Viết cho anh − Nguyễn Tường Thụy

Phạm Minh Hoàng

Tôi được gặp anh Thụy lần đầu tiên vào năm 2015 mặc dù trước đó cả hai anh em đều cùng là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập do anh Phạm Chí Dũng làm Chủ tịch. Tôi còn nhớ hôm ấy trời khá rét, và cho dù đã từng sống ở Paris gần 30 năm nhưng vẫn cảm thấy run trước những con gió của thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, khi bước vào nhà thì sự đón tiếp của anh chị Thụy và một số bạn bè cả Nam lẫn Bắc đã làm tôi thực sự ấm lòng. Hôm ấy tôi cũng may mắn được gặp các anh Phạm Thành, Lê Anh Hùng và Vũ Văn Hùng, họ đều là những tù nhân lương tâm.

Lúc từ giã anh chị Thụy, tôi xin chụp hình với mọi người vì không biết anh em chúng tôi còn có dịp gặp lại nhau hay không. Nhưng bất ngờ, ngày 28/12/2015 tôi vô cùng ngạc nhiên khi gặp lại được anh Thụy ngay tại Sài Gòn, và trong một dịp vô cùng đặc biệt, đó là ngày khám bệnh cho các ông thương phế binh VNCH tại Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Kỳ Đồng (DCCT). Lúc ấy tôi mới ngã ngửa ra khi biết anh Thụy từng là một sĩ quan trong quân đội miền Bắc với cấp bậc đại úy và anh đến đây do các Cha mời phát biểu. Và “đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác”, tôi thực sự xúc động khi nghe anh nói.

Hình ảnh có thể có: 6 người, mọi người đang đứng

Xin ghi lại đây vài ý chính.

Thưa các anh thương phế binh (TPB) VNCH. Cách đây 31 năm chúng tôi và các anh đã từng cầm súng bắn vào nhau. Hôm nay, tôi đã chứng kiến những sư tàn phá của chiến tranh. Tôi cảm nhận được những đau thương về thân xác và tinh thần mà các anh phải chịu từ hơn 30 năm qua.

Thưa các anh, đứng trước mắt các anh tôi đóng vai một người chiến thắng, nhưng nói cho cùng thì tất cả mấy trăm anh em chúng ta đều là những kẻ chiến bại. Phía anh em bộ đội cũng có bao người đi mà không có ngày về cũng như phải sống trong tình trạng thương tật. Kẻ chiến thắng trong cuộc chiến “nồi da xáo thịt” này chính là Đảng Cộng sản Việt Nam, và anh em chúng ta cũng như toàn thể nhân dân VN đều là nạn nhân”.


Lời tâm sự của anh Thụy làm tim tôi xao động và có lẽ các ông thương phế binh VNCH cũng nhận thấy điều đó. Có điều là sau bao năm sống trong khổ cực, không hề có sự giúp đỡ của đia phương, thậm chí có những người còn bị hoạnh họe mỗi khi lên DCCT lãnh quà hoặc chữa bệnh nên các ông chỉ ngồi yên và mong buổi lễ chấm dứt sớm để vội về lo toan với cuộc sống chật vật của mình.

Tôi còn nhớ, có lần đưa một ông TPB đến phòng khám bằng taxi, lúc trả tiền anh tài xế, anh ta rên rỉ quá chừng vì vết thương ông TPB rỉ nước tạo mùi hôi thối trong xe. Tôi phải trả thêm tiền để họ mang xe đi vệ sinh, tẩy rửa. Khi hỏi thăm thì mới biết ông TPB bị tiểu đường, vết thương ngày một nặng chứ không hề lành. Các Cha đề nghị cưa tới háng để trị dứt nhưng gia đình không chịu. Đối với những người như chú thì chiến tranh đã đi vào quá khứ và những lời tâm tình từ tâm can anh Thụy chỉ có thể xoa dịu phần nào tâm hồn và những nỗi đau đớn của họ. Tôi tính bày tỏ suy nghĩ của mình với anh Thụy nhưng nghĩ sao lại thôi. Tôi đã từng nghe nói đến sự xót xa của những người lính bộ đội khi nhận ra bộ mặt thật của nhà cầm quyền, nhưng ngày hôm nay nghe anh Thụy nói và nhìn khuôn mặt của các ông thương phế binh, tôi cảm thấy lòng quặn lại.

Tôi còn nhớ có lần xem cuộn phim Rio Lobo nói về giai đoạn chiến tranh Nam - Bắc nước Mỹ, cách hành xử của kẻ chiến thắng (phía Bắc) đối với kẻ chiến bại cực kỳ nhân văn. Mỗi tù binh được phát hai đôla và trở về đời sống thường dân chứ hoàn toàn không có học tập hay cải tạo gì sất. Tôi chợt xót xa khi đem so sánh một nước chỉ có hơn 100 năm lập quốc với một nước Việt Nam tự hào với hơn 4000 năm văn hiến và thấy lòng mình quặn lại khi lời nói của anh Thụy: “anh em chúng ta đều là nạn nhân”.

Lần ấy hóa ra là dịp cuối cùng hai anh em gặp nhau. Anh trở về Hà Nội và thỉnh thoảng vẫn thấy anh xuất hiện trên Facebook. Các status anh viết thường rất ngắn nhưng điều tôi thích nhất ở anh là tính trào phúng và “đối tượng thưởng trực” lại chính là người vợ của anh, chị Lân, mà anh đã đặt cho cái tên mỹ miều là “con ngan già”. Nhưng ai cũng hiểu tấm tình của anh đối với chị.

Ngày 2/1/2021, khi mọi người đang nô nức đón năm mới, thì chị Lân lên đường vào Sài Gòn thăm anh nhân phiên sơ thẩm. Tôi không biết khi nghe tuyên án 11 năm tù giam và 3 năm quản chế tâm trạng chị ra sao, nhưng có điều chắc chắn là con đường trở về Hà Nội sẽ dài vô tận và lòng chị sẽ nặng trĩu. Nếu họ giam anh ở Sài Gòn, trong 120 tháng tới, chị sẽ phải lặn lội 4000 cây số mỗi tháng để thăm chồng. Điều mà chị Thanh - vợ ký giả Trương Minh Đức đang làm, cũng như chị Minh, mẹ của em Minh Mẫn đã làm.

Theo luật sư thì trước khi tuyên án, lời nói cuối cùng của anh Thụy là “Trong tương lai, những việc chúng tôi làm hôm nay sẽ là những chuyện bình thường”. Trong tương lai là tương lai nào? Là khi chế độ CS sụp đổ như Đông Âu hay họ “tự diễn biến”. Nhưng cho dù trong trường hợp nào đi nữa, lời nói cuối cùng của anh Thụy cũng mang đầy tính nhân bản, không hận thù, không oán ghét. Và đó cũng là tư tưởng chung của Hội Nhà báo Độc lập.

Có điều để trả lời cho những tư tưởng nhân bản ấy, các anh đã phải trả giá hơn 40 năm tù.

P.M.H.

Nguồn: FB Phạm Minh Hoàng

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn