Tư pháp Việt Nam có thực sự “tôn trọng xét xử độc lập, không can thiệp, chỉ đạo án”?

 Cao Nguyên


Hình minh hoạ. Phiên toà xử 29 người dân Đồng Tâm ở Hà Nội hôm 7/10/2020 trong một vụ án bị Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế gọi là phiên toà với "án bỏ túi". Nguồn: Nhân Dân

Trả lời chất vấn của Quốc hội sáng ngày 10/11, Chánh án Toà án Nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định luôn đảm bảo tính độc lập trong xét xử của thẩm phán, hội thẩm. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số luật sư thì tình trạng “chỉ đạo án” còn diễn ra rất nhiều trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Cụ thể, Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đặt câu hỏi trong phiên chất vấn rằng trong xét xử, còn có hiện tượng thẩm phán xin ý kiến lãnh đạo của Tòa án hay không? Lãnh đạo Tòa án có chỉ đạo hành chính không phù hợp đến các quan hệ tố tụng không và nếu có thì phải xử lý như thế nào?

Ông Nguyễn Hòa Bình trả lời: “Tòa án tôn trọng xét xử độc lập của án cấp dưới, không có sự can thiệp.

Còn cái việc mà địa phương người ta lúng túng về việc áp dụng pháp luật thì người ta hỏi trong trường hợp này thì phải áp dụng cái luật nào, thì chúng tôi hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật khi có các cách hiểu khác nhau về một nội dung luật.

Chúng tôi không thể chỉ đạo án bằng một công văn mà phải nghiên cứu hồ sơ gốc”.

Chỉ đạo án do tham nhũng, hối lộ

Luật sư Hà Huy Sơn trả lời RFA từ Hà Nội rằng ông không có bằng chứng về việc toà cấp trên “chỉ đạo án” đối với toà cấp dưới. Tuy nhiên, những ai làm việc trong ngành Toà án đều biết là có chuyện đó:

“Thực tế thì tôi không có bằng chứng hay tài liệu về việc toà cấp trên chỉ đạo cấp dưới như thế nào. Bởi vì, đôi khi người ta chỉ đạo bằng miệng hoặc điện thoại, chứ người ta đâu có lưu vào hồ sơ đâu. Cho nên nếu nói theo bằng chứng thì cũng không thể phủ nhận được cái điều mà ông Nguyễn Hòa Bình đã nói.

Nhưng trong thực tế thì những người trong tòa ai cũng thừa nhận chuyện đó là điều hiển nhiên có sự chỉ đạo ở trên”.

Bình luận trên trang cá nhân, Luật sư Nguyễn Duy Bình cho rằng “ông Nguyễn Hoà Bình chưa nhìn thẳng sự thật và chưa thừa nhận sự thật về tình trạng chỉ đạo án. Điều mà lẽ ra ông phải thẳng thắn thừa nhận và có phương pháp chấn chỉnh”.

Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ, từ Hoa Kỳ khẳng định luôn một cách chắc chắn rằng lời phát biểu của Nguyễn Hòa Bình là hoàn toàn không đúng sự thật. Bởi các nguyên nhân sau:

“Điều thứ nhất là trong chế độ chính trị hiện nay ở Việt Nam là một chế độ toàn trị. Đặc biệt, Hiến pháp Việt Nam đã khẳng định là mọi hoạt động của Nhà nước, cũng như xã hội đều dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho nên, không có hoạt động của Nhà nước là nằm ngoài sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản, dù đó là hành pháp, lập pháp cũng như hoạt động tư pháp tòa án, và kể cả Viện kiểm sát.

Vấn đề thứ hai là thực tiễn ở Việt Nam cho thấy rằng việc xử án oan tràn lan và chính tòa án nhiều nơi đã thừa nhận điều này. Là vì có sự chỉ đạo án của tòa cấp trên đối với tòa cấp dưới. Cho nên, nếu như có sai hoặc bị kháng án thì tòa cấp trên lúc ấy sẽ xử tiếp. Tôi muốn nói rằng ở Việt Nam không có sự độc lập giữa ba cái nhánh lập pháp hành pháp và tư pháp. Thành ra cái chuyện chỉ đạo án trong lĩnh vực tư pháp là đương nhiên”.

Ông Cù Huy Hà Vũ cho biết qua kinh nghiệm cá nhân là người đã tham gia nhiều vụ án, kể cả là bảo vệ các thân chủ tại tòa, ông nhận tôi thấy có một thực tế là toà cấp dưới báo cáo lên toà cấp trên, hay còn gọi là “báo án”, tức là đưa ra nội dung vụ án và đề nghị là án xử theo tội danh nào, mức phạt nặng bao nhiêu. Toà cấp trên sau khi được xem, được trình bày thì tòa cấp trên sẽ duyệt án.


Hình minh hoạ. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình (giữa) tại phiên Giám đốc thẩm xử vụ án của tử tù Hồ Duy Hải ở Hà Nội hôm 8/5/2020. Tử tù Hồ Duy Hải bị cáo buộc tội giết người, cướp của nhưng vẫn khẳng định mình bị oan. Nguồn: Báo Công Lý

Ông nói có một sự “móc ngoặc” giữa và cấp dưới và cấp trên. Ví dụ, cấp dưới họ nhận được hối lộ cho một vụ án thì họ sẽ đề nghị tòa cấp trên xem xét. Và đương nhiên thì Toà cấp trên phải nhận một khoản tiền từ Toà cấp dưới. Do vậy, Toà cấp trên sẽ chỉ đạo xử như thế nào.

Ông Vũ chia sẻ thêm rằng đã từng có một số thẩm phán, các cơ quan điều tra, kể cả công an ngã giá thẳng với ông về kết quả xử án. Theo ông, một khi thẩm phán hay là cơ quan điều tra chủ động ra giá có nghĩa là có cả một hệ thống tham nhũng, hối lộ đứng sau.

Chỉ đạo án trong các vụ án chính trị càng chặt chẽ

Trước nay, nhiều nhà hoạt động nhân quyền vẫn thường cáo buộc kết quả của các vụ án “an ninh quốc gia” ở Việt Nam thường được chỉ đạo sẵn như "một bản án bỏ túi”.

Cựu Tù nhân lương tâm, luật sư Nguyễn Văn Đài từ Đức Quốc cho biết 100% các vụ án chín trị đều có “chỉ đạo án”. Các phiên Toà này chỉ có mục đích “diễn” lại cho đầy đủ thủ tục:

“Việc can thiệp vào hội đồng xét xử là chuyện đương nhiên. Đặc biệt, trong các vụ án chính trị hoặc các vụ án tham nhũng nhạy cảm thì sẽ có sự can thiệp không chỉ của riêng Toà án cấp trên, mà có sự can thiệp của Bộ Công an, Viện kiểm sát và cả Ban Nội chính Trung ương.

Khi chưa bắt chưa bị bắt thì tôi đã biết trước được mức án tù của mình là bao nhiêu năm rồi. Mức án đối với những người hoạt động chính trị như chúng tôi thì không phải do Viện kiểm sát hay Tòa án quyết định. Mà mức án do bộ công an quyết định. Tòa án chỉ là nơi diễn lại tất cả kịch bản mà đã được họ sắp xếp từ trước”.

 

Hình minh hoạ. Hình của TTXVN công bố hôm 2/8/2011: phiên toà xử Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội hôm 2/8/2010. Nguồn: AFP

Ông Cù Huy Hà Vũ phân tích, đối với các loại án mang “màu sắc chính trị” dù không có chuyện hối lộ, tham nhũng nhưng sự chỉ đạo án càng phải chặt chẽ hơn:

“Ngoài ra, một số vụ án chính trị. Ví dụ những vụ án liên quan đến những người có những hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Đây được tòa án Việt Nam cũng như hệ thống chính trị Việt Nam coi là những vụ án nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia.

Tất nhiên, trong trường hợp này thì sẽ không có chuyện ăn hối lộ. Bởi vì, có thể nói là những người hoạt động chính trị về cơ bản, họ dấn thân là gì tự nguyện nên sẽ không có chuyện tiền bạc. Cho nên những tòa được giao xét xử những vụ án chính trị thì chỉ có “báo án” và được “duyệt án” về án phạt bao nhiêu năm, hình thức như thế nào”.

Cái loại thứ hai, trong thời gian vừa qua, chúng ta biết rằng Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã phát động chiến dịch chống tham nhũng quy mô và mạnh mẽ, được biết đến với cái tên là “đốt lò”.

Đã có rất nhiều quan chức rất cao cấp, thậm chí trong Bộ Chính trị như là Đinh La Thăng, và sắp tới đây là Nguyễn Văn Bình sẽ bị xét xử.

Ở những vụ mang sắc thái chính trị này là Đảng Cộng sản trừng trị ngay chính người trong hệ thống chính trị của mình, thì lại càng phải có chuyện “báo oán” và “duyệt án”, được thực hiện một cách rất chặt chẽ, phải “nâng lên đặt xuống” nhiều lần thì mới có thể ra bản án.

Vì những người bị xử án là những người đang nắm giữ quyền lực, thậm chí ở mức cao nhất trong hệ thống chính trị Việt Nam, có một loạt mối quan hệ chằn chịt mang tính tham nhũng. Nó làm cho các cấp lãnh đạo ra tay “trừng trị” tham nhũng phải cân nhắc”.

Luật sư Hà Huy Sơn, với kinh nghiệm và cảm nhận đã bào chữa cho rất nhiều các vụ án chính trị, dù không có bằng chứng cụ thể nhưng ông cũng tin rằng “sự sắp xếp chỉ đạo từ trước đối với án an ninh quốc gia là hoàn toàn có thật.

Theo khoản 2, điều 103, Hiến pháp năm 2013 quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”.

C.N.

Tác giả gửi BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn