“Tiếng gai hót trong bụi mận...”

Phạm Xuân Cần

Đùa mà có ý thật. Vì lâu nay, trong tai, trong mắt của một vài người, báo Lao động Nghệ An chưa bao giờ là tiếng chim lảnh lót, líu lo, ríu rít ngợi ca như rất nhiều tờ báo khác. Trong tai, trong mắt họ, Lao động Nghệ An chẳng khác gì một cái gai. Vậy thì phải nói là “tiếng gai hót…” chứ nhỉ?

Lời tòa soạn báo Lao động Nghệ An: Tác giả Phạm Xuân Cần là một ‘nhà báo không thẻ’. Nghề nghiệp chính của ông là làm quản lý ở Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An. Ông là người đã đề xuất mục “Công Nông đối thoại” trên Lao động Nghệ An, và ông được giao ‘thủ chuyên mục’ này suốt 7 năm trời.

Đến đời Tổng Biên tập Nguyễn Thị Thu Hương, ông lại đề xuất mở mục theo kiểu người Nghệ là “Nói cho vuông”. Thời gian này ông đã nghỉ hưu. Nhưng:

“Số báo 1184 ra ngày 30/7/2020 là số báo cuối cùng của Lao động Nghệ An sau 24 năm ra đời và phát triển, để thực hiện chủ trương quy hoạch báo chí. Tiếc lắm thay! Nhưng đó là phép nước, chúng ta phải nghiêm túc thực hiện.

Chúng tôi hiểu rằng, bạn đọc là người quyết định sự sống còn của tờ báo. Vì thế phụng sự bạn đọc là sứ mệnh thiêng liêng của chúng tôi. Chúng tôi tự hào vì đã xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc”.

Trong nỗi niềm đầy cay đắng nói trên của Ban Biên tập Lao động Nghệ An, ông Phạm Xuân Cần chia sẻ sự đồng cảm đến nghẹn lòng.

Xin được trích them tâm sự của ông, qua đó giúp hình dung thêm về ‘tự do báo chí’ qua lăng kính ‘quy hoạch’:

“Tính ra cho đến nay cuộc đời ‘nhà báo không thẻ’ của tôi cũng đã có khoảng bảy tám trăm bài báo lớn nhỏ, dài ngắn đủ thể loại, trong đó đa số là viết cho Lao động Nghệ An.

Không biết mình đã đóng góp được gì cho báo, nhưng chính báo đã làm cho mình ít nhiều được người đọc biết đến. Sau này, khi đã có chút ít tiếng tăm cũng có một số báo, tạp chí đặt vấn đề tôi cộng tác, giữ chuyên mục cho họ, nhưng quả thật thấy mình không đủ chuyên nghiệp nên tôi đều từ chối.

Có lẽ cái duyên của tôi đã được báo Lao động Nghệ An cộng hưởng. Tôi không biết bài viết của tôi nếu gửi có được các báo khác đăng hay không, nhưng tôi tin chắc rằng những bài gan ruột của tôi thì ngoài Lao động Nghệ An sẽ không có tờ nào đăng, hoặc đúng hơn là dám đăng cả.

Mười mấy năm chơi với báo, tôi biết có những kỳ báo đưa đi in thì tổng biên tập cũng tắt điện thoại để chặn mọi ý đồ nhờ hoặc can thiệp gỡ bài.

Ngay cả tôi nhiều khi cũng tự hỏi, với tư cách cộng tác viên thì mình dám viết như vậy, nhưng nếu là tổng biên tập mình có dám cho đăng không? Có đến mấy năm trời Lao động Nghệ An đã là cái tên mà một vài người cứ đợi đến giao ban báo chí là “điểm danh”. Phải cương quyết và khôn khéo lắm tổng biên tập mới vượt qua những ngày không yên ả ấy, để giữ thương hiệu Lao động Nghệ An trong lòng bạn đọc. Nhiều người quý báo Lao động Nghệ An vì lẽ ấy.

Lần này thì chắc là số cuối cùng rồi. Tổng biên tập gọi điện cho tôi và lệnh kiểu chi anh cũng phải có bài. Trên facebook, một độc giả dùng cái tít phim “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” như một thành ngữ để nói cái sự “quy hoạch” lần này của báo Lao động Nghệ An. Tôi bèn nhại lại, nỏ phải, “tiếng chim hót trong bụi mận gai” mà là “tiếng gai hót trong bụi mận...”.

Đùa mà có ý thật. Vì lâu nay, trong tai, trong mắt của một vài người, báo Lao động Nghệ An chưa bao giờ là tiếng chim lảnh lót, líu lo, ríu rít ngợi ca như rất nhiều tờ báo khác. Trong tai, trong mắt họ, Lao động Nghệ An chẳng khác gì một cái gai. Vậy thì phải nói là “tiếng gai hót…” chứ nhỉ?

 

Lời bình của biên tập viên: Dòng thở than này cho thấy quả tình cần xem lại cái gọi là đề án quy hoạch báo chí.

“Chúng tôi hiểu rằng, bạn đọc là người quyết định sự sống còn của tờ báo. Vì thế phụng sự bạn đọc là sứ mệnh thiêng liêng của chúng tôi. Chúng tôi tự hào vì đã xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc” – trích “Thư tòa soạn” Lao động Nghệ An.

Thật mỉa mai, “bạn đọc là người quyết định sự sống còn của tờ báo”, nhưng rõ là bạn đọc đâu có bắt tờ báo này phải dẹp tiệm?

“Rồi đây, chúng tôi cũng sẽ mỗi người một ngả, chúng tôi hứa với nhau, hứa với chính mình, dù ở đâu, cương vị nào vẫn luôn sáng ngời phong cách, tinh thần của Lao động Nghệ An: Liêm chính và phụng sự!

Thân thương!” – trích “Thư tòa soạn”.

P.X.C.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn