Vì sao các chế độ độc tài cách mạng tồn tại lâu đến vậy?

Minh Tâm

Trong Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba, một loạt các chế độ độc tài trên thế giới sụp đổ, trong đó có các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu. Tuy nhiên, có một số chế độ, như chế độ cộng sản tại Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Cu Ba… tiếp tục tồn tại trong nhiều thập kỷ sau đó, bất chấp việc đối mặt với áp lực bên ngoài, thành tích kinh tế kém cỏi, cùng những thất bại lớn về chính sách.

Khi nghiên cứu về vấn đề này, hai học giả Steven Levitsky và Lucan Way thấy rằng các chế độ ở trên, thuộc một nhóm gọi là các chế độ cách mạng, và có những đặc tính riêng khiến cho chúng tiếp tục sống sót bất chấp việc đối mặt với các thách thức nghiêm trọng. Nghiên cứu có tên “The Durability of Revolutionary Regimes” được công bố trên Journal of Democracy tháng 7/2013.

Đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2016. Ảnh: Reuters

Trong Làn sóng Dân chủ hóa Thứ ba, một loạt các chế độ độc tài trên thế giới sụp đổ, trong đó có các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu. Tuy nhiên, có một số chế độ, như chế độ cộng sản tại Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Cu Ba… tiếp tục tồn tại trong nhiều thập kỷ sau đó, bất chấp việc đối mặt với áp lực bên ngoài, thành tích kinh tế kém cỏi, cùng những thất bại lớn về chính sách.

Khi nghiên cứu về vấn đề này, hai học giả Steven Levitsky và Lucan Way thấy rằng các chế độ ở trên, thuộc một nhóm gọi là các chế độ cách mạng, và có những đặc tính riêng khiến cho chúng tiếp tục sống sót bất chấp việc đối mặt với các thách thức nghiêm trọng. Nghiên cứu có tên “The Durability of Revolutionary Regimes” được công bố trên Journal of Democracy tháng 7/2013.

Vậy chế độ cách mạng là gì?

Theo Steven Levitsky và Lucan Way, đây là các chế độ: (1) ra đời từ một cuộc đấu tranh mang tính bạo lực, ý thức hệ và lâu dài từ bên dưới; và (2) việc thiết lập nó gắn liền với những nỗ lực huy động đại chúng nhằm biến đổi cấu trúc nhà nước cũng như trật tự xã hội hiện hành.

Ví dụ bao gồm các chế độ ra đời từ các cuộc cách mạng xã hội như chế độ ở Trung Quốc, Cuba, Iran, và Nga, hay các chế độ ra đời từ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cấp tiến như chế độ ở Angola, Mozambique, Việt Nam, và Zimbabwe.

Trong khi đó, các chế độ xuất hiện từ cuộc đấu tranh giành độc lập bằng bạo lực, như chế độ ở Indonesia, hay huy động quy mô lớn, như chế độ ở Philippines năm 1986, song không thực thi các cải cách xã hội cấp tiến, không được xếp vào dạng chế độ cách mạng.

Tại sao các chế độ này lại dẻo dai như vậy?

Theo Steven Levitsky và Lucan Way, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc bằng bạo lực, xây dựng nhà nước hậu cách mạng, cùng những xung đột bạo lực mà các nỗ lực cải cách xã hội một cách cấp tiến tạo ra, đã mang đến cho các chế độ này bốn yếu tố thuận lợi góp phần tạo ra sự dẻo dai của chúng, bao gồm:

(1) Phá hủy các lực lượng độc lập;

(2) Đảng cầm quyền gắn kết;

(3) Sự kiểm soát chặt chẽ của đảng đối với lực lượng vũ trang;

(4) Bộ máy đàn áp hữu hiệu.

Những di sản cách mạng này mang đến cho các chế độ cách mạng khả năng ngăn chặn sự đảo ngũ trong giới chóp bu, đảo chính quân sự, và các cuộc biểu tình quy mô lớn – vốn là những nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của các chế độ độc tài.

1. Phá hủy các lực lượng độc lập

Chiến tranh giúp các chính quyền cách mạng làm những điều mà hầu hết các chế độ độc tài không thể làm được, khi nó không chỉ tạo điều kiện cho việc loại bỏ các đối thủ trực tiếp (giết chết, hoặc đẩy đi lưu vong), mà còn cho phép phá hủy (hoặc làm suy yếu nghiêm trọng) các lực lượng đối lập thay thế, như các thiết chế hoặc giai cấp xã hội mà quyền lực, nguồn lực, hay tính chính danh của chúng có thể được sử dụng để huy động chống lại chế độ.

Chẳng hạn, các cuộc cách mạng ở Nga, Việt Nam, Lào, Iran đã phá hủy các thiết chế quân chủ tồn tại trước đó, dù nó chỉ mang tính biểu tượng. Tương tự, cách mạng Cuba, Mexico làm suy yếu Giáo hội Công giáo ở các nước này, khiến cho nó hầu như không có ảnh hưởng chính trị đáng kể nào trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra, trong các cuộc cách mạng nông dân như ở Mexico, Nga, Trung Quốc, và Việt Nam, các cuộc nổi dậy của nông dân cùng các chương trình cải cách ruộng đất sau đó đã phá hủy giới địa chủ quyền lực.

Cuối cùng, các xung đột hậu cách mạng mang đến cho chính quyền cách mạng cả sự biện minh lẫn phương tiện để tiêu diệt các tổ chức chính trị có tiềm năng đe dọa quyền lực của nó trong tương lai. Chẳng hạn, cuộc nội chiến 1918 – 1920 ở Nga cho phép chính quyền Bolshevik loại bỏ các đảng xã hội chủ nghĩa đối địch, bao gồm Đảng Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa, vốn giành được sự ủng hộ lớn hơn bất cứ đảng phái nào khác trong các cuộc bầu cử sau cách mạng.

Việc phá hủy những người cai trị truyền thống, giáo hội, tầng lớp địa chủ, và các lực lượng chính trị có tổ chức khác – vốn thường chỉ có thể làm trong bối cảnh chiến tranh – góp phần mang lại sự bền vững cho chế độ độc tài khi nó không chỉ loại bỏ các đối thủ hiện tại mà còn cả những nền tảng cấu trúc cho sự phản kháng trong tương lai. Khi không có các nguồn lực độc lập về tài chính, hạ tầng, và tính chính danh, thì các cơ sở về mặt tổ chức của sự phản kháng trong tương lai cũng sẽ biến mất. 

2. Đảng cầm quyền mạnh

Vô số các nghiên cứu chỉ ra rằng các chế độ độc tài được cai trị bởi những đảng cầm quyền mạnh thì sẽ bền vững hơn. Những đảng cầm quyền như vậy có thể huy động sự ủng hộ, đảm bảo phiếu bầu, và quan trọng nhất, giảm bớt khả năng đảo ngũ trong giới chóp bu, vốn là một trong những nguyên nhân chính khiến chế độ độc tài sụp đổ. Thông qua việc phân phối cơ hội tiếp cận với các lợi ích công cũng như triển vọng thăng tiến nghề nghiệp trong tương lai, đảng cầm quyền khuyến khích giới chóp bu tiếp tục trung thành, ngay cả khi nó đối mặt với những cuộc chiến phe phái ngắn hạn.

Như Samuel Huntington nhận thấy cách đây vài thập kỷ, cách mạng tạo ra các đảng cầm quyền mạnh. Hầu hết các đảng cách mạng thành công đã phát triển các tổ chức đại chúng, với một mạng lưới các nhà hoạt động và ủng hộ viên trên khắp trên cả nước. Quan trọng hơn, cuộc đấu tranh quân sự giúp tạo ra các tổ chức cách mạng chặt chẽ, bởi nó buộc các tổ chức này thể chế hóa theo kỷ luật kiểu quân sự – một đặc điểm tiếp tục ngay cả sau khi đảng nắm được quyền lực. Chẳng hạn, ở Mozambique, cuộc đấu tranh bạo lực chống lại sự cai trị của Bồ Đào Nha giúp Mặt trận Giải phóng Mozambique tạo ra một “đạo đức quân nhân” cùng sự kỷ luật mà tiếp tục phát huy cho đến những năm 2000.

Xung đột bạo lực cũng làm gia tăng sự gắn kết giới chóp bu trong đảng thông qua việc tăng cường bản sắc đảng phái cũng như củng cố ranh giới đảng phái. Như Adrienne Lebas khẳng định, sự thù địch sẽ làm sâu sắc thêm sự phân biệt giữa “ta” và “nó”, qua đó tăng cường các mối quan hệ trong nội bộ đảng cũng như củng cố nhận thức về “số phận chung” giữa các thành viên trong đảng. Khi các đảng viên tham gia vào một cuộc đấu tranh cách mạng bạo lực kéo dài, họ thường nhìn nhận tư cách thành viên của mình trên phương diện “đạo đức” hơn là một sự tính toán lợi ích đơn thuần. Sự thù địch mà các cuộc cách mạng tạo ra cũng tiếp tục kéo dài sau cách mạng, và qua đó cung cấp cơ chế giúp ngăn chặn những người đảo ngũ tiềm năng trong đảng. Bởi khi mà sự đối kháng thường bị quy cho có liên quan đến các thế lực thù địch, và việc từ bỏ đảng được xem là sự phản bội, thì cái giá phải trả cho sự đảo ngũ là rất cao. Do đó, như ở Mexico năm 1940 và 1952, Nicaragua đầu những năm 1980s, hay Zimbabwe năm 1989 và 2008, một số nhân vật cấp cao đào ngũ đã không thể thuyết phục được nhiều nhà lãnh đạo khác làm điều tương tự.

Cuối cùng, cuộc đấu tranh giải phóng (dân tộc) thành công thường tạo ra một thế hệ nhà lãnh đạo có tính chính danh phi thường cùng quyền lực gần như tuyệt đối, vốn được sử dụng để thống nhất đảng cũng như áp đặt kỷ luật trong thời kỳ khủng hoảng. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, thế hệ Vạn lý Trường chinh (1934-35) dường như có vai trò quyết định trong việc đưa ra một phản ứng thống nhất đối với các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 1989. Nhóm “già hơn” này, vốn từng tham gia cách mạng, ủng hộ mạnh mẽ cho việc đàn áp, cũng như có tiếng nói quan trọng trong việc thống nhất đảng.

Tóm lại, cuộc đấu tranh giải phóng (dân tộc) bằng vũ lực đã tạo ra các đảng cầm quyền với cấu trúc quân sự, kỷ luật, bản sắc đảng phái mạnh, sự trung thành cao, cùng một thế hệ lãnh đạo cách mạng có tính chính danh đặc biệt. Những đặc điểm này làm gia tăng chi phí đào ngũ trong giới tinh hoa, qua đó ngăn chặn việc đảo ngũ xảy ra.

3. Miễn nhiễm với nguy cơ đảo chính

Đảo chính quân sự là một trong những nguyên nhân quan trọng khác khiến chế độ độc tài sụp đổ. Như Milan Svolik khẳng định, hầu hết các chế độ độc tài đối mặt với một tình thế khó xử: để duy trì sự cai trị độc tài đòi hỏi phải có một bộ máy đàn áp mạnh, tuy nhiên một bộ máy như vậy cũng có thể dễ dàng quay ra chống lại chế độ.

Thực tế là các chế độ cách mạng chưa bao giờ đối mặt với các cuộc đảo chính quân sự. Bởi vì cách mạng thường đi cùng với sự sụp đổ của nhà nước (cũ), qua đó giới chóp bu cách mạng tái tạo lại nhà nước (mới); và điều này đồng nghĩa với việc tạo ra một quân đội mới hoặc một sự thanh lọc quy mô lớn trong quá trình xây dựng lại quân đội. Kết quả, quân đội và các lực lượng an ninh luôn luôn nằm dưới sự chỉ đạo của giới chóp bu đảng cũng như bị làm cho thấm nhuần ý thức hệ cách mạng. Chẳng hạn ở Việt Nam, trong thời kỳ cách mạng hầu như không có sự phân biệt giữa dân sự và quân sự; và trong thời kỳ hậu cách mạng, các tướng lĩnh quân đội, thường giữ các chức vụ cao trong đảng và nhà nước. 

Do đó, một quân đội cách mạng như vậy thường có tính đảng phái cao và cam kết sâu sắc với chế độ. Không như các quan chức quân đội trong các dạng độc tài khác, vốn xem lợi ích của mình tách rời với lợi ích của giới lãnh đạo cầm quyền, các lãnh đạo quân đội cách mạng thường đồng nhất mình với cách mạng và “trung thành tuyệt đối với cách mạng cũng như các tín điều của nó”. 

Eric Nordlinger cho biết rằng, trong những năm 1970, không nhà nước nào, với quan hệ dân sự - quân sự đan cài sâu rộng vào nhau, đối mặt với đảo chính.

Tương tự như vậy, ngoại trừ Romania năm 1989 (một chế độ không được hình thành từ một cuộc đấu tranh bạo lực), không chế độ cộng sản nào bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính. Trong khi đảo chính quân sự là một trong những nguyên nhân chính lật đổ các chế độ độc tài, thì một sự miễn nhiễm như vậy với đảo chính khiến cho chế độ cách mạng bền vững hơn.

4. Năng lực đàn áp cao

Như đã nói ở trên, cách mạng chắc chắn kích hoạt các phong trào phản kháng bằng bạo lực, mà cần phải đánh bại nếu chế độ mới muốn cố kết quyền lực. Cách mạng cũng có thể dẫn đến các cuộc chiến bên ngoài, thường với các quốc gia láng giềng, vốn cảm thấy bị đe dọa bởi các chế độ cách mạng. Các mối đe dọa như vậy khuyến khích các chính quyền cách mạng xây dựng một nhà nước với năng lực bạo lực cao. Thực tế cho thấy, hầu hết các cuộc cách mạng đều hình thành các “nhà nước cảnh sát”. Chẳng hạn, ở Nga, nội chiến buộc chính quyền Bolshevik xây dựng một lực lượng cảnh sát chính trị khổng lồ và hiệu quả, đó là Cheka (tiền thân của KGB). Còn ở Cuba và Nicaragua, sau cách mạng, lực lượng vũ trang đã tăng lên gấp mười lần.

Ngoài quy mô lớn, các lực lượng vũ trang cách mạng còn sở hữu khả năng đàn áp cao hơn so với các lực lượng tương tự trong các nhà nước phi cách mạng. Điều này đặc biệt đúng với đàn áp cường độ cao, vốn nhắm đến các cuộc biểu tình đại chúng, các cá nhân nổi tiếng, hay các thiết chế lớn. Không giống như các dạng đàn áp thông thường, hay đàn áp cường độ thấp, như giám sát, quấy nhiễu, giam giữ các nhà hoạt động, và truy tố “pháp lý” đối với những người chỉ trích, đàn áp các cuộc biểu tình đại chúng thường đi cùng với những rủi ro nhất định. Không chỉ có thể khiến quốc tế lên án và trong một số trường hợp bị trừng phạt, mà còn có thể làm xói mòn tình chính danh của lực lượng vũ trang, điều một lần nữa làm suy giảm kỷ luật cũng như tinh thần chiến đấu của lực lượng này. Do việc sợ hãi bị truy tố cũng như các hình thức trừng phạt/lên án của công chúng, nên các quan chức quan ninh lẫn quân đội có thể chống lại lệnh đàn áp. Vì lý do này, chính quyền thường không muốn ra lệnh đàn áp cường độ cao, và khi mà mệnh lệnh như vậy được đưa ra, thì các quan chức an ninh cùng thường từ chối thực thi chúng. Thực vậy, vô số chính quyền độc tài sụp đổ do chính quyền không sẵn sàng – hoặc bất lực – trong việc đàn áp biểu tình một cách nhất quán và liên tục; với các ví dụ gần đây như ở Serbia năm 2000, Georgia năm 2003, và Ai Cập năm 2011.

Trái lại, các nhà nước cảnh sát được trang bị tốt để đàn áp biểu tình. Những năm tháng cách mạng tạo ra một thế hệ quan chức có kinh nghiệm đối phó với bạo lực. Giới này thường dễ thống nhất về các biện pháp bạo lực hơn, và các quan chức an ninh của nó cũng có khả năng hơn trong việc thực thi các mệnh lệnh gắn liền với sự đàn áp cao – ngay cả khi đối mặt với sự chỉ trách trong nước và quốc tế. Chẳng hạn, quan hệ cách mạng giữa chính phủ và lực lượng an ninh giúp chính phủ PRI đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình sinh viên ở Mexico vào năm 1968; cũng như chính quyền cộng sản Trung Quốc đàn áp tàn bạo các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn vào năm 1989.

Với bốn yếu tố trên, kết quả là, các chế độ cách mạng nằm trong số các chế độ độc tài lâu đời và bền vững nhất trong lịch sử hiện đại.

CÁC YẾU TỐ TRÊN SẼ TỒN TẠI MÃI MÃI?

Như sự sụp đổ của Liên Xô cho thấy, các di sản cách mạng này không kéo dài mãi mãi. Dù một số bộ phận của di sản cách mạng này, như một đảng cầm quyền được thể chế hóa cùng một bộ máy đàn áp mạnh và trung thành, có thể tiếp tục tồn tại, song các bộ phận khác sẽ phai nhạt theo thời gian, đặc biệt là với sự qua đời của thế hệ cách mạng. Sự gắn kết đáng kinh ngạc, vốn là đặc trưng của hầu hết các đảng cách mạng, sẽ bị xói mòn cùng với sự ra đi của thế hệ này.

Khi bản sắc đảng phái phai nhạt, cam kết ý thức hệ suy yếu, và sức mạnh mang lại sự thống nhất từ thế hệ cách mạng không còn, thì đảng cách mạng dần “bình thường hóa” trở thành “bộ máy” đảng – cai trị thông thường. Tham vọng và quan hệ bảo trợ dần thay thế cho bản sắc và ý thức hệ, trở thành chất keo dính duy trì chế độ. Cũng như trong hầu hầu hết các bộ máy đảng – cai trị thông thường, tham nhũng và tranh giành phe cách dần lan rộng.

Những sự thay đổi như vậy đã diễn ra ở Mexico và Liên Xô trong những năm 1960, cũng đã xảy ra ở Trung Quốc và Việt Nam trong những năm 1990, và đang xảy ra ở Cuba.

Một khi tham vọng và quan hệ bảo trợ thay thế cho bản sắc và ý thức hệ, trở thành keo dính duy trì chế độ, thì các đảng cách mạng trở nên dễ tổn thương hơn với sự đảo ngũ. Chẳng hạn, PRI ở Mexico, vốn là một đảng có tính gắn kết cao, đã đối mặt với sự đảo ngũ/ly khai từ cuối những năm 1980, và cuối cùng đánh mất quyền lực vào năm 2000.

Sự ra đi của thế hệ cách mạng cũng ảnh hưởng đến năng lực đàn áp của chế độ, đặc biệt là khả năng đàn áp cường độ cao. Các thế hệ kế tiếp không có tính chính danh để có thể tạo ra sự thống nhất trong thời điểm khủng hoảng, cũng như kinh nghiệm, sự tự tin, và cam kết ý thức hệ để có thể thực hiện các đàn áp như vậy. Sự xói mòn về gắn kết cách mạng có thể thấy ở Liên Xô, nơi mà việc đàn áp quy mô lớn hầu như không thấy trong những năm 1960, và gần như không thể thực hiện vào đầu những năm 1990 (thời điểm nó sụp đổ). Tương tự, không chắc chắn liệu chính quyền Trung Quốc hiện nay có thể thành công trong việc đàn áp quy mô lớn khi đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng như nó đã từng thực hiện vào năm 1989, lúc Đặng Tiểu Bình cùng các lãnh đạo cách mạng khác vẫn còn nắm quyền, hay không.

Tìm kiếm sự ổn định

Với sự ra đi của thế hệ cách mạng, thì các chế độ cách mạng phải tìm kiếm các cơ sở khác cho sự ổn định của mình. Trọng tâm của sự tìm kiếm này là việc phát triển các cơ chế chuyển giao quyền lực được thể chế hóa. Điều này được thực hiện ở Mexico, cũng như ở Trung Quốc, Việt Nam trong những năm 1990.

Một cơ sở khác cho sự ổn định của các chế độ thời kỳ hậu cách mạng là phát triển kinh tế. Khi thế hệ cách mạng còn sống, nhiều chế độ cách mạng tiếp tục tồn tại bất chấp thành tích kinh tế nghèo nàn – trong một số trường hợp, trải qua các thảm họa kinh tế. Tuy nhiên, với sự qua đi của thế hệ cách mạng, thành tích kinh tế trở nên có vai trò ngày càng quan trọng. Chẳng hạn, ở Liên Xô, sự nắm quyền của thế hệ hậu cách mạng vào những năm 1960 xảy ra trùng với sự tập trung ngày càng tăng của chế độ vào việc cung cấp dịch vụ cho người dân. Tương tự, sự tăng trưởng kinh tế liên tục đã giúp tăng cường sự ổn định cho các chế độ cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam trong những năm 1990 và 2000.

Ngoài ra, một cơ sở khác – song khá rủi ro – cho sự gắn kết chế độ là làm mới xung đột. Các xung đột liên tục với Mỹ chắc chắn đã củng cố sự gắn kết của các chế độ ở Cuba và Iran. Tương tự, chính sách hạt nhân gây hấn của Triều Tiên có thể được xem như một nỗ lực để tái tạo không khí xung đột khi người sáng lập chế độ qua đời.

Một số bài học

Phân tích trên về các chế độ cách mạng mang lại cho chúng ta một số bài học quan trọng về mặt lý thuyết cũng như chính sách.

Thứ nhất, về phương diện lý thuyết, chúng ta biết được rằng không phải tất cả các chế độ độc tài đều giống nhau. Dù có sự tương tự bề ngoài, song các đảng cầm quyền ra đời từ các cuộc cách mạng bạo lực vận hành khác với các đảng không có nguồn gốc như vậy. Các thiết chế cách mạng, vốn giúp duy trì các chế độ cách mạng – như một đảng gắn kết, sự kiểm soát chặt đối với lực lượng vũ trang, cùng bộ máy đàn áp kỷ luật và hiệu quả – không thể dễ dàng tạo ra theo ý muốn của nhà độc tài, mà đúng hơn các nhà độc tài kế thừa các thiết chế như vậy hoặc xây dựng chúng từ một số hoàn cảnh nhất định như sự sụp đổ của nhà nước hay các xung đột bạo lực kéo dài. Chẳng hạn, đảng Bokshevik của Lênin, vốn trở thành mô hình cho các đảng cầm quyền Leninist trong các quốc gia đang phát triển, chỉ trở thành một đảng “Leninist” kỷ luật chặt chẽ sau một cuộc xung đột quân sự kéo dài (1918-1922).

Thứ hai, về mặt chính sách, các chế độ cách mạng ở Cuba, Iran, Bắc Triều Tiên, và Việt Nam đã tạo ra một số thách thức cho chính sách ngoại giao của Mỹ cùng liên minh vào cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21. Cả bốn chế độ đã cho thấy sự dẻo dai đáng kinh ngạc khi đối mặt với hàng thập kỷ bị cô lập. Và vì vậy, việc hiểu tại sao các chế độ cách mạng này lại có thể tiếp tục tồn tại giúp cho các nhà làm chính sách có cách tiếp cận phù hợp hơn trong việc đối phó với họ. Quan trọng nhất, kết quả nghiên cứu cho thấy, cách tiếp cận cứng rắn mang tính đối đầu – vốn làm sâu sắc thêm sự thù địch cũng như củng cố sự gắn kết cách mạng – có thể là điều mà các chế độ độc tài cách mạng và hậu cách mạng cần cho sự tiếp tục sống còn của chúng.

M.T.

Nguồn: luatkhoa.org/2020/09

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn