“Phản động” rốt cuộc là gì?

Lóm

Chuyện kỳ lạ ở Việt Nam, là những người thích giữ nguyên hiện trạng lại gọi những người đòi hỏi thay đổi là “phản động”.


Minh hoạ: Lóm

Cứ sau mỗi một sự kiện chính trị xáo động nào đó, chúng ta lại thấy những quả bom gắn nhãn “phản động” được ném dày đặc về phía một số người.

Vụ án Đồng Tâm là một điển hình như vậy. Những ai lên tiếng về sự kiện này, cho dù là yêu cầu một phiên tòa minh bạch công bằng, hoặc muốn kiểm chứng tính chân thật các cáo buộc, hay chỉ đơn giản là muốn mọi sự thật về vụ án được công khai minh bạch, đều dễ dàng được ăn quả bom thối “phản động”.

Rốt cuộc thì “phản động” là gì mà có sức công phá lớn vậy?

“Phản động” là một từ Hán - Việt, được dịch từ chữ tiếng Anh “reactionary”. Chữ này lại có gốc tiếng Pháp “réactionnaire”, là một thuật ngữ được tạo ra vào thời Cách mạng Pháp năm 1789.

“Réactionnaire” có gốc từ “reaction”, danh từ của “react”, được sinh ra từ chữ Latin “reagere” với “re” là quay lại còn “agere” là hành động.

Nghĩa đen của các từ này đều là “làm ngược lại”.

Lưu ý là “react/reaction” khi được dịch sang tiếng Việt chỉ có nghĩa hiền lành là “phản ứng”. Trong khi đó “reactionary” lại mang nghĩa ghê gớm hơn: “phản động”.

Nhìn vào nguồn gốc của nó, có thể thấy các từ phản ứng hay phản động thực chất đều là một. Nhưng nhờ gia cảnh khác nhau nên số phận hai từ này cũng một trời một vực: phản ứng càng tốt thì càng được khen, phản động càng giỏi lại càng dễ bị ăn đòn.

Từ “phản động” trong tiếng Việt có gốc Hoa là “反動”.

Chữ “động” (動) được ghép từ chữ “trọng” (重) và “lực” (力). Chữ lực là ký họa hình dáng của công cụ xới đất làm nông, nên sau được gán nghĩa “sức mạnh”. Chữ “trọng” lại được ghép từ “nhân” (人) và “đông” (東), với “đông” là tượng hình của túi đựng đồ vật. Người xách theo đồ vật mang nghĩa “sức nặng”.

Chung lại, “động” là dùng sức mạnh tác động đến vật nặng để di chuyển nó.

Vậy “phản động” đơn giản là chống lại sự chuyển động? Không hẳn vậy.

“Phản” (反) có một nguồn gốc khá ngộ nghĩnh. Nó được ghép từ hai yếu tố 厂 và 又 vốn là biểu tượng giản lược của các hình vẽ vách núi và bàn tay. Từ “phản” có nghĩa gốc là với tay, nắm lấy. Nó chính là thủy tổ của chữ “phàn” (攀) sau này, có nghĩa là leo trèo. Vì một lý do nào đó, khi “phàn” xuất hiện, “phản” mất đi nghĩa vươn cao, thay vào đó bị đẩy cho vai trò hoàn toàn ngược lại: quay về hoặc đi xuống.

Ký hoạ của chữ “phản”. Nguồn: qiyuan.chaziwang.com

Hành trình của chữ “phản” vì vậy minh họa khá sinh động ý nghĩa của chính bản thân nó.

Nguồn gốc ngữ nghĩa của từ là vậy, thế còn nguồn gốc lịch sử của nó thì sao?

Người Việt Nam dễ có ấn tượng rằng (chiếc mũ) “phản động” là đặc quyền sáng tạo của những người cộng sản. Nhưng như trên đã đề cập, khái niệm này xuất hiện từ thời Cách mạng Pháp, trước khi ông tổ của chủ nghĩa cộng sản hiện đại Karl Marx ra đời.

Cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 lật đổ chế độ quân chủ, thiết lập nên một nền cộng hòa (tuy ngắn ngủi). Vào thời ấy, “phản động” là từ được dùng để chỉ những người chống lại “cách mạng”, tức là những ai muốn đất nước quay lại chế độ quân chủ.

Kể từ đó, cặp oan gia “cách mạng – phản động” này được xem là cơ sở để định nghĩa cho nhau.

Cứ ai chống cách mạng thì là phản động. Vậy nên bạn còn có thể nghe thấy “phản cách mạng” và “phản động” được dùng lẫn lộn nhau.

Nhưng “cách mạng” là gì mới được?

Trong từ “cách mạng” (革命), chữ “cách” là hình vẽ một bộ da dê bị lột ra. “Cách” có nghĩa gốc là thay da đổi thịt. “Cách mạng” vì vậy là thay đổi số mệnh một cách triệt để, bằng cách chết đi để được tái sinh.

Nói cách khác, “cách mạng” là đập bỏ mọi thứ để làm lại. Ngay trong định nghĩa, “cách mạng” đã bao hàm yếu tố “bạo lực”.

“Phản cách mạng” vì vậy không phải lúc nào cũng là nhân vật phản diện, cũng như “cách mạng” không mặc nhiên phải là nhân vật chính diện.

Trong lịch sử không hề thiếu các cuộc “cách mạng” mà hậu quả của nó thảm khốc hơn nhiều so với thứ mà người ta muốn “đập đi làm lại”.

Cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc những năm 1960-70 là một ví dụ. “Cải cách ruộng đất” ở miền Bắc Việt Nam những năm 1940-50 là một minh chứng khác. Dù rằng những người thực hiện dùng thuật ngữ nhẹ nhàng hơn là “cải cách”, nhưng về bản chất nó vẫn là “cách mạng” – đập đi làm lại.

Adolf Hitler cũng đã giương cao ngọn cờ “cách mạng quốc gia” để lập ra một nước Đức phát xít và gây chiến với toàn thế giới. Hậu quả thế nào ai cũng rõ.

Những người chống lại các cuộc “cách mạng” trên vào thời điểm ấy đều bị gắn mác “phản cách mạng” hay “phản động”. Giờ đây có ai dám nói họ là kẻ xấu xa?

***

Như vậy, “phản động” tự thân nó không có nghĩa xấu. Cái xấu xa nếu có chỉ là ở những người cố tình nhập nhằng mọi thứ, tự cho mình nắm giữ độc quyền chân lý, chụp mũ cho bất kỳ ai trái ý mình là người xấu, và từ đó dệt nên cái huyền thoại về “phản động”.

Những người phản động không đơn giản là những người muốn đứng yên, hay muốn quay ngược bánh xe lịch sử. Như chuyện về chữ “phản” đã được kể ở trên, họ hoàn toàn có thể là những người muốn tiến lên phía trước, vươn tới đỉnh cao mới, chỉ là không phải bằng kiểu cách mạng đang diễn ra.

Nhìn lại từ Đông sang Tây, rồi nhìn ngược từ xưa đến nay, ta có thể thấy rằng hai chữ “phản động” đã bị lạm dụng và bóp méo đến mức không còn nhận ra hình dạng nguyên thủy của nó. Chuyện đó không chỉ xảy ra ở Việt Nam.

Nhưng người Việt Nam, cùng với người Trung Quốc, lại đối diện với một tình huống tréo ngoe hiếm thấy ở những nơi khác. Đó là việc những người thích giữ nguyên hiện trạng lại hăng hái nhất trong việc chụp cái mũ “phản động” lên những người đòi hỏi sự thay đổi.

Tại những nơi này, những con người từng hô hào “làm cách mạng”, sau khi lột được bộ da của con vật khác để đắp lên bản thân, đã không còn nhận ra được chính mình.

Bi kịch của họ là giờ đây nhìn đâu cũng không còn thấy người.

L.

Nguồn: luatkhoa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn