Điểm mặt những thân hữu của virus China

Nguyễn Huy Cường

Chú thich ảnh: Người áo vàng trong ảnh là Tiến sỹ báo chí đến từ Australia , người đã ghi âm buổi phỏng vấn tôi khi tôi nói rằng: Muốn “dẹp” sự hỗn loạn trong truyền thông xã hội chỉ có một con đường: Đó là truyền thông chính thống phải chuẩn chỉ, độc lập, xác đáng. Bài viết hôm nay phụ họa cho kết luận trên.

Hơn ba tháng nay virus Vũ Hán quay lại thăm viếng Việt Nam nhưng xem ra, vẫn còn đó tính thụ động, thiếu chuyên môn, thiếu mạch lạc trong tư duy chống nó.

Về vấn đề này, tôi muốn đề cập đến hai  nhóm đó là nhóm Truyền thông và nhóm Gia đình.

Bài này xét đến việc chống covid bằng…truyền thông.

Ít nhất có năm (5) chủng loại truyền thông nhà nước trong hoàn cảnh Việt Nam với những đặc điểm khá khu biệt, tạm dẫn ba (3) loại sau:

1. Truyền thông định hướng

Dù cho nhà nước có ý tốt nhưng định hướng như vừa rồi có thể chỉ tốt cho một ý này, lại tai hại cho một hướng khác.

Trong thời gian qua, thấy khá rõ định hướng cho VN thành “thiên đường chống covid”, thành “vùng an toàn của thế giới” hoặc như là “thiên đường du lịch” v.v…là bất ổn.

Ý này không tệ, nó kích cầu cho ngành du lịch, nó tạo cảm giác tin cậy, an hòa cho cộng đồng.

Nhưng, nó gây tâm lý chủ quan, xả cảng, tự tin thái quá và con số người nghỉ mát, du lịch ở chỉ một địa chỉ là Đà Nẵng trong cùng một lúc mà có cả trăm ngàn người tụ bạ vừa qua chứng minh điều đó.

Nếu giữ chức năng định hướng, phải có một định hướng chắc bằng khoa học, thực tế hơn.

Trong một bài khác tôi sẽ nói rõ hơn một loại truyền thông định hướng nguy hiểm, ở đây tạm nói: Đó là kiểu so đọ với những nước khác, nhất là với Trung Quốc, có vẻ như cho mọi người thấy ta “anh hùng” hơn họ, tài giỏi hơn họ. Kiểu này CỰC KỲ NGUY HIỂM.

Làn sóng covid mới này, chưa biết chừng là sự trả giá, là đang ăn đòn cho kiểu làm truyền thông này.

2. Truyền thông bưng bít

Tôi không viết nhiều về vụ này, các bạn tự xem xét sẽ thấy.

Nhưng một điều dễ nhận thấy là xu hướng làm cho số lượng, nội dung hậu quả NHỎ BÉ ĐI là rât rõ.

Từ việc nhỏ là khi có một người chết thì cố sức giải thích là do bệnh tật khác. (Ở Mỹ có hàng trăm người trẻ trung, khỏe mạnh bị virus quật chết, nếu ở ta cũng có vài chục người chết như vậy, không có gì cả, bình thường, hoàn toàn không phải lỗi của nhà nước hay do nhà Y bất tài.

Có vẻ “phe” này cảm thấy nếu Việt Nam bây giờ có vài chục người chết vì covid thì là cái gì đó xấu hổ lắm, là thất bại to lắm nên cứ cố nín náu đến đâu hay đến đó.

Ngay số người mắc cũng chia thành nhóm “trong cộng đồng” với nhóm “ngoài cộng đồng” để xây dựng những thành tích kỳ vỹ, khác lạ với thế giới đang khốn khổ ngoài kia.

Kiểu truyền thông này có hai “lưỡi” cần biết:

  • Lưỡi thứ nhất làm cho dân chúng thấy được “thiên tài chúng ta” đã vô địch thế giới như ở hiệp một, tha hồ tung hô, tha hồ chủ quan;

  • Lưỡi thứ hai là, nếu chỉ hai tuần nữa thôi, ví dụ có thêm 300 người bị mắc diện “trong cộng đồng” và vài chục người chết đứ đừ vì Covid, sẽ làm cho diện theo chủ nghĩa lạc quan kia hoang mang, mất ý chí, thậm chí hoảng loạn.

3. Truyền thông mạng xã hội

Nội dung này rất dài, tôi chỉ “tạm ứng” vài dòng.

Hiện có ba phe, phe nào cũng có vấn đề.

- Phe thứ nhất: gọi là phe “toang”.

Phe này có vẻ như họ rất thích thú những hệ quả nặng nề mà cả đất nước đang hứng chịu, nhìn cách viết, cách báng bổ, cách “vơ đũa” om xòm, vô trách nhiệm mà buồn cho dân tộc này, nó không cao cả như những tư duy tự tôn, tự hào bấy lâu nay về đất nước, con người Việt Nam.

Các bạn phe này, nếu đọc được những dòng trên, làm ơn điều chỉnh mình, vặn nhỏ tinh thần vô lối kia xuống, chính là để không xếp mình vào diện vô lương tâm, diện hạ đẳng.

- Phe thứ hai là phe vô tình hay hữu ý tôn vinh, khuôn bó theo kiểu truyền thông thứ nhất trên đầu bài, luôn lạc quan thái quá, tung hô bụi mù những cố gắng hữu hạn, chủ quan khi cho rằng cứ cố gắng là tiêu diệt được virus Vũ hán (trường hợp ông phi công Anh).

Xin thưa, tư duy, phát biểu của các bạn chỉ có tác dụng hữu hạn và minh chứng chất lượng công dân của bạn thôi, không thuyết phục được những người chính trực.

- Phe thứ ba là ý kiến của những học giả, những nhà khoa học, những nhà bình luận có tầm nhìn rộng dài, có hiểu biết về xã hội, về lịch sử dịch tễ của nhân loại, nắm bắt sâu rộng về diễn tiến, triển vọng của cố gắng chống đỡ Covid.

Ý kiến của những nhà nghiên cứu (có hay không có bằng cấp, có hay không biên chế trong những tổ chức nhà nước) nhưng có đầu tư, nghiên cứu toàn diện vấn đề.

Từ đó chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu của nước mình, tìm ra những hướng mở của tư duy, hành động phù hợp nhất.

Nhóm thứ ba này, rất tiếc, là một thiểu số.

Ngay trên mặt bằng facebook, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Trong chuyện này...

Tôi nghĩ ngợi một chút, về khả năng dễ bị hiểu lầm là kiêu ngạo, nhưng phải nói rằng:

Để mô tả diễn tiến, để trình bày hiện trạng thì làng FB cũng có một số nhà báo đáng được tôn trọng và cần theo dõi như Trần Trọng An,

Vũ Mạnh Cường

Nhưng để tiên đoán, dự đoán tốt hướng đi tới của tình hình thì hơi hiếm, đó là điều đáng tiếc.

Ví dụ như cách đây hơn hai tháng, tôi đã dự báo một nội dung sát với việc “xuất khẩu virus” từ “nước lạ” vào ta khi họ muốn hồi sinh, phát triển con virus quái qủy này thì đến nay đúng tới 99%!.

Loại bài viết không nằm trong khuôn khổ năm chữ W ấy, thực tế rất hữu ích.

Thưa Quý bạn.

Để làm tốt được một việc trước hết phải NGHĨ ĐÚNG về việc đó.

Qua phác họa về đối tượng truyền thông nói trên, đủ cho ta thấy về đại thể, từ phía truyền thông nhà nước đến mạng xã hội đang có hình bóng của sự “chưa chuẩn bị”, sự thiếu chuyên nghiệp, tư duy thiếu chuẩn mực và mất trật tự.

Nó không góp phần bình ổn lòng người trong lúc tao loạn này.

Hôm nay tôi gõ vài dòng, chỉ như là đánh động thôi, cho mỗi cơ quan báo chí, mỗi người dân dùng mạng biết rằng: Chúng ta cần tư duy tốt hơn.

- Nó xấu thì gọi nó là xấu.

- Nó tốt, tốt đến mức nào thì phải ghi nhận.

- Cần làm gì là việc phải biết

Một xã hội thông tin xô bồ, sai lầm, đối kháng nhau tứ tung không phải năng lực chống dịch.

Tôi kết lại bài viết này bằng tựa đề bài trước:

HÃY CHUẨN BỊ CHO NHỮNG GÌ TỆ HẠI NHẤT!

N.H.C.

Nguồn: FB Nguyễn Huy Cường

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn