Bầu cử Mỹ: Vụ bang Texas kiện bốn tiểu bang chiến trường lên Tối cao Pháp viện (Phần 1 và 2)

Minh Phạm

PHẦN 1:

Vụ Texas kiện Pennsylvania, Wisconsin, Georgia và Michigan vi phạm Hiến pháp liên bang liên quan đến luật bầu cử.

Texas, tiểu bang mà Đảng Cộng hòa chiếm đa số (trong bầu cử gọi là bang đỏ) đệ đơn kiện bốn tiểu bang chiến trường Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin lên thẳng Tối cao Pháp viện liên bang mà không qua thủ tục thông thường.

Quả là một vụ kiện “bất thường”, dễ hiểu là đơn kiện đã quá hạn theo luật bầu cử liên bang và cũng vì nó (vụ kiện) là hậu quả của một kỳ bầu cử tổng thống bất thường.

Tổng cộng 4 tiểu bang bị kiện có 62 phiếu đại cử tri. Ông Joe Biden đã thắng tất cả các tiểu bang trên.

Phát động vụ kiện này là Tổng chưởng lý Texas Ken Paxton, thành viên Đảng Cộng hòa và là đồng minh chính trị thân cận với Tổng thống Donald Trump.

Đơn kiện cho rằng, những luật thay đổi thể thức bầu cử để đối phó với Covid 19 để cho phép bầu cử bằng thư (mail-in ballot) ở các tiểu bang này là vi hiến nên cần hủy bỏ kết quả bầu cử ở các tiểu bang này. Đơn kiện cũng yêu cầu Tối cao Pháp viện liên bang hoãn ngày bỏ phiếu của các đại cử tri (14/12/20), một ngày vốn đã trở thành nhất định theo luật liên bang từ năm 1887.

Ông Paxton biện minh cho việc kiện thẳng lên Tối cao Pháp viện của ông là nhờ vào “Thẩm quyền căn bản của Tòa án do Hiến pháp liên bang minh định” (original jurisdiction).

Một điều bất thường về thủ tục khởi kiện cần biết là, một vụ kiện của chính quyền tiểu bang lên Tối cao Pháp viện sẽ do “Tổng chưởng lý tiểu bang bên cạnh Tối cao Pháp viện liên bang” (the solicitor general of Texas) - người đại diện bảo vệ quyền lợi (luật sư) của chính quyền tiểu bang - là ông Kyle Hawkins phát động, chứ không phải do Tổng chưởng lý Paxton phát động. Ông Kyle Hawkins đã không ký vào đơn khởi kiện.

Theo Giáo sư Justin Levitt của Trường Luật Loyola Law School ở California thì việc này khả dĩ chấp nhận được. Ông Hawkins không phản hồi khi được hỏi lý do.

Tổng thống Donald Trump gọi vụ kiện này là một vụ kiện “khủng” (the Big one) và nói rằng ông sẽ tìm cách can thiệp vào vụ kiện.

Các quan chức chính quyền từ Georgia, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin gọi vụ kiện này là đòn tấn công vào nền dân chủ Mỹ.

***

Rebecca Green, Giáo sư Trường Luật William & Mary Law School ở Virginia, cho rằng, tiểu bang Texas không có tư cách kiện các tiểu bang khác. “Quả thật đây là một vụ kiện bất thường, đi ngược lại thẩm quyền của các tiểu bang đã được Hiến pháp liên bang trao cho. Việc một tiểu bang này đi kiện một tiểu bang khác là chuyện vớ vẩn”.

(Nếu quan tâm, xin đọc Hiến pháp 1787 ủy quyền cho chính quyền các tiểu bang điển chế luật bầu cử tổng thống, các điều khoản Hiến-định Elections Clause, tức Điều I, phần 4 khoản 1; và Electors Clause, tức Điều II, phần 1 khoản 2).

Giáo sư Green cũng cho rằng, vụ kiện mở ra một tiền lệ xấu mở màn cho nhiều vụ kiện tương tự như trên ở nước Mỹ.

Giáo sư Jonathan Adler của Trường Luật Case Western Reserve University School of Law ở Ohio cho rằng, các thẩm phán Cộng hòa có thể thụ-lý vụ kiện (grant) trên cơ sở “thẩm quyền căn bản”; nhưng điều đó không có nghĩa là Tối cao Pháp viện bênh vực ông Paxton.

Giáo sư Adler còn nói thêm, sở dĩ ông Paxton phát động vụ kiện là chỉ để mong chờ được ông Trump ban cho lệnh Đại xá vì ông Paxton đang bị Công tố viện tiểu bang điều tra về tội “hối lộ” và tội “hối mại quyền thế”.

Theo Giáo sư Josh Blackman, chuyên gia về luật bầu cử của Trường Luật South Texas College of Law, thì “cứ cho là lý-đoán (biện minh trạng) của ông Paxton có lý, nhưng kết quả không thể khả quan hơn vì thỉnh cầu của ông là thiếu-thực-tế khi vứt bỏ hàng chục triệu phiếu bầu” và “đó không phải là mục tiêu tối hậu của luật bầu cử”.

(Đòi hủy bỏ kết quả bầu cử ở 4 tiểu bang, tức tước quyền bầu cử của công dân, hoãn ngày bầu cử của các đại cử tri, tức một cách gián tiếp làm vô hiệu một đạo luật bầu cử liên bang được tôn trọng từ năm 1887).

Joshua Douglas, một Giáo sư về luật bầu cử của đại học Kentucky (University of Kentucky), thì nói rằng, “khiếu nại và thỉnh cầu của nguyên đơn thật đáng tức cười. Đây là một vụ kiện vớ vẩn và không nên xem xét nó vì tính chất vớ vẩn của nó”.

***

Trong khi ông Trump đã nộp đơn xin dự-sự (intervene) với tư cách cá nhân do luật sư John Eastman làm đại diện, thì 17 tiểu bang ủng hộ thỉnh cầu hoãn ngày bỏ phiếu của đại cử tri từ Texas, bao gồm Missouri, Alabama, Arkansas, Florida, Indiana, Kansas, Louisiana, Mississippi, Montana, Nebraska, North Dakota, Oklahoma, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Utah và West Virginia.

Sự ủng hộ của 17 tiểu bang trên thông qua một Bản Lý nghị (Amici Curiae, bản Góp-ý, Đề-nghị có tính tham khảo nhiệm ý chứ không bắt buộc) trên cơ sở chính quyền các tiểu bang là “Thân hữu của Tòa” (Friend of the Court, amicus curiae).

Lưu ý: Cần xác định tính chất chuyên môn của Bản Lý nghị. Tài liệu này KHÔNG có giá trị pháp lý vì 17 tiểu bang chỉ lên tiếng ủng hộ chứ KHÔNG tham gia với Texas như một đồng nguyên đơn (Co-plaintiff).

Tối cao pháp viện liên bang gồm 9 thẩm phán, trong đó có 3 người do ông Trump đề cử trong số 6 thẩm phán Cộng hòa, và đây là điều mà ông Trump cùng người ủng hộ ông “bám víu” vào những giây phút cuối cùng khép lại cuộc bầu cử tổng thống 2020.

Cần nhắc lại, vì Tối cao Pháp viện liên bang không phải là một cấp xét xử theo thường-luật nên Pháp viện không có nghĩa vụ xét xử các Đơn Thượng-cầu (gọi là Đơn-Kiện lên Tối cao Pháp viện liên bang cho dễ hiểu chứ ngữ nghĩa không chính xác về chuyên môn). Chính vì thế mà Pháp viện không cần nêu lý do.

Xét xử tại Tối cao Pháp viện liên bang phải qua 2 thủ tục: Trước tiên phải được ít nhất 4/5 thẩm phán chấp nhận thụ lý (grant: nhận đơn), và sau đó là xét xử với kết quả chung quyết 5/4 thẩm phán.

Theo Reuters, Foxnews, Law & Crime

PHẦN 2:

Cùng với phản đối từ Wisconsin, Georgia, Michigan; trong Biện-minh-trạng gởi đi sớm nhất của mình theo yêu cầu của Tối cao pháp viện, chính quyền tiểu bang Pennsylvania chỉ trích đích danh Ken Paxton, Tổng chưởng lý Texas - người đang bị FBI điều tra hình sự - cùng 17 Tổng chưởng lý các tiểu bang có tên trong bản Lý-nghị ủng hộ Nguyên đơn Texas hôm 9/12, là người “xúi giục gây bạo loạn”.

***

Và mới đây sáng sớm, ngày thứ năm 10/12/20, đã quá thời hạn luật định để chấm dứt tranh chấp kết quả bầu cử và chỉ còn 3 ngày để các Đại cử tri đi bỏ phiếu; Tổng thống Trump lại tweet: “Tối cao Pháp viện có một cơ hội cứu lấy đất nước chúng ta ra khỏi cuộc bầu cử gian lận lớn nhất trong lịch sử Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ!

Sau bữa trưa hôm trước tại Bạch Cung với 18 Tổng chưởng lý của 18 tiểu bang (đỏ) ủng hộ ông Trump để kêu gọi Tối cao pháp viện liên bang hủy bỏ kết quả bầu cử theo đơn kiện của tiểu bang Texas; ngay chiều hôm đó, 106 trong số 196 Dân biểu Cộng hòa tại Quốc hội liên bang đã gởi một Bản Lý-nghị ủng hộ Texas cho Tối cao Pháp viện. Cao cấp nhất trong số 106 thành viên Hạ nghị viện ấy là Phụ tá Thủ lãnh khối thiểu số (Minority Whip) Steve Scalise (từ Louisiana), và chủ tịch Ủy ban quốc gia các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa Tom Emmer (từ tiểu bang Minnesota).

Quả là một cuộc “bạo loạn chính trị” vô tiền khoáng hậu!

***

Pennsylvania, Michigan, Georgia và Wisconsin là những “bãi chiến trường” đúng nghĩa.

Ở “chiến tuyến bên kia”, hai mươi tiểu bang, hai vùng lãnh thổ và thủ đô Washington DC cùng gởi phản đối của họ lên Tối cao Pháp viện. Trong 29 trang Lý-nghị (phản đối) do Karl Racine, Tổng chưởng lý DC (Dân chủ) chấp bút, các Tổng chưởng lý phản đối Texas, cáo buộc Texas đã “giải thích Hiến pháp một cách sai lầm, khiến gây hại cho tính-toàn-vẹn-lãnh-thổ” (tức phá hoại các nguyên tắc của chủ nghĩa liên bang, principles of federalism).

Hơn thế nữa, Bản Lý-nghị phản đối còn kết tội Texas và các tiểu bang ủng hộ Texas đã giải thích Hiến pháp theo khuynh hướng vô hiệu thẩm quyền của các Viện Lập pháp tiểu bang (của các bị đơn Pennsylvania, Michigan, Georgia và Wisconsin), vô hiệu luật pháp liên bang, đặc biệt là làm sai lệch ý nghĩa của Điều khoản Hiến-định về thể thức bầu chọn Đại cử tri (tức Điều khoản Electors Clause trong Hiến pháp liên bang).

Ngoài ra, việc kiện cáo “vượt cấp” của Tổng chưởng lý Texas cũng bị các tiểu bang phản đối, lên án là “hành vi làm đảo lộn vai trò của hệ thống tòa án liên bang, làm suy yếu vai trò của Quyền Tư pháp liên bang”.

Bản Lý nghị trích dẫn phát ngôn của Chris Krebs, lãnh đạo cơ quan An ninh Mạng Quốc gia, người vừa bị Tổng thống Trump sa thải cũng chính vì câu phát ngôn này; rằng cuộc bầu cử Tổng thống 2020 là “cuộc bầu cử an toàn nhất trong lịch sử” (các cuộc bầu cử tổng thống).

Bản Lý nghị tiếp tục chỉ trích Texas “sính tụng” sau hàng chục vụ kiện của Tổng thống Trump và những đồng minh chính trị của ông đòi hủy bỏ kết quả bầu cử vô căn cứ, đã bị các tòa án ở mọi cấp bác bỏ.

Cpác tiểu bang (Dân chủ) và lãnh thổ phản đối Texas và đồng minh của Texas gồm: Thủ đô Washington DC, California, Colorado, Connecticut, Delaware, Guam, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts, Minnesota, Nevada, New Jersey, New Mexico, New York, North Carolina, Oregon, Rhode Island, Vermont, Virginia, U.S. Virgin Islands và Washington. Đây cũng là các tiểu bang mang lại chiến thắng cho ông Biden, ngoại trừ North Carolina.

Đa số các nhà lập pháp Cộng hòa tại Quốc hội liên bang đều ủng hộ ông Trump qua đơn kiện của Texas, nhưng cũng có hàng tá nhà lập pháp Cộng hòa “ngấm ngầm” ủng hộ ông Biden. Thậm chí mới đây, Nghị sĩ cộng hòa Ben Sasse (tiểu bang Nebraska) nói “toạc móng heo” ra rằng, ông Paxton đi kiện “chỉ để xin Tổng thống (Trump) đại xá các tội hình sự mà ông này đang bị FBI điều tra”.

Lưu ý: Nói lần nữa cho rõ về thuật ngữ pháp lý Latin. “Amicus Curiae”: “Friend of the Court”: “Thân hữu của Tòa”, dùng để nói lên mình có tư cách đóng góp ý kiến cho Tòa.

Sự đóng góp ý kiến ấy thông qua một Bản đề nghị các ý kiến pháp lý có liên quan đến vụ kiện. Bản đề nghị mang tính chất pháp lý đó được gọi là tắt là Lý-nghị (Amicus Curiae, số nhiều là Amici Curiae). Tòa án có quyền đọc hoặc… không thèm đọc Lý-nghị!

Thuật ngữ luật pháp này xuất phát từ tiếng Latin mà các ngôn ngữ khác không diễn tả đầy đủ ý nghĩa.

Các “Thân hữu của Tòa” thân thiết và gần gũi nhất của tòa là… Bị đơn, Nguyên đơn, các đồng bị đơn và đồng nguyên đơn, dự sự (intervene: can thiệp, xin tham gia vụ kiện với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan, có thể cùng ủng hộ Nguyên đơn hoặc bị đơn).

Các nhà nghiên cứu luật, Giáo sư luật…cũng là thân hữu của tòa.

M.P.

Nguồn:

Phần 1: baotiengdan.com/2020/12/10

Phần 2: baotiengdan.com/2020/12/11

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn