Thư ngỏ (thứ II) kính gửi các Đại biểu ĐH Đảng XIII của Hà Nội

Nguyễn Khắc Mai

Tôi xin gửi đến Quý anh chị lá thư thứ hai nhằm nói rõ thêm về lá thư trước.

Nhân sau khi đọc trên Cổng điện tử của Chính phủ bài tường thuật sự chỉ đạo của anh Trọng với ĐH của Hà Nội.

Loại bỏ những “cũ kỹ - hư hỏng”, xây dựng Đất nước đàng hoàng hơn, tử tế hơn.

Đã đến lúc phải tập trung trí tuệ của dân của nước, của Đảng của bộ máy chính quyền vào việc tính toán, thực hiện gấp gáp những mách bảo mục tiêu quốc gia như trình bày ở thư trước. Phải kiểm điểm lời hứa của Đảng, của nhà nước trước dân là cơ bản thực hiện được Công nghiệp hóa Hiện đại hóa đất nước. Nhưng đấy chỉ là  lời hứa cuội, y như trong kinh thánh nói: “như thế đó sấm sét nhiều mà không có lấy hột  mưa, y như hứa hẹn nhiều mà không thực hiện được.”.

Hứa hẹn nhiều mà không thực hiện vì vẫn với một tâm thức và trình độ tiền sử “dò đá qua sông”. Phải huy động trí tuệ của cả dân tộc vào giải quyết cho được 3 lĩnh vực then chốt, đó là 3 lĩnh vực vừa là định hình của phát triển, vừa là 3 động năng để phát triển lại là 3 môi trường để thực hiện mọi quá trình phát triển.

a. Hoàn thiện cơ chế thị trường.

Chúng ta đang dùng một định ngữ thị trường xã hội chủ nghĩa, thực tế là đang làm méo mó không bình thường của cơ chế thị trường. Phải tập trung đội ngũ trí thức dùng công nghệ tin học để thống kê, mô tả cho hết mọi mối quan hệ của thị trường, có thể dự báo cả những khả năng biến động trong tương lai mà quy định cho minh bạch, đầy đủ những thể chế, luật lệ để định hướng, để quản lý và phục vụ. Phải giải quyết sòng phẳng quyền sở hữu của con người và người dân, kể cả sở hữu đất đai. Quyền sở hữu là cơ sở pháp lý đầu tiên phải được quan niệm như nguyên tắc cơ sở của cơ chế thị trường. Để cho có một cơ chế thị trường Việt Nam vận hành hiệu quả phải gấp rút đặt ra vấn đề cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế, chứ không chỉ là tái cấu trúc vài ba lĩnh vực có trục trặc. Với 3 hệ thống vừa nêu để tái cấu trúc chỉ nên quan niệm là chấn chỉnh. Có chấn hưng lên và có chỉnh đốn lại. Nên nhớ rằng người dân phải được sống, hoạt động trong cơ chế thị trường với tư cách chủ nhân ông của đất nước, của chế độ. Chứ không phải là công cụ bị động của chế độ rồi ban phát cho họ những gì chính quyền nghĩ đến được, nghĩ chưa ra hoặc thấy khó khăn, phức tạp thì cắt xén.

Nước Mỹ đang phải suy nghĩ lại về một hệ thống ngân hàng của thị trường mà không tính đến giá trị sống của 99% người dân. Hàng đầu trong lĩnh vực này, cũng có thể gọi là tiên đề, đó là sự công nhận quyền sở hữu tư nhân trọn vẹn, trong đó có đất đai. Chính Mác cuối đời đã sám hối, khi ông khẳng định: “những người sản xuất chỉ có tự do khi họ có quyền sở hữu: đât đai, nhà xưởng, tàu thuyền, ngân hàng, tín dụng…” (Marx sa vie et son oeuvre-Eleinstein.nxb Fayard)

b. Thúc đẩy hình thành xã hội dân sự.

Xã hội dân sự là nguyên lý của quan niệm về Nhà nước của Mác. Mác nói: “Nhà nước có cơ sở tự nhiên là gia đình, cơ sở nhân tạo là xã hội dân sự” (chúng ta dịch là xã hội công dân). Chính Hồ Chí Minh tuy không nói xã hội dân sự, nhưng cũng từng đề cập “bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”, “công việc kháng chiến, kiến quốc là trách nhiệm của Dân. Phải để cho dân dùng được quyền dân chủ, hưởng được quyền dân chủ, dám nói, dám làm” (Nhưng người ta có quyền ngờ rằng ông nói được, nhưng không làm được, hoặc đã làm ngược lại!). Nhân loại ngày nay dân quyền phát triển đến đâu, con người Việt cũng được hưởng các quyền ấy. Chỉ có tâm thức vua chúa phong kiến lạc hậu, tâm thức độc quyền, tập đoàn trị thì mới sợ dân chủ, tìm cách hạn chế kỳ được sự phát triển tự nhiên của xã hội loài người hiện đại là xã hội dân sự. Chính đảng cách mạng, yêu nước, nhà nước của Dân, do Dân và vì Dân phải làm bà đỡ để cho xã hội công dân ra đời. Mô hình Xô Viết tự cho mình cả cái quyền bà đỡ nhưng lại làm luôn bà đẻ, vì thế một xã hội dân sự không hình thành, nếu có hình thành đôi chút thì cũng dị dạng quái thai. Xã hội sẽ không bình thường mà người dân, công dân mất hẳn tính cách tự cường, tự chủ, tự lập. Mọi cái đều phải nhờ ơn, trông ngóng, cầu xin như trong chế độ phong kiến đã lỗi thời.

Là người yêu nước, thức thời, tự xưng cách mạng, đảng phải đi tiên phong để cho một hình thái xã hội mới, một cộng đồng kiểu mới ra đời. Chính Các Mác và Ăng Ghen trong Tuyên ngôn các đảng cộng đồng chủ nghĩa (mà dịch là cộng sản) đã khẳng định: “Thay cho cộng đồng xã hội kiểu cũ là một cộng đồng xã hội kiểu mới mà trong đó phát triển tự do của mỗi Người là tiền đề để phát triển tự do của toàn xã hội”.

Hãy nhanh chóng làm công việc ích nước, lợi dân này để cho hai chữ TỰ DO của tiêu chí nhà nước có nội dung cụ thể (Cũng cần nói cho ra nhẽ là Mác nêu ra đúng cái triết lý ấy, nhưng  sai lầm khi thiết kế mô hình để thực hiện.)

c. Giải cấu trúc mô hình xã hội và nhà nước kiểu Xô Viết, xây dựng và phát triển nhà nước pháp quyền của Dân, do Dân và vì Dân của Việt Nam.

Chưa bao giờ dân tộc Việt có được cơ hội rộng rãi như hôm nay đó là được cởi trói bởi cái vòng kim cô của chiến tranh lạnh và ý thức hệ. Nó đang được mua bán vũ khí để tự vệ, nó đang buôn bán với thiên hạ để kinh doanh tiêu dùng, nó không bị lệ thuộc, ràng buộc đến nỗi ở Mat, ở Bắc Kinh sổ mũi thì “nó” cũng phải ho. Sự ràng buộc ấy trong chiến tranh khiến “Nó” phải từ bỏ Hiến pháp 46 để rồi sửa đổi cho trúng với mô hình kiểu Xô Viết, một đảng một nhà nước toàn trị, không có xã hội dân sự, không có cơ chế thị trường.

Từ 1986 đã có một số điều chỉnh, đã phần nào trở lại với hồn dân tộc, lấy Dân làm gốc của Nhà nước.

Nay phải tính đến vòng chỉnh đốn  thứ 2, rộng hơn, hợp lý hơn, hòa hợp với nhịp đi của nhân loại hơn. Hãy trở lại với tinh thần nhân văn, dân tộc và tiến bộ của Hiến pháp 46, có tham khảo thêm những “thực tế văn minh của những dân tộc hiện đại” (Mác), kể cả việc nghiên cứu mấy bản Hiến pháp của Việt Nam Cộng hòa.

Phải đặt đúng vị trí quyền tối thượng của nhân dân trong Hiến pháp mới và mọi luật lệ được tu chỉnh. Xác định rõ mọi quyền công dân hiện đại, tôn trọng và thực lòng thi hành nó.

Phải phân biệt rành mạch 3 hệ thống quyền lực nhà nước, lập pháp, hành pháp, tư pháp; quy định rõ cơ chế quyền lực giám sát của dân bằng mọi hình thức văn minh và hiện đại.

Phải xây dựng, tu chỉnh, hoàn thiện hệ thống luật pháp theo giá trị tư duy “ngày nay tư pháp là việc ở đời và làm người”. Pháp luật ta thiên về thuận tiện, dễ dàng cho bộ máy, nó trái với “pháp quyền nhân nghĩa” Hồ Chí Minh (chữ của Vũ Đình Hòe), nó cũng không theo tư tưởng pháp quyền của Mác “Pháp luật vì pháp luật (vì kẻ cầm quyền) là vô nghĩa. Pháp luật phải vì con người”. Chả nhẽ chúng ta u tối đến mức không đọc được và hiểu ra những giá trị minh triết ấy.

Phải quyết tâm cao xây dựng một bộ máy chính quyền tinh, gọn, hợp lý, minh bạch, trách nhiệm, thân dân, văn minh và đạo đức. Vì nói như Hồ Chí Minh là dân có quyền phê bình, giám sát chính phủ, thậm chí “đuổi” khi thấy chính phủ làm hại dân. Chứ không phải bị phê bình, chất vấn, đòi kiện thì vu cho họ thế này thế nọ để hành hạ họ, bắn giết họ!.

Phải xây dựng đảng thành văn minh, đạo đức. Văn minh là biết quy luật, biết thời thế, kịp thời điều chỉnh, gạt bỏ mọi nhân tố trì trệ, lạc hậu, xơ cứng, biết mở đường khơi dậy mọi sáng tạo của dân; tiếp nhận chân thành những giá trị minh triết của tiền nhân, của những giá trị nhân văn hiện dại. Học hỏi và thực hành những phương thức của đảng cầm quyền, tháo dỡ mô hình toàn trị, độc quyền, thực hành nền dân chủ đích thực trong đảng theo minh triết mà Ăng Ghen mách bảo: “Phải chấm dứt một tình hình tế nhị, cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi đám quan chức của mình là đầy tớ để bảo ban, phê bình, lại tế nhị quay ra coi họ như một đám quan liêu – không bao giờ - mắc sai lầm”. (Bài báo Những ngày Hội các Dân tộc ở Luân Đôn). Văn minh là phải hoạt động theo luật lệ. Mọi thiết chế xã hội ở ta đều hoạt động theo Hiến định và Luật định. Phải xây dựng luật hoạt động đảng, đưa hoạt động của đảng cộng sản Việt Nam vào khuôn khổ của luật pháp, không nên để tiếp diển tình trạng hoạt động ngoài luật pháp như Tuyên ngôn các đảng pháp cộng đồng chủ nghĩa là phải biết đoàn kết, hợp tác với các đảng dân tộc, dân chủ, chứ không phải thủ tiêu họ (!).

Đạo đức trước hết là tôn kính dân, coi dân là người chủ của đất nước. Nhà nước, sau khi bộ máy được công cử (dù là hình thức và do mình tạo nặn) thì đó là người đại diện quyền lực hợp pháp cao nhất của Dân tộc, đảng phải biết khiêm tốn đứng ở dưới (Ngày xưa đã có đạo lý dù là vua cũng phải xếp sau Dân, sau nhà nước – xã tắc). Đảng phải biết tôn trọng kể cả những đảng viên đã được dân bầu vào các nhánh quyền lực. Đó là đạo đức tôn kính Dân. Giảm đến tối thiểu bộ máy cồng kềnh, quan liêu của đảng, đem kinh phí đầu tư cho y tế, cho giáo dục v.v. Phải  chấn chỉnh bộ máy chính quyền, làm sao cho tinh giản, chất lượng, hiệu quả, xóa bỏ tình trạng quá nữa đội ngũ công chức hiện nay đang ngồi chơi xơi nước ( theo điều tra của ngành Nội vụ). Hồ chí Minh thường dạy đảng phải tôn kính Dân. Nhưng vụ Đồng Tâm đã nói điều ngược lại. ĐCSVN đang chà đạp Dân dưới cái “talon de fer” (tên một tác phẩm văn chương là Gót Sắt)

Ba lĩnh vực ấy chính là cỗ máy có 3 động cơ mạnh và hiện đại để đưa dân tộc phát triển tự do hạnh phúc, đạt được những mục tiêu chiến lược mà Dân tộc đang mong mỏi.

Không thể không tự diễn biến lần nữa!

Kính chào và chúc bình an!

TB. (Cách trò chuyện trong dân gian có lối nói cho đã tới khi dừng thì à quên, còn điều này nữa. TB tức tái bút của tôi cũng có ý như vậy).

Tôi xin nói thêm mấy điều.Trong thư từ gởi cho nhau đôi khi cái TB, mới là cái quan trong, chứ không phải như tuồng một điều gì nhỏ nhoi thôi chợt nhớ, mà nói.

1./ Người xưa nói, thanh niên là rường cột của nước nhà.Tôi mong lá thư này sẽ tới được tay các bạn trẻ là đại biểu ĐH. Phương thức sinh hoạt của các Đảng Cộng sản từ Nga đến Tàu,Việt, Cu, Lào... chủ yếu là mài mòn tư cách cá nhân, họ đái vào tư tưởng của ông Mác khi ông này nói trong Tuyên ngôn Cộng sản: “Phát triển tự do cá nhân là tiền đề của phát riển tự do toàn xã hội”. Các tín đồ tôn giáo, người ta tôn trọng Kinh của họ, gọi là bảo vật. Người cộng sản, đặc biệt là những kẻ cầm quyền, tôi không gọi là lãnh đạo vì họ không hiểu từ này và đã đánh tráo khái niệm một cách thô bỉ. Các bạn trẻ muốn giữ nhân cách của mình hãy giữ lấy tư duy độc lập. Cách nay ngoát 200 năm, F.Angel đã phát hiện ra một nghịch lý cộng sản. Ông phải kêu lên: “Hãy chấm dứt một điều tế nhị, cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi đám quan chức của minh là đầy tớ (serviteur), để bảo ban và phê bình, lại quay ra cọi họ như là một đám quan liêu không bao giờ mắc sai lầm” (Chính vì   thế mà Ang ghen cuối đời đã sám  hối về những lỗi lầm của mình.!).

Một-đám-quan-liêu-không-bao-giờ-mắc sai-lầm, là định nghĩa về bản chất của những người tự xưng là lãnh đạo, một định nghĩa thật thà nhất, đúng đến bản chất và hiện tượng của cái phạm trù lãnh đao cộng sản. Ang ghen đã không gọi là lãnh đạo mà dùng chữ quan chức vì ông cho rằng những người này được cử ra, được trả lương (lương ấy do đảng phí và nay là tiền thuế của dân) để làm việc cho toàn đảng nghĩa là cho mọi đảng viên thường. Ở tất cả các xứ do đảng cộng sản cầm quyền, trước đây là Liên Xô, nay là Tàu, là Việt...đảng viên bình thường không là cái đinh gỉ gì đối với lãnh đạo!

Ngót 200 năm nay cái nghịch lý ấy vẫn tồn tại.

Hãy bước vào ĐH với tư cách một người làm chủ, nhất quyết không phải là một công cụ, một kẻ sai vặt. Hãy đem hiểu biết của mình, tư duy độc lập của mình bàn cho ra nhẽ, kể cả khi cần thiết cũng bàn với nhau lập lại những nguyên tắc dân chủ đúng đắn nhất để làm việc.

Tôi, cũng trên tinh thần ấy, khi thấy những gợi ý của anh Trọng cho ĐH của Hà nội, cần, nhưng không đủ nên theo gợi ý của Ang ghen mà có đôi lời bảo ban, góp ý.

Anh Trọng đánh giá cấp tỉnh thành rất thấp, dạy dỗ người ta phải thế này thế nọ, nào là không thơm cũng thể hoa nhài..., nào Hà Nội ngàn năm văn hiến, nào thành phố hòa bình vân vân và vân vân, mà không chỉ ra được bất kỳ một vấn đề cụ thể nào của Hà Nội hiện nay. Chí ít cũng phải  biết sám hối từ hai việc sai và xấu là vết chém ngang mặt Hà nội: Đường sắt Hà đông Cát linh vãn sờ sờ ra đấy và vụ án Đồng Tâm về thực chất không phải là vụ án xử Dân, mà chính là bản án đối với chế độ!

Hồ chí Minh cũng biết nói rằng một đảng không biết nhận ra sai lầm khuyết điểm là một đảng hèn và kém.

Không còn cơ hội nào nữa đâu. ĐH này không làm được việc thực tâm sám hối những việc lỗi lầm mình đã gây ra cho Dân cho Nước thì Độc lập sẽ bị uy hiếp, Thống nhất thiếu nội hàm là tự do, hạnh phúc của dân.

Nền kinh tế tham nhũng làm sa dọa nhân cách của con người và của Dân tộc, phá hại môi trường, phân hóa giàu nghèo, đầu tư cao mà hiệu quả thấp...Một chính quyền có nhiều hành vi bất lương và bất minh, hà hiếp dân, không biết tôn trọng hiến pháp và luật pháp, một nửa nhân viên ăn bám là chính. Một nền văn hóa giáo dục tụt hậu và suy đồi, không tạo ra được môi trường của tình thương và đạo đức, của sự tử tế...Chúng ta không làm được vai trò bà đỡ cho một xã hội mới Tự do và Hạnh phúc, trái lại đã tùy tiện làm bà đẻ, sinh ra quá nhiều quái thai đáng xấu hổ.

2./ Tôi cũng trên cơ sở những hiểu biết từ học hỏi trí tuệ của giới trí thức trong nước và nước ngoài, mà mạo muội nêu ra với các anh chị về ba động năng lịch sử mới của đất nước ta. Hãy làm cho ba động năng ấy có đủ năng lượng từ những công việc cụ thể, để làm cho cỗ xe của dân tộc chứa đầy hoa thơm, trái ngọt trên con đường đi tìm Đôc lập, Tư Do và Hạnh  Phúc.

Tôi rất thích câu nói này của Mác thời trẻ (Mác trung niên có những sai lầm, Mác già có những  sám hối), đó là: “Báo chí tự do là lời sám hối của nhân dân trước bản thân mình, mà lời sám hốí thực tâm thì có cơ cứu rỗi”.

Tôi nhớ cố Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường cũng đã nêu một ý tương tự khi ông đàm đạo ,vào năm 1958,với những đồng nghiệp (luật sư) ở Mat xcơ va: “Liệu Đảng Cộng sản với chủ nghĩa anh hùng của mình có dám đặt Dân tộc lên bàn thờ Tổ quốc của mình hay không? Câu hỏi này nên đặt ra hôm nay cho các Đại biểu ĐH XIII.

ĐH XIII nên thành tâm sám hối và hãy tự diễn biến mình trở thành đứa con hiếu thảo đối với Dân với Nước! Mong lắm thay!

3./ Hãy xóa bỏ một phong cách xấu: “Hà Nội không vội được đâu”.

Tôi không cổ vũ cho cái hấp tấp cẩu thả, nhưng nhanh với chứ, vội vàng lên với chứ lại rất cần. Hơn 100 năm trước, chính người Hà Nội là Đông Kinh Nghĩa Thục từng nêu ra trong “Văn Minh Tân Học Sách” khẩu hiệu: “Chỉ phải tiến nhanh lên mà thôi”. Mà chỉ cách trung tâm Hà nội một quăng dao là tới làng Sóc, nơi vẫn còn ngôi đền thờ Sóc Thiên vương, ở đó vẫn còn đôi câu đối của Cao Bá Quát dâng cúng:

Phá tặc đãn hiềm tam tuế vãn,

Đằng vân do hận cửu thiên đê.

Dịch nghĩa :

Đánh giặc vẫn hiềm ba tuổi là muộn,

Xông trời còn hận chín tầng chửa cao.

Ngài để lại bài học cho muôn đời: Vô tư sau khi đã giúp dân cứu nước. Đặc biệt là tuổi trẻ phải lớn nhanh khi vận nước khó khăn hay cơ hội đến!

Ở Văn Miếu Hà Nội, nơi gian thờ đức Vua Lý Thánh Tông có đôi câu đối:

Dục anh tài nhi sử năng, Quốc tử giám cao huyền mô khải.

Dưỡng minh triết dĩ tiếp trị bình,Thăng long kinh trường tụ tinh hoa.

Dịch:   Nuôi dạy anh tài để dùng tài năng, Quốc tử giám treo cao mẫu mực,

Bồi dưỡng minh triết để nối trị bình,Thăng long kinh quy tụ tinh hoa.

Người ta có quyền yêu cầu Hà Nội phải làm một Đại hội đúng nghĩa xứng tầm.

Nhưng liêụ có nên cơm cháo gì không, khi tiêu một đống tiền của Dân của Nước?

N.K.M.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn