Chưa thể có Luật Biểu tình vì sợ các thế lực thù địch, phản động?

Hoài Nguyễn

Bộ Công an là nơi được giao chấp bút soạn dự thảo Luật Biểu tình. Theo Bộ này, hiện tại chưa thể trình dự luật được vì có đủ thứ lo ngại…

VNTB – Chưa thể có Luật Biểu tình vì sợ các thế lực thù địch, phản động?

    Theo Bộ Công an, vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc, chưa thống nhất cao về đối tượng áp dụng, những trường hợp không được tổ chức, tham gia biểu tình, thẩm quyền cho đăng ký biểu tình…

    Cạnh đó, vẫn theo Bộ Công an, dự án Luật Biểu tình có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, được quần chúng nhân dân rất quan tâm nên cần phải được nghiên cứu kỹ, bảo đảm chất lượng, phù hợp với thực tiễn, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của luật mà xuyên tạc, hoạt động chống phá.

    Mặt khác, để thực hiện có hiệu quả luật, Bộ Công an cho rằng cần phải hoàn thiện các đạo luật có liên quan, như Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ…

    Do đó, Bộ Công an đã đề xuất và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lùi thời gian trình dự thảo luật, để có thêm thời gian nghiên cứu, thống nhất nội dung và hoàn thiện sau đó sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo quy định.

    Ghi nhận ý kiến từ một số sinh viên Trường Đại học Luật TP.HCM, thì Quốc hội nên ban hành Luật Biểu tình dựa trên những nguyên tắc như sau: Thứ nhất, cần phải hiểu biểu tình là hành động đưa ra quan điểm hay ý kiến của một tập thể, một cộng đồng, hay còn gọi là quan điểm của nhiều công dân về một vấn đề nào đó.

    Và hành động để biểu hiện ra những quan điểm đó phải được quản lý chặt chẽ, mọi hành động đều nằm trong một giới hạn nhất định. Như vậy, những nguyên tắc của Luật Biểu tình nên được xây dựng dựa trên chính phạm vi của khái niệm này.

    Ví dụ như: Không được sử dụng bạo lực để nhằm gây tổn thất đến các tài sản của nhà nước và chính quyền, không được kích động hay gây tác động xấu về mặt tư tưởng của những công dân khác nhằm chống phá nhà nước,…

    Thứ hai, về phía nhà nước, cần có những biện pháp nhằm bảo vệ các công dân về mặt tư tưởng, cũng như giúp các công dân tránh khỏi những thế lực phản động. Và nhà nước cũng cần có những phương pháp răn đe, phương pháp mang tính bắt buộc đối với những công dân nào, hay thế lực thù địch với mục đích tuyên truyền tư tưởng sai trái, gây tổn thất về an ninh chính trị.

    Bộ trưởng Bộ Tư pháp - ông Lê Thành Long nói rằng việc hoãn trình dự án Luật Biểu tình ra Quốc hội còn là thực hiện theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ với yêu cầu Bộ Công an tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án luật bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước.

    Do đó, luật này Chính phủ cũng chưa đề nghị đưa vào chương trình xây dựng luật trong năm 2020 và cả ở năm 2021.

    Một số sinh viên trường Luật đã thảo luận rằng Điều 25 Hiến pháp 2013 có ghi nhận công dân được quyền biểu tình theo pháp luật, tuy nhiên pháp luật chưa có quy định gì về biểu tình, nên công dân không được thực hiện quyền này trong đời sống.

    Mặt khác, với lý do pháp luật không có quy định, nên dễ dẫn đến suy nghĩ một cách tùy tiện, nhiều trường hợp đúng bản chất là biểu tình hợp hiến, nhưng bị hiểu sai lệch thành bạo động. Như vậy quyền lực nhà nước sẽ đàn áp kẻ bạo động, mà đáng lẽ ra công quyền được sử dụng để bảo vệ công dân biểu tình.

    “Dưới góc độ người dân thì cần thiết có luật biểu tình, vì từng có rất nhiều cuộc biểu tình xảy ra, nhưng do không có luật biểu tình, nên người dân dễ biến biểu tình thành bạo động, và như vậy là trái pháp luật. Luật biểu tình ban hành sẽ làm cho người dân biết thế nào là biểu tình, và thế nào là biểu tình hợp pháp.

    Xét ở góc độ khác, khi chưa có luật biểu tình, các thế lực xấu nói Đảng - Nhà nước Việt Nam xâm phạm quyền con người, và yêu cầu Việt Nam phải xây dựng luật biểu tình. Nhưng nếu xây dựng xong và ban hành thì mọi chuyện có khá lên không?

    Tất cả đều có sự thuận lợi và khó khăn riêng, nhưng đã gọi là nhà nước pháp quyền thì vẫn cần phải có luật. Việc xây dựng luật phải áp dụng được và bớt các nghị định ‘chết’ như hiện nay!” - một sinh viên biện luận.

    Tại buổi hội luận này, vị giảng viên trường luật đặt vấn đề cho dẫn dắt trao đổi quanh chủ đề về luật biểu tình: “Hiện chúng ta có hòa bình, còn an bình thì cũng tùy mỗi người cảm nhận. Năm 1975, chúng ta thống nhất đất nước. Năm 1978, chúng ta phải chống họa diệt chủng Polpot phía nam.

    Năm 1979, chúng ta phải chống Trung Quốc xâm lược biên giới phía bắc. Năm 1988, Trung Quốc tấn công chiếm một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam. Hiện nay Trung Quốc đang lấn chiếm Biển Đông, trong đó có 1 số đảo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, còn Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm năm 1974 từ chính thể Việt Nam Cộng Hòa, thông qua Đường lưỡi bò chín đoạn.

    Hàng ngày ngư dân Việt Nam bị o ép trên biển, bị bắn giết, bị bắt nộp tiền chuộc… Đó là thứ chính trị cường quyền.

    Vậy thì chúng ta có nên biểu tình trong khuôn khổ Luật biểu tình để chống lại Trung Quốc độc chiếm Biển Đông không?”.

    Một giảng viên khác đã tiếp lời bằng một câu duy nhất mang tính kết luận: “Vâng, không có pháp luật về biểu tình, về quyền tự do lập hội,… chúng ta cũng sống có sao đâu, chỉ tiếc rằng không thể sống đúng nghĩa như một con người!”

    H.N.

    VNTB gửi BVN.

    Sáng lập:

    Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

    Điều hành:

    Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

    Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

    boxitvn.online

    boxitvn.blogspot.com

    FB Bauxite Việt Nam


    Bài đã đăng

    Được tạo bởi Blogger.

    Nhãn