Ba cửa sống còn lại của Hồ Duy Hải

Văn Khiêm

Những phát biểu của truyền thông lề đảng (VTV1) trước ngày 8/5 đã cho tín hiệu Toà án sẽ xử vụ Hồ Duy Hải y án. Đó là điều gây uất nghẹn cho bao nhiêu người nhưng nó là điều không ngạc nhiên về nền Tư pháp nước Việt. Kết quả đúng y như nhiều người dự đoán khiến cho trên mạng lề dân, gần như cả một biển người nổi sóng.

Nhà văn Nguyễn Viện viết: "Tôi không tin vào chủ trương “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót” trong vụ án Hồ Duy Hải như nhiều người nghĩ, mà kết quả hôm nay chỉ khẳng định thêm một lần nữa: chế độ cộng sản bất chấp mọi lý lẽ, bất chấp tất cả để đạt được mục đích của mình. Giết Hồ Duy Hải là cách họ tự bảo vệ sự sai lầm của họ. Nhưng dưới mắt nhân dân, nền tư pháp ở đất nước này coi như cũng tự sát".

Tuy nhiên, trước sự kiện có thể nói là nhục nhã gây phẫn nộ đối với lương tri toàn thể cộng đồng này, chúng ta có thể hạ một chữ "buông", coi như hết trách nhiệm được không? Quyết là không! Không thể để cho bất công ngang nhiên hoành hành. Càng không thể để những kẻ mất tính người “ngồi xổm trên luật pháp”, đặt được dấu chấm hết cho công lý ở Việt Nam!

BVN dẫn đăng bài “Ba cửa sống còn lại của Hồ Duy Hải” của "Luật Khoa Tạp chí", tờ báo am tường về khoa Luật học, để giúp bạn đọc có thêm một cẩm nang kiến thức cần thiết trong cuộc đấu tranh gian khổ cho lẽ phải, những mong tiếng nói mạnh mẽ từ cộng đồng sẽ tiếp tục cất lên, góp phần làm thay đổi bản án vô lý và không có gì để nói hơn là hai chữ bỉ ổi.

Chúng ta không thể im lặng trước vị thần công lý bảo vệ lẽ phải cho dân tộc mà giờ đây (hay đúng hơn là trước đây nhiều thập niên, khi CS lên cầm quyền xứ này) đã/đang bị cả một thể chế xúm vào hất đi, nhằm thế chân vào đó một quan tòa như ông Nguyễn Hòa Bình mặc chiếc áo con rối màu đỏ và hai tay thì không phải là cầm chiếc cân mà cầm một cái thớt và một con dao vừa mua tại chợ. Phải chăng Nhà nước Việt Nam đang mưu toan đắp bức tượng công lý này nhằm áp chế tinh thần hơn 90 triệu dân chúng? Không! Chúng ta cần nhanh chóng hạ nó xuống, dẫm lên cái đầu không não của nó, bằng sự sắc sảo của trí tuệ công dân chứ không phải bằng bạo lực.

Bauxite Viêt Nam 

Tử tù Hồ Duy Hải. Ảnh: Gia đình cung cấp/Amnesty

Như vậy, phiên tòa giám đốc thẩm ngày 8/5/2020 không mở ra bất kỳ lối thoát nào cho vụ án nhiều dấu hiệu oan sai nghiêm trọng của công dân Hồ Duy Hải.

Nhưng có phải vụ án đến đây là hết lối đi? Không. Còn ít nhất ba lối nữa, hay nói cách khác, ba cửa sống nữa cho Hồ Duy Hải.

1. Quốc hội can thiệp, Hội đồng Thẩm phán (Tòa án Nhân dân Tối cao) mở phiên họp xem xét lại quyết định giám đốc thẩm

Theo Bộ luật Tố tụng Hình sự, có hai cơ quan của Quốc hội có khả năng can thiệp vào quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao: Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Việc can thiệp chỉ xảy ra “khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó” (Điều 404).

Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Hội đồng Thẩm phán phải tiến hành thẩm định hồ sơ vụ án; xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật và trong thời hạn bốn tháng phải mở phiên họp xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.

Nếu Ủy ban Tư pháp của Quốc hội kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán mở phiên họp xem xét kiến nghị đó trong thời hạn 30 ngày. Nếu Hội đồng Thẩm phán biểu quyết đồng ý với kiến nghị thì mở phiên họp xem xét lại quyết định giám đốc thẩm trong thời hạn bốn tháng kể từ ngày biểu quyết.

Đến đây, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải vẫn còn khả năng bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại.

2. Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị, Chánh án TAND Tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán xem xét lại quyết định giám đốc thẩm

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể kiến nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao có thể đề nghị Hội đồng Thẩm phán xem xét lại quyết định giám đốc thẩm.

Hội đồng Thẩm phán sau đó phải mở phiên họp xem xét kiến nghị/đề nghị này trong thời hạn 30 ngày. Nếu Hội đồng Thẩm phán biểu quyết đồng ý xem xét lại quyết định giám đốc thẩm thì phiên họp xem xét lại đó sẽ phải diễn ra trong bốn tháng sau đó.

Cũng tương tự như phương án 1, đến đây, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm của vụ án Hồ Duy Hải vẫn còn khả năng bị hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Phương án này, nếu có thực hiện được, nhiều khả năng cũng phải chờ tới ít nhất là giữa năm 2021 khi Quốc hội khóa mới nhóm họp và bầu các vị trí Viện trưởng và Chánh án mới.

3. Chủ tịch nước ân giảm hình phạt tử hình

Theo Điều 367 của Bộ luật Tố tụng Hình sự:

“Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm Tòa án nhân dân tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì Tòa án nhân dân tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình“.

Chủ tịch nước sau đó sẽ giải quyết đơn xin ân giảm của Hồ Duy Hải và ra quyết định. Nếu được ân giảm, Hải sẽ phải chịu hình phạt chung thân.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi năm 2012 đã bác đơn xin ân giảm của Hồ Duy Hải. Nay sau phiên tòa giám đốc thẩm, Hải có thể tiếp tục làm đơn xin ân giảm nữa. Nhiều khả năng việc này sẽ do Chủ tịch nước đương nhiệm Nguyễn Phú Trọng hoặc chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026 quyết định.

***

Vụ án này không thể được kháng nghị theo thủ tục tái thẩm nữa. Xin tham khảo Điều 400 của Bộ luật Tố tụng Hình sự để biết chi tiết:

Điều 400. Những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm 1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án các cấp, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. 2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự cấp quân khu, Tòa án quân sự khu vực. 3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.

V.K.

Nguồn: luatkhoa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn