Cơ hội làm sạch nhân sự, chấn hưng giáo dục

Chu Mộng Long

Gần đây, các Báo Thanh niên, Báo Tuổi trẻ tiếp tục có các bài viết liên quan đến việc xử lý sai phạm trong Vụ án Đại học Đông Đô. Tiến sĩ Chu Mộng Long, người có thâm niên trong ngành giáo dục đào tạo, tiếp tục có những bài viết phản biện sắc sảo, chỉ ra tận cùng “lỗi hệ thống”.

Không phải là buông lỏng quản lý mà là QUẢN LÝ GIAN

Viện KSND tối cao yêu cầu điều tra việc dùng bằng giả của Trường ĐH Đông Đô

Trường Đại học Đông Đô

ẢNH: GIA HÂN

Tiến sỹ Lê Viết Khuyến viết: "Tôi đọc báo thấy Trường ĐH Đông Đô có công văn gửi Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT báo cáo thống kê năm học 2014-2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, trong đó không đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT lại có thông báo chỉ tiêu tuyển sinh của ĐH Đông Đô, trong đó có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy. Họ không xin, tại sao lại cho?"

Không xin mà Bộ tự giác cho thì đúng là "không buông lỏng quản lý" mà quản lý sâu sát đến từng cá thể trong 500 chỉ tiêu trên trời rơi xuống. Chẳng khác gì yêu quái trong Tây du ký. Theo tôi, phải truy ra, thần tiên nào trên Bộ sai yêu quái đến Đông Đô để mua bằng?

Tôi khẳng định, chuyện mua bán bằng ở Đông Đô chỉ là bề nổi của tảng băng. Bộ có dám đối mặt với thực chất trình độ ngoại ngữ so với hàng triệu tấm bằng ngoại ngữ trên toàn quốc gia? Cứ lôi cổ một giáo sư, tiến sỹ nào đó ra hậu kiểm xem chứ không cần loại nghiên cứu sinh, thạc sỹ hay một giảng viên, giáo viên nhãi nhép nào đó đã được cấp bằng hay chứng chỉ trong đề án ngoại ngữ quốc gia.

Đông Đô không chỉ là Đông Đô. Và ngoại ngữ không chỉ là ngoại ngữ. Khi dạy hệ ngoài chính quy, nhiều lần học viên nghỉ học đến quá nửa hoặc thuê người học thay, tôi tức giận quát: Nếu các bạn không cần học mà chỉ cần bằng thì cứ đến thẳng Hiệu trưởng mà mua, khỏi mất công tôi đi dạy và các bạn đi học. Hãy quy một tấm bằng bao nhiêu tiền, nộp một lần rồi chia nhau ăn, chắc chắn đỡ tốn kém hơn so với trò tổ chức dạy và học giả tạo!

Hiện nay các hệ đào tạo mở tràn lan để hợp thức hoá bằng cấp, chứng chỉ. Tại chức mở đến tận huyện, xã vùng sâu vùng xa. Hết ngoại ngữ, tin học đến nâng ngạch, giữ ngạch, rồi đến bồi dưỡng hay đào tạo lại. Gần như tất cả đều học giả bằng thật. Ai xin ai cho và ai chịu trách nhiệm về chất lượng?

Mỗi khi lên lớp dạy cho sinh viên chính quy, nhìn các em, tôi thật xót xa. Các em bị sàng từ đầu vào, bị rèn luyện lẫn bị nhồi nhét kiến thức suốt 4 năm học. Thi cử thì rất nghiêm ngặt. Nhưng trong số hàng vạn em chăm chỉ học hành, có bao nhiêu em xin được việc làm, trong khi thành phần hợp thức hoá bằng cấp đã chiếm hết chỗ? Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa biết học tại chức là học kiểu gì mà dám trình dự luật đánh đồng chính quy với tại chức. Các đại biểu quốc hội bấm nút thông qua luật đánh đồng tại chức với chính quy, có bao giờ nghĩ chính mình đã bấm nút thả bom nguyên tử không?

Vui một nửa

Tôi vui được một nửa khi đọc tin Viện KSND tối cao yêu cầu điều tra danh sách cán bộ mua bằng trong vụ án Trường Đại học Đông Đô. Đây là bước đầu truy vào hang ổ chấy rận của liên ngành nội vụ và giáo dục.

Nội vụ và giáo dục không làm được thì bên hành pháp phải làm. Phải có sự khách quan từ cơ quan kiểm sát, bởi nói như Einstein, không thể sửa sai bằng bàn tay của kẻ đã làm sai. Cách tạo ra chuẩn trên chuẩn của Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo là nguyên nhân của hiện tượng chạy bằng cấp và chạy ghế. Đến lúc hai bộ này phải xem lại các loại chuẩn: chuẩn bằng cấp, chuẩn các loại chứng chỉ mà năng lực cán bộ không thể vươn tới và sự thực là nhu cầu công việc không cần đến.

Sự thực là khi đặt ra chuẩn ngoại ngữ B1, C1 Châu Âu cho giáo sư, tiến sĩ, thậm chí đến giáo viên vùng sâu vùng xa cũng buộc phải có thứ xa xỉ đó, người ta đã phải làm gì để có thể đạt tới nếu không phải mua? Những loại chứng chỉ khác cũng thế, chuẩn hạng ngạch chẳng hạn, người ta phải làm gì để hợp thức hoá cho đẹp hồ sơ? Các loại chuẩn đó dọn đường cho những phi vụ buôn gian bán lận trong giáo dục, các cơ sở giáo dục bày trò tạo chương trình, mở lớp đào tạo tràn lan, nhưng thực chất là làm tiền. Học hành chỉ là giả!

Rồi nữa việc Bộ Giáo dục và Đào tạo nổi hứng yêu cầu nghiên cứu sinh hay ứng viên giáo sư phải có bài báo quốc tế, người ta cũng tìm cách chạy cho có bài và tạo điều kiện cho các tổ chức mafia quốc tế mua bán trên các tạp chí dỏm. Trong khi sự thực những bài báo ấy chẳng có ích nước lợi dân hơn những bài báo trong nước.

Tổ chức đứng đầu mà háo danh thì kéo theo cả xã hội háo danh. Tình trạng này phá hoại đạo đức nhân sự, học thuật và giáo dục một cách nghiêm trọng.

Viện KSND tối cao yêu cầu điều tra danh sách những người mua bằng là đúng người đúng tội. Việc mua bán và sử dụng bằng giả khác hoàn toàn với khách hàng mua nhầm hàng giả. Anh bán hàng giả, anh có tội, còn tôi mua nhầm hàng giả, tôi vô tội. Nhưng mua bán bằng giả thì không thể gọi là lừa đảo hay nhầm lẫn mà chỉ có thể là tội thông đồng, cả hai đều thuộc chế tài hình sự. Nếu không nói, trong trường hợp này, cầu quyết định cung, kẻ lợi dụng "uy tín" trong cơ quan quyền lực đã đặt hàng và kẻ bán lợi dụng chỗ dựa "có uy tín" để mua bán trắng trợn.

Tôi vui một nửa, vì Viện KSND tối cao mới chỉ yêu cầu điều tra và xử lý trách nhiệm như là kiểm điểm hành chính. Theo tôi, cần đưa hết ra toà, dù số lượng lên đến con số ngàn. Biết cắt ung nhọt thì phải đau, nhưng đây là cơ hội làm sạch bộ máy nhân sự và chấn hưng giáo dục. Còn kiểm điểm cho có thì chẳng khác gì dùng chổi lông gà quét chấy rận, hậu quả là chấy rận chui vào chổi lông gà làm tổ và chờ cơ hội sinh ra con đàn cháu đống.

C.M.L.

Nguồn: Fb Chu Mộng Long

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn