Bầu Hội đồng Nhân quyền chẳng khác gì bầu Quốc hội ở Việt Nam

Võ Văn Quản

Vào được Hội đồng Nhân quyền đâu có nghĩa là có thành tích nhân quyền tốt. Chắc hẳn nhiều người còn nhớ cuộc chạy marathon của anh em XHDS Việt Nam trên khắp các nẻo đường  Hà Nội vào năm 2013 khi họ bị CA nhà nước rượt đuổi tứ tán chỉ vì cái tội quá sốt sắng kỷ niệm 65 năm ra đời bản Tuyên ngôn nhân quyền nổi tiếng của Liên Hợp Quốc. Ấy thế mà ngay năm sau Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền ngon ơ. Nhưng chuyện Việt Nam còn là chuyện nhỏ tí teo. Đến ông bạn vàng phương Bắc với cái lá nho che trên khuôn mặt ngài Tập đang bị nhiều nước đòi bỏ xuống để nhìn cho rõ công cuộc diệt chủng người Tân Cương của ngài từ bấy nhiêu năm nay đã “thành tựu” đến đâu rồi, hiện cũng là một ủy viên đàng hoàng trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc kia đấy! Thế thì ông Liên Hiệp Quốc ở đâu, xin hãy dỏng tai lên mà nghe hai câu thơ của cụ Phan Châu Trinh viết cách đây vào khoảng 100 năm nhé: “Gớm thay một lũ hồ tinh / Nương hơi dựa bóng, tập tành đã quen”. Hình như nhà chí sĩ của nước chúng tôi viết là để sau này con cháu làm quà tặng các ông đấy.

Bauxite Việt Nam

Ông Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam trong một buổi họp tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: UN Geneva/ Flickr.

Việt Nam tuyên bố sẽ tranh cử cho một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (United Nations Human Rights Council – HRC) nhiệm kỳ 2023 – 2025. Thông tin này khiến một số nhà quan sát trong lẫn ngoài nước phải bất ngờ. Có người còn phì cười, không biết vì mỉa mai hay vì chua xót.

Tuy nhiên, người viết cho rằng đây quả là thời điểm vàng để Việt Nam xem xét ngồi vào ghế thành viên tại cơ quan nhân quyền cao nhất của các định chế toàn cầu.

Vừa đang là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Security Council, UNSC – nhưng cũng sắp hết nhiệm kỳ hai năm), vừa đang là chủ tịch ASEAN (cũng sắp chuyển giao), vừa có thành công vang dội trong việc kiểm soát dịch COVID-19, không khó để hiểu vì sao Việt Nam lại muốn trở lại vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền sau nhiệm kỳ đầu tiên vào giai đoạn 2014 – 2016.

Việt Nam đã từng là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016. Ảnh: TTXVN

Có thể nói việc liên tục “nhảy cóc” qua lại các vị trí khác nhau trong các tổ chức quốc tế quan trọng sẽ giúp chính quyền Việt Nam vừa tiếp tục tích lũy kinh nghiệm, vừa xây dựng các khối liên minh bên trong Liên Hợp Quốc, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế trong các vấn đề khác nhau.

Về mặt chính trị, người viết khó có thể phàn nàn gì về bước đi của chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, để tránh trường hợp “vui quá” như lần Việt Nam trở thành thành viên của UNSC, chúng ta cần làm rõ Hội đồng Nhân quyền bầu bán ra sao và vai trò của nó có gì nổi bật.

Bầu cử thành viên Hội đồng Nhân quyền: Không có tiến bộ? 

Cách đây không lâu, người viết đã có bài bình luận tổng quát về Hội đồng Nhân quyền, đăng trên Luật Khoa với tựa đề “Cơ chế nhân quyền Liên Hợp Quốc: Có phải đồ bỏ?”.

Trong phần nói về bầu cử, người viết cũng ghi nhận sơ lược rằng Hội đồng Nhân quyền ngày nay bao gồm 47 thành viên, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bầu chọn ra ba năm một lần, và được phân bổ dựa trên khu vực:

Khu vực châu Phi và châu Á đồng thời có 13 ghế.

Khu vực châu Mỹ Latin và Caribbean mỗi bên nắm 8 ghế.

Tây Âu và các nước khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, Canada, Australia và New Zealand chỉ có 7 ghế.

Và cuối cùng, Đông Âu được giao 6 ghế.

Những con số này cho thấy Hội đồng Nhân quyền bị số đông các quốc gia đang phát triển, vốn không mặn mà gì với việc bảo vệ nhân quyền, tiếp tục thống trị. Song như vậy không thôi thì chưa đủ để chứng minh những vấn đề bất cập trong các cuộc bầu cử thành viên của Hội đồng Nhân quyền.

Một trong những nghiên cứu rõ ràng và cụ thể nhất để chứng minh luận điểm trên là “Did the Creation of the United Nations Human Rights Council Produce a Better ‘Jury’?”, do hai tác giả Adam S. Chilton (Trường luật Đại học Chicago) và Robert Golan-Vilella (Đại học Yale) cùng chấp bút vào năm 2018.

Nghiên cứu chỉ ra hai luận điểm quan trọng.

Thứ nhất, chất lượng và “điểm nhân quyền” (human rights scores) trung bình của các quốc gia là thành viên của Hội đồng Nhân quyền vẫn thấp hơn điểm nhân quyền của các quốc gia không phải thành viên.

Biểu đồ thể hiện điểm nhân quyền của các nước ngoài HRC (màu xanh) và các nước thành viên HRC (màu cam). Nguồn: Nghiên cứu của Chilton và Golan-Vilella (2018)

Trong biểu đồ nói trên, đường xanh là điểm nhân quyền của các quốc gia ngoài Hội đồng Nhân quyền theo các thời kỳ, và đường cam là điểm nhân quyền của các quốc gia thuộc Hội đồng Nhân quyền.

Các tác giả trước tiên đồng ý rằng điểm nhân quyền của cả hai khu vực có xu hướng tăng – một tín hiệu đáng mừng. Thậm chí, điểm của các quốc gia thuộc Hội đồng Nhân quyền cũng đã rút ngắn khoảng cách với các quốc gia bên ngoài. Tuy nhiên, nhìn chung, xu hướng các quốc gia có tình trạng nhân quyền tệ hơn được bầu chọn vào hội đồng vẫn chưa được xử lý triệt để.

Thú vị hơn, hai tác giả cũng phân tích điểm nhân quyền theo khu vực để tìm hiểu xem thật sự thì khu vực nào đang tiến triển và khu vực nào dậm chân tại chỗ.

Họ cho thấy, ngoại trừ hai khu vực Đông Âu và Châu Phi, nơi thành tích nhân quyền của các quốc gia nằm trong Hội đồng Nhân quyền có tiến bộ vượt bậc, thành tích của tất cả các vùng còn lại đều rất tệ.

Ở biểu đồ phía dưới, châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục chật vật trong việc bầu chọn ra các thành viên xứng đáng trong Hội đồng Nhân quyền. Khu vực này chỉ tạo ra đột phá nổi bật duy nhất từ năm 2012 khi Nhật Bản trở thành thành viên.

Khi xem xét thành tích nhân quyền của các quốc gia được bầu vào HRC thuộc khu vực châu Mỹ Latin, Tây Âu và các khu vực khác, ta đều thấy có sự thụt lùi.

Biểu đồ so sánh điểm nhân quyền của các quốc gia thuộc HRC (màu cam) và ngoài HRC (màu xanh). Ngoài châu Phi và Đông Âu, thành tích của các nước thành viên Hội đồng Nhân quyền thụt lùi ở tất cả các khu vực còn lại. Nguồn: Nghiên cứu của Chilton & Vilella (2018)

Vì lý do này, nghiên cứu kết luận rằng tiến triển của tình hình nhân quyền giữa các quốc gia thành viên HRC nhìn chung là không đồng đều và rất bất định.

Luận điểm thứ hai mà các tác giả chỉ ra chính là các cuộc bầu cử thành viên đang xuống cấp. Điều này thể hiện qua việc những cuộc bầu cử thực tế với số lượng ứng cử viên đông đảo so với số ghế dần trở thành thành bầu cử hình thức, khi các nước thỏa hiệp “bao nhiêu ghế bấy nhiêu ứng cử viên”. Hình thức này không khác gì với bầu cử tại Việt Nam mà chúng ta đều biết.

Bảng so sánh số ghế so với số ứng viên trong các cuộc bầu cử của HRC qua các năm. Khoảng cách giữa hai con số này ngày càng thu hẹp lại. Nguồn: Nghiên cứu của Chilton và Golan-Vilella (2018)

Theo bảng tổng hợp, vào năm 2006, số lượng ứng cử viên lớn và vị trí ghế cố định tạo điều kiện cho một quá trình bầu cử có ý nghĩa.

Trong đó, Đông Âu có 6 ghế nhưng có đến 13 thành viên ứng cử. Châu Á – Thái Bình Dương có 13 ghế và có đến 18 thành viên ứng cử. Ngoại trừ châu Phi, các khu vực địa lý còn lại đều tạo điều kiện cho một quá trình bầu cử thực chất.

Tuy nhiên, ngay sau đó, khái niệm tranh cử gần như không còn tồn tại. Trong sáu năm tiếp theo, số ghế trống hầu như luôn trùng khít với số lượng ứng cử viên. Việc bầu cử lúc này giống như bỏ phiếu tín nhiệm ở Việt Nam. Trừ khi bạn gây thù chuốc oán quá nhiều, khả năng thất cử gần như bằng không.

Trong lần bầu cử gần đây nhất vào năm 2020, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực duy nhất có năm ứng cử viên cho bốn ghế trống. Cuối cùng, Arab Saudi thất cử để… Trung Quốc thắng cử – “mèo lại hoàn mèo”.

Trên thực tế, người viết cũng phải thừa nhận là các định chế chính trị tầm khu vực có vai trò quan trọng trong việc thảo luận và thống nhất việc lựa chọn ứng cử viên. Điều này giúp các bên hữu hảo, không rơi vào tình cảnh người này thất cử, người kia trúng cử.

Việt Nam trong lần ứng cử này được toàn bộ ASEAN nhất trí đề xuất. Hay các quốc gia châu Phi luôn có sự thống nhất cao về việc đề cử ứng viên ngay từ năm 2006, thông qua vai trò mạnh mẽ của Tổ chức Châu Phi Thống nhất (Organisation of African Unity – OAU).

Tuy nhiên, cho dù các biện pháp ngoại giao này là cần thiết ở một mức độ, tính chính trị của chúng đã và đang phá hỏng mục tiêu quan trọng của bầu cử: chọn các quốc gia xứng đáng nhất vào Hội đồng Nhân quyền.

V.V.Q.

Nguồn: luatkhoa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn