Kiến nghị bảo vệ quyền hành nghề luật sư

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 04 tháng 8 năm 2020

ĐƠN KIẾN NGHỊ

(Đề nghị có biện pháp bảo vệ quyền hành nghề luật sư)

Kính gửi:

– Liên đoàn luật sư Việt Nam

Chúng tôi gồm: Những người có tên trong danh sách dưới đây.

Là các luật sư có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng khách hàng và trách nhiệm với nghề nghiệp, chúng tôi cùng nhất trí kiến nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam có biện pháp bảo vệ quyền hành nghề luật sư như sau:

Vấn đề thứ nhất:

Hiến pháp năm 2013 tại Điều 31, khoản 4 quy định: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Tại Điều 103 khoản 7 quy định: Quyền bào chữa của bị can, bị cáo được bảo đảm.

Nhưng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, một văn bản pháp lý cấp thấp hơn Hiến pháp lại có quy định hạn chế lược bớt một phần quyền bào chữa của bị can, bị cáo tại Điều 74 như sau: Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện Kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.

Về bản chất Điều 74 Bộ luật tố tụng hình sự như trên là trái với quy định của Hiến pháp.

Mặc dù vậy nội dung Điều 74 cũng không phải là quy định có tính chất ấn định cứng không cho luật sư tham gia bào chữa trong giai đoạn điều tra đối với các vụ án về an ninh quốc gia, mà trao quyền tùy nghi cho cơ quan tư pháp áp dụng trong những trường hợp cần giữ bí mật điều tra. Song thực tế lâu nay quy định này lại bị các cơ quan tư pháp vận dụng một cách triệt để, biến thành một lối làm việc cứng nhắc, không cho luật sư tham gia bào chữa tại giai đoạn điều tra trong mọi vụ án về an ninh quốc gia.

Điều đó xâm phạm quyền được bào chữa của bị can bị cáo và xâm phạm quyền hành nghề của luật sư. Thực tế có nhiều vụ án hành vi bị quy kết đều được bị can thực hiện một cách công khai như tham gia biểu tình, viết bài phản ánh quan điểm trên các trang mạng, nhưng các cơ quan tư pháp vẫn lấy lý do cần giữ bí mật điều tra để khước từ luật sư bào chữa tại giai đoạn điều tra. Chúng tôi không tin rằng có điều gì cần giữ bí mật ở đây mà đó chỉ là lối làm việc kém coi trọng luật sư đã thành nếp khó bỏ.

Vấn đề thứ hai:

Hiện nay có tình trạng Hội đồng xét xử kém coi trọng vai trò của luật sư tại phiên tòa, biểu hiện qua việc khi luật sư có ý kiến khác thì mời luật sư ra khỏi phiên tòa hoặc thẩm phán chủ tọa thường ngắt lời cản trở luật sư trình bày các ý kiến bào chữa.

Ví như tại phiên tòa vụ án phá rối an ninh vừa được xét xử tại Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh mới đây, khi các luật sư trình bày luận cứ bào chữa thì đều bị Thẩm phán chủ tọa cản trở ngắt lời giữa chừng không cho trình bày hết các ý kiến. Thực tế các luật sư đều giữ thái độ đúng mực, lời nói cũng giữ gìn cân nhắc, và chỉ phân tích các khía cạnh pháp lý, chỉ ra những khiếm khuyết trong pháp luật, nhưng chủ tọa cũng không cho nói. Điều đó cho thấy công tác xét xử chưa coi trọng việc thực hành công lý, vai trò của luật sư bào chữa kém được tôn trọng.

Nay chúng tôi kiến nghị

Từ thực tế hành nghề như vậy, chúng tôi phản ánh thực trạng khó khăn tới Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đề nghị Liên đoàn có biện pháp bênh vực hỗ trợ cho các luật sư khi hành nghề, góp phần thúc đẩy xây dựng nền tư pháp Việt Nam được trở lên công minh tiến bộ.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn!

Những người đồng kiến nghị:

  1. Luật sư Ngô Ngoc Trai, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

  2. Luật sư Phạm Đức Phúc, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

  3. Luật sư Lê Quang Vũ, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh

  4. Luật sư Đặng Quang Hiệu, Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh

  5. Luật sư Đào Thị Lan Anh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội

Nguồn: Blog Luật sư Ngô Ngọc Trai

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn