Trâu ơi ta bảo trâu này…

(Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 104)

Tương Lai

Trâu đứng thứ hai trong mười con Giáp, được tiếng là rất khoẻ, “khoẻ như trâu” mà, có người mong rằng Trâu sẽ xoay chuyển được tình thế mà chúng ta đang phải đối mặt. Nhưng khốn thay, dân gian lại có câu “ngu như trâu”. Trâu lại thuộc loại động vật “nhai lại” (Ruminantia).

Muốn xoay chuyển được thế cuộc thì phải có trí tuệ để nhận ra thế giới biến chuyển quá nhanh và rất khó dự báo. Ngu lú và chỉ quen nhai lại thì dù to xác vẫn bị xỏ mũi dắt đi, chỉ có thể nai lưng kéo cày. Nếu chỉ thế thôi thì làm sao đủ tầm nhìn mà ứng phó với thế sự đang rối như mối bòng bong để rồi vẫn cứ phải đu dây sao cho ổn!

Đại dịch Covid-19 là một ví dụ nhỡn tiền, mà oái oăm thay, Mỹ và các nước EU là những nơi chịu tác động nặng nề nhất. Từ đó, những tác động về kinh tế và chiến lược đã làm sụp đổ những ảo tưởng về sức mạnh của Phương Tây đang chi phối diện mạo của thế giới. Ấy vậy mà, Vũ Hán là nơi đầu tiên trên thế giới phát hiện ra virus gây Covid-19 vào cuối năm 2019. Kể từ đó, đã có hơn 106 triệu ca lây nhiễm và 2,3 triệu người tử vong trên toàn cầu. Vậy mà, cho đến giờ phút này, Trung Quốc vẫn đang tìm cách cản trở cuộc điều tra vì sợ lộ diện là kẻ khởi đầu gây tai hoạ đã cố gắng giấu giếm sự thật. Tập Cận Bình quyết che giấu đến cùng tội ác đã cố tình không đưa tin, rồi đưa tin quá chậm về tai hoạ Covid-19 xảy ra tại Vũ Hán.

Thế vẫn chưa đủ, siêu cường hung đồ với khát vọng bá chủ thế giới còn tiếp tục gây thảm hoạ cho thế giới với việc huỷ hoại môi trường sống mà theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres thì biến đổi khí hậu là “vấn đề mang tính định đoạt thời đại của chúng ta”.

Báo cáo của Climate Central, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết 190 triệu người sẽ sống ở những khu vực dự đoán là dưới mức thủy triều cao vào năm 2100. Và ngay cả khi giảm phát thải khí nhà kính, sáu quốc gia châu Á gồm Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan, nơi có tới 237 triệu người sống hiện nay, có thể phải đối mặt với các mối đe dọa lũ lụt hàng năm vào năm 2050. Hãy nhớ cho: 5 tỷ là số tấn khí thải nhà kính mà thế giới thường phả thêm vào bầu khí quyển mỗi năm. Than là loạt nhiên liệu hóa thạch gây phá hủy nhất do lượng khí carbon dioxide thải ra khi nó bị đốt cháy. Năm ngoái, nồng độ carbon dioxide trong khí quyển đạt mức cao nhất trong 3-5 triệu năm qua, theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp Quốc.

Thế mà các dự án điện than do Trung Quốc hỗ trợ đang được tiến hành hoặc được lên kế hoạch không chỉ với các nước láng giềng Đông Nam Á mà cả ở các nơi xa xôi như Nam Mỹ, Châu Phi, Đông Nam Á và Balkan. Trong nhiều năm, việc Trung Quốc gia tăng số lượng các nhà máy điện than đã bị lên án. Hiện nay lãnh đạo nước này vẫn đang ủng hộ hàng chục dự án nhiệt than bên ngoài biên giới nước này. Nồng độ khí nhà kính đạt một kỷ lục mới, ở đó Trung Quốc đóng vai trò nguy hiểm hàng đầu trong sự nóng lên toàn cầu. Sáu quốc gia châu Á gồm Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan, nơi có tới 237 triệu người sống hiện nay, có thể phải đối mặt với các mối đe dọa lũ lụt hàng năm vào năm 2050. Vậy mà, hiện nay tiêu thụ điện than đang tăng nhanh chóng ở Việt Nam và sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2020 - 2030. 18 dự án nhiệt điện than đang triển khai xây dựng và đang chuẩn bị đầu tư. Đến năm 2030 cả nước sẽ có tất cả 51 nhà máy điện than. Tại đồng bằng sông Hồng, hiện đã có cả chục nhiệt điện than, chủ yếu tập trung sát các thành phố, khu dân cư. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 sẽ có 14 nhà máy điện than. Với quy hoạch trên, tính trung bình cứ một năm tại Đồng bằng sông Cửu Long lại có một nhà máy điện than ra đời. Một câu hỏi nóng bỏng cần đặt ra: ai đang ra sức thúc đẩy và hỗ trợ cho việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện than đó. Ai?

Lý do nào khiến nhiều chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần sớm dừng đầu tư vào những nhà máy nhiệt điện than mới và ưu tiên đầu tư vào tiết kiệm năng lượng, tạo khung pháp lý minh bạch và ổn định cho năng lượng tái tạo phát triển. Ngoài lý do môi trường, có thể người ta đã có câu trả lời cho câu hỏi nóng bỏng ấy.

Không thoát nhanh ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc thì đất nước này còn bị trói chặt trong trong thân phận của nước chậm phát triển và nếu GDP có tăng lên chút đỉnh khi tự mình so với sự lạc hậu của chính mình theo kiểu mèo khen mèo dài đuôi thì rồi sẽ rơi vào trong cái bẫy thu nhập trung bình. Để tuyên truyền cho việc thu xếp ngôi Tổng Bí thư với biết bao mưu hèn kế bẩn, kể cả việc bất chấp Điều lệ Đảng, trong những ngày vừa qua người ta ra sức đánh bóng mạ kền cho những thành tích mà lờ đi những yếu kém, lạc hậu về kinh tế, khoa học công nghệ, những băng hoại về nền tảng đạo lý, sự bất an về mặt xã hội của thể chế toàn trị phản dân chủ đè nặng lên mọi mặt của cuộc sống. Vì vậy cho nên trong khi ngân sách èo uột, giật gấu vá vai, Đại hội XIII lập kỷ lục về tuyên truyền cổ động, sự trang hoàng loè loẹt, cờ xí, khẩu hiệu, pa nô rợp trời nhằm che đi những mưu hèn kế bẩn cho việc “thu xếp” nói trên.

Vì nói cho cùng thì nội dung quan trọng nhất là sự “thu xếp” ấy, may mắn thay cho ông Trọng là được con virut SARS-Cov-2 tiếp sức để kết thúc Đại hội ngay khi đã đạt được mục đích của mình. Nếu giữ đúng kế hoạch thêm hai ngày nữa thì biết đâu “đêm dài lắm mộng”, lại bật ra (ngoài sự dàn dựng xếp đặt theo “quy trình”) những chất vấn đang ấp ủ trong các đại biểu chỉ thận trọng bộc ra khi ai đó khơi mào – điều mà Trọng đã từng bị một keo bẽ mặt ở Đại hội XI. Đó là khi anh ta, với tư cách là Trưởng ban soạn thảo văn kiện đã lén đưa vào Văn kiện tư tưởng về công hữu mà Đại hội VI đã điều chỉnh, nhưng trước sự phê phán của nhiều đại biểu, mạnh nhất là của Võ Hồng Phúc và Lê Đức Thuý, ý tưởng cực kỳ bảo thủ, giáo điều sợ “mất chủ nghĩa xã hội” tệ hại ấy của Trọng khi đại hội biểu quyết, đã bị loại bỏ. “Miếng đau nhớ đời”, Trọng biết chọn thời điểm nhằm tránh những bất ngờ gặp phải như đã từng.

Có hai yếu tố chính giải thích tại sao ông Nguyễn Phú Trọng đã được bầu lại nhiệm kỳ thứ ba, sự kiện chưa từng thấy trong vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam: cơ cấu và phe phái. Yếu tố cơ cấu có thể được so sánh với chứng xơ cứng động mạch, nơi mà con đường lựa chọn lãnh đạo ngày càng bị hạn chế như lời giáo sư Carl Thayer – một chuyên gia am hiểu sâu về Việt Nam – trả lời BBC ngày 1.2.2021.

Vì đâu mà có “chứng xơ cứng động mạch” ấy?

Tôi xin mạo muội gợi ra đây với giáo sư Carl Thayer – người bạn từng quen biết nhau hơn 20 năm, từng nhiều lần gặp nhau tai Canberra và Hà Nội – và nếu tôi nhớ không nhầm thì trong bữa cơm gia đình ông bà mời tôi vào một buổi tối đẹp trời của thủ đô Australia, sau một thân mật chạm ly, ông tủm tỉm cười và đưa ra một ý tưởng tương tự như câu ông nói với BBC.

Trong chuyến Carl Thayer đến Hà Nội, sau buổi trao đổi công việc, không tiện mời ông về nhà tôi vì thiếu những tiện nghi tối thiểu, tôi mời Carl Thayer đi “ăn cơm bụi” trên phố Tạ Hiền ở Hàng Buồm, rồi ghé ăn “chí mà phù” (chè vừng đen) ở một quán vỉa hè của nghệ sĩ Phạm Bằng bán vào đêm để bù vào lương nghệ sĩ quá hẻo không đủ sống. Có lẽ do được dịp tiếp xúc với những góc khuất của Hà Nội mà Carl Thayer cao hứng khoe với bạn bè “Đến Hà Nội muốn ăn ngon, rẻ và thú vị thì cứ gặp TL”. Trong dịp đưa tiến sĩ Terry Hull, chuyên gia về dân số học đang điều hành triển khai dự án Dự án nghiên cứu về dân số Việt Nam do UNDP tài trợ cho Viện tôi lên thăm chùa Tây Phương, trong bữa ăn trưa mang theo dưới bóng râm của cây cổ thụ bên trái sân chùa, Terry cười nhắc lại câu của Carl Thayer khiến tôi cũng cười hứa với anh sẽ thực hiện lời giới thiệu của Carl. Tôi nhớ, khi đến Canberra, vợ chồng Terry đã dành cho tôi một bữa cơm thân mật. Trong không khí gia đình, anh chị đã đưa những nhận định khiến tôi phải giật mình. Những nhận định mà tôi đã được nghe từ nhà nghiên cứu có tên tuổi David Marr cũng trong một bữa cơm gia đình, hơn nữa chị Mai – vợ anh, là người Huế đồng hương – nên trong câu chuyện thân mật ấy càng thoải mái đưa ra những nhận định mà không cần phải rào trước đón sau.

Nói những điều này chỉ cốt đưa một ý: những chuyên gia nước ngoài có trình độ và có thiện chí đã hiểu khá tường tận thực trạng của nước ta. Tuỳ theo tình huống mà họ đưa ra thôi, và trong tình huống nào thì họ tránh đi nếu không là những “lời khen ngoại giao” cho gia chủ hài lòng. Bập vào những thủ pháp ngoại giao “ngọt ngào” đó để tô son, vẽ phấn, đánh bóng mạ kền nhằm tô hồng thực trạng chỉ tổ làm cho người ta cười vào mũi. Đấy là chưa nói đến những nhà “khoa học” người Việt ở nước ngoài từng được kính trọng, lại nảy nòi ra cái thứ bưng bê dọn cỗ cho những toan tính bẩn thỉu của ai đó mà công chúng có lương tri đang bất bình! Nhận được gì? Chắc rồi họ sẽ tự biết!

Những nhà khoa học trung thực và có trách nhiệm đều biết rất rõ cái gì gây ra chứng xơ cứng động mạch” của ê kíp lãnh đạo Việt Nam từ nhiệm kỳ Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, nhất là Nguyễn Phú Trọng “người miền bắc có lý luận”! Không chỉ “xơ cứng động mạch” mà còn bị xỏ mũi dắt đi cùng với cái xiềng 16 chữ vàng định hướng. Cũng nên nhắc lại rằng, 十六字方 thập lục tự phương châm không có chữ “vàng”. Nhưng rồi, chắc là để tỏ lòng “trung thành” với thiên triều nên Tuyên bố chung 1999 thêm vào một chữ vàng. Phía Trung Quốc chắc chắn là hài lòng. Nhục nhã vậy đó.

Vậy thì cái gọi là “lý tưởng tương thông”, “vận mệnh tương quan” là cái gì mà các nhà lãnh đạo Việt Nam thời Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng mạ vàng cái xích tròng lên cổ, giống như cái ách đè nặng lên cổ con trâu. Cái gọi là sự kiên định mà Nguyễn Phú Trọng thường xuyên phô diễn trước bàn dân thiên hạ là cái gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin mà gần nửa thế kỷ qua, hầu hết các đảng cộng sản trên thế giới đã bỏ không dùng thuật ngữ Mác-Lênin. Về chuyện này tôi đã có dịp trình bày trong một tiểu luận gửi đến các nhà lãnh đạo năm 2005 rồi sau đó in thành cuốn “Chân lý là cụ thể” nên ở đây chỉ đưa vài ý lấy ra từ cuốn sách ấy.

Nhìn một cách nghiêm túc sau khi đã thận trọng tìm về nguồn cội với những thành tựu nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới về Karl Marx, thì không có cái gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin, một sản phẩm xuyên tạc, cả cố ý và vô tình của Stalin. Sinh thời, K. Marx không bao giờ nói đến khái niệm “chủ nghĩa Marx”, thậm chí ông còn nói mình không phải là người Mácxít. Thuật ngữ “Chủ nghĩa Marx” là do Friedrich Engels đưa ra khi Karl Marx đã qua đời. Engels cần đến một ngọn cờ tư tưởng lý luận cho phong trào công nhân mà ông đang phải gánh vác. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu lại cho rằng chính Engels đã hạ thấp học thuyết Marx (ví dụ như nếu Marx đã đảo ngược cái gọi là “tinh thần tuyệt đối” của Hegel thành “thực tiễn lao động”, coi đó là điểm xuất phát của triết học thì phản ánh luận trong triết học của Engels lại hiểu cái “thực tiễn” ấy là “vật chất”, hoặc khái niệm “lao động bị tha hoá” trong cách diễn đạt của Engels cũng rất khác với tư tưởng của Marx… Sau này, “chủ nghĩa Lênin” vào lúc ban đầu cũng được tạo dựng theo cách ấy, nhưng về sau bị diễn dịch theo những toan tính của Stalin

Ở ta, thuật ngữ “chủ nghĩa L nin” được xuất hiện năm 1927 trong cuốn “Đường Cách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc. Lúc ấy chưa xuất hiện thuật ngữ “Chủ nghĩa Mác-Lênin”, nó chỉ được tạo ra từ đầu những năm 1930 và được chính thống hoá trong cuốn “Lịch sử tóm tắt của của Đảng Cộng sản (BSV) tức là đảng Bôn-sê-vích theo quyết định của Stalin. Cũng đừng quên là trước đó, năm 1924, Nguyễn Ái Quốc đã từng chỉ ra “Marx đã xây dựng học thuyết của mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn nhân loại… Xem xét lại chủ nghĩa Marx về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Đông…”.

Như vậy là gần một thế kỷ trước, đầu óc giáo điều và “tư duy tụng niệm” đã bị phê phán. Mà không chỉ gần một thế kỷ, mà gần mười thế kỷ trước, ông cha ta đã nói về điều ấy. Trước bàn làm việc tôi treo bài thơ chép trên giấy dó Nguyễn Duy in riêng tặng chúng tôi, bài “Hưu hướng Như Lai”(休向如來) của Thiền sư Quảng Nghiêm (1122-1190), trong đó có câu:

男兒自有衝天志,
休向如來行處行

Làm trai phải tự có chí xông trời thẳm
Đừng giẫm theo vết chân của Như Lai
*

Xin nhớ đây là lời của một thiền sư! Vậy mà cái “tư duy tụng niệm” của người tự xưng (hay là ngộ nhận) là nhà lý luận, từng là chủ tịch hội đồng lý luận vẫn cứ nhai mãi cái luận điệu cũ rích về kiên định lập trường, mà thực chất là kiên định lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng của đảng… Đấy là “quay lưng lại với biết bao sự thật hàng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những cái giá đắt phải trả. Rõ ràng đây là một sự thiếu sang suốt trong nhận thức và hành động, trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn” (Phạm Văn Đồng).

Tiện đây xin kể một chuyện vui vui:

Dạo ấy, như thường lệ, sáng thứ Sáu hàng tuần, tôi đến làm việc với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vừa ngồi xuống ghế, ông nói ngay “Nghe Năng nói anh vừa đi Đài Loan về, tôi muốn nghe anh nói điều mà anh thu hoạch được trong chuyến đi thú vị này”. Chìa tay đón chén trà anh Năng rót mời, không chần chừ tôi nói ngay: “…Điều gây ấn tượng cho tôi là sinh viên mấy trường đại học tôi đến thăm, họ thấm nhuần chủ nghĩa Tam dân của Tôn Dật Tiên hơn là sinh viên của ta thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin – họ ngại học phát khiếp nhưng bất đắc dĩ phải học thôi”. Đang ngon trớn thì anh Năng ghé tai bác Tô: “Anh Tố Hữu muốn ghé thăm anh”. Thấy nét mặt ông có vẻ không hào hứng, tôi thưa: “Xin anh cứ tiếp anh Lành đi ạ” và định đứng dậy. Ông đưa tay ngăn lại: “Anh cứ ngồi đấy”. Anh Tố Hữu vào và xin lỗi: “Tôi đã cản trở buổi làm việc của anh Tô với nhà xã hội học rồi”. Mỉm cười tôi nói với anh: “Chẳng có công việc gì nhiều đâu, chỉ là bác Tô muốn tôi báo cáo chuyến trao đổi văn hoá theo lời mời của phía Đài Loan đến tìm hiểu di tích lịch sủ, bảo tàng văn hoá mấy trường Đại học Đài Loan thôi ạ”. “Thế thì hay quá, xin cho tôi nghe với” Tố Hữu hướng về bác Tô, tôi nhìn sang, thấy ông cười tủm tỉm: “Anh nhắc lại cho anh Lành nghe những điều anh vừa kể đi”.

Nghe xong, Tố Hữu cao giọng sảng khoái: “Đúng thế, chủ nghĩa Mác-Lênin như củ khoai, hạt lúa, rất gần gũi với dân mình. Chắc anh Tô còn nhớ các báo cáo của Nguyễn Thị Chiên, Ngô Gia Khảm, La Văn Cầu tại Hội nghị anh hùng, chiến sĩ thi đua tại Việt Bắc. Chủ nghĩa Mác-Lênin đó chứ đâu có xa lạ gì. Có đâu chữ nghĩa rắc rối hàn lâm như các anh. Sinh viên nó chán là vì những rắc rối hàn lâm của các anh đấy”. Cao hứng, Tố Hữu nói với Phạm Văn Đồng: “Hôm nào anh và tôi thử đến giảng Mác-Lênin cho sinh viên thử xem sao”.

Ông Đồng ngồi yên, đưa tay cầm tách trà, không trả lời. Nóng đầu, tôi tuôn một mạch: “Thưa anh, đã có Viện Hàn lâm đâu, mà cái thứ tôi thì sao với đến sự cao sang hàn lâm ấy mà chữ nghĩa rắc rối. Và thật ra khi có những trí thức, học giả như Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Văn Ngữ, Lê Văn Thiêm, Đào Duy Anh, Phan Đình Diệu… xứng đáng ngồi vào ghế Viện sĩ thì các anh không cho thành lập Viện Hàn Lâm. Lý do gì thì chúng tôi đoán biết cả.

Tôi xin thưa với hai anh một câu chuyện vẫn ray rứt trong lòng, khi tôi sang Bungari dự một Hội thảo về Xã hội học, một viện sĩ Viện Hàn lâm Bungari nói với tôi bên ly cà phê giờ giải lao: Tôi mơ nước tôi có một Bộ trưởng như Tạ Quang Bửu, một học giả uyên bác, bận việc quản lý như thế mà vẫn đều đặn hàng tuần vào sáng thứ Bảy có một seminar với cả ngàn người dự trong hội trường lớn của một trường Đại học ở Hà Nội để thông báo những thành tựu mới nhất về khoa học trên thế giới”. Nghe ông ta tâm sự mà tai tôi cứ như ù đi mà không thể nào hé răng cho ông bạn biết là Bộ trưởng Tạ Quang Bửu đã bị cản trở ra sao.

Chỉ nói riêng một chuyện cực kỳ phi lý là tuy vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào đại học nhưng không công bố công khai điểm số thi mà chỉ Hội đồng tuyển sinh chọn cho thí sinh nào đỗ, đặc biệt là cho thí sinh nào được gửi đi học ở nước ngoài (các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa). Bộ trưởng Tạ Quang Bửu yêu cầu phải chấm dứt chuyện phi lý, mất công bằng đáng xấu hổ này. Nhưng yêu cầu của ông không được thực hiện không chỉ do cấp dưới mà vì có chỉ đạo từ cấp trên. Bởi lẽ, sự phi lý đáng xấu hổ kia lại có cái lý rất vững vàng nhằm giữ vững “lập trường, quan điểm”: Nếu công khai điểm thì làm sao tuyển chọn được lớp “tinh hoa” trung thành với sự nghiệp xây dựng “chủ nghĩa xã hội”? Phần lớn thí sinh con em công nông và gia đình cách mạng làm sao cạnh tranh nổi những thí sinh con nhà khá giả có điều kiện ăn học, càng khó có điểm cao để được chọn đi học nước ngoài. Cuộc giằng co kéo dài đến mấy năm, trước áp lực của xã hội cuối cùng rồi chuyện phi lý trên mới chấm dứt.

Sau này, ở nhà anh Việt Phương tôi có dịp gặp anh Trần Quang Huy, một người tôi kính trọng vì nhân cách, trí tuệ và đóng góp của anh cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến, đang giữ trách nhiệm Bộ trưởng phụ trách công tác văn hóa giáo dục Phủ Thủ tướng kiêm phụ trách Ban Khoa giáo Trung ương, tôi có hỏi về chuyện này. Anh Huy trầm ngâm, thở dài không trả lời. Biết nỗi niềm khó xử của anh, tôi không hỏi nữa.

Những ràng buộc của cái cơ chế hiện tồn khiến cho con người muốn tự là mình thật không dễ. Thoát ngay ra khỏi cái cơ chế khốn khổ này đối với không ít người đang có quá nhiều sức cản, đã muốn là một cái ta khác nhưng rồi loay hoay thế nào vẫn cứ là “mình”. Ngoài sự đột phá về nhận thức, về tư duy, về sức năng động của trí tuệ, còn cần phải có bản lĩnh dám hành động. Công cuộc “Đổi Mới” khởi đầu từ Đại hội VI đã bước đầu cởi bỏ sự ràng buộc đó với một ý chí và hành động thật quyết liệt: “Trong lúc này chúng ta chỉ có hai khả năng lựa chọn: đổi mới để tiến lên hay đi theo con đường cũ để chết.

Con đường cũ đó là gì? Là tuyệt đối bác bỏ kinh tế thị trường vì trong nguyên tắc lý luận, nó đối lập với Chủ nghĩa xã hội, là chỉ có hai thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể, nhà tư sản là đối tượng của cách mạng! Thử nhìn kỹ bức tranh kinh tế và xã hội hiện nay khiến cho “đất nước ta chưa bao giờ có tiềm lực lớn như hiện nay…” mà Nguyễn Phú Trọng cao giọng rao giảng, đặc biệt là trước và sau Đại hội XIII, sẽ thấy rõ nếu vẫn giáo điều, lú lẫn không thúc đẩy sự nghiệp Đổi Mới quyết liệt hơn, toàn diện hơn thì liệu rồi đất nước ta sẽ ra sao đây. Ấy thế mà, tại Đại hội XI, mở đầu giai đoạn “trị vì” của Nguyễn Phú Trọng, chính anh ta chứ không ai khác đã đưa ra một luận điểm “phản Đổi mới” nhắc ở trên: lén đưa vào Văn kiện tư tưởng về công hữu mà Đại hội VI đã điều chỉnh. Có lẽ “sáng tạo” của Trọng là gắn cái đuôi xã hội chủ nghĩa sau thuật ngữ “Kinh tế thị trường để có kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, rồi “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Nhằm tránh sự phê phán có thể cho là thiếu căn cứ, xin có thêm đôi lời về “Chủ nghĩa xã hội”. Thuật ngữ này xuất hiện đầu tiên năm 1827 để chỉ phái xã hội không tưởng Pháp mà H. Saint-Simon là tiêu biểu. Trong “Bản thảo kinh tế-triết học năm 1844”, K. Marx hiểu “Chủ nghĩa xã hội” như là một tổ chức xã hội mới. Nhưng sau đó, trong Phác thảo đề cương Chương III Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản thì ông không dùng thuật ngữ “Chủ nghĩa xã hội” nữa. Mãi về sau, năm 1880 Engels mới sử dụng lại thuật ngữ này trong tác phẩm “Chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học” mà lúc đầu chỉ là một chương trong tác phẩm “Chống Dühring” của ông.

Vậy thì, kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa theo sự rao giảng hiện nay là kiên trì cái gì? Muốn trả lời câu hỏi này thì phải hiểu bản chất của “Chủ nghĩa xã hội” là gì? Nếu đi tìm bản chất của chủ nghĩa xã hội như là một phương thức sản xuất riêng là không đúng với tư tưởng lý luận của Marx. Vì thế, đề ra cái gọi là “thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội” là trái với lý luận của Marx. Trong lý luận Marx, “chủ nghĩa xã hội không có một bản chất riêng vì không phải là một phương thức sản xuất riêng độc lập hoặc đối lập với chủ nghĩa tư bản mà nó nằm ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản. Với Marx chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới có bản chất riêng với tính cách là phương thức hậu tư bản. Còn “chủ nghĩa xã hội” trong tư duy của Marx là một quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản từ giai đoạn thấp lên giai đọn cao trong tính liên tục của sự vận động và phát triển. Trong tính đó, liên tục của sự vận động và phát triển thì giai đoạn thấp, tức là giai đoạn của chủ nghĩa xã hội, thì chủ nghĩa xã hội ấy còn chứa đựng nhiều yếu tố tư bản, còn nằm trong “chân trời pháp lý của chủ nghĩa tư bản”. Hoàn toàn không có cái gọi là “thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội”. Cũng phải nói thêm rằng, tìm về Marx không phải là không thấy sự nghiệp lý luận của Marx còn dở dang và rất nhiều sai lầm, trong đó không thiếu những điều không tưởng và tư biện. Marx là người mà “sự sửa chữa đến nhanh hơn sự hình thành, chưa kịp hình thành đã sửa chữa” (Việt Phương).

Nếu hiểu rốt ráo như vậy thì chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam với một nền tảng kinh tế như hiện nay, liệu đã tìm thấy “cơ sở cho chính mình” theo cách nói của Marx chưa? Hoàn toàn chưa! Chưa có cơ sở cho chính mình thì chủ nghĩa xã hội làm cách nào mà xuất hiện đây. Và chưa có thì làm sao mà mất? Có chăng là mất cái ảo tưởng, mất chỗ dựa cho sự áp đặt một ý thức hệ, lấy đó làm phao cứu sinh cho một thể chế, một mô hình đã sụp đổ cả hệ thống.

Phải chăng, một não trạng đặc sệt giáo điều, bế tắc về lý luận, rối rắm trong tư duy và lúng túng trong hành động trước những biến động dữ dội của thời cuộc, của môi trường sống… đã tìm phao cứu sinh bằng cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa nói trên. Rốt cuộc cái phao cứu sinh kia có cứu được cái ghế được đẽo gọt đến mấy lần “đặc biệt” không?

Nhân đọc lại cuốn sách “Văn hoá và Đổi mới - Tác phẩm và Bình luận” của Phạm Văn Đồng, tình cờ thấy bài viết của Nguyễn Phú Trọng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đăng ở giữa trang 217, kết thúc ở đầu trang 225 với ba dấu chấm… có nghĩa là ở đây chưa kết thúc bài viết, hoặc có thể là ban biên tập cuốn sách thấy “vòng vo tam quốc dài dòng quá” hoặc “nhai lại” nhiều quá nên bỏ đi (xin nhắc lại: có thể là). Bài viết có nhan đề là “Định hướng xã hội chủ nghĩa là văn hoá”. Ông Trọng viết: “Vấn đề nào cũng có tầm khái quát cao, gợi ra nhiều ý sâu, mở ra những suy nghĩ mới. Tôi đặc biệt chú ý luận điểm: Định hướng xã hội chủ nghĩa là văn hoá được tác giả chốt lại ở trang 6 và trang 45. Tôi cho đây là một nhận xét rất tinh tế, bao quát và sâu sắc. Và cũng có thể nói đây là một chủ điểm xuyên suốt cuốn sách”.

(Để tránh nhầm lẫn, xin lưu ý số trang mà ông Trọng ghi là số trang của tác phẩm “Văn hoá và Đổi mới” do NXB Chính trị Quốc gia in năm 1994). Tôi cố gắng đọc kỹ tám trang viết, ngoài những bình luận vắn sau mỗi câu dẫn khá dài lời Phạm Văn Đồng không có gì nổi bật đáng chú ý, thì điều tác giả của bài bình luận “Định hướng xã hội chủ nghĩa là văn hoá” tâm đắc nhất lại thể hiện ở hơn 2/3 trang 224 “Nhân tố hàng đầu quyết định tính định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Các thế lực thù địch muốn xoá bỏ chủ nghĩa xã hội chỉ cần thủ tiêu hoặc vô hiệu hoá sự lãnh đạo của Đảng. Ở Liên Xô, Đông Âu và các nước khác, khi Đảng Cộng sản mất vai trò lãnh đạo thì tự nhiên chế độ xã hội chủ nghĩa không còn, đất nước đi theo con đường khác. Đổi mới càng phát triển, đất nước càng đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì càng cần có sự lãnh đạo của Đảng và Đảng càng phải nâng cao tầm vóc của mình”.

Tôi có cảm nhận rằng tác giả của bài viết đăng ở phần “Bình luận” của cuốn sách chưa hiểu được tư duy của Phạm Văn Đồng mà chính anh ta đã viết là rất tinh tế, bao quát và sâu sắc. Và cũng có thể nói đây là [định hướng xã hội chủ nghĩa] một chủ điểm xuyên suốt cuốn sách”. Quả thật là “người làm sao, bào hao làm vậy”. Chỉ bằng sự “kiên định lập trường” kiểu ấy mà anh ta tiến dần đến bậc thang cao nhất của quyền lực, trở thành trường hợp siêu đặc biệt, giẫm lên Điều lệ Đảng để ngồi vào ghế Tổng Bí thư ba nhiệm kỳ liền. Sự cảnh báo của Đào Xuân Sâm, Tổ trưởng Tổ Tư vấn của Võ Văn Kiệt vẫn còn nguyên giá trị: Đưa Nguyễn Phú Trọng lên tức là đưa người có tư tưởng cực đoan nhất về Cương lĩnh 91, là đặt người bảo thủ, giáo điều hết sức nặng nề vào đỉnh cao quyền lực. Hậu quả ra sao chắc mọi người đã hoặc sẽ nhìn ra.

Xem ra phải quay trở lại với con trâu của năm Tân Sửu với những khởi sắc đáng mừng trên lĩnh vực nông nghiệp và diện mạo nông thôn khi song hành với “trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta” còn có máy cày, máy cấy, máy gặt đập góp phần vào “nghiệp nông gia”. Chẳng cần phải vòng vo những mớ lý luận cũ rích mà bằng thực tiễn sống động đang hiện diện những thành tựu của sức mạnh trí tuệ và giọt mồ hôi lao động của nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Những nụ cười hồn hậu và ấm sáng của những cô nông dân người Dao trên cánh đồng bậc thang ở Mù Cang Chải làm vơi bớt đi sự ngột ngạt của bịp bợm và lừa mị, nói một đằng làm một nẻo như chuyện trồng cây gây rừng vào dịp tết vừa rồi là một xấu hổ quá tiêu biểu. Chính những cái đó đang đầu độc môi trường sống mà người dân lương thiện đang phải chịu đựng. Chỉ ba năm trước, vào cái Tết Mậu Tuất 2018, ông Trọng răn dạy “làm sao cho nó thiết thực, cứ cầm cái xẻng nghêu ngao, cầm ra lút cán, trông là người ta biết ông này không phải là trồng cây. Gẩy gẩy mấy tí đất, chân thì đi giày, xong lại đưa cái khăn với chậu nước, nó phản cảm quá. Cây thì to đùng ra, xây sẵn cái vòng xung quanh rồi. Cái đó đã nói rồi nhưng mà dưới địa phương không chịu chuyển”.

Thế rồi với cuộc trồng cây Tết Tân Sửu, chắc là do “địa phương Hoàng thành Thăng Long không chịu chuyển” nên ông ta lại làm y chang như điều mà ông răn dạy. Trước bàn dân thiên hạ “thanh thiên, bạch nhật, rõ ràng cho coi” nhé, chẳng có bóng dáng “thế lực thù địch muốn xoá bỏ chủ nghĩa xã hội chỉ cần thủ tiêu hoặc vô hiệu hoá sự lãnh đạo của Đảng” nào cả đấy nhé!

Cho nên “Trâu ơi ta bảo trâu này”, chỉ nên tin vào cái thiết thực không lừa mị “bao giờ cây lúa còn bông, thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”, còn chuyện nhai lại thì đó là một tập tính của giống loài, trâu cứ việc, chỉ sự nhai lại của người, nhất là người “có lý luận”, thì mới phải xấu hổ. Cho dù có như vậy thì cũng xin gợi lên đây một ý tưởng về “chăn trâu” nhằm kết thúc bài “trâu ơi”: Thiền sư Tuệ Sỹ cắt nghĩa chuyện Phật dạy chăn trâu vì trâu “không hung hăng tàn bạo, bản tánh vốn thuần hậu dễ sai khiến, siêng năng và nhiều nhẫn nại nhưng lại hay làm bậy do sự si ngốc. Đó là đặc tính của trâu mà cũng là đặc tính của chúng sinh”.

Chú thích

*Toàn văn bài thơ của thiền sư Quảng Nghiêm

離寂方言寂滅去,
生無生后說無生。
男兒自有衝天志,
休向如來行處行。

Li tịch phương ngôn tịch diệt khứ,
Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.
Nam nhi tự hữu xung thiên chí,
Hưu hướng Như Lai hành xứ hành.

Xa lìa sự ham muốn mới có thể bàn chuyện đi vào tịch diệt
Sinh vào cõi vô sinh rồi mới có thể bàn chuyện vô sinh
Làm trai phải tự có chí xông trời thẳm
Đừng giẫm theo vết chân của Như Lai.

Ngày 22.2.2021

T. L.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn