Nghị định về việc ‘Ngân hàng phải cung cấp thông tin cá nhân cho Sở thuế’ là trái luật

Cao Nguyên

2020-11-25

Theo nguyên tắc thì ngân hàng phải bảo mật tất cả mọi thông tin của khách hàng. Ngân hàng chỉ có thể tiết lộ các thông tin của khách hàng trong trường hợp điều tra tội phạm. Có nghĩa là chỉ những cơ quan tiến hành tố tụng, ví dụ như công an điều tra hay là viện kiểm sát hoặc là tòa án thì mới có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp những thông tin của khách hàng của mình.

Sở thuế không được coi như là một cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, nếu cơ quan thuế yêu cầu như vậy là trái nguyên tắc tố tụng, trái nguyên tắc bảo mật khách hàng của hệ thống ngân hàng”.

Nhiều người dân Việt Nam đang lo lắng một nghị định mới cho phép Sở thuế được phép yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin cá nhân khách hàng. Một số luật sư thậm chí cho rằng nghị định này trái luật.

Vào ngày 5/12/2020, Nghị định 126 có quy định gây tranh cãi này sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Điều 30 trong Nghị định này quy định “Ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật”.

Các ngân hàng sẽ xác định các tài khoản có giao dịch với những nhà cung cấp ở nước ngoài mà chưa đăng ký, nộp thuế ở Việt Nam. Từ đó, ngân hàng sẽ khấu trừ, trích tiền để nộp thay chủ tài khoản.

Thậm chí, Ngân hàng thương mại còn có nghĩa vụ phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.

Người dân lo lắng

Nhiều người ở Việt Nam cho biết họ lo ngại về vấn đề bảo mật thông tin cá nhân và số dư tài khoản ngân hàng sẽ bị đánh thuế như thế nào.

Anh S (một người muốn giấu tên vì lý do an toàn), người dân sống tại Sài Gòn, nhận định rằng đây là một nghị định bất hợp lý và rất khó áp dụng, anh nói:

Nghị định 126 không ổn. Việc làm lộ thông tin tài khoản ngân hàng là người dân đã cảm thấy khó chịu rồi. Nếu áp dụng thì làm sao để bảo mật thông tin của khách hàng. Ai biết được quy trình có bị rò rỉ các thông tin tài khoản quan trọng của người dùng không. Mặt khác, phải nêu ra rõ ràng các trường hợp để truy thu thuế hợp lý chứ.

Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp khác có thể phát sinh các giao dịch ngân hàng như: Chuyển khoản cho người thân, bạn bè mượn tiền. Vậy người thân, bạn bè cũng phải trả thuế cho trường hợp này à? Hay việc tôi thuê một kế toán làm bán thời gian. hàng tháng tôi chỉ chuyển khoản đến kế toán để kế toán sắp xếp và chuyển khoản lại cho các nhân viên khác. Vậy kế toán phải trả thuế rồi nhân viên cũng trả thuế tiếp, như vậy là phải trả 2 lần thuế?

Tôi chuyển khoản cho người quen để đi mua giúp các thiết bị cần thiết. Vậy số tiền chuyển khoản này cũng phải đóng thuế?

Nói chung là còn rất nhiều trường hợp bất cập khác nữa. Và đặc biệt việc lộ thông tin tài khoản cá nhân khiến người dùng rất khó chịu”.

Việc làm lộ thông tin tài khoản ngân hàng là người dân đã cảm thấy khó chịu rồi. Nếu áp dụng thì làm sao để bảo mật thông tin của khách hàng. Ai biết được quy trình có bị rò rỉ các thông tin tài khoản quan trọng của người dùng không.

Người dân

Ông M (muốn giấu tên vì lý do an toàn), là chủ một cơ sở buôn bán ở Hà Nội lo ngại rằng khi áp dụng quy định này, người dân sẽ chuyển sang giao dịch bằng tiền mặt và khi đó sẽ càng khó quản lý hơn:

Tôi thấy nếu thực hiện thì người dân và doanh nghiệp sẽ chuyển qua giao dịch tiền mặt. Khi đó khó quản lý hơn và lượng giao dịch tiền mặt sẽ rất khủng gây hỗn loạn thị trường giao dịch. Ngành ngân hàng cũng không thu được phí.

Vấn đề bảo mật tài khoản cá nhân cũng không được chắc chắn sẽ dẫn đến việc người dân không tin tưởng để tiền trong tài khoản”.

Nghị định trái luật

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nói Nghị định 126 này trái với nguyên tắc tố tụng và nguyên tắc bảo mật thông tin:

Theo nguyên tắc thì ngân hàng phải bảo mật tất cả mọi thông tin của khách hàng. Ngân hàng chỉ có thể tiết lộ các thông tin của khách hàng trong trường hợp điều tra tội phạm. Có nghĩa là chỉ những cơ quan tiến hành tố tụng, ví dụ như công an điều tra hay là viện kiểm sát hoặc là tòa án thì mới có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp những thông tin của khách hàng của mình.

Sở thuế không được coi như là một cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, nếu cơ quan thuế yêu cầu như vậy là trái nguyên tắc tố tụng, trái nguyên tắc bảo mật khách hàng của hệ thống ngân hàng”.

Nghị định 117/2018 quy định về việc bảo mật thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng nêu rõ: Thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật, không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng cho tổ chức, cá nhân khác. Trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.

Luật sư Phạm Công Út cho rằng vấn đề nằm ở “cái đuôi” “Trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” được ghi trong luật này. Bởi vì nó dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền của cơ quan thuế:

“Ngân hàng phải bảo mật thông tin của khách hàng, nhưng mà nó còn thòng thêm một điều khoản nữa là “trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì ở Việt Nam có đến hàng trăm loại, thì chưa có một danh mục nào nói cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào có quyền yêu cầu phải thực hiện cả.

Đó là luật nhưng chưa thật chặt chẽ để đưa vào thực tiễn, dễ dẫn đến lạm quyền để phong tỏa tài khoản của một pháp nhân. Điều đó tạo ra một cái quyền lực đối với phía cơ quan thuế. Bình thường có thể truy tố đối với hành vi trốn thuế trên 50 triệu đồng trở lên, chứ không cần thiết phải phong tỏa tài khoản như thế thì nó không hợp lý”.

Có thể kiện

Theo ý kiến các luật sư, khi Nghị định 126 này chính thức được áp dụng, nếu ai bị trừ thuế từ tài khoản ngân hàng có thể khiếu nại. Luật sư Phạm Công Út nói:

Đầu tiên họ phải khiếu nại ngân hàng để ngân hàng xem xét lại. Khi mà không xong thì có thể khởi kiện phía ngân hàng do họ bị thiệt hại. Họ có quyền khiếu nại cơ quan thuế vì đã tính thuế sai. Sau đó là có quyền khởi kiện ngân hàng một vụ án hành chính”.

Giải đáp thắc mắc về chuyện ngân hàng sẽ thu thuế ra sao đối với số dư trong tài khoản cá nhân, đối với những khoản tiền không phải là thu nhập… Luật sư Mạnh cho biết:

Cái này mình phải đặt ra cả hai phía. Đối với khách hàng thì luật thuế thu nhập cá nhân yêu cầu là khi mình có phát sinh thu nhập thì mình phải có nghĩa vụ khai báo thuế.

Còn đối với cơ quan thuế, một khi họ phát hiện ra dòng tiền và cho rằng đây là nguồn thu nhập của người dân, thì cơ quan thuế phải chứng minh được điều đó. Nếu cơ quan thuế không chứng minh được điều đó thì đó được coi như là một nguồn tài sản hợp pháp của người dân. Không được tự tiện cứ coi như là nguồn tiền vào tài khoản đó là thu nhập của người dân”.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Thuế trả lời mạng báo VnExpress vào ngày 25/11, khẳng định đối tượng chủ yếu mà ngành thuế hướng tới chính là những người kiếm tiền trực tuyến như bán hàng online hay có nguồn thu nhập từ nước ngoài như sản xuất nội dung trên nền tảng Youtube và Facebook… Ông nói nhiều người có nguồn thu nhập lớn trên mạng nhưng vẫn "chây ì" trong việc đóng thuế do họ cho rằng ngành thuế sẽ không nắm được thu nhập của họ.

C.N.

Nguồn: rfa.org/vietnamese

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn