Vì sao Trung Quốc muốn kiếm ghế ở các tòa quốc tế?

TTO - Bắc Kinh đang cố gắng đưa người vào các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế nhằm định hướng, xác lập các nguyên tắc mới có lợi cho mình. Đây còn là bước chuẩn bị trước nguy cơ Trung Quốc đối mặt một loạt vụ kiện cáo về COVID-19, Biển Đông.

Vì sao Trung Quốc muốn kiếm ghế ở các tòa quốc tế? - Ảnh 1.

Các thẩm phán mới của Tòa luật biển quốc tế (ITLOS) trong lễ nhậm chức ngày 1-10-2020. Thẩm phán Đoàn Khiết Long của Trung Quốc đứng ngoài cùng, bên phải - Ảnh: ITLOS

Theo báo South China Morning Post (SCMP) ngày 5-12, nhiều chỉ dấu cho thấy đã có sự thay đổi quan điểm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về giải quyết tranh chấp quốc tế.

Gần đây nhất, trong một bài viết trên tạp chí Cầu Thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đã kêu gọi sử dụng luật quốc tế để "giải quyết các thách thức Bắc Kinh đang đối mặt".

Cựu ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh đã tới lúc Bắc Kinh phải có tiếng nói trong việc thiết lập các chuẩn mực quốc tế trong các lĩnh vực như đại dương, trí tuệ nhân tạo và khai thác vùng cực Trái đất.

"Các nước mới nổi và nước đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, đang ngày càng ủng hộ việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và tìm cách thiết lập một trật tự quốc tế công bằng, hợp lý hơn; một hệ thống quản trị toàn cầu với sự tham gia bình đẳng", ông Dương lập luận trong bài viết tháng 10-2020.

Giáo sư Liang Yunxiang của Đại học Bắc Kinh, một chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhận định Bắc Kinh đang muốn điều chỉnh chiến lược, tập trung vào việc có ghế tại các cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế.

Một trong các lý do dẫn tới sự thay đổi này là vụ kiện Biển Đông năm 2016 do Philippines đệ trình. Trung Quốc khi đó đã từ chối tham gia và cho đến thời điểm hiện tại vẫn bác bỏ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông, chỉ trích tính hợp pháp của tòa.

Hành động của Trung Quốc đã bị các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, chỉ trích là "coi thường luật pháp quốc tế".

"Từ góc độ chính sách đối ngoại, đặt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung cũng như việc các nước phương Tây thường xuyên nhấn mạnh 'trật tự quốc tế dựa trên luật lệ' và hậu quả sau vụ kiện Biển Đông, Bắc Kinh dường như nhận ra tính cấp bách của việc sử dụng luật quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia", ông Liang nêu quan điểm.

Mới đây nhất, Trung Quốc đã thành công khi đưa ông Đoàn Khiết Long vào Tòa luật biển quốc tế và bà Tiết Hãn Cần vào Tòa công lý quốc tế - hai tòa án thuộc Liên Hiệp Quốc. Trong số 15 cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc, có 4 cơ quan có người đứng đầu là công dân Trung Quốc.

Ông Jia Guide, vụ trưởng Vụ Luật pháp và điều ước quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khẳng định Bắc Kinh sẽ đóng vai trò chủ động trong thiết lập trật tự quốc tế mới nếu có thêm nhiều nhà ngoại giao và thẩm phán trên trường quốc tế.

Vì sao Trung Quốc muốn kiếm ghế ở các tòa quốc tế? - Ảnh 2.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo trái phép - Ảnh: AMTI/CSIS

Chuẩn bị cho nguy cơ bị kiện hàng loạt?

Trên thực tế, theo SCMP, việc Trung Quốc gấp rút tìm ghế ở các tòa án quốc tế là bước chuẩn bị trước nguy cơ đối mặt với một loạt vụ kiện cáo.

Tờ báo của Hong Kong nhận định sắp tới Bắc Kinh có khả năng trở thành bị đơn trong các vụ kiện tập thể ở châu Âu và Mỹ vì cách xử lý dịch COVID-19. Tại châu Á, một số chỉ dấu cho thấy Trung Quốc sẽ bị kiện vì các yêu sách chủ quyền và yêu sách hàng hải vô lý trên Biển Đông.

Ông Zheng Zhihua, một chuyên gia luật quốc tế của Đại học Giao thông Thượng Hải, tin rằng các vụ kiện chống lại Trung Quốc sẽ gia tăng. Cũng theo vị này, mặc dù Bắc Kinh có thể cử đại diện vào các tổ chức quốc tế, Trung Quốc hầu như thiếu kinh nghiệm áp dụng luật quốc tế.

Trong suốt nhiều năm qua, Bắc Kinh chỉ ưu tiên sử dụng các cuộc đàm phán song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp và bảo vệ lợi ích của mình. Trong bối cảnh sức mạnh quân sự và tiềm lực tài chính ngày một tăng, việc Trung Quốc chuyển sang ưu tiên sử dụng luật quốc tế theo SCMP là "khó".

SCMP nhận định việc thay đổi các quy tắc quốc tế để phù hợp hơn với Trung Quốc là chuyện "nói dễ hơn làm". Việc Bắc Kinh tham gia vào các tòa án, tổ chức quốc tế thường được coi là một nỗ lực khoa trương hơn là một phần có ý nghĩa trong quá trình hoạch định chính sách.

"Sức mạnh luật pháp luôn thấp hơn sức mạnh chính trị và quân sự. Luật pháp chỉ đơn giản được xem như một công cụ để hiện thực hóa quyền lực và lợi ích", giáo sư Liang nói về quan điểm vẫn chiếm thế chủ đạo ở Bắc Kinh.

Nguồn: Tuổi Trẻ

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn