnh Bắc Giang, vượt Quốc lộ số 4 khi đó còn dày đặc đồn bốt của quân đội Pháp, trong thời gian từ ngày 3 đến ngày 9 tháng 7, đã phối hợp trong khuôn khổ liên quân Việt - Trung đánh thị trấn Trúc Sơn (trên đường Đông Hưng - Phòng Thành) nhưng không thành. Ngày 25 tháng 7, liên quân Việt - Trung chuyển sang tấn công quân Quốc dân Đảng tại Voòng Chúc, Mào Lêng, rồi tiến sát Phòng Thành. Quân Quốc dân Đảng phải rút khỏi các đồn bốt nhỏ, tập trung về các thị trấn Long Châu, Nà Lương, Phòng Thành, Đông Hưng.

Cánh quân Việt Nam khi đó vừa mới bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, trang bị còn thô sơ, có độc một khẩu 12,7mm (đu-xết) là vũ khí hiện đại nhất vừa đoạt được của quân đội Pháp trong một trận phục kích cuối tháng 3-1949 trên đường số 4. Hoạt động trên đất Tàu, trong vùng quân đội Tưởng Giới Thạch chiếm đóng, không có nguồn tiếp tế hậu cần nào khác ngoài những thứ mang vác được từ núi rừng chiến khu của Việt Nam, bộ đội Việt Nam đã trải qua vô vàn gian khổ, dưới thời tiết khắc nghiệt của mùa hạ, nắng cháy trong vùng rừng núi, thiếu ăn, nhưng vẫn kiên cường chiến đấu phối hợp với quân dân địa phương, đánh tan quân Tưởng Giới Thạch, mở rộng một khu căn cứ giải phóng dọc biên giới Việt - Trung, từ dãy Thập Vạn Đại Sơn trải dài hàng trăm km ra tận vùng Phòng Thành, bờ biển Khâm Châu. Đến tháng 10-1949, sau 4 tháng chiến đấu gian khổ bộ đội Việt Nam mới gặp đại quân Nam Hạ của Tàu Cộng từ phía Bắc đánh tràn xuống. Bộ đội Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ chi viện Tàu Cộng, bàn giao lại cho quân đội Tàu Cộng nhiều kho tàng, vũ khí và rút về nước.

Trải qua hơn 4 tháng hoạt động, bộ đội Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, kỷ luật nghiêm trong tiếp xúc với dân, được nhân dân địa phương kính trọng, từ chỗ e dè, thậm chí có lúc còn sợ sệt như đối với quân Tàu Tưởng, tới chỗ họ, dù đời sống còn rất nghèo khó, đã hết lòng giúp đỡ, dẫn đường, tải thương, tiếp tế và ca ngợi “Giải phóng quân Việt Nam, áo màu nâu, mũ mõm trâu, đánh phi thường, ác liệt”. Khi tiễn biệt, một vị đại diện Bộ tư lệnh biên khu Việt-Quế của Tàu Cộng đã nắm chặt tay Tướng Lê Quảng Ba, Tư lệnh bộ đội Việt Nam, nghẹn ngào: “Cảm ơn các đồng chí Việt Nam. Thắng lợi về quân sự đã quan trọng, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều. Cảm ơn các bạn, tuy còn bao nhiêu khó khăn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mình, đã sang giúp chúng tôi” (2).

***

Ba mươi năm sau, ngày 17/2/1979, Tàu Cộng đã phát động một cuộc chiến tranh với hỏa lực cực lớn tiến công xâm lược Việt Nam. Có lẽ đây là quãng thời gian mà đúng 30 năm trước các nhà lãnh đạo Tàu Cộng chính thức lên tiếng yêu cầu phía Việt Nam gửi quân đội sang chi viện Quân giải phóng Tàu Cộng trong chiến dịch Thập vạn đại sơn để giải phóng Quảng Đông và Quảng Tây, kết thúc vào tháng 10/1949, đúng ngày Tàu Cộng tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau khi hoàn toàn giải phóng toàn bộ Hoa Lục.

Ba mươi năm là quãng thời gian đủ để Tàu Cộng vô ơn bạc nghĩa, chà đạp lên xương máu của quân đội Việt Nam đã đổ ra để giúp họ thực hiện mưu đồ thống trị Hoa Lục của họ. Máu của Việt Nam đã đổ trong chiến dịch Thập vạn đại sơn. Không đếm hết được bao nhiêu người con của dân tộc này đã đổ máu cho tham vọng của Tàu Cộng, để 30 năm sau đó họ đã mở một cuộc tấn công đẫm máu, lấy oán thù để trả cái ân nghĩa mà dân tộc này đã dành cho họ.

Chúng ta thiết nghĩ, chỉ một cái Thập vạn đại sơn cũng đủ nhắc chúng ta đừng bao giờ nhắc đến cái ơn cái nghĩa mà Tàu Cộng đã ban cho những người cộng sản Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh đã diễn ra trên đất Việt Nam.

Trong thập niên 1960 bản thân tôi đã có hai năm làm việc ở một số cơ quan nghiên cứu khoa học của Tàu Cộng. Tôi đã làm việc ở nhiều thành phố lớn ở Hoa Lục. Hồi đó ở Hoa Lục hừng hực không khí chi viện Việt Nam kháng chiến. Tôi đã nhiều lần được nghe câu nói đầu lưỡi của các bạn đồng nghiệp ở Hoa Lục: “Các bạn Việt Nam đang chịu đựng chiến tranh nơi tiền tuyến là để nhân dân Trung Quốc hòa bình xây dựng đất nước”. Tôi nghĩ đó là lời nói thực lòng.

Nhưng rất tiếc, các nhà lãnh đạo Tàu Cộng đã phản bội nhân dân Việt Nam và chính nhân dân nước họ, đã chà đạp lên xương máu mà nhân dân Việt Nam đã đổ cho sự phục hưng Trung Hoa, cho mộng bá quyển của Tàu Cộng.

Nhà Phật có triết lý ác giả ác báo.

Cái ác đang báo nhãn tiền. Thế hệ chúng ta chắc chắn được chứng kiến cái ngày Tàu Cộng sụp đổ không gì cứu vãn được, cái ngày phục hưng thực sự của dân tộc Trung Hoa xứng danh với truyền thống văn hóa rực rỡ trong lịch sử nhân loại.

V.C.Đ.

Tác giả gửi BVN

Chú thích

(1) Xem: https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFn_d%E1%BB%8Bch_Th%E1%BA%ADp_V%E1%BA%A1n_%C4%90%E1%BA%A1i_S%C6%A1n

(2) Phạm Quý: http://www.qdnd.vn/qdnd/sukiennhanchung.nhungchiensiquocte.20778.qdnd

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn