Công lý chi bộ

Nguyễn Anh Tuấn

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2020/06/0-85.jpg

Một trong những hình ảnh ấn tượng nhất trong phiên xử giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải là việc 17 thẩm phán giơ tay biểu quyết y án tử hình.

Không khác gì một phiên họp chi bộ đảng.

Cũng dễ hiểu thôi khi mà 17 thẩm phán trong Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, cũng như toàn bộ thẩm phán Việt Nam, đều là đảng viên - chỉ riêng thực tế này đã đủ để phủ nhận mọi lập luận về tính độc lập của hệ thống tòa án Việt Nam hiện nay.

Bởi thế, đôi khi khó có thể phân định khi nào các thẩm phán đang nghị án, khi nào thì các “đảng viên làm công tác xét xử” đang họp chi bộ, vì tuy hai mà một.

Nghĩa là án nào ở Việt Nam cũng tiềm ẩn thành án chính trị, được phân xử không dựa trên chứng cứ, mà là những cân nhắc về ảnh hưởng chính trị.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc giơ tay biểu quyết bản án cũng là bình thường, dẫn chiếu bộ phim nổi tiếng 12 Angry Men trong đó 12 bồi thẩm viên khi thì bỏ phiếu khi thì giơ tay quyết định nghi can có tội hay không.

Điều này đúng nhưng chưa đủ. Đúng là 12 bồi thẩm viên có thể giơ tay biểu quyết, song cả 12 bồi thẩm viên này, theo luật Hoa Kỳ, đều là dân thường được chọn tham gia bồi thẩm đoàn như một nghĩa vụ bắt buộc của công dân.

Nghĩa là giữa họ không ai có tư cách hơn ai, cả về quyền lực lẫn chuyên môn pháp lý, để có thể gây áp lực lên người khác và khiến kết quả biểu quyết thiếu khách quan.

Điều này hoàn toàn khác với phiên nghị án vụ Hồ Duy Hải hôm trước khi mà 16 thẩm phán còn lại đều là cấp dưới của Chánh án Nguyễn Hòa Bình - người đã bị chỉ ra từng quyết định không kháng nghị vụ Hồ Duy Hải khi còn là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Đó là chưa nói trong chi bộ đảng ở Tòa án Nhân dân Tối cao, tất cả các thẩm phán đều là đảng viên cấp dưới của của Bí thư Nguyễn Hòa Bình.

Vậy thì làm sao việc giơ tay biểu quyết khi nghị án như vậy có thể đảm bảo khách quan cho được?

Hình thức nghị án kiểu chi bộ đảng này cần phải chấm dứt, và nếu phải sửa đổi thì không cần tìm đâu xa, hãy học từ Bộ luật Hình sự Tố tụng 1972 của Việt Nam Cộng Hòa:

“Điều thứ 348 - Chánh thẩm và các phụ thẩm lấy tấm phiếu có in tiêu đề tòa đại hình cùng hàng chữ: "Tôn trọng danh dự, thành thực với lương tâm, ý thức trách nhiệm trước nhân loại, chúng tôi xin trả lời như sau câu hỏi đã được đặt ra".

Các vị trên sẽ ghi trên phiếu chữ "có" hoặc "không" một cách thật kín đáo khiến không để lộ sự biểu quyết của mình. Sau đó, các tấm phiếu được gấp lại làm tư và trao cho chánh thẩm để vào thùng phiếu”.

N.A.T.

Nguồn: rfavietnam.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn