Ân Xá Quốc Tế: Facebook đồng lõa với kiểm duyệt tại Việt Nam

Trọng Thành

Facebook bị Amnesty International chỉ trích mạnh mẽ vì thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam để được tiếp tục hoạt động tại thị trường đông dân này. REUTERS - JOHANNA GERON

Kiểm duyệt và đàn áp gia tăng trên các mạng xã hội ở Việt Nam là điều ngày càng khiến giới bảo vệ nhân quyền quốc tế lo ngại. Hôm nay, 01/12/2020, tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) ra báo cáo mô tả thực trạng và đưa ra nhiều khuyến nghị, gửi đến chính phủ Việt Nam, các đại tập đoàn, trước hết là Facebook và Google, cũng như chính phủ Hoa Kỳ và các quốc gia đối tác với Việt Nam.

Amnesty International báo động tình trạng các dịch vụ trên mạng của Facebook và Google đang trở thành nơi mà quyền tự do ngôn luận ngày càng bị xâm phạm một cách ngang nhiên, với việc các đại tập đoàn công nghệ số thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam để được tiếp tục hoạt động tại thị trường hứa hẹn này. Tập đoàn Facebook thừa nhận, trong vòng 6 tháng trở lại đây, số lượng nội dung bị kiểm duyệt, theo đòi hỏi của chính quyền sở tại, đã tăng gấp 10 lần. Bộ trưởng Thông Tin và Truyền Thông Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng, hồi tháng trước, cũng cho biết là trong năm nay, 95% đòi hỏi kiểm duyệt của chính quyền đã được Facebook đáp ứng, và tỉ lệ này đối với Youtube (do Google quản lý) là 90%.

Ân Xá Quốc Tế đã tiến hành nhiều điều tra để làm rõ các hành động chống lại quyền tự do ngôn luận trên mạng, như «hạn chế nội dung» với lý do luật pháp quốc gia đòi hỏi, đóng cửa tài khoản cá nhân mà không thông báo, hạn chế truy cập các trang truyền thông độc lập có quan điểm chỉ trích chính quyền. Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh việc nhiều đại tập đoàn kỹ thuật số tiếp tay cho chính quyền kiểm duyệt trên mạng diễn ra trong bối cảnh chính quyền Việt Nam tiến hành đàn áp tự do ngôn luận một cách có hệ thống, với việc «hình sự hóa» nhiều phát biểu trên mạng, dựa trên các điều  luật mơ hồ, hành hung, hăm dọa những người bất đồng chính kiến, tổ chức lực lượng dư luận viên nhằm «giám sát, quấy nhiễu» những người bất đồng chính kiến trên mạng, và định hướng dư luận.

Một trong các ví dụ tiêu biểu được Ân Xá Quốc Tế nêu ra là trường hợp ông Trương Châu Hữu Danh, «một nhà báo tự do nổi tiếng trong việc tố cáo tham nhũng, bất công xã hội và tố cáo viên chức chính phủ lạm quyền». Tài khoản Facebook của ông Trương Châu Hữu Danh hiện có gần 150.000 người theo dõi. Trong thời gian từ 26/03 đến ngày 08/05/2020, Trương Châu Hữu Danh đăng hơn 100 bài trên Facebook về hai đề tài: lệnh cấm xuất khẩu gạo và án tử hình với Hồ Duy Hải. Trương Châu Hữu Danh cho biết, trong tháng 6, «tổng cộng hàng trăm bài viết đã biến mất, mà không nhận được bất cứ thông báo nào».

Ân xá Quốc tế cũng lập danh sách tổng cộng 69 trường hợp «tù nhân lương tâm», gồm 53 nam và 16 nữ, hiện đang bị giam giữ vì đã bày tỏ quan điểm của mình tại các diễn đàn trên mạng.

Báo cáo dài hơn 70 trang, bằng tiếng Anh và tiếng Việt, mang tựa đề «Let us Breathe! / Hãy để cho chúng tôi thở», dựa trên các điều tra do Ân xá Quốc tế thực hiện từ tháng 9/2019 đến tháng 7/2020. Thông tin có từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm 31 cuộc phỏng vấn các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, cựu tù nhân lương tâm, thân nhân các tù nhân lương tâm đang bị giam giữ và luật sư về nhân quyền...

Ân xá Quốc tế cũng đăng tải phản hồi của Facebook. Theo công ty này, số lượng bị «hạn chế quyền truy cập» trên mạng Facebook theo đòi hỏi của chính quyền Việt Nam chỉ là «một phần rất nhỏ trong số hàng trăm triệu bài được đăng ra trong cùng thời kỳ». Tập đoàn Hoa Kỳ cũng khẳng định, sự nhân nhượng «rất nhỏ» này diễn ra trong bối cảnh các cơ sở cung cấp các dịch vụ của Facebook «phải chịu áp lực chưa từng có từ chính quyền Việt Nam». Tốc độ truy cập Facebook bị hạn chế đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến đầu tháng 4/2020.

Ân Xá Quốc Tế không chấp nhận bào chữa nói trên. Tổ chức bảo vệ nhân quyền này cảnh báo: «Việc Facebook công khai công nhận quyết định tăng cường tuân thủ những đòi hỏi kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam vào tháng 4/2020 và thành tích lâu năm của Google trong việc tuân thủ những đòi hỏi kiểm duyệt tùy tiện của giới chức trách, đang gây ảnh hưởng gián tiếp tại các nước ở Đông Nam Á và cả các nơi khác».

Khuyến nghị của Ân Xá Quốc Tế

Báo cáo của Ân Xá Quốc Tế một mặt thừa nhận «Việt Nam ngày càng chính thức công nhận các quyền con người bằng luật pháp, qua những đảm bảo về các quyền con người ghi trong Hiến pháp năm 2013», mặt khác nhấn mạnh tình trạng «gia tăng truy tố và quấy nhiễu các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là những người bày tỏ quan điểm trên mạng». Ân Xá Quốc Tế gửi đến chính quyền Việt Nam 6 khuyến nghị, trong đó có «chấm dứt việc hạn chế các nguồn thông tin trên mạng… tạo môi trường thuận lợi cho các nhà báo, những nhà báo-công dân, blogger và những người bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng».

Về phía các tập đoàn tin học, Ân Xá Quốc Tế đưa 9 khuyến nghị, trong đó có yêu cầu «Thực hiện đánh giá kỹ lưỡng các tác động nhân quyền trong việc phát triển chính sách và sản phẩm trên cơ sở thường xuyên dựa vào những tham vấn từ công chúng và xã hội dân sự». Ân Xá Quốc Tế đặc biệt yêu cầu chính phủ Mỹ «đưa ra luật quy định các công ty công nghệ đăng ký trụ sở tại Hoa Kỳ phải đảm bảo tôn trọng nhân quyền phù hợp với Các Quy tắc Hướng dẫn về Doanh nghiệp và Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc».

“Hãy để chúng tôi thở” bản tiếng Việt, bản tiếng Anh

T.T.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

Đọc thêm

Facebook, YouTube bị tố đồng lõa CSVN đàn áp nhân quyền

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế cáo buộc Facebook và YouTube chỉ vì tiền mà tiếp tay cho nhà cầm quyền CSVN đàn áp nhân quyền.

Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International – AI) hôm Thứ Hai, 30 Tháng Mười Một, công bố bản nghiên cứu dài 76 trang cáo buộc hai nhà mạng khổng lồ Facebook và YouTube đồng lõa với nhà cầm quyền CSVN đàn áp nhân quyền tại Việt Nam qua các hành động “kiểm duyệt và đàn áp ở mức độ quy mô tầm mức kỹ nghệ.”

Logo công ty Facebook. (Hình: AFP/Getty Images)

Ân Xá Quốc Tế lên án hai nền tảng thông tin toàn cầu nói trên đã công khai cho biết họ sẵn sàng chiều theo ước muốn của các chế độ độc tài. Bao lâu nay, những người đứng đầu các công ty nói trên lặp đi lặp lại rằng nền tảng thông tin của họ là “thành trì” (bastion) của “tự do biểu đạt.”

Tuy nhiên, tại Việt Nam, xứ này chẳng khoan nhượng gì những người bất đồng chính kiến. Họ tuân theo hàng trăm lời đòi hỏi của CSVN yêu cầu kiểm duyệt nội dung các bài viết hay video clip của nhiều người chỉ trong năm nay. Các thứ bị Facebook và YouTube kiểm duyệt gồm cả những lời chỉ trích ôn hòa của giới bất đồng chính kiến đối với chế độ, vốn được bảo vệ theo luật lệ quốc tế về nhân quyền.

Việt Nam với hơn 60 triệu người sử dụng Internet là thị trường béo bở của cả Facebook và YouTube. Năm 2018 vừa qua, Facebook kiếm dược lối $1 tỷ lợi nhuận từ quảng cáo tại Việt Nam, tương ứng một phần ba lợi nhuận của họ toàn khu vực Đông Nam Á. Công ty Google cũng kiếm được $475 triệu từ dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam trên YouTube.

“Facebook, cho đến nay, là nền tảng thông tin kiếm dược nhiều tiền nhất tại Việt Nam,” bà Ming Yu Hah, phó giám đốc chiến dịch khu vực của tổ chức Ân Xá Quốc Tế nhận định. Theo bà, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm tôn trọng nhân quyền tại bất cứ nơi nào họ hoạt động, kinh doanh.

“Ngày nay, những nền tảng thông tin trên trở thành nơi săn lùng (các người chống đối) của những kẻ kiểm duyệt, các lính an ninh mạng, hay những kẻ bênh chế độ. Các nền tảng Facebook, YouTube không chỉ mặc kệ đám đó hoạt động mà ngày càng gia tăng đồng lõa,” bà nói thêm.

Chỉ nửa đầu năm 2020, Facebook đã tuân theo lệnh của Hà Nội xóa bỏ 834 nội dung bị CSVN coi là xấu độc. Con số vừa kể gia tăng gấp bội so với sáu tháng cuối năm ngoái. Theo Ân Xá Quốc Tế, sự gia tăng đó một phần do CSVN muốn ngăn chặn những thông tin và bình luận về vụ nhà cầm quyền đàn áp đẫm máu tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Tháng Tư vừa qua, Facebook đã đồng ý gia tăng hạn chế nội dung theo áp lực của Hà Nội bằng cách tắt máy chủ ở khu vực, làm cho mạng này trở nên chậm hẳn. Ân Xá Quốc Tế nói rằng quyết định đó có thể dẫn đến hệ quả toàn cầu khi các nước khác cũng có thể áp dụng biện pháp tương tự để kiểm soát quần chúng.

Trong một bản tuyên bố, Facebook nói mấy tháng qua, họ bị áp lực của nhà cầm quyền CSVN ép phải giới hạn nội dung nhiều hơn nữa. Facebook chống chế rằng: “Chúng tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để bảo đảm rằng dịch vụ của chúng tôi vẫn sẵn sàng phục vụ để mọi người tiếp tục bày tỏ.”

Sáu nhà tranh đấu nhân quyền, tự do ngôn luận, sử dụng Facebook để thông tin, bình luận thời sự bị nhà cầm quyền CSVN giam giữ, chưa có án tù. (Hình: HRW)

Tuy cởi trói kinh doanh để có nhiều tiền nuôi chế độ, CSVN vẫn ngày càng siết chặt quyền tự do thông tin, tự do phát biểu của người dân. Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) xếp Việt Nam gần cuối bảng, hạng 175 trên 180 nước được khảo sát về quyền tự do thông tin. Nhóm cuối bảng này gồm những nước Cộng Sản, độc tài quân phiệt hay tôn giáo cuồng tín như Bắc Hàn, Trung Quốc, Iran, Cuba…

Những người bất đồng chính kiến dùng các mạng xã hội để viết, đưa hình ảnh trái với chủ trương tuyên truyền của nhà nước đều bị quấy rối, sách nhiễu, đe dọa, khủng bố dưới mọi hình thức trước khi bị ném vào tù. Chế độ CSVN công khai tuyên bố có những lực lượng đấu tranh trên mạng với hàng chục ngàn lính hay cán bộ như “lực lượng 47,” dư luận viên.

Hiện một số người đang bị giam giữ và chưa biết bao giờ có án tù như những người đứng đầu Hội Nhà Báo Độc Lập, nhà văn Phạm Thành, nhà hoạt động Đinh Thị Thu Thủy…

Tổ chức Bảo Vệ Người Bảo Vệ Nhân Quyền gần đây thống kê nói nhà cầm quyền CSVN đang giam trong các nhà tù trên cả nước ít nhất 258 tù nhân lương tâm. (TN) [qd]

Nguồn: htnguoi-viet.com

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn