Bẫy thông tin Biển Đông của Trung Quốc

Nhật Đăng

22/03/2021 09:08 GMT+7

TTO - Tình hình Biển Đông căng thẳng hơn trước là một thực tế. Song tình hình Biển Đông trên mặt báo còn căng thẳng hơn do những xảo thuật gây nhiễu thông tin, che đậy "bản thân", đổ vấy cho các bên khác, gây lầm lẫn về nguyên nhân, hậu quả.

Bẫy thông tin Biển Đông của Trung Quốc - Ảnh 1.

Tiêm kích F-35 do Mỹ chế tạo cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân hoàng gia Anh. Con tàu dự kiến sẽ tới châu Á trong tháng 5-2021 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh

Cách loan tin và bình luận của phía Trung quốc, từ của "Sáng kiến theo dõi tình hình chiến lược Biển Đông" (SCSPI) cho tới các tờ báo như Hoàn Cầu Thời báo, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP)... trong thời gian gần đây có dàn bài chung như sau: 1- Tình hình đang yên ổn. 2- Tàu và máy bay Mỹ và các nước châu Âu đến, tới lui, áp sát... khiến tình hình khu vực bất ổn.

Tung tin giả

Chẳng hạn, một bài của SCMP đăng ngày 27-2 với nhan đề "Biển Đông: Cách Hải quân Mỹ nhắm tốt hơn các mục tiêu" đã dễ dàng "xào nấu" một cuộc tập trận chiến thuật thành "Chiến lược quân sự mới của Mỹ trên Biển Đông nhằm kiềm chế Trung Quốc".

Bài báo này thuật lại một cuộc tập trận của nhóm tàu sân bay Mỹ USS Eisenhower, rồi trích bình luận của một nhà nghiên cứu Trung Quốc tên Du Wenlong từ Viện Khoa học quân sự Trung Quốc, sao chép vài ý kiến của vài sĩ quan hải quân Mỹ đăng trên trang tin Học viện hải quân Mỹ (USNI News) ngày 17-2, "xào nấu" lại, thêm những "gia vị nóng" như: "Quân đội Mỹ đặt mục tiêu sử dụng binh lính trên bộ để giúp các hạm đội đa quốc gia dẫn đường chính xác hơn cho tên lửa ở tầm xa hơn, một cách tiếp cận mà các nhà phân tích cho rằng có thể được sử dụng ở Biển Đông".

Cái tựa đề "Biển Đông: Cách Hải quân Mỹ nhắm tốt hơn các mục tiêu" được "nặn ra" trong một bài báo về một cuộc tập trận không rõ đã diễn ra ở đâu, song chêm vài lần địa danh "Nam Hải" (Biển Đông), khiến người đọc đinh ninh rằng cuộc diễn tập này của tàu sân bay USS Eisenhower đã diễn ra trong Biển Đông, và đây là thủ phạm gây "nóng" tình hình.

Càng nóng hơn khi cho rằng cuộc tập trận này áp dụng tiêu chuẩn NATO và nhằm áp dụng trong Biển Đông "nhắm cho trúng mục tiêu" là Trung Quốc.

Sự thật ở đây là cuộc diễn tập này của tàu USS Eisenhower đã không hề diễn ra trong Biển Đông mà là trên Đại Tây Dương, sát bờ biển bang Florida, như có thể thấy trên bản đồ vị trí các tàu sân bay Mỹ hôm 18-2 của USNI. Việc Mỹ chọn khu vực ven Florida làm nơi diễn tập và thực tập chuẩn truyền tin của NATO, nếu có ai đó bực mình trước tiên, thì đó phải là Nga. Song, Nga đã không phản đối do khu vực này quá xa Nga, huống hồ là Biển Đông.

Kế đến, đây không phải là một bài tập chiến lược nào cả mà chỉ là một bài tập chiến thuật với hai chi tiết mới là: (1) huấn luyện biệt kích hải quân SEAL áp sát mục tiêu nhằm chỉ thị mục tiêu và dẫn đường cho tên lửa tấn công; (2) cuộc tập trận huy động hệ thống liên lạc của NATO, để cho phép Mỹ tương tác với các đồng minh.

Việc huấn luyện và sử dụng bộ binh để tiền sát, xác định mục tiêu, chỉ điểm tọa độ không kích đã có từ cả thế kỷ trước, trong các trận đấu pháo ở Verdun trong Thế chiến thứ Nhất, qua Thế chiến thứ Hai, chiến tranh Cao Ly... cho tới ngày nay ở Afghanistan. Nay huấn luyện cho biệt kích SEAL tiền sát và chỉ thị mục tiêu tấn công tên lửa không có gì mới lạ. Chẳng qua SCMP làm ầm ĩ khi ghép thêm địa danh Biển Đông để la làng rằng Mỹ lại tìm cách kiềm chế Trung Quốc.

Giả làm nạn nhân

Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc coi việc các nước di chuyển trên Biển Đông là kết bè với Mỹ, khiêu khích Trung Quốc và hoàn toàn phi pháp.

Để xác định đúng sai, phải dựa trên một khung luật pháp chung, mà cụ thể là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Điều 87 của Công ước có nội dung các quốc gia dù có biển hay không có biển đều có quyền tự do hàng hải và tự do hàng không.

Trung Quốc dựa trên tuyên bố đường chín đoạn (đường lưỡi bò) mà cấm các nước nay "bén mảng" tới Biển Đông, vốn bị phán quyết của Tòa trọng tài tháng 7-2016 bác bỏ.

Ngày 16-9-2020, sau một loạt nước trong khu vực và cả Mỹ, ba nước Đức, Anh, Pháp đã gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh rằng tuyên bố về việc Bắc Kinh thực thi "quyền lịch sử" đối với vùng Biển Đông là không tuân thủ luật quốc tế và các điều khoản của UNCLOS 1982.

Từ công hàm tới triển khai tàu vì lợi ích hàng hải, hàng không của mình, vì muốn thực thi luật pháp quốc tế là điều đương nhiên. Song, từ đó mà Trung Quốc cáo giác các nước châu Âu là liên minh với Mỹ để gây sự với Trung Quốc, chính là hóa phép biến nguyên nhân "Trung Quốc o ép thiên hạ" thành hậu quả "Trung Quốc bị các nước kết bè o ép".

Châu Âu đang bảo vệ lợi ích hợp pháp ở Biển Đông

Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hôm 1-3 khởi động cuộc tập trận kéo dài một tháng ở Biển Đông, bất kể Bắc Kinh cố gắng khẳng định tình hình Biển Đông "yên ổn".

Dù không được đề cập cụ thể, thông tin tập trận của PLA lập tức được liên hệ với các hoạt động của tàu Mỹ và đồng minh như Canada và châu Âu ở Biển Đông gần đây. Các học giả về Biển Đông trao đổi với Tuổi Trẻ hầu hết nhận xét rằng phương Tây có những lợi ích hợp pháp và lý do chính đáng để hành động, đặc biệt là nhu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Theo GS Carl Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc), các nước châu Âu hay Canada đều nhất trí hoặc có nhận định riêng rằng hành động bắt nạt, dọa dẫm và thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc đang đe dọa lợi ích của họ đối với một khu vực biển hòa bình và ổn định.

Luận về quan điểm "quốc tế hóa" Biển Đông, PGS.TS Vũ Thanh Ca (Khoa Môi trường Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội) khẳng định việc nhận thức Biển Đông là một vấn đề, một không gian quốc tế là cực kỳ quan trọng, vì nó cho thấy rằng hoạt động của các quốc gia ở Biển Đông chỉ là thực hiện các quyền hợp pháp của mình và ngăn chặn sự chiếm đóng trái pháp luật của Trung Quốc đối với Biển Đông.

"Như vậy, có thể thấy rất rõ rằng phe phi nghĩa là Trung Quốc, còn phe chính nghĩa là các nước khác. Điều này giúp tạo sức mạnh cho cộng đồng quốc tế đoàn kết bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia hợp pháp của mình trên Biển Đông" - ông nói với Tuổi trẻ.

N.Đ.

Nguồn: tuoitre.vn

Đọc thêm

1. Hơn 200 tàu Trung Quốc 'không thực sự đánh bắt cá', tụ về một nơi trên Biển Đông

Trần Phương

21/03/2021 13:20 GMT+7

TTO - Ngoại trưởng Philippines cho biết đang chờ lệnh để phản đối chính thức sau khi lực lượng tuần duyên nước này phát hiện hàng trăm chiếc tàu - được cho là của dân quân Trung Quốc - tập trung tại một khu vực trên Biển Đông.

Hơn 200 tàu Trung Quốc không thực sự đánh bắt cá, tụ về một nơi trên Biển Đông - Ảnh 1.

Khoảng 220 chiếc tàu dân quân Trung Quốc neo tại một khu vực trên Biển Đông ngày 7-3 - Ảnh: REUTERS

Tờ Inquirer ngày 21-3 dẫn lời Lực lượng đặc trách quốc gia (NTF) Biển Tây Philippines (cách Philippines gọi Biển Đông) cho biết đã nhận được báo cáo của lực lượng tuần duyên về sự xuất hiện của 220 tàu Trung Quốc tại một khu vực trên Biển Đông ngày 7-3.

Những chiếc tàu neo thành hàng tại một rạn san hô và dường như do các dân quân Trung Quốc điều khiển.

Lực lượng này cho biết tình hình đáng lo ngại do nguy cơ những chiếc tàu này đánh bắt hải sản quá mức, phá hoại môi trường biển và đe dọa đến việc đi lại an toàn tại vùng biển trên.

Tuy nhiên, "dù thời tiết trong lành vào thời điểm đó, các tàu Trung Quốc tập trung tại rạn san hô không thực sự đang đánh bắt cá và họ bật toàn đèn ánh sáng trắng vào ban đêm", NTF nhận định.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cùng ngày cho biết đang chờ lệnh để phản đối chính thức vụ việc.

"Tôi chờ phát lệnh và sự điều phối của ông Esperon và Lorenzana. Có lệnh thì chủ nhật tôi cũng phản đối", ông Locsin nói, đề cập đến Cố vấn an ninh quốc gia Hermogenes Esperon và Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana.

Phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa phản hồi cuộc gọi từ Hãng tin Reuters về vụ việc.

Tháng 1-2021, Philippines cũng từng phản đối luật cảnh sát biển mới của Trung Quốc, cho phép lực lượng này nổ súng vào tàu nước ngoài. Manila gọi đây là "đe dọa chiến tranh".

T.P.

Nguồn: tuoitre.vn

2.  Philippines chỉ trích Trung Quốc 'xâm nhập', yêu cầu rút 220 tàu dân quân biển

21/03/2021 19:17 GMT+7

Bảo Duy

TTO - Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana mô tả hành động của tàu Trung Quốc là "khiêu khích" và khẳng định đây là các tàu thuộc lực lượng dân quân biển. Ông yêu cầu Bắc Kinh rút tàu ngay và cảnh báo sẽ có "hành động thích hợp".

Tuyên bố của ông Lorenzana được đưa ra sau khi truyền thông Philippines công bố các hình ảnh khoảng 220 tàu Trung Quốc neo đậu tại một khu vực trên Biển Đông.

Trong tuyên bố chiều 21-3, ông Lorenzana khẳng định các tàu này đang nằm trong "vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines". Do đó, theo ông Lorenzana, việc tàu Trung Quốc dàn đội hình trong vùng biển này là một "hành động khiêu khích".

"Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm nhập và rút ngay lập tức các tàu đang vi phạm quyền hàng hải và xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Philippines", Hãng tin Reuters trích tuyên bố của bộ trưởng quốc phòng Philippines.

Theo mô tả của truyền thông Philippines, các tàu Trung Quốc có vẻ ngoài giống tàu cá thông thường. Tuy nhiên, nhóm tàu này dường như "không thực sự đang đánh bắt hải sản" mà chỉ tập trung dàn đội hình san sát nhau theo chiều ngang và bật đèn màu trắng suốt đêm khi trời tối.

Ngay sau tuyên bố của ông Lorenzana, lực lượng vũ trang Philippines (AFP) cũng ra tuyên bố, nhấn mạnh sẽ "tăng cường tuần tra hàng hải" để bảo vệ ngư dân. Lực lượng này nhấn mạnh an toàn của ngư dân Philippines sẽ là ưu tiên hàng đầu.

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin kế đó xác nhận ông đã gởi công hàm ngoại giao phản đối tới Trung Quốc. Ông Locsin trước đó tuyên bố sẽ chỉ gởi công hàm sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Lorenzana và AFP xác nhận thông tin.

Việc tàu cá Trung Quốc tập trung với số lượng lớn trong vùng biển không phải của Trung Quốc không phải là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, truyền thông Philippines nghi ngờ 220 tàu cá trên là tàu của dân quân biển, một trong những công cụ Bắc Kinh thường xuyên sử dụng để thúc đẩy các yêu sách vô lý trên Biển Đông.

Theo nhà nghiên cứu Andrew S. Erickson (Mỹ), Chính phủ Trung Quốc là nguồn hỗ trợ tài chính cho dân quân biển. Không chỉ Biển Đông, lực lượng này còn "vươn vòi" đến các vùng biển khác xung quanh Trung Quốc.

Hồi tháng 8-2020, khoảng 100 tàu dân quân biển ngụy trang tàu cá đã xâm nhập quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp trên biển Hoa Đông. Theo ông Erickson, Chính phủ Trung Quốc đã thuê và đóng mới các tàu cho dân quân biển, trang bị cho các thành viên của lực lượng này các thiết bị liên lạc, định vị hiện đại và vũ khí hạng nhẹ.

B.D.

Nguồn: tuoitre.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn