“Việt Nam nghĩ gì về chiến lược Indo-Pacific của Mỹ?”

Chiến Sỹ

Lãnh đạo Việt Nam (cũ) đương chức và (mới) sẽ được bầu trong Đại hội 13, nghĩ gì về FOIP? Nếu biết đặt lợi ích quốc gia – dân tộc lên đầu, tự họ sẽ tìm ra đáp án tích cực. Nếu tiếp tục đặt lợi ích đảng phái và các lợi ích phe nhóm lên trên cả tổ quốc lẫn nhân dân, họ lại sẽ tiếp tục đu dây, dù biết cơ hội để “đánh đu” không còn nhiều. Sau làn sóng thứ hai của đại dịch COVID Vũ Hán, dù không dám nói ra nhưng chắc chắn họ sẽ ngấm đòn “đánh cùi chỏ” của Trung cộng.

Hình minh họa. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo bắt tay Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trước cuộc gặp tại Washington DC hôm 22/5/2019. AFP

“Việt Nam nghĩ gì về chiến lược Indo-Pacific của Mỹ?” là cái tít khá “bắt mắt” mà chuyên gia cao cấp Derek Grossman từ Trung tâm Chính sách Châu Á – Thái Bình Dương, RAND Corporation đã “giật” trên trang mạng The Diplomat, số ra ngày 5/8/2020.

Câu trả lời kèm theo của Giáo sư Grossman (mời xem website tham khảo) phần nào phản ánh thế lưỡng nan của Việt Nam trong mối bang giao với Hoa Kỳ. Thế chung chiêng này càng lộ rõ trong dịp hai nước kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và đúng lúc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vừa có tuyên bố về lập trường mới của Mỹ liên quan đến Nam Hải (tức là Biển Đông).

Theo GS. Grossman, Biển Đông là nơi mà những ý tưởng cũng như học thuyết về các vấn đề an ninh của châu Á – Thái Bình Dương có thể mở đường cho các mối liên hệ về an ninh giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nguyên văn trên chapeau của bài báo thượng dẫn như thế này: “The South China Sea is where the rubber meets the road for U.S. – Vietnam security ties, and in this regard, Hanoi has gone as far as it is comfortable”. Điểm nhấn của bỉnh bút chuyên phân tích tin tình báo Grossman là, trong vấn đề này (tức là trong quan hệ an ninh Mỹ – Việt) Hà Nội chỉ tiến xa đến chừng mực mình cảm thấy thoải mái.

Nhưng thế nào là mức độ thoải mái mà Hà Nội chấp nhận được trong quan hệ an ninh với Washington? Hơn nữa, quan hệ an ninh Mỹ – Việt chiếm vị trí như thế nào trong chiến lược Indo-Pacific (Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) của Mỹ? Đáng tiếc trong bài viết đầy những dự báo quan trọng, Grossman tránh những câu trả lời trực tiếp. Trong khi đó, đối với giới hoạch định chính sách trong nước, Hà Nội chỉ thực sự thoải mái trong quan hệ với Washington, nhất là quan hệ trong lĩnh vực an ninh-quốc phòng-ngoại giao, nếu như mối quan hệ đó không ảnh hưởng đến nền tảng của chế độ và mối quan hệ đó không làm phật lòng Bắc Kinh. Hãy nhìn lại sự kiện gần đây nhất: Ngày 6/8/2020, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo để trao đổi về quan hệ Việt – Mỹ nhân dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tờ báo điện tử của Chính phủ Việt Nam khi đưa lại nội dung trao đổi điện đàm nói trên, đã nhấn mạnh: Ngoại trưởng Pompeo đánh giá cao việc hai nước tăng cường và mở rộng quan hệ Đối tác toàn diện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau cũng như chia sẻ tầm nhìn chung về hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Như vậy là hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam đang có một “tầm nhìn chung” về chiến lược bảo đảm hoà bình, ổn định trong khu vực Indo-Pacific.

Nội dung này lại được chính phó Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ diễn giải như sau: “Ngoại trưởng (Hoa Kỳ) nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với các quốc gia ven biển tại Đông Nam Á trong việc bảo vệ các quyền chủ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế và tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Sự khác nhau, tuy chỉ liên quan đến sắc thái, giữa hai quan điểm chính thống trong cách đưa tin về cùng một sự kiện cho thấy gì? Phải chăng Việt Nam chỉ sẵn sàng có “tầm nhìn chung” với Mỹ về chiến lược Indo-Pacific, nếu như chiến lược đó không làm ảnh hưởng đến “thể chế chính trị” của Hà Nội, nghĩa là Mỹ đừng “diễn biến hoà bình” Việt Nam, OK? Trong khi đó, thì về phía Hoa Kỳ, điều mà chính phủ Mỹ trong tuyên bố 13/7 lẫn trong điện đàm 6/8 muốn nhấn mạnh với Hà Nội là: Các quyền chủ quyền và các lợi ích của Việt Nam cũng như của các nước Đông Nam Á chỉ có thể được duy trì và được bảo vệ trong khuôn khổ một “khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở” (FOIP). Và trong cũng trong cái ngày 13/7 lịch sử ấy, Mỹ đã không úp mở, khi khẳng định, từ nay Biển Đông sẽ là một bộ phận cấu thành của an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Một cơ hội như trong mơ đối với những ai thực sự nặng lòng đối với độc lập, chủ quyền, các quyền chủ quyền trên Biển Đông!

Nhưng hưởng ứng trực tiếp FOIP vào thời điểm hiện nay đối với Việt Nam là điều bất khả. Dẫu rằng, trong thâm tâm,“số người thầm lặng” đang ngồi và sẽ ngồi vào “các chốt” quyền lực tại Ba Đình (sau Đại hội Đảng tháng 1/2021), ngày càng thấm thía rằng, muốn “giãn Trung” để “thoát Trung”, muốn bảo vệ những gì còn lại trên Biển Đông, không có con đường nào khác là phải tăng cường hội nhập sâu rộng, phải đẩy cái đà tiến bước cùng thời đại đi tới. Trong bối cảnh ấy, FOIP là cơ hội ngàn vàng.

Hoa Kỳ hiểu cái tâm thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” ấy của dàn lãnh đạo hiện này (và cả trong tương lai). Vì thế, “Bộ tứ” lâu nay đã đề ra nhiều bước quá độ giúp Việt Nam có thể vượt qua “hiệu ứng bóng đè” của Tàu cộng. Từ gợi ý làm thành viên “theo sát” (shadow member) đến thành viên của “Bộ tứ Mở rộng” (Quad Plus) là những nấc trung gian mà đến một lúc nào đó, khi Tàu cộng ra tay với Việt cộng quá đà, Hà Nội không thể không tính tới các phương án hiện có thể đang được đóng dấu “Tuyệt Mật”.

Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo chụp hình cùng các ngoại trưởng các nước ASEAN ở Bangkok, Thái Lan hôm 1/8/2019. AFP

Trong một bài viết trên Foreign Affairs ngày 3/8/2020, cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd, một chuyên gia thượng thặng về Trung Quốc, đã cảnh báo:

“Chúng ta đang đối mặt với viễn cảnh không chỉ là một cuộc chiến tranh lạnh mới mà còn là một cuộc chiến tranh nóng thực sự. Rủi ro đặc biệt cao từ nay cho đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ... Danh sách các điểm cọ xát giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng kéo dài, từ gián điệp mạng đến vũ khí hóa đồng đô la, từ Hồng Kông đến Biển Đông. Các kênh đối thoại chính trị và quân sự cấp cao đã bị suy yếu vào thời điểm cả hai cường quốc đều cần đến chúng. Và cả hai thủ lĩnh tối cao, Tập và Trump, đều đang đối mặt với áp lực chính trị nội bộ có thể cám dỗ họ vào các ngón đòn dân tộc chủ nghĩa… Nếu cả hai không vượt qua được áp lực quốc nội và quốc tế, ba tháng trước mắt có thể dễ dàng gây tổn hại đối với triển vọng hòa bình và ổn định quốc tế cho khoảng thời gian 30 năm tới”.

Với một môi trường bên ngoài như vậy, hẳn nhiên, Việt Nam tỏ ra thận trọng trước mọi mời gọi tham gia vào một định chế an ninh tập thể do “Bộ tứ” dẫn dắt như FOIP. Cho dù lập trường của Trung Quốc về các vấn đề Biển Đông càng hung hăng bao nhiêu thì càng bị cô lập bấy nhiêu, Việt Nam vẫn chưa dám một lần ủng hộ công khai việc Mỹ tuyên bố “chuyển dịch chính sách” về Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao (hôm 14/3) cũng như cá nhân Ngoại trưởng Phạm Bình Minh (trong điện đàm hôm 6/8) không hề đả động gì đến FOIP. Nói cách khác, không gian “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” vẫn là một từ huý trong ngôn ngữ ngoại giao của Hà Nội. Trong các văn kiện ngoại giao chính thức, như trong điện thư chiều 6/8 vừa rồi, để phía Mỹ đỡ thất vọng, FOIP được nhắc đến, nhưng “qua miệng” của ông Pompeo.

Là Chủ tịch ASEAN năm nay, hơn ai hết, Hà Nội hiểu rằng, các quốc gia ven biển ngày càng nhận thức rõ hơn về sự cần thiết phải thể hiện công khai sự bất bình của họ đối với các hành vi hung hăng của Trung Quốc, thay vì im lặng do sợ hãi hoặc “ngậm miệng ăn tiền” như một vài thành viên đất liền để trục lợi. Philippines đã trở lại với tuyên bố rằng Phán quyết của CPA là không thể thương lượng. Malaysia đã từ bỏ chính sách ngoại giao thầm lặng truyền thống để phản đối các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông, về các vấn đề hàng hải và chủ quyền đi ngược lại UNCLOS-1982 và các luật quốc tế. Công hàm của Malaysia đã đi xa hơn phán quyết cuối cùng của toà trọng tài. Có đánh giá cho rằng, vừa qua Malaysia đã “nổ” mạnh hơn Việt Nam trong việc hưởng ứng tuyên bố 13/7 của Mỹ, tuy rằng vẫn không nhắc đến phán quyết của CPA.

Tóm lại, dàn lãnh đạo Việt Nam (cũ) đang đương chức và (mới) rồi đây sẽ được bầu trong Đại hội 13, nghĩ gì về FOIP?

Câu trả lời vô cùng đơn giản! Nếu họ đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên hàng đầu, tìm mọi cách làm cho đất nước đáp ứng được đòi hỏi của thời cuộc để tồn tại và phát triển, tự họ sẽ tìm ra đáp án tích cực. Nếu họ tiếp tục đặt lợi ích đảng phái và các lợi ích phe nhóm lên trên cả tổ quốc lẫn nhân dân, họ lại sẽ tiếp tục đu dây, dù biết cơ hội để “đánh đu” không còn nhiều và cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Sự lựa chọn là rõ ràng tuy khá ngặt nghèo. Sau làn sóng thứ hai của đại dịch COVID Vũ Hán đang hoành hành trong cả nước, lãnh đạo Việt Nam dù không dám nói ra công khai nhưng chắc chắn sẽ ngấm đòn “đánh cùi chỏ” của Trung cộng. Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc chọn các thành phố Đà Nẵng và Nha Trang, Quảng Ninh và Hải Phòng làm các bàn đạp, có lẽ đấy là phương thức hiệu quả nhất trong cách đánh “nhập nội”.

-------------------

Các trang web có thể tham khảo:

https://thediplomat.com/2020/08/what-does-vietnam-think-about-americas-indo-pacific-strategy/

http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-cua-lanh-dao-Dang-Nha-nuoc/Pho-Thu-tuong-Bo-truong-Ngoai-giao-Pham-Binh-Minh-dien-dam-voi-Ngoai-truong-Hoa-Ky/403425.vgp

https://vn.usembassy.gov/vi/cuoc-dien-dam-cua-ngoai-truong-pompeo-voi-pho-thu-tuong-bo-truong-ngoai-giao-viet-nam-pham-binh-minh/

https://www.foreignaffairs.com/articles/united-states/2020-08-03/beware-guns-august-asia

http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_ViSaoCovidDanang.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

C.S.

Nguồn: RFA tiếng Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn