Kỳ vọng gì ở Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ 2020 và bang giao Mỹ - Việt?

BBC New Tiếng Việt

Quan hệ Mỹ - Việt

Thượng nghị sỹ Joe Biden trao đổi với nhân chứng chiến tranh, bà Kim Phúc, hôm 06/5/2003 tại Hoa Kỳ, sau một họp báo mà ông thuyết trình về bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong chiến sự. Nguồn: Getty Images

Hoa Kỳ tiếp tục ủng hộ Việt Nam về an ninh, chủ quyền trên Biển Đông, đồng thời hỗ trợ tiến bộ cho Việt Nam về cả dân chủ, nhân quyền lẫn kinh tế và phát triển, là một số kỳ vọng được một số nhà quan sát thời sự, chính trị và bang giao Mỹ - Việt chia sẻ với BBC sau khi ông Joe Biden được loan tin thành Tổng thống đắc cử mới đây.

“Chắc chắn rằng tôi cũng như rất nhiều người đã rất kỳ vọng, trước hết là đã mong muốn Tổng thống Donald Trump thắng cử lần này trong kỳ bầu cử 2020, nhưng trường hợp kết quả sau cùng cho thấy ông Donald Trump không thắng cử, thì một chính quyền Mỹ khác ngoài ông Donald Trump dù có lên cầm quyền ở Mỹ, thì tôi vẫn tin rằng đường lối của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc có lẽ vẫn còn tiếp tục”, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển từ Hà Nội nói với BBC hôm 08/11.

“Về nhận thức của mối nguy cơ, nguy hiểm của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ và an ninh quốc tế, khu vực, tôi nghĩ rằng nhận thức đó ở cả hai đảng lớn ở Hoa Kỳ cũng như ở các nhà lãnh đạo mới vẫn như nhau, tuy nhiên, tôi vẫn lưu ý rằng nếu không phải là ông Donald Trump lãnh đạo tiếp, thì rất có thể chính quyền khác, với một cách tiếp cận có thể nhẹ nhàng hơn với Trung Quốc, không quyết liệt và không quyết đoán như Tổng thống Donald Trump đã thể hiện và hành động, thì điều đó sẽ tạo điều kiện câu giờ về thời gian cho Trung Quốc để Trung Quốc mạnh mẽ lên hơn nữa và đó là một mối nguy đối với bang giao và an ninh quốc tế.

“Còn riêng đối với Việt Nam, tôi nghĩ dù bất kỳ chính quyền nào lên ở Mỹ tới đây, thì chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam cũng sẽ không thay đổi gì nhiều, tuy nhiên, có bước đi những bước mạnh mẽ hơn nữa hay không thì nó còn phụ thuộc vào mối quan hệ của chính quyền mới này, mà không phải là chính quyển của Tổng thống Donald Trump nữa, với Trung Quốc như thế nào.

“Có mạnh mẽ hơn với Việt Nam hay không, thì đó lại còn phụ thuộc vào yếu tố quan hệ của chính quy mới đó với Trung Quốc cụ thể như thế nào, họ xử lý vấn đề khủng hoảng ở Biển Đông ra sao và đấy là chính là cái mà có lẽ là tôi và cũng rất nhiều đồng nghiệp của tôi lo ngại”, ông Hoàng Ngọc Giao, người cũng từng là Phó Vụ trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt.

“Đề cao dân chủ và thúc đẩy hợp tác kinh tế rất quan trọng”

Bang giao Mỹ - ViệtTổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng nâng ly chúc mừng trước bữa tiệc trưa với Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 07/7/2015 tại Washington, DC. Nguồn: Getty Images

Từ Hà Nội, Phó Giáo sư Nguyễn Hoàng Ánh, một chuyên gia trong lĩnh vực ngoại thương có nhiều năm giảng dạy tại các đại học ở Hà Nội và Việt Nam nói với BBC:

“Chúng tôi nghĩ là cũng mong Hoa Kỳ giữ được những giá trị như dân chủ và sẽ là thế lực đứng ra đảm bảo cho hoạt động dân chủ không bị gây quá nhiều khó khăn ở Việt Nam.

“Là một người nghiên cứu về kinh tế, chúng tôi rất mong mỏi quan hệ kinh tế Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển.

“Chúng ta biết hiện nay Mỹ là nền kinh tế đứng thứ nhất thế giới, nhưng đầu tư nước ngoài của Mỹ vào Việt Nam chỉ đứng thứ 11 và Mỹ cũng không phải là một đối tác thương mại lớn nhất.

“Đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam năm 2020, một điều mà mọi người không để ý, bởi vì mọi người thường nghĩ Mỹ gây khó khăn cho Trung Quốc thì Trung Quốc yếu đi, nhưng mọi người không hề theo dõi được rằng trong thời gian Mỹ gây khó khăn với Trung Quốc, thì thương mại của Trung Quốc vào Việt Nam lại tăng lên và vị thế của Trung Quốc ở Việt Nam lại tăng lên.

“Nói cách khác là sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc lại tăng lên nữa, cho nên điều mong mỏi của tôi là làm thế nào để cho Mỹ có thể phát triển một quan hệ thương mại lành mạnh với không chỉ Việt Nam mà với tất cả các nước trong khu vực..”. bà Hoàng Ánh nói với một hội luận Bàn tròn Thứ Năm của BBC News Tiếng Việt.

Quan ngại nếu chính quyền Biden trở nên “mềm mỏng”

Binh sỹ Trung Quốc

Có một số ý kiến đặt vấn đề và quan ngại liệu chính quyền sắp tới ở Mỹ có 'mềm mỏng' với Trung Quốc, điều có thể gây ra bất lợi cho Việt Nam, hay không. Nguồn: Getty Images

Từ Sài Gòn hôm 08/11, nhà báo tự do Sương Quỳnh nói với BBC:

“Quan hệ Việt - Mỹ trong 4 năm qua theo tôi không tiến bộ, rất mờ nhạt. Tổng thống Donald Trump còn áp thuế cho những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thì đó là điểm lo chứ không có gì đáng mừng. Nhưng có lẽ do ông Trump dành tổng lực tấn công Trung Quốc quá nên cũng không chú ý gì đến Việt Nam mấy.

“Vừa qua Trung cộng đã lũng loạn thế giới, nhưng qua dịch virus Vũ Hán cũng làm các nước tỉnh ra. Để Trung cộng làm công xưởng sản xuất thuê cho các nước thì đã là phụ thuộc kinh tế, nên khi dịch xảy ra trở tay không kịp, thiếu thốn từ khẩu trang cho đến thiết bị y tế. Do đó nếu Tổng thống Donald Trump mà thắng cử và khống chế được Trung cộng thì sẽ ổn định kinh tế không chỉ ở nước Mỹ mà còn cho cả Thế giới.

“Nhưng nếu ông Biden thắng cử, với chính sách mềm mỏng, bắt tay với Trung cộng thì tôi e rằng Bắc Kinh sẽ có thêm sức mạnh. Và điều lo ngại nhất cho Việt Nam là Trung cộng sẽ chiếm lĩnh biển Đông, kinh tế VN vốn đã phụ thuộc vào Trung Quốc, tới đây có thể sẽ càng phụ thuộc hơn, trong khi ở nhiều nơi khác, Đài Loan, Hong Kong chẳng hạn, sẽ càng ngày càng nguy ngập nhiều hơn và có khả năng mất độc lập, tự chủ”.

Cũng từ Sài Gòn, cùng hôm Chủ Nhật, cựu phóng viên và đạo diễn phim thuộc báo Thanh Niên, ông Trần Đình Thu nói với BBC:

“Nếu Ủy ban bầu cử quốc gia Hoa Kỳ tuyên bố ông Biden là tổng thống kế tiếp, có lẽ tôi hoàn toàn không có bất cứ sự mong đợi nào cho nước Mỹ và cho đất nước Việt Nam của tôi cả. Tôi tin rằng giai đoạn “Obama kéo dài” sẽ trở lại nước Mỹ và chẳng bao lâu nữa dân Mỹ sẽ phải đi học tiếng Trung quốc như ông Trump đã từng nói. Khi đó Chiến tranh thương mại với Trung quốc sẽ dịu dần rồi ngưng hẳn. Chính sách hòa hoãn với Iran, với Cuba, với Venezuela sẽ trở lại như thời Obama.

“Tôi không có kỳ vọng gì nếu ông Biden đắc cử cả. Không phải là tôi cực đoan nhưng quả thật cuộc bầu cử của nước Mỹ vừa qua thực chất là cuộc chọn lựa của người dân Mỹ để cho nước Mỹ trở nên vỹ đại hay là một nước Mỹ ngủ quên trước thời tổng thống Trump”.

Giá trị biểu tượng của ngôi vị Tổng thống ở Mỹ “rất quan trọng”

Nêu quan điểm riêng tại hội luận Bàn tròn thứ Năm (05/11/2020) của BBC News Tiếng Việt từ California, Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, đồng thời là một học giả về triết học, nhấn mạnh điều mà ông muốn bất cứ ai đắc cử cần thể hiện như một kỳ vọng:

“Biểu tượng ngôi vị Tổng thống ở Mỹ rất là quan trọng cho một số đông người và chính tôi cũng quan niệm như vậy.

Tổng thống Trump

Có ý kiến cho rằng Tổng thống Trump đã rất mạnh mẽ với Trung Quốc trong bốn năm ông cầm quyền. Nguồn: Getty Images

“Là vì định danh và chức vụ Tổng thống Mỹ không phải chỉ là vấn đề chính sách mà thôi, mà còn là một biểu tượng và giá trị dân chủ, mà trong đó, định chế đó thiết lập một đầu cầu và một vai trò lãnh đạo cho thế giới trên phương diện đạo đức về chính trị.

“Nếu người Mỹ và đất nước Mỹ không còn uy tín để mà đại diện cho giá trị dân chủ, đa dạng và đa nguyên như hiện nay, mà nhất là vấn đề tôn trọng uy tín, danh dự của nhau, và nhất là trong hòa giải sự khác biệt, thì nước Mỹ sẽ đi vào những nguy khốn khác.

“Tôi cũng mong rằng nếu ông Biden đắc cử, có vẻ như ông Biden đang thắng thế, thì ông Biden cũng nên cẩn trọng, đừng có đi về phía bên tả quá nhiều để làm cho khối bên hữu, khối mà ủng hộ ông Trump, càng ngày càng bị giống như là đặt ra khỏi lề của xã hội, thành ra tất cả những cái đó tạo ra những cái phân cực càng lớn hơn nữa...

“Cá nhân ông Biden hay ông Trump chẳng qua chỉ là những biến số về nhân cách của con người mà thôi, nhưng mà có một nguyên lý thông suốt trong nền chính trị của Mỹ, đó là giá trị của con người và giá trị của định chế đại diện cho một giá trị lớn hơn mà văn minh nhân loại đang hướng đến.

“Thì tôi nghĩ là nước Mỹ dù dưới ông Trump hay ông Biden trong 4 năm tới đừng làm cho thế giới và nhất là những người như chúng ta thất vọng”, Tiến sỹ, Luật sư Nguyễn Hữu Liêm nói với Bàn tròn của BBC.

Sẽ không có thay đổi gì lớn trong thời gian trước mắt?

Trở lại với chính sách tới đây mà Hoa Kỳ có thể có liên quan bang giao Mỹ - Việt và an ninh Biển Đông, hôm 08/11, từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một sử gia và nhà phân tích chính trị, bang giao quốc tế, nói với một chương trình bình luận chuyên đề hậu Bầu cử Mỹ 2020 của BBC:

“Trong thời gian trước mắt, quan hệ của Mỹ với Việt Nam sẽ không thay đổi, đặc biệt là trong vấn đề quân sự và an ninh, bởi vì vấn đề này đã tiến triển từ lâu rồi.

“Về sau, về dài, nó sẽ có thay đổi, nhưng tôi nói về sau về dài là ít nhất 2 năm nữa.

“Lý do là bởi vì ông Joe Biden phải dọn “rác” ở nước Mỹ trước, rồi sau ông mới lo các vấn đề đối với nước ngoài.

“Việt Nam lẽ dĩ nhiên là một chỗ quan trọng, nhưng Việt Nam không phải là quan trọng nhất, nên tôi nghĩ đối với Việt Nam, quan hệ của Mỹ đối với Việt Nam vẫn tiếp tục như thế”.

“Sẽ tụ hợp lại lực lượng và quan tâm Hiệp định xuyên Thái Bình Dương?”

Mỹ

Người ủng hộ ứng viên Joe Biden ăn mừng trên đường phố ở New York City hôm 07/11/2020 ngay sau khi truyền thông Mỹ loan báo ông thắng cử và sẽ trở thành Tổng thống kế tiếp của nước Mỹ. Nguồn: Getty Images

Từ tiểu bang Georgia, chính trị gia thuộc Đảng Cộng hòa Mỹ, ông Vũ Nguyễn Bảo Kỳ bình luận:

“Trong 20-15 năm qua, từ thời của chính quyền của ông Bill Clinton mà có bình thường hóa quan hệ ngoại giao đối với Việt Nam, sự liên hệ giữa hai nước càng ngày càng tiến triển, riêng tôi, tôi đã thấy vào thời gian 2015, 2016, lúc chính quyền của ông Barack Obama đưa ra và cố làm sao thông qua được Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì tôi đã đặt hy vọng làm sao Hoa Kỳ có thể lãnh đạo được một khối Á châu - Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn.

“Và riêng nguyện vọng của Hiệp định TPP lúc đó là để làm sao đẩy mạnh sự liên hệ mậu dịch của 12-13 nước, trong đó có ở vùng Đông Nam Á và đồng thời thúc đẩy đối sách của Hoa Kỳ với Trung Quốc, sau khi Hoa Kỳ rút ra khỏi TPP, tôi thấy nó tạo ra một số mâu thuẫn đối với một số nước như là Việt Nam đối với Trung Quốc còn hơn cả trước đây nữa.

“Là bởi vì Trung Quốc rất giỏi để chia rẽ mọi quốc gia khác nhau, và như là Đài Loan đã biết lâu nay là họ khó tạo ra tư thế, vị thế cho những nước nhỏ, nên tôi thấy như GS Ngô Vĩnh Long đã nêu, trong thời gian ngắn hạn, chính sách của chính quyền mới của ông Joe Biden sẽ không thay đổi đối với các nước ở Đông Nam Á.

“Và những tháng gần đây chính một số nhà cựu lãnh đạo quân nhân ở Bộ Quốc phòng Mỹ từ xưa đến nay và đồng thời một số nhân sự trong chính quyền từ thời ông George W. Bush qua đến những nhóm ủng hộ ông Mitt Romney và ông John McCain, họ chuyên là lãnh đạo gia của thành phần quốc phòng và quốc tế, đã có những lời ủng hộ vì họ thấy ông Biden là người đã tụ hợp thêm những người là những tiếng nói chung (hai đảng) mà có kinh nghiệm để đối phó với Trung Quốc và đối phó với những phe chống Hoa Kỳ và đồng thời chống lại khối dân chủ trên khắp thế giới”.

“Không có Voi, bắt Lừa gánh thay và liệu có giữa đường đứt gánh?”

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh từng làm việc trong Bộ Công an Việt Nam, bình luận thêm với BBC:

“Nếu muốn đoán đường lối của ông Joe Biden thế nào, liên quan Việt Nam và Biển Đông, chúng ta cứ nhìn ngược lại chính quyền của ông Barack Obama.

Ông Joe Biden

Ông Joe Biden ngay sau cuộc phát biểu trước cử tri và quốc dân cả nước Mỹ từ Wilmington, tiểu bang Delawarey, trong buổi tối 07/11/2020 sau khi ông được truyền thông Mỹ loan bố thắng cử. Nguồn: Getty Images

“Và ông Biden có mặt trong đó và người ta nói rất ngắn gọn thôi là chính quyền của ông Obama là nhu nhược với Trung Quốc.

“Và thứ hai là liệu bây giờ ông Biden phải cố gắng hơn thời đó, hơn ông Obama không?

“Thì đó là một câu hỏi và tôi xin nhắc lại là nếu như ông Joe Biden thắng thì thôi thì không có Voi, đành phải bắt Lừa vác nặng.

“Có nghĩa là ông Biden phải cố gắng để lãnh một gánh nặng của một con voi và có thể giữa chừng ông ấy bị đứt gánh”, ông Nguyễn Hữu Vinh bình luận từ góc nhìn cá nhân, cùng tính cách quan điểm riêng như của các ý kiến khác ở trên khi các nhà bình luận trao đổi với BBC News Tiếng Việt.

BBC Tiếng Việt

Nguồn: bbc.com/vietnamese

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn