Thì tương lai đếm xác

Mai Quốc Ấn

Nam Bộ hôm nay đỏ rực. Màu đỏ báo động ô nhiễm không khí này cũng là báo động cho nguy cơ bệnh tật sắp tới. Miền Bắc và Bắc Miền Trung cũng vậy.

Ngày 21/9/2019, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 trong cụm nhà máy nhiệt điện sát sau gồm Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và 4 mở rộng, chính thức vận hành. Tôi có nói với những người bạn cafe cùng buổi sáng ấy rằng hôm sau Sài Gòn sẽ tăng chỉ số ô nhiễm vì bụi mịn sẽ theo gió mùa Đông Bắc. Không nhiều sự quan tâm và so với thời điểm này, các máy đo ô nhiễm không khí không nhiều như bây giờ để bản đồ ô nhiễm không khí hiện ra rõ ràng hơn. Theo đường bộ, Vĩnh Tân cách Tp.HCM 300 km đường bộ; song nếu ai biết việc bụi mịn PM2.5 có khả năng bay xa 400 km đường chim bay thì điều này cũng dễ dự đoán.

Những học phiệt cư ngụ tại Thủ đô khi ấy chỉ dùng một cách duy nhất khi vào Facebook cá nhân tôi để phủ định các bài viết cảnh báo: “Dân khối C biết gì về kỹ thuật mà đánh giá”. Và lũ học phiệt đê tiện ấy nói rằng bụi mịn Hà Nội cao là do đốt than bếp. Họ lờ đi sự hiện diện của nhiệt điện dọc duyên hải miền Bắc thổi bụi về Hà Nội theo gió mua Đông Bắc. Hôm qua, chỉ số bụi mịn của Hà Nội lên đến mức nâu (mức nguy hại nhất cho sức khoẻ). Chúng ta không thể nói rằng đáng đời lũ học phiệt mà nên nói rằng đáng đời cho sự thờ ơ, vô cảm của mỗi người, tuỳ cấp độ.

Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 với công suất 1.200 MW cần một lượng than đốt mỗi giờ là 520 tấn. Nó xấp xỉ con số thống kê về đốt than ở Hà Nội mỗi ngày là 528 tấn (xem ảnh). Bạn hiểu mỗi giờ khác mỗi ngày chỗ nào không? Đơn giản là nhân 24 lần lên thôi. Đốt bếp mà như vậy ư?

Lãnh đạo Long An đã cứu một “bàn thua trông thấy” khi từ chối một nhiệt điện than “sát nách” Tp.HCM. Nếu có, “gọng kềm” bụi mịn PM2.5 nhiệt điện hướng Tây Bắc-Đông Nam sẽ siết chặt trung tâm kinh tế quốc gia. Siết chặt từng hơi thở người dân!

Nhưng Việt Nam không chỉ có mỗi điện lực Vĩnh Tân, mà còn điện lực Duyên Hải (Trà Vinh), Long Phú (Sóc Trăng), Sông Hậu (Hậu Giang), Mông Dương (Quảng Ninh), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Quỳnh Lập (Nghệ An), Quảng Trạch (Quảng Bình), Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị,... (Trích Đoàn tàu tro xỉ, tác giả Nguyễn Đăng Anh Thì, VNE ngày 22/2/2019).

Số tro xỉ này nếu ở điều kiện tối ưu là có chạy lọc tĩnh điện trên ống khói (xỉ nằm ở đáy lò) và thu được hơn 97% tro bay thì cũng còn dư ra hơn 8 tấn bụi/ngày cho một công trình nhiệt điện 5.000 MW. Tin rất đáng buồn là 8 tấn tro bay ấy có sự xuất hiện của bụi siêu siêu mịn mà công nghệ lọc tĩnh điện không xử lý được. Và ở Việt Nam không phải chỉ có một mà là khoảng 50 nhiệt điện như vậy...

Viện Công nghệ Karlsruhe (Đức) đã tìm ra loại bụi siêu siêu mịn. Nếu bụi mịn PM2.5 nhỏ bằng 1/30 đường kính sợi tóc đã dần “quen tai” với người Việt thì bụi siêu siêu mịn PM0.1 kích cỡ 1/620 đường kính sợi tóc được phát hiện cũng chung tính chất là tác nhân gây ung thư, tim mạch, tiểu đường. Ở một bình diện khác, nó có thể làm biến đổi thời tiết nữa, khiến các cơn mưa bất thường và cực đoan hơn chẳng hạn. Hai ông Junkermann và Jorg M. Hacker - đồng tác giả công trình nghiên cứu về bụi siêu siêu mịn đã nói rất rõ là nhiệt điện là nguồn phát thải bụi siêu siêu mịn lớn nhất thế giới, hơn cả khói xe tại các thành phố lớn.

Và Việt Nam nào đâu chỉ có bấy nhiêu nguồn thải nếu nhìn vào thép Hoà Phát ở Hải Dương, Quảng Ngãi, nhìn vào Formosa tại Hà Tĩnh, Lee&Man tại Hậu Giang,...

Bồ tát lo nhân, chúng sinh sợ quả. Nên câu nói “điều xấu nhất vẫn ở thì tương lai...” của tiến sĩ Lê Xuân Thuyên vẫn còn nguyên giá trị. Không khái quát bằng vị học giả uyên thâm này nên tôi chọn miêu tả khác đi và trực diện hơn về tương lai: Cuộc đếm xác nghĩa đen! (Xem ở comment)

Đó là một thì tương lai đầy u ám cho quốc gia này...

Không có mô tả ảnh.

Không có mô tả ảnh.

Không có mô tả ảnh.

Không có mô tả ảnh.

Không có mô tả ảnh.

M.Q.A.

Nguồn: FB Quốc Ấn Mai

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn