Giáo dục, chỉ một con đường

Nguyễn Huy Cường

Cho đến nay, sau hơn hai chục năm thay đổi nhiều phương thức giáo dục (GD) thì tồn tại một hiện trạng đã được quốc dân khẳng định: Khá bết bát và không hứa hẹn điều gì tốt đẹp ở phía trước.

Từ tư cách một nhà báo quan tâm đặc biệt đến GD với hơn ba chục bài báo đăng từ năm 1997 trên báo chí chính thống đến nay, tôi xin trình bày một nội dung được ghi ngày 20 tháng 10 năm 2020 như một văn bản chính thức gửi các cơ quan hữu trách.

Đó là tinh thần trách nhiệm cao nhất và sự đầu tư rất lớn, phương pháp nghiêm cẩn được vận hành khi làm việc.

Từ nhận thức chủ quan của mình, tôi nhận thấy:

Đây là lối thoát duy nhất của Bô GD ra khỏi những bế tắc hiện tại về chính sách GD;

Đây là phương hướng khoa học nhất cho những người khởi tạo một nền GD mới (nếu có chuyện này);

Tôi nghĩ đã đến lúc, không thể muộn hơn, Bộ GD cũng cùng nhận thức tính khẩn thiết của tình hình, nếu chần chừ, nếu nuối tiếc quyền lợi cục bộ mà cố tình níu kéo cái cũ, ôm ấp những quyền lợi không trong sạch, duy trì phương thức GD và ăn theo GD kiểu cũ (2020 trở về 2000) thì sẽ gay go.

Sẽ đến lúc quôc dân phải trả giá cực kỳ nặng nề cho chính sách GD hiện nay.

Từ những tư duy đó, tôi mạnh dạn trình bày nội dung chính của văn bản này dưới đây.

Phần thứ I

MỘT HIỆN TRẠNG NẶNG NỀ

Vừa qua xuất hiện một không gian cực kỳ căng thẳng sau khi cuốn sách Việt Văn lớp 1 ra đời.

Với tôi, đây là dịp đo đếm nhận thức vĩ mô của giới trí thức tinh hoa của VN về giáo dục nước nhà.

Ở vế tích cực: Đã có khoảng 30 bài viết của các tác giả, nhà giáo đạt được ba tiêu chí:

  • Nhìn ra vấn đề;

  • Đưa ra những dẫn chứng và phân tich khoa học về sai sót của nhóm gọi là “Cánh diều” (CD);

  • Cung cấp một số quan điểm, một số tiêu bản giáo khoa, một số giả định cho bộ sách cần có hoặc nói về sự ưu việt của những cuốn sách đã có thời VNDCCH và VNCH.

Nhưng, loại trừ những ý kiến báng bổ, chỉ trích thái quá chính sách giáo dục hiện nay, hay của sách giáo khoa, chỉ “gom” những cái tốt như vừa nêu ở lớp trí thức tinh hoa thì thấy khía cạnh tiêu cực cũng không ít, đó là:

  • Thiếu tầm nhìn sâu sắc về những tác hại;

  • Thiếu gợi mở những cơ sở khoa học để tạo nên một cuộc CÁCH MẠNG GIÁO DỤC, điều rất cần lúc này, không thể muộn hơn;

  • Thiếu hình bóng những cây đại thụ, thuộc diện họ “nói là phải nghe” lên tiếng. Ở Việt Nam không hiếm những nhân vật như thế nhưng vì nhiều lý do, họ vẫn im ắng.

Do đó, tôi mạn phép chỉ ra những điều tai hại, những hiện trạng nặng nề mà quốc dân phải gánh chịu hôm nay và nêu những đường hướng cho tương lai GD Việt Nam.

Trước hết là những nhận thức về hậu quả:

  1. Tiền

Nếu quan sát kỹ lịch sử nền giáo dục Việt Nam, tạm tính từ thời Pháp thuộc, từ trường Chu Văn An, lướt một dải thời gian đến những thương hiệu như Lam Sơn Thanh Hóa, Amsterdam Hà Nội, Lương Thế Vinh Sài Gòn v.v.; Nếu quan sát thành tích thử thách của học sinh VN trên trường quốc tế từ những năm khốn khó, chiến tranh; Nếu quan sát lực lượng giảng viên đại học trở lên, hiện tham gia giảng dạy, công tác, nghiên cứu tại các trường đại học, các học viện Mỹ, Nhật, Pháp, Hàn Quốc, Australia v.v. thì thấy:

Năng lực GD VN, cụ thể là chất lượng, trí tuệ lớp thầy cô ở VN không những không tệ mà còn giỏi nữa là khác. Nhưng buồn thay họ đã không phát huy được những năng lực ấy cho nền giáo dục nước nhà, có chăng nó chỉ ở một vài trường điểm, lớp chuyên. Họ thả nổi GD cho tự nhiên, trôi nổi.

Xin nêu một ví dụ: Tiến sỹ sinh ngữ Phạm Ngọc Giao ở đường Lam Sơn, Quận Tân Bình TPHCM,nêu một nhận xét:

Số tiền nhà nước, sinh viên, phụ huynh học sinh bỏ ra cho việc dạy và học ngoại ngữ không hiệu quả, ít hiệu quả rồi phải học thêm học nếm mới vững, trong 10 năm nay là một số tiền dư đủ mua cả đội tàu ngầm như hiện nay cho quốc phòng (!).

Tôi thêm một quan sát:

Ở quận Bình Thạnh SG, ở Đà Nẵng, hay Hà Nội… không ít trường sở quốc tế thu mức học phí mỗi năm mỗi cháu từ mầm non đến hết cấp II, bình quân khoảng 150 triệu một năm.

Con số này nếu tính trên toàn quốc ước cũng khoảng vài tỉ USD (!)

Nói một cách khác là nếu giáo dục Việt Nam tốt, tiên tiến thì nhân dân ta KHÔNG MẤT SỐ TIỀN KIA.

Cần biết, nếu để con em được học như vậy, thu về kết quả như vậy, nếu thầy cô VN nỗ lực cao nhất, thì sẽ làm được, thậm chí tốt hơn nhưng chỉ hết một phần ba số tiền này.

Một số tiền không nhỏ chút nào, nếu đi đúng hướng đó, thầy cô cũng dễ sống, thậm chí giầu có và hàng năm nhiều tỉ USD không chảy ra nước ngoài.

Nếu khái toán một con số cho hai mươi năm qua thì nghề “xuất khẩu tiền mặt” qua ngả giáo dục quốc tế này đã tiễn một lượng tiền đủ làm một con đường bộ cao cấp dài 1.000 km bao hết dải biên giới phía bắc VN hoặc đủ làm một con đường sắt cho tàu chạy 250 km/h từ Đồng Văn Hà Giang vào thành phố Cà Mau.

Đó, nếu coi đó là cái TỘI, thì tội này không nhỏ chút nào.

Nếu đặt Tội danh cho một tội, cái tội phải giao phó cả lớp trẻ mầm non cho “Quốc tế” cai quản nằm trong một đạo luật mới nay mai thì gọi tội đó là tội “Đánh mất nội lực”.

Để vươn tới một cái gì đó khá hơn trong lĩnh vực giáo dục ở Việt Nam thì trước hết phải từ những nhìn nhận như vậy, mới mong có những điều tốt đẹp hơn.

(Còn tiếp ở bài sau)

N.H.C.

Nguồn: FB Nguyễn Huy Cường

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn