Donald Trump – phải chăng một ngẫu nhiên lịch sử?

Trường An

Đọc bài này đôi khi cứ ngỡ như đang đọc lại Gorky hoặc các nhà văn thiên tả châu Âu thuở những thập niên 20-30 thế kỷ trước viết về nước Mỹ mỗi khi có dịp viễn du Mỹ quốc trở về – cái thuở mà hung thần Stalin đối với phần đông trí thức Liên Xô và Châu Âu đang là “thần tượng”, là tượng trưng sức mạnh và khí thế của một “thiên đường trần gian” đang được nhân dân Liên xô gấp rút hiện thực hóa trên một góc địa cầu.

Nói như thế không phải chúng tôi có ý chê trách bạn Trường An về những gì chứa đựng thực trạng nước Mỹ trong bài viết của bạn. Chúng tôi chỉ muốn qua đây gợi ý bạn đọc tỉnh táo hơn một chút khi đọc bài, để trong khi nghiền ngẫm những sự thật đáng kể mà bạn đề cập, không quên đi một “sự thật thứ hai”, là nếu đã thừa nhận với nhau ”chính trị bao giờ cũng là thủ đoạn”, ở đâu cũng thế và thời nào cũng vậy, thì sự “đeo mặt nạ” trong chính trị tưởng là chuyện ghê tởm, nhiều khi biết đeo cho đúng cách và đúng lúc thì lại có một hiệu ứng xã hội không nhỏ, nó giúp cho mọi tầng lớp công dân trong xã hội đó không vì mất hết niềm tin mà sinh ra cuồng nộ đến mức chém giết nhau loạn xạ, hoặc trở thành vô luân khi nhìn vào “tấm gương trần trụi” của người cầm quyền.

Cách “đeo mặt nạ” của nước Mỹ có thể bị những người cộng sản trước nay coi là “ngoáo ộp”, nhưng nhìn tổng thể thì vẫn làm cho hình ảnh nước Mỹ hiện ra trong tư cách một đàn anh dẫn đầu thế giới suốt từ Thế chiến Hai đến nay, và đó có lẽ cũng là lý do khiến nhân loại tiến bộ nhìn vào nền dân chủ Mỹ như một chuẩn mực cho mình phấn đấu.

Mà sở dĩ ngày hôm nay người dân Mỹ quyết tình phế bỏ Donald Trump sau 4 năm thử nghiệm, một phần cũng là ở chỗ ông Trump đã không biết “đeo mặt nạ” cho nghiêm chỉnh, nói cách khác là ở cái tác dụng ngược của một bi hài kịch “ông vua cởi truồng” bắt quần thần phải tung hô rằng mình mặc áo. Không nên quên sự khác nhau giữa ông ta với các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm ít hay nhiều cũng bắt nguồn từ đấy.

Bauxite Việt Nam

Khi những nhà tương lai học (futurists) cuối thế kỷ XX tiên đoán về sự suy sụp của nước Mỹ vào đầu thế kỷ XXI, vô số người cho rằng đây chẳng qua chỉ là những trò “giật tít” gây chú ý vì bản thân hình ảnh nước Mỹ suy vi đã là một viễn cảnh khó hình dung. Một nước Mỹ mênh mông, trù phú, dồi dào cả về tài nguyên thiên nhiên cũng như yếu tố con người. Một nước Mỹ chưa từng nếm trải chiến tranh trên đất quê nhà kể từ sau nội chiến gần hai thế kỷ trước. Một nước Mỹ thậm chí còn đắc lợi sau hai cuộc thế chiến trong thế kỷ XX khi nhân tài vật lực cả thế giới đổ dồn về đó. Vậy mà hãy nhìn vào nước Mỹ hôm nay ở ngưỡng cửa thập niên thứ ba của thế kỷ XXI. Mặc dù vẫn còn đó vị thế nền kinh tế số một và lực lượng quân sự số một thế giới, bên trong nước Mỹ là một sự suy sụp nhanh chóng mà điểm nhấn chính là sự chia rẽ sắc tộc sâu sắc, sự phân hóa giàu nghèo trầm trọng và sự vi phạm nhân quyền trắng trợn.

Rất nhiều người quy kết cho Donald Trump cái tội đã đưa nước Mỹ tới cái thảm cảnh ngày hôm nay. Nhưng có thật là một con người, cho dù là Tổng thống Mỹ, trong vỏn vẹn bốn năm, có thể đẩy một cường quốc vĩ đại như Mỹ tới miệng vực như ngày hôm nay hay không? Tôi không tin điều đó.

Nhiều nhà phân tích cho rằng “hiện tượng Trump” không phải một ngẫu nhiên của lịch sử mà là một kết quả tất yếu mang tính hệ thống. Ngày 20/01/2021 Trump sẽ bước xuống khỏi cương vị Tổng thống nhưng cái mà bây giờ người ta gọi là “chủ nghĩa Trump” (Trumpism) thì vẫn còn nguyên. Căn bệnh đã tồn tại và phát triển trong nước Mỹ qua hàng thập kỷ. Donald Trump chỉ là kẻ lật tấm khăn sặc sỡ che đậy nó và cái “chủ nghĩa Trump” có lẽ đã có mặt ở nước Mỹ rất rất lâu trước khi Donald Trump bước vào chính trường. Nhiều người, đặc biệt là người Mỹ, vẫn bị cái đạo đức giả của chính quyền Mỹ bịt mắt trong suốt bao năm qua. Lần đầu đọc tác phẩm “The Broker” (tạm dịch: Kẻ Môi giới) của John Grisham, tôi rất thích thú với câu chơi chữ của Rudolph, một Giáo sư Luật tại Đại học Bologna (Italy) rằng trong khi người Mỹ luôn tự hào về nền dân chủ sáng chói nhất, thực ra cái mà họ có chỉ là một hệ thống “đạo đức giả” tinh xảo nhất. Sự thú vị không chỉ đơn giản nằm trong cách chơi chữ “democracy” (dân chủ) và “hypocrisy” (đạo đức giả), mà chính ở chỗ câu chơi chữ ngắn gọn đó đã lật tẩy những giá trị mà người Mỹ vẫn thường tự hào. Để củng cố cho lập luận này, theo cách một sinh viên đại hoc viết luận văn, tôi sẽ cùng các bạn điểm lại vài sự kiện lịch sử dưới góc độ các bằng chứng (evidences) cho sự đạo đức giả toàn diện của các chính quyền Mỹ (luu ý là số nhiều).

Tự do. Nước Mỹ là biểu tượng của tự do. Nói đến nước Mỹ là nói đến tự do. Những người di cư đến Mỹ đều gọi mình là những người đi tìm tự do. Và cuối cùng là người Mỹ, họ tin họ là những con người tự do nhất trên địa cầu. Nếu những người Mỹ “tự do” và những con người đang tìm kiếm tự do ở Mỹ đọc về sự nghiệp của Edgar Hoover ở FBI như “Puppetmaster: The Secet Life of J. Edgar Hoover” hay “The Boss: J. Edgar Hoover and the Great American Inquisition” thì họ sẽ hiểu rằng cái tự do mà họ tưởng mình đang có không hề nằm trong tay họ. Trong suốt đế chế hơn nửa thế kỷ của mình, Edgar Hoover điều hành FBI không mấy khác so với tổ chức mật vụ Gestapo của phát-xít Đức khi thường xuyên theo dõi, nghe lén, hack điện thoại, thư từ, bắt cóc, giam giữ, tra tấn và thậm chí thủ tiêu bất kỳ công dân Mỹ “tự do” nào nếu họ có những quan điểm khác biệt. Chương trình phản gián COINTELPRO (Counter Intelligence Program) của FBI dưới chỉ đạo của Hoover từ năm 1956 đã hợp pháp hóa tất cả các hoạt động phi pháp của FBI nhắm vào các đối tượng bị tình nghi “chống đối”. Hoạt động nhân quyền ư? Bảo vệ Môi trường ư? Chống chiến tranh Việt Nam ư? Đấu tranh cho nữ quyền ư? Đều vào tầm ngắm của COINTELPRO hết. Đừng nói tới Martin Luther King, Fred Hampton hay Mark Clark, các nhà đấu tranh bảo vệ quyền động vật cũng không thoát khỏi COINTELPRO vì dù gì thì cũng là… đấu tranh. Còn biện pháp? Bất kể. FBI dưới cái mũ COINTELPRO toàn quyền, như đã nói ở trên, theo dõi, nghe lén, công khai bôi nhọ đối tượng trên truyền thông, dựng hồ sơ giả, ép buộc nhân chứng, cho tới bắt cóc, khủng bố và ám sát – mà họ gọi một cách văn hoa là “trung hòa” (neutralize). Fred Hampton, một thanh niên da đen 21 tuổi, một trong những lãnh đạo xuất sắc của phong trào bình đẳng cho người da đen Black Panther Party, đã bị FBI ám sát năm 1969 trong chương trình COINTELPRO. Cái mũ “Cộng sản” có thể chụp lên đầu bất kỳ ai một cách dễ dàng, nhất là những người có tư tưởng tiến bộ, và để đối phó với “Cộng sản” thì biện pháp nào mà chả được (?!). Chín đời Tổng thống trôi qua trong đế chế của Hoover và cũng nhiều người muốn gạt ông ta ra nhưng đều thất bại. Tương truyền rằng ngay cả các tổng thống cũng bị Hoover chụp “vòng kim cô” nên không đụng tới cọng lông chân của ông ta được. Điểm “thú vị” ở đây là bất chấp quy mô và tính chất khủng khiếp của COINTELPRO, rất hiếm khi truyền thông đả động tới nó, đặc biệt là trước 1975. Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC năm 1996, Noam Chomsky ngạc nhiên khi biết người phỏng vấn ông, một tay bút chính luận kỳ cục của BBC không hề có khái niệm gì về COINTELPRO. Vậy mới biết cái “tầm” của đại sư Hoover. Cái chết của Hoover năm 1972 không mấy làm thay đổi cái cấu trúc hệ thống chấp pháp ông ta đã xây dựng trong nửa thế kỷ. Những người kế tục của Edgar Hoover thực sự có thể làm rạng danh quan thầy như chương trình giám sát PRISM do cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (NSA) tung ra vào khoảng trước 2013 (và vẫn đang chạy tốt). Chương trình này cho phép các cơ quan tình báo Mỹ truy cập trực tiếp vào dữ liệu người sử dụng Internet qua server của các đại gia công nghệ như Microsoft, Yahoo, Google, Facebook… Hàng chục triệu người Mỹ và hàng trăm triệu người ở các quốc gia khác không biết rằng nhất cử nhất động của họ đều có thể bị NSA ghi nhận. Điện thoại và email là chuyện nhỏ khi NSA có thể biết rõ từng người bạn nói chuyện, từng món bạn ăn trưa, từng thứ trong siêu thị bạn mua. Thậm chí một bức ảnh chụp xong xóa ngay cũng có thể được NSA “tái chế”. Những nỗ lực pháp lý nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm mọi công ước cũng như luật lệ quốc nội về nhân quyền và dân quyền đều bị Chính phủ Mỹ phớt lờ. Bộ phim Truman Show (đạo diễn Peter Weir, 1998) có lẽ là tác phẩm xuất sắc nhất bóc trần sự giả dối của chính quyền Mỹ khi mô tả một con người sống “hạnh phúc” trong một thế giới tươi đẹp nhưng không hề biết đó chỉ là một phim trường trong đó bạn bè, công việc, các mối quan hệ cho tới bầu trời và biển cả cũng chỉ là các sản phẩm nhân tạo tuân theo một kịch bản có sẵn. Sự thật là tự do trong một… cái lồng. Cho dù cái lồng có rộng lớn đẹp đẽ đến đâu, có giống thiên nhiên đến đâu, nó vẫn là một cái lồng. Tôi không biết người khác nghĩ thế nào, theo tôi, trừ các thiền sư ra, không ai có thể tìm thấy tự do trong một cái lồng.

Bình đẳng. Điểm thứ hai mà người Mỹ vẫn tự hào là sự bình đẳng xã hội. Bình đẳng giai cấp, bình đẳng giới tính, bình đẳng chủng tộc. “Giấc mơ Mỹ” có nghĩa là, mọi người cùng có cơ hội như nhau và ai cũng có thể bước lên đỉnh cao cuộc sống. Điều này đã được minh chứng bằng những câu chuyện thành công của những người nhập cư từ hai bàn tay trắng, những câu chuyện tiêu biểu về “Giấc mơ Mỹ”. Tuy nhiên dưới con mắt các nhà xã hội học, bình đẳng là vấn đề nhức nhối không thua kém gì vấn đề Tự do ở Mỹ, nếu không nói là hơn. Chúng ta có thể bắt đầu về vấn đề bất bình đẳng trong thu nhập. Theo Inequality.org thu nhập hàng năm trung bình của nhóm 0,1% có thu nhập cao nhất nước Mỹ (khoảng 7,2 triệu đô la) cao gấp 196 lần bình quân thu nhập của 90% dân số Mỹ (dưới 10% thu nhập cao - khoảng 37.000 đô la). Về tổng tài sản sự chênh lệch này còn “ấn tượng” hơn nữa khi tổng tài sản của ba người giàu nhất nước Mỹ Warren Buffet (81 tỷ đô la), Bill Gates (106 tỷ đô la) và Jeff Bezos (114 tỷ đô la) còn lớn hơn tổng tài sản của 50% dân số Mỹ (nửa dưới) (theo thống kê mới nhất thì Warren Buffet đã bay khỏi danh sách này và được thay bằng Elon Musk (134 tỷ đôla) nhưng điều này ảnh hưởng gì đến cán cân giàu nghèo của nước Mỹ?). Thống kê rõ ràng cho thấy trên 300 triệu người Mỹ bình thường đang nai lưng ra lao động quần quật ngày đêm để khối tài sản của khoảng vài chục ông chủ lớn tăng lên ít trăm tỷ mỗi năm. Công bằng ở đâu? Và điều còn khủng khiếp hơn thế là khoảng cách thu nhập và giàu nghèo ở Mỹ tăng nhanh chóng mặt. Tổng tài sản nhóm siêu giàu của Mỹ tăng 21 lần trong chưa tới 40 năm (1982-2019) trong khi vào thời điểm tháng 10 năm 2019 40% dân số Mỹ (khoảng 140 triệu người) có thu nhập thấp hoặc thuộc diện nghèo – con số này hiển nhiên sẽ tăng vọt sau Covid-19. Và sự bất bình đẳng trong thu nhập và của cải chính là điểm khởi đầu cho các loại bất bình đẳng khác. Trẻ con nhà giàu đi học vào các trường tư danh giá sẽ có cơ hội cao hơn nhiều lần để lọt vào các trường trong Ivy League và rồi sẽ lại có cơ hội cao hơn nhiều nữa để có các công việc danh giá và địa vị xã hội danh giá. Bên chiều ngược lại, trẻ em nhà nghèo có rất ít cơ hội chen chân vào các trường đại học top đầu cũng như có được một công việc tốt. Trẻ em ở các khu ổ chuột (ghetto) thường bị nói một cách tàn nhẫn là có một đường ống (pipeline) dẫn thẳng từ trường trung học tới trại cải tạo trẻ vị thành niên (juvenile detention centre) và sau đó là nhà tù. Khái niệm school-prison pipeline trở nên quen thuộc đến mức hiển nhiên trong những cộng đồng nghèo không chỉ ở Mỹ mà còn khắp nơi trên thế giới. Theo thống kê cuối năm 2020, tỷ lệ trẻ em rơi vào school-prison pipeline ở Mỹ là cao nhất thế giới, kế tiếp bởi đối thủ truyền kiếp trong Chiến tranh Lạnh, Liên bang Nga. Một người quen của tôi từng làm việc tại trụ sở của Ngân hàng thế giới tại Washington DC trong những năm 80 kể với tôi rằng chưa ở đâu ông thấy sự tương phản giàu nghèo kinh khủng như ở Mỹ. Trên đường từ ga xe điện ngầm đi bộ tới khu trụ sở long lanh của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế ông phải đi ngang qua hàng dãy những người vô gia cư la liệt trên các con phố Washington DC. Nhiều người nằm co quắp trên các miệng cống để sưởi bằng hơi nước nóng xả ra từ các khu cao ốc quanh đó. Sáng sáng những chiếc xe tải của đô thị đi vòng quanh lượm xác những người chết cóng trong đêm. Bạn có thể tranh luận với tôi rằng câu chuyện bốn mươi năm trước còn kể làm gì và mới đây bạn ghé thăm Washington làm gì thấy người vô gia cư như tôi nói. Chính xác là như vậy. Trong vài năm lại đây chính quyền District of Colombia đã tiến hành hơn 90 vụ càn quét nhằm tống những người vô gia cư khỏi đường phố và phần lớn họ chuyển đi sống… dưới các đường hầm (underpass) để giữ mỹ quan đô thị và tránh ánh mắt những kẻ tọc mạch như anh bạn tôi. Bốn mươi năm trôi qua, một lần nữa thống kê cho chúng ta thấy tuyệt đại đa số trong số gần 300 ngàn người Mỹ chết vì Covid-19 là người nghèo hoặc có thu nhập thấp do không có bảo hiểm y tế cũng như không thể trang trải viện phí. Họ có cùng cơ hội để sống sót như những người giàu không, theo lý thuyết bình đẳng? (Bạn có thể xem bộ phim John Q. năm 2002 của đạo diễn Nick Cassavetes để có một cái nhìn rõ hơn việc làm cách nào người nghèo ở Mỹ đối diện với bệnh tật hiểm nghèo).

Còn bình đẳng sắc tộc ở Mỹ? Những người sống qua năm 2020 này, bên cạnh đại dịch Covid-19 cướp đi sinh mạng hàng triệu người, sẽ còn nhớ mãi phong trào “Black Lives Matter” ở nước Mỹ. Có thật cái chết của một Geoge Floyd đã gây nên làn sóng chống kỳ thị chủng tộc lớn đến như vậy tại Mỹ? Chấn động do cái chết của George Floyd, một nhân viên kho hàng bình thường, có lẽ không thua kém chấn động sau vụ ám sát mục sư, nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King năm 1968. Một lần nữa, tôi tin rằng cái chết của Floyd thuần túy là giọt nước cuối cùng đã làm tràn ly nước cay đắng của người da màu ở Mỹ trong hàng thập kỷ qua. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử, ngược đãi đối với người da màu ở Mỹ đã trở thành một loại “văn hóa cư xử”, đặc biệt là đối với các nhân viên công lực. Tháng 9 năm 2018 Botham Jean, một thanh niên da đen 26 tuổi bị nữ cảnh sát da trắng Amber Guyger bắn chết khi cô ta… vào lộn nhà Jean (cùng building) và nghĩ rằng anh là kẻ đột nhập. Tháng 2 năm nay, Ahmaud Arbery, thanh niên da đen 25 tuổi, bị cha con Gregory và Travis McMichael, cựu cảnh sát viên da trắng, đuổi theo và bắn chết khi đang tập chạy vì anh… nhìn giống một kẻ tình nghi ở vùng lân cận. Vô ý hay cố tình, các chuyên gia nhận định rằng Floyd và Arbery có lẽ đã không chết nếu họ không phải người da đen. Các phương tiện truyền thông đại chúng như TV, báo, đài ở Mỹ, vô tình hay cố ý, thường xuyên mô tả người da màu, đặc biệt ở các khu ổ chuột, như một mối nguy cơ cho xã hội. Họ thường nhấn mạnh những chi tiết chủng tộc khi người da màu phạm tội cũng như các thống kê ấn tượng về tỷ lệ người da màu phạm tội mà chẳng mấy quan tâm tới câu hỏi vì sao con số thống kê đó lại cao như vậy. Đại đa số dân Mỹ hoàn toàn tin tưởng từng dòng từng chữ trên các kênh truyền thông này và hậu quả là sự kỳ thị, bất bình đẳng chủng tộc càng ngày càng trầm trọng. Khó trách được các cơ sở truyền thông vì họ cũng chịu đầy áp lực từ các chính trị gia, các nhóm cực hữu, bởi nhu cầu bán hàng. Suy cho cùng, khi Tổng thống của họ, Trump, trong nỗ lực kêu gọi nghị viện thông qua “công trình thế kỷ” bức tường Mexico, đã gọi những người dân Mỹ La tinh là bọn giết người và bọn hiếp dâm, thì làm sao trách được truyền thông. Bạn đọc hẳn còn nhớ Giáo sư Henry Louis Gates thuộc Đại học Harvard đã bị viên cảnh sát James Crowley bắt giữ vào tháng 7 năm 2009 vì một lý do, chính Tổng thống đương nhiệm Barack Obama nhận định, ông là người da đen. Sau đó Tổng thống Obama đã mời cả Giáo sư Gates và cảnh sát viên Crowley tới vườn sau nhà trắng uống bia dàn hòa. Vụ việc sau này được báo chí nhắc tới là “Beer Summit” (tạm dịch: cuộc họp mặt uống bia) như Obama, vị Tổng thống nổi tiếng lịch thiệp “Chỉ là một cuộc gặp mặt của ba người đàn ông ngồi uống bia sau một ngày làm việc.”. Vô cùng tinh tế và khéo léo nhưng liệu “Beer Summit” của Obama có làm thay đổi sự bất bình đẳng chủng tộc ở Mỹ chút nào không? Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ câu chuyện về “Beer Summit” chỉ là một cách “xả van” để giảm bớt bức xúc của người da màu ở Mỹ (và cũng nên nhớ Gates là một Giáo sư Harvard nhé!). Các chính quyền Mỹ, từ Johnson tới Carter, từ Reagan tới Clinton, hình thức “xả van” này vẫn được áp dụng khi cần thiết (cứ tra trên Google hay Wikipedia bạn sẽ kiểm chứng nhận định này dễ dàng). Về phương diện này Donald Trump xem ra là một con người “sống thật” hơn các tiền bối của mình nhiều khi công khai sự kỳ thị của mình. “Giấc mơ” của tiến sĩ King vẫn luôn chỉ là một giấc mơ. Còn chính quyền Mỹ quan tâm thế nào đến “giấc mơ” này? Ở đây xin mượn dòng chữ trên áo đệ nhất phu nhân Melania Trump khi bà ta đến thăm khu nhốt trẻ em nhập cư bị tách khỏi cha mẹ (theo mệnh lệnh phi pháp và vô luân của đức ông chồng) “Thật sự tao …éo quan tâm, chúng mày thì sao?” (I really don’t care, do you?).

Có lẽ độc giả sẽ cảm thấy những phạm trù tôi đề cập tới quá “vĩ mô” và chung chung để thấy rằng đạo đức giả chính là căn bệnh thâm căn cố đế của các chính quyền Mỹ. Tôi sẽ dùng vài ví dụ cụ thể hơn để bạn đọc có thể nhìn sự đạo đức giả này từ nhiều góc độ. Thứ nhất là đặc quyền đặc lợi. Trong một xã hội vốn tự cho là được xây dựng trên một nền tảng dân chủ tự do, đặc quyền đặc lợi của một giai cấp hoặc một nhóm người nào đó là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên đó là ở một nền dân chủ đâu đó chứ chắc chắn không phải của nền dân chủ Mỹ. Quý độc giả hẳn hiểu rõ rằng việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để thâm nhập vào các thông tin cơ mật với mục đích thủ lợi cho mình (danh từ chuyên môn là insider trading) là hành động phi pháp và vô đạo đức bậc nhất, nếu như bạn không phải là nghị sĩ Mỹ. Các nghị sĩ Mỹ, dựa trên thông tin về các chính sách quan trọng hay các dự luật sắp ban hành, có thể tiến hành hàng loạt affair để kiếm hàng tỷ đô la một cách dễ dàng. Tháng 3 năm 2020 hàng loạt thượng nghị sĩ Mỹ đã bán tháo cổ phiếu trước khi có thông báo về Covid19, vi phạm nghiêm trọng Luật Chứng khoán, nhưng Bộ Tư pháp đã hủy toàn bộ điều tra vào tháng 5 (trừ thượng nghị sĩ Richard Burr). Những “cái lỗi nho nhỏ” này diễn ra hàng chục năm với đỉnh điểm là năm 2010 với 72 cáo buộc các nghị sĩ tiến hành insider trading để thủ lợi hàng tỷ đô la, trong đó bao gồm cả Chủ tịch Hạ viện John Boehner và Nancy Pelosi, khi đó là lãnh đạo nhóm thiểu số Hạ viện. Không một ai từng bị truy tố cho tội danh này trong khi một banker bình thường sẽ bóc lịch mỏi tay cho một insider trading ở quy mô nhỏ hơn rất nhiều. Bây giờ bạn đọc có thể hiểu vì sao Donald Trump vui vẻ cho đi toàn bộ lương tổng thống (có 400 ngàn đô la một năm chứ mấy!).

Đó là chuyện nội bộ nước Mỹ. Còn ở tầm quốc tế, người Mỹ cũng chứng tỏ rằng vì là người hùng luôn chiến đấu cho công bằng… thế giới, mọi công dân Mỹ đều có đặc quyền đứng trên luật pháp quốc tế. Khi Tòa án Hình sự Quốc tế ra đời ở The Hague năm 1998 (hoạt động từ 2002) như một cơ chế tư pháp duy nhất mang tính toàn cầu nhằm mục đích điều tra, truy tố và xét xử các cá nhân thực hiện các hành vi diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội chống lại con người, Mỹ là quốc gia quyết liệt chống lại cơ chế của tòa án này và cho tới nay dứt khoát không tham gia phê duyệt Công ước Rome 1998. Lý do thì đã quá rõ ràng, người Mỹ chỉ chấp nhận “thà ta xử người chứ không để người xử ta” với mọi hành vi tội phạm (tất nhiên với nhóm tội danh Tòa Hình sự Quốc tế thụ lý thì không phải cá nhân nào “muốn” cũng có thể trở thành tội phạm mà đối tượng chủ yếu là quan chức và quân đội). Trong vấn đề này thì có vẻ Mỹ hoàn toàn nhất trí với đối thủ của mình khi Trung Quốc cũng, hiển nhiên thôi, từ chối ký kết cũng như phê duyệt Công ước Rome.

Chính quyền Mỹ nói và người dân Mỹ tin rằng cái việc họ có đặc quyền đặc lợi là chuyện “thiên kinh địa nghĩa”, còn lý do vì sao thì có trời mới biết. Chính vì cái đặc quyền tự phong đó mà các chính quyền Mỹ, nhất là sau Thế chiến thứ Hai, tự cho mình cái quyền can thiệp và trừng phạt các chính quyền “độc tài”, “xấu xa” và cái chính là dám đi ngược lại, hoặc bị cho là đi ngược lại, cái mà Tổng thống Trump dùng làm con bài chính trị “Nước Mỹ trên hết!”. Nếu là trường hợp quan trọng (hiểu theo nghĩa về xã hội nhân quyền hay lợi lộc kinh tế đều được cả), chính quyền Mỹ sẵn sàng mạnh tay dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực để khủng bố, uy hiếp (Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, Iraq, Afghanistan, Libya, Syria…), còn nhẹ nhàng hơn thì dùng các biện pháp cấm vận kinh tế, tăng thuế nhập khẩu hay hạn chế visa. Tất cả các “trừng phạt” này Mỹ đều dùng dưới chiêu bài “thế thiên hành đạo” (mặc dù với đại đa số các nước khác, kể cả các đồng minh của Mỹ, chú Sam chẳng qua chỉ là một thằng sen đầm quốc tế có cái mũi quá dài). Chẳng mấy ai tin cái “động cơ đạo đức” của nước Mỹ trong những vụ trừng phạt này. Đơn cử vụ Iran-Contra trong giai đoạn 1985-1987 (nhiệm kỳ 2 của Ronald Reagan). Mặc dù Iran đang nằm trong lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ, có nghĩa là không ai được phép giao dịch mua bán vũ khí với Iran, chính… Mỹ lại bán hàng loạt vũ khí chiến lược cho chính quyền Khomeini ở Iran và sau đó dùng khoản tiền kiếm được từ “phi vụ” này để hỗ trợ cho các nhóm vũ trang Contra chống lại quân đội Sandino có khuynh hướng Marxist ở Nicaragua. Khi vụ bê bối vỡ lở, chính quyền kế nhiệm của tổng thống Bush (cha), người trực tiếp liên quan đến “phi vụ” (mà vẫn lên Tổng thống ngon lành) đã ân xá cho hầu hết các nhân vật chủ chốt.

Trong các cuộc chiến Mỹ tham gia trong suốt 75 năm qua kể từ sau Đệ nhị thế chiến, người lính Mỹ luôn tin rằng họ đang chiến đấu vì chính nghĩa nhằm giải phóng nhân dân khỏi các chế độ hoặc là độc tài hoặc là cộng sản. Trong cuộc xâm lược Iraq năm 2001 (với một lý do không thể củ chuối hơn), nhiều lính Mỹ tiến vào Baghdad kể lại rằng họ chờ đợi những người phụ nữ Iraq tung hoa và ôm hôn những người anh hùng giải phóng họ khỏi tên độc tài Saddam Husein nhưng thay vào đó cái mà họ nhận chỉ là những ánh mắt thù địch. Những người lính đó không cần ai giải thích và cũng không mất mấy thời gian để hiểu sự thù địch này. Sau khi giết và phơi xác các con trai của Saddam cũng như treo cổ ông bố, người Mỹ đã mang lại tự do, ấm no, hạnh phúc gì cho nhân dân Iraq? Từ một đất nước giàu có trù phú, Iraq thời hậu Hussein (hay thời Mỹ vào) biến thành một đất nước bị xé nát bởi chiến tranh, chia rẽ, thù hận chồng chất với hàng trăm người chết mỗi ngày vì bom đạn, bệnh tật, thiếu ăn. Rồi Libya, rồi Syria, rồi Afghanistan… người lính Mỹ bây giờ hẳn phải hiểu rõ cái sự thật bên dưới cái chiêu bài “người hùng công lý” của Chính phủ Mỹ. Chúng ta, người Việt Nam, chúng ta hiểu hơn ai hết về sự giả dối của chính quyền Mỹ khi tham chiến tại Việt Nam. Trong tác phẩm An Apt Student của Stephen King, một tên trưởng trại tập trung của phát xít Đức bị phanh phui thân thế khi lẩn trốn ở Mỹ đã cười chua chát “Các người muốn xử tôi vì tội ác chiến tranh trong khi các người đang đâm lê vào bụng phụ nữ có thai và thiêu sống trẻ em bằng bom napalm ở Việt Nam?”. Bao nhiêu triệu thường dân đã chết vì bom đạn Mỹ trong các cuộc chiến “giải phóng” mà Mỹ tiến hành? Và sau chiến tranh? Ngay cả Obama, vi Tổng thống nổi tiếng ôn hòa và được lòng bạn bè quốc tế, chính ông là người chỉ hai tháng sau khi nhận giải Nobel Hòa bình năm 2009 đã trực tiếp ra lệnh sử dụng tên lửa hành trình mang bom chùm (cluster bombs), một loại vũ khí bị cấm, trong một cuộc không kích ở Yemen, giết chết 44 dân thường gồm 14 phụ nữ và 21 trẻ em, cùng 14 người bị “nghi ngờ” là thành viên các nhóm vũ trang. Điều gì có thể biện hộ cho những vụ giết chóc dân thường thảm khốc này?

Nếu như người ta có lý do để nghi ngờ cái “đạo đức” mà các chính quyền Mỹ sử dụng khi tiến hành một cuộc chiến chống lại một chế độ độc tài, họ cũng có cơ sở để tin rằng chính quyền Mỹ đã và đang liên tục chống lưng hậu thuẫn cho các chế độ độc tài khắp nơi trên thế giới, miễn là Mỹ có lợi nhờ các chế độ đó (nói cho chính xác là một số nhóm lợi ích – theo cách gọi của Việt Nam – ở Mỹ). Chúng ta thử đếm trên đầu ngón tay xem: chính quyền Batista ở Cuba, chính quyền Pinochet ở Chile, chính quyền Montt in Guatemala, chính quyền Park Chung-hee ở Hàn Quốc là vài ví dụ nhỏ về các chính quyền độc tài, phát xít được Mỹ hậu thuẫn. Kể cả chính quyền Khmer Đỏ cũng được Mỹ viện trợ cả về khí tài, hậu cần lẫn thông tin tình báo với mục đích trả đũa Việt Nam. Thì ra với chính quyền Mỹ, độc tài cũng có loại cần tiêu diệt và có loại cần… chăm sóc!

Trong khuôn khổ một bài báo có lẽ tôi có thể dừng tranh luận của mình ở đây và trở lại điểm xuất phát của những tranh luận dông dài này. Luận điểm của tôi, cũng cùng với luận điểm của nhiều tác giả đương đại, là Donald Trump không phải một ngẫu nhiên lịch sử (làm quái gì có thứ đó tồn tại trên đời) mà là một tất yếu mang tính hệ thống của cơ chế chính quyền Mỹ. Dối trá, đạo đức giả, lừa gạt nhân dân chính là căn bệnh kinh niên của các chính quyền Mỹ. Đó chính là ý của đạo diễn lừng danh David Lynch khi nói Donald Trump sẽ đi vào lịch sử như một tổng thống vĩ đại của nước Mỹ. Donald Trump, như mọi khi, choáng váng vì lời khen của một người như David Lynch và quên mất (hay không biết) Lynch ủng hộ tuyệt đối Bernie Sanders, đã không hề đọc tiếp đoạn dưới bài phỏng vấn mà vội vàng retweet bài viết. David Lynch sau đó phải gửi thư trực tiếp cho Donald Trump giải thích rằng Trump chỉ gây ra “chia rẽ và đau khổ” cho nhân dân Mỹ và cái sự “vĩ đại” ở đây chính là Trump đã giúp bộc lộ bộ mặt giả dối của các chính quyền Mỹ. Lần này Donal Trump đã không retweet…

Sydney, 12/2020

T.A.

Nguồn: Văn Việt

Tham khảo:

Theoharis. A. G. & Cox, J. S. 1990. The Boss: J. Edgar Hoover and the Great American Inquisition. New York: Bantam Books.

Blackstock, N. 1975. COINTELPRO: The FBI’s Secret War on Political Freedom. New York: Pathfinder.

Lynch, D. 2018. David Lynch responds to Trump: ‘You are causing suffering and division’ | Film | The Guardian>

Greenwald, G. 2011. U.S. takes the lead on behalf of cluster bombs | Salon.com

Hack, R. 2004. Puppet Master: The Secet Life of J. Edgar Hoover. Beverly Hills, California: New Millenium Press.

Income inequality in the United States. Income Inequality – Inequality.org

International Criminal Court. International Criminal Court – Wikipedia

Iran-Contra Affair. Iran-Contra Affair (u-s-history.com)

Moris, M. 2013. 10 Breathtaking examples of Government Hypocrisy. 10 Breathtaking Examples of Government Hypocrisy – Listverse

Moyer, J. 2020. DC clear longtime homeless encampment near Union Station, Washington Post, D.C. clears longtime homeless encampment near Union Station – The Washington Post

Wealth inequality in the United States. Wealth Inequality – Inequality.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn