Lại loay hoay đi tìm thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa

Triệu Tử Long

(VNTB)-“Quản lý nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận đề án về đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế thực hiện Nghị quyết Trung ương số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng.

Thông tin báo cáo tóm tắt đề án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: “đề án tập trung vào chức năng quản lý và phát triển kinh tế của Nhà nước thuộc nhóm cơ quan hành pháp và chức năng có tính chất tổng hợp, liên ngành.

Theo đó, mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để đạt mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân.

Chính sách được xây dựng trên nền tảng tôn trọng quy luật của thị trường, đảm bảo tính thống nhất, toàn diện, đảm bảo tính công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế. Đổi mới thanh kiểm tra, áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro và ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại nhằm giảm chi phí, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự”.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không đề cập đến cụm từ quen thuộc lâu nay: “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Trên cương vị là “một trong tứ trụ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại đưa ra yêu cầu cho đề án mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, đó là: quản lý nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII”.

Tiền nhiệm của ông Nguyễn Chí Dũng từng được một bài viết trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, viết rằng: “Một câu hỏi mà gần 30 năm qua Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh vẫn chưa có câu trả lời, đó là thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” (https://www.thesaigontimes.vn/114301/Cai-cach-the-che-tu-cau-hoi-chua-co-loigiai.html).

Theo bài báo phát hành 3-5-2014, thì, “Một ngày cuối năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh được mời đến nói chuyện về các vấn đề kinh tế ở Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Thính giả là các lãnh đạo của hầu hết các tỉnh, thành phố. Kết thúc buổi nói chuyện, nhiều người hỏi bộ trưởng, thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ông đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Gần ba mươi năm trước, khi còn là bí thư chi bộ kiêm lớp trưởng của một lớp lý luận cao cấp học tại học viện, ông Vinh cũng đã hỏi câu hỏi đó với các thầy giáo là các nhà lý luận, nhưng không được trả lời. Nay, câu hỏi đó vẫn làm băn khoăn những thế hệ sau ông”.

Kết thúc cuộc trò chuyện với các nhà báo tại trụ sở bộ vào một ngày cuối năm 2015, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nán lại để chụp ảnh với từng người. Ông nói, đây là lần cuối ông trao đổi với báo chí trên cương vị lãnh đạo. Ở ‘lần cuối’ đó, ông đã trải lòng có đoạn như sau:

“Chúng tôi là cơ quan hoạch định chiến lược, xây dựng chính sách phát triển cho đất nước. Đây là công việc cực kỳ hệ trọng, đòi hỏi tư chất đổi mới, đòi hỏi những con người có tư duy tốt, kiến thức toàn diện, không chỉ kiến thức trong nước mà kiến thức của thế giới.

Chúng ta không thể một mình đi một đường. Chúng ta phải đi con đường chung của nhân loại. Muốn đi con đường chung đó, chúng ta phải biết nhân loại đang làm gì, các quốc gia phát triển họ đi ra sao, và Việt Nam đang đứng ở đâu trong lộ trình này. Đấy là đòi hỏi thực tế, và cần kiến thức.

Bên cạnh đó, cũng cần có tâm huyết với đất nước, phải trăn trở tại sao nước mình còn phát triển chậm và kém thế, tại sao người dân còn ta thán nhiều như thế. Trăn trở vậy mới giúp hoạch định chiến lược tốt, chính sách tốt. Đây là việc trí tuệ, không ai ép buộc, nên phải tạo môi trường đổi mới sáng tạo cho cán bộ trong cơ quan.

Tôi muốn nói, sáng tạo chỉ có khi người ta hưng phấn làm việc. Tôi kêu gọi, và cam kết môi trường bình đẳng thuận lợi cho nghiên cứu, sáng tạo để có thể tham mưu cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước những đột phá về thể chế. Tức là phải suy nghĩ khác đi để làm khác đi”.

Giờ là đầu năm 2021. Nếu vẫn tiếp tục đề bài phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là cách làm cơ bản tiếp tục theo kiểu “dò đá qua sông”, bởi cho đến nay trên thế giới chưa có một quốc gia nào có được nền kinh tế tư nhân phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam đang lần mò tìm đường hướng tới – nghĩa là nói như lời của cựu bộ trưởng Bùi Quang Vinh, chúng ta không đi chung con đường cùng nhân loại

T.T.L.

VNTB gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn