Chiến thắng của Biden mang lại hi vọng lẫn nghi ngờ ở Bắc Kinh

Cheng Li

Nguyễn Thanh Hải dịch


 Việc cài đặt lại quan hệ Mỹ-Trung sẽ không hề dễ dàng.

Chưa bao giờ Bắc Kinh lại quan tâm đặc biệt đến kết quả của một cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ như cuộc bầu cử lần này. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng sự cạnh tranh sẽ định hình quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai dù cho ai là ông chủ tiếp theo của Nhà Trắng. Tuy vậy, họ cũng tin rằng chiến thắng của cựu Phó Tổng thống Joe Biden trước Tổng thống đương nhiệm Donald Trump sẽ tạo ra cơ hội để tạm ngừng, hoặc ít ra là làm chậm lại, việc tiến đến quan hệ đối đầu đang rất đáng báo động giữa hai nước.

Quan hệ giữa hai nước đã xấu đi với tốc độ đáng kinh ngạc dưới nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Chiến tranh thương mại là ví dụ dễ thấy nhất của sự bất hòa, nhưng những căng thẳng mang tính chiến lược lớn hơn cũng làm nguy cơ xung đột tăng cao hơn. Nhiều quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị sốc trước hàng loạt lời lẽ quy trách nhiệm, những bình luận phân biệt chủng tộc công khai, các chính sách tách rời kinh tế hai nước, cũng như luận điệu ủng hộ sự thay đổi chế độ ở Trung Quốc của chính quyền Trump.

Không có gì ngạc nhiên khi sự nhẹ nhõm và lạc quan là tâm trạng phổ biến trên mạng xã hội Trung Quốc sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mặc dù quan điểm về Trump trong công chúng là không giống nhau. Một tấm ảnh lan truyền rộng rãi trên Internet đã thể hiện sự ủng hộ của công chúng đối với nhiệm kỳ tổng thống của Biden khi đổi tên Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh (Forbidden City) thành “For-Biden City” (tạm dịch: Tòa thành của Biden).

Nhưng tâm trạng lạc quan có thể thay đổi nhanh chóng. Chỉ bốn năm trước, Trung Quốc nhận được tin Trump đắc cử với sự nhiệt tình tương tự. Nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng Trump, với xuất thân doanh nhân, sẽ là người dễ làm việc cùng hơn. Thực tế cho thấy đó chỉ là một mơ tưởng. Giới hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ nhưng đồng thời cũng lạc quan một cách thận trọng về một mối quan hệ tốt hơn với chính quyền Biden. Tuy nhiên, nhiều yếu tố định hình chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Trump vẫn còn tồn tại và việc “cài đặt lại” quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới sẽ không hề dễ dàng.

Vấn đề với chính quyền Trump

Trong những cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường tránh thể hiện sự ủng hộ đối với một ứng viên cụ thể. Quan điểm chính thống lâu đời là “Trung Quốc không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ”. Tuy vậy ban lãnh đạo Trung Quốc nhìn chung bi quan về triển vọng cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ chừng nào Trump còn tại vị. Mặc dù một số nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc tin rằng sự hỗn loạn cùng kiểu “thùng rỗng kêu to” của một nhiệm kỳ Trump nữa sẽ càng làm Trung Quốc lớn mạnh hơn, nhưng họ cũng đã chứng kiến các chính sách đối ngoại không thể đoán trước của Tổng thống Mỹ đẩy cả hai nước ngày càng tiến tới xung đột như thế nào.

Trung Quốc đặc biệt quan ngại các hành động của chính quyền Trump đối với Đài Loan. Với việc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Đi lại với Đài Loan năm 2018 và Đạo luật Đài Bắc năm 2019 (Taipei Act) – các đạo luật nhằm tăng cường quan hệ Mỹ – Đài được Trump ký thành luật – Bắc Kinh lo ngại rằng Washington đang tiến dần tới việc công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập. Những hành động và lời lẽ của chính quyền Mỹ trong vấn đề này đã làm gia tăng ác cảm đối với Trump trong giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và thúc đẩy các quan chức này tìm tới một cách tiếp cận đối đầu hơn với Hoa Kỳ.

Bắc Kinh tin rằng chính quyền Trump muốn đánh bại Trung Quốc giống như cách mà Hoa Kỳ đã đánh bại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Một số quan chức của chính quyền Trump, trong đó có Ngoại trưởng Michael Pompeo và cố vấn thương mại cấp cao Peter Navarro, thậm chí đã kêu gọi thay đổi chế độ ở Trung Quốc. Do đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc không hề ảo tưởng về khả năng chung sống hòa thuận và yên bình với chính quyền nhiệm kỳ hai của Trump. Trong một sự kiện vào tháng 10 ở Bắc Kinh kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Triều Tiên, ông Tập đã thúc giục quân đội Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc xung đột có thể xảy ra với Hoa Kỳ. Theo cách nói của ông ấy, Trung Quốc sẽ “sử dụng chiến tranh để ngăn chặn chiến tranh”.

Triển vọng với chính quyền Biden

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết rằng sự thù địch của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc không chỉ giới hạn trong chính quyền Trump. Cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều lên án Bắc Kinh một cách gay gắt và ủng hộ việc đưa các chuỗi cung ứng của Mỹ rời khỏi Trung Quốc. Nhưng đồng thời, nhiều quan chức Trung Quốc không tin rằng có sự nhất trí trong chiến lược chống Trung Quốc ở Washington. Một tình tiết đáng chú ý trong buổi tranh luận giữa hai ứng viên phó tổng thống đã thu hút sự quan tâm của Bắc Kinh khi cả Phó Tổng thống đương nhiệm Mike Pence và Thượng nghị sĩ California Kamala Harris đều không thể đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc Hoa Kỳ coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh (competitor), kình địch (rival) hay kẻ thù (enemy). Điều đó dường như cho thấy rõ việc thiếu một khuôn khổ chiến lược cho quan hệ Mỹ-Trung ở Washington.

Biden cũng thường mô tả chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền Trump là thất bại, một dấu hiệu cho các quan chức Trung Quốc thấy rằng chính quyền kế nhiệm sẽ không áp dụng tất cả các quan điểm đối đầu của chính quyền Trump, bao gồm cả mục tiêu tách rời kinh tế hai nước. Các nhà phân tích trong cơ quan hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc cũng lạc quan khi nhận thấy nhóm hoạch định chính sách đối ngoại của Biden có nhiều chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và nổi tiếng về phong cách ngoại giao có lý trí (sensible).

Ở cả Trung Quốc và Hoa Kỳ, người ta đã chứng kiến mối quan hệ làm việc lâu dài và thân thiện giữa Biden và Tập trong thời gian Biden làm phó tổng thống và Tập làm phó chủ tịch Trung Quốc. Theo Daniel Russel, một cựu quan chức cấp cao trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Barack Obama, Biden và Tập đã gặp nhau ít nhất tám lần và dành khoảng 25 giờ cho các cuộc gặp riêng trong vòng 18 tháng từ năm 2011 đến 2012. Trong các cuộc tranh luận tổng thống, Biden đã chỉ trích gay gắt ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuy vậy các quan chức Trung Quốc hiểu rằng những lời lẽ đó chỉ để lấy lòng người dân trong nước, không phải là dấu hiệu báo trước về chính sách đối ngoại của Biden.

Nói rộng hơn, các nhà quan sát Hoa Kỳ của Trung Quốc đã nhận ra quan điểm lâu đời của họ có từ thời Tổng thống Richard Nixon rằng đảng Cộng hòa thân thiện và dễ làm việc hơn đảng Dân chủ đã không còn đúng nữa. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc chỉ ra rằng tất cả 15 thành viên quốc hội của Ban Đặc nhiệm về Trung Quốc (China Task Force), một nhóm nổi tiếng về cách tiếp cận diều hâu đối với Bắc Kinh, đều là đảng viên Cộng hòa; 229 thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Quốc hội hồi tháng 9 lên án mọi hình thức phân biệt đối xử với người Trung Quốc nhưng chỉ có 14 thành viên Đảng Cộng hòa ủng hộ nghị quyết (164 người phản đối); và nhiều cuộc thăm dò dư luận Hoa Kỳ cho thấy đảng Cộng hòa thù địch với Trung Quốc nhiều hơn so với đảng Dân chủ.

Thiết lập lại quan hệ giữa hai nước như thế nào?

Nhưng ngay cả khi Bắc Kinh mong muốn được làm việc với chính quyền Hoa Kỳ thuộc đảng Dân chủ hơn, thì việc cài đặt lại một cách đáng kể quan hệ song phương cũng sẽ rất khó khăn. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có xu hướng cho rằng sự xấu đi trong quan hệ Mỹ-Trung hoàn toàn là do chính quyền Trump muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Không có sự thừa nhận nào ở Bắc Kinh về những lo ngại chính đáng của Hoa Kỳ liên quan đến các hoạt động kinh tế và công nghệ không công bằng của Trung Quốc cũng như các hành vi gây hấn của nước này ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Về phía Hoa Kỳ, sự chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc từ các đảng viên Cộng hòa trong chính quyền Trump và trong Quốc hội, cùng thái độ thù địch của công chúng đối với Trung Quốc, đặt ra một rào cản lớn cho nỗ lực thiết lập lại quan hệ hữu nghị giữa hai nước của chính quyền mới. Khả năng Thượng viện vẫn do đảng Cộng hòa kiểm soát sau cuộc bầu cử khiến việc đảo ngược tiến trình càng trở nên khó khăn hơn.

Các quan chức Trung Quốc hiểu rằng sự chia rẽ chính trị nghiêm trọng bộc lộ trong kết quả bầu cử với việc xã hội Hoa Kỳ phân cực mạnh sẽ buộc Biden phải xoa dịu những căng thẳng trong nước và có thể khiến ông không có đủ hậu thuẫn chính trị để thay đổi hoàn toàn chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng lo ngại rằng trong nỗ lực thu hẹp sự cách biệt đảng phái, chính quyền Biden có thể coi chính sách hiếu chiến với Trung Quốc như một phương tiện để tìm điểm đồng với đảng Cộng hòa. Nếu vậy, đối đầu giữa hai nước có thể vẫn tiếp tục, thậm chí là gia tăng, thay vì hướng tới sự cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh một cách ổn định hơn.

Chính quyền Biden chắc chắn sẽ tiếp tục nêu lên những quan ngại về các hành vi xâm phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Hồng Kông, Tây Tạng và Tân Cương. Thậm chí, Biden có thể còn gây áp lực lớn hơn, kết hợp chúng với một sứ mệnh đạo đức rộng lớn hơn nhằm bảo vệ quyền con người cũng như đấu tranh chống phân biệt chủng tộc tại quê nhà. Ông có thể sẽ làm tốt hơn Trump trong việc khai thác quyền lực mềm của Mỹ nhằm phục vụ cho mục đích tiếp cận người dân Trung Quốc của chính quyền Hoa Kỳ. Tất nhiên, việc Bắc Kinh sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế về những vấn đề này là rất khó; Chính quyền Trung Quốc coi tình trạng bất ổn ở các khu vực ngoại vi là mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và sự ổn định của đất nước. Và do vậy, hành động của Bắc Kinh trong những khu vực bất ổn này sẽ không phải là chủ đề thích hợp để đàm phán.

Giới lãnh đạo Trung Quốc đang cân nhắc tất cả những kịch bản khả dĩ này về chính sách của Biden đối với Trung Quốc và dường như đang cố gắng “đặt cược nước đôi” về chính quyền Mỹ sắp tới. Một mặt, Bắc Kinh sẽ mong muốn tái hợp tác với Hoa Kỳ trong nhiều lĩnh vực. Trong suốt 8 năm cầm quyền của Obama, có tới 105 cuộc đối thoại song phương do chính phủ tài trợ về các chủ đề bao gồm vai trò lãnh đạo của phụ nữ, giáo dục mầm non, thám hiểm không gian, tội phạm mạng và biến đổi khí hậu. Trong hai năm đầu tiên cầm quyền, chính quyền Trump đã thu hẹp các kênh đối thoại đó thành bốn kênh và sau đó ngưng hoàn toàn.

Để phù hợp với chính sách đối ngoại của Biden, Trung Quốc sẽ đặc biệt quan tâm đến việc hợp tác trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu (đặc biệt là cuộc chiến chung chống lại COVID-19), biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố, an ninh mạng cũng như ổn định kinh tế và tài chính toàn cầu. Mùa hè vừa qua, Yang Jiechi (Dương Khiết Trì), một trong những nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, đã vạch ra các chủ đề này như những lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc có thể phối hợp và hợp tác chặt chẽ. Ngoài ra, ông cũng nhìn thấy triển vọng hợp tác với Hoa Kỳ trong việc giải quyết các thách thức địa chính trị ở Afghanistan, Bán đảo Triều Tiên và khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, cùng lúc đó Bắc Kinh tin rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc, việc kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 ở trong nước, chính trị- xã hội tương đối ổn định cùng với ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng sẽ giúp Trung Quốc có thêm đòn bẩy trong mối quan hệ song phương. Ban lãnh đạo Trung Quốc có thể đáp ứng các yêu cầu của Hoa Kỳ trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng họ có thể vẫn sẽ kiên quyết và không khoan nhượng với bất kỳ thứ gì động đến những điều mà họ tuyên bố là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc: yêu sách chủ quyền đối với Đài Loan và đảm bảo sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Triển vọng hòa giải

Một điều chắc chắn là căng thẳng với Trung Quốc vẫn tiếp tục tồn tại khi chính quyền Biden hoạch định các lĩnh vực sẽ hợp tác và các lĩnh vực sẽ cạnh tranh với Bắc Kinh. Tuy vậy một số học giả có ảnh hưởng ở Trung Quốc vẫn nhìn thấy triển vọng về một mối quan hệ hiệu quả hơn đằng sau chiến thắng của Biden. Shi Yinhong (Thời Ánh Hồng), giáo sư nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc và là cố vấn cho chính phủ Trung Quốc, gần đây cho rằng Biden sẽ mang lại sự ổn định và khả năng dự đoán được về những chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, cơ hội để ngăn chặn căng thẳng kiểu “ăn miếng trả miếng” leo thang với chính quyền Biden sẽ rất ngắn ngủi. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế và môi trường chính trị trong nước đầy biến động ở Hoa Kỳ sẽ khiến mối quan hệ song phương trở nên khó hàn gắn hơn. Ông cho rằng cả Bắc Kinh lẫn Washington đều không nên bỏ lỡ cơ hội quý giá có được trong những tháng tới để đánh giá những sai lầm trong quá khứ và cài đặt lại quan hệ. Ông Shi có quan điểm phần nào khác với quan điểm của Đảng khi mong muốn rũ bỏ “tư duy có tổng bằng 0” (phần lợi của bên này luôn tương đương với phần mất của bên kia – ND), phản ánh thiện chí mà nhiều trí thức cũng như người dân Trung Quốc dành cho Hoa Kỳ và đặc biệt là cho chính quyền sắp kế nhiệm của ông Biden.

Thời gian sẽ trả lời liệu những quan điểm trên có giúp định hình những quyết định của ban lãnh đạo Trung Quốc hay không.

 C.L.

 Cheng Li là giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc John L. Thornton thuộc Viện Brookings, đồng thời là thành viên cao cấp trong chương trình Chính sách Đối ngoại tại Brookings. Ông là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Middle Class Shanghai: Reshaping US-China Engagement”.

 Nguồn: Nghiencuuquocte

 

 

 

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn