Kinh tế thị trường ở Việt Nam: Khoảng cách từ “miệng” đến “tay” còn xa

Ấp úng 34 năm, giờ mới nói ra được: Nhà nước ta là nhà nước “sở hữu và kiểm soát”, nên không thể đi với “kinh tế thị trường”, tức không thể có “kinh tế thị trường định hướng XHCN”!

Fb Hoàng Hưng

Cẩm Tú

 Sau hơn 30 năm đổi mới, con đường chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn còn dang dở, trong đó, điều phối hành chính vẫn chiếm ưu thế.

 

Cần quan tâm các chỉ số tự do kinh tế

Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU), trên thế giới hiện nay có hai bộ chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ phát triển nền kinh tế thị trường. Thứ nhất là Index of Economic Freedom do Quỹ di sản (The Heritage Foundation) và Tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal) của Mỹ xây dựng từ năm 1995, thứ hai là Economic Freedom of the World do Viện Fraser Institute (Canada) xây dựng.

GS.TS. Trần Thọ Đạt cho biết, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp.

Khi nền kinh tế càng phát triển, mối quan hệ giữa tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn. Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa mức độ tự do kinh tế, mức độ của kinh tế thị trường với sự thịnh vượng của quốc gia.

“Điều này có hàm ý rất rõ với Việt Nam hiện nay do nền kinh tế của Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp. Vì thế, đã đến lúc Việt Nam phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam”, TS. Bùi Đức Thọ, Phó hiệu trưởng NEU nêu ý kiến.

Chia sẻ kinh nghiệm thế giới về tự do kinh tế và khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình của các nước đang phát triển, TS.Fred McMahon (Fraser Institute- Canada) cho rằng, xuyên suốt chiều dài lịch sử, tự do thương mại toàn cầu, các nền kinh tế tự do và tự do kinh tế đã mang cho loài người những lợi ích không đong đếm nổi.

“Những quốc gia thịnh vượng nhất cũng là những quốc gia có tự do kinh tế cao nhất”, TS. Fred McMahon nhấn mạnh.

Theo ông Fred McMahon, tự do kinh tế đã mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân, mang lại những đặc quyền kinh tế và Việt Nam đã nhận rõ điều này. Ở những quốc gia có tự do kinh tế cao thì tuổi thọ cao hơn, thu nhập trung bình hơn 36.000 USD, tỷ lệ người dân sống điều kiện cực nghèo rất thấp (1,8% dân số). Trong khi ở các nước có tự do kinh tế thấp thì có tới 40,5% dân số cực nghèo và có hơn 27% dân số tương đối nghèo và thu nhập bình quân chỉ ở mức 6.100 USD.

“Việt Nam đã có thành tích tăng trưởng đáng nể nhưng cần lưu ý, khi các quốc gia ngày càng giàu, tốc độ tăng trưởng đã chậm dần và nhiều quốc gia đã từng có thành tích tăng trưởng cao như Việt Nam nhưng đã tàn phai bởi vì những quốc gia này thất bại trong việc cải thiện tự do kinh tế”, TS. Fred McMahon lưu ý.

Con đường chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn dang dở

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, sau hơn 30 năm đổi mới, con đường chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn còn dang dở. Trong đó, hiện điều phối hành chính vẫn chiếm ưu thế; kém “nhạy cảm” với giá cả; “mặc cả” kế hoạch, chạy theo số lượng, nền kinh tế thiếu hụt thị trường của người bán; thiếu hụt lao động…

Để đánh giá về mức độ tự do hóa và kinh tế thị trường cần đánh giá cả trên yếu tố mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và cả hiệu lực chính phủ. Nếu hai chỉ tiêu này đều tốt thì nền kinh tế thị trường của chúng ta được coi là nền kinh tế thị trường tốt. Nhưng “đáng tiếc rằng, cả vai trò Nhà nước, cả vai trò thị trường đều rất kém. Cả hai chỉ số hiệu lực của Chính phủ và mức độ phát triển thị trường của chúng ta nằm ở top dưới”, ông Cung nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, kinh tế tư nhân mới đóng góp 10% GDP thì chưa thể nói là có kinh tế thị trường đầy đủ.

“Việt Nam đã xác định xây dựng kinh tế thị trường từ lâu, văn bản, nghị quyết về xây dựng kinh tế thị trường ở Việt Nam rất nhiều, lời hay ý đẹp không thiếu. Nhưng khoảng cách từ miệng (chủ trương, chính sách, chỉ đạo) đến tay (khâu thực hiện) còn xa”, bà Phạm Chi Lan nói.

Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã thoát nghèo trở thành nước thu nhập trung bình. Khát vọng của chúng ta là đến khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta đã là nước thu nhập trung bình cao. Nhưng nếu không có làn sóng cải cách đổi mới thứ hai, chúng ta vẫn sẽ chỉ ở mức thu nhập trung bình thấp hiện nay.

"Nền kinh tế thị trường không giải quyết được tất cả vấn đề, nhưng nếu không có kinh tế thị trường thì chúng ta thất bại! Phải tìm được khâu đột phá vì không có khâu đột phá thì chúng ta cứ mãi loay hoay", TS. Nguyễn Đình Cung trăn trở.

Do đó, TS. Cung cho rằng, đổi mới kinh tế trong giai đoạn đến năm 2030 là việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận, trong đó, trọng tâm là việc thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Ngoài ra, cần giải pháp giúp thị trường hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch.

C.T.

Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/kinh-te-thi-truong-o-viet-nam-khoang-cach-tu-mieng-den-tay-con-xa-1076236.vov

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn