Cần có cách tiếp cận thống nhất để ngăn chặn Trung Quốc sử dụng luật hải cảnh mới ở Biển Đông

Dipanjan Roy Chaudhury, The Economic Times 11/02/2021

Nguyễn Tuấn Anh dịch

Tóm tắt

Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01/02/2021. Luật này cho phép Cảnh sát biển Trung Quốc bắn vào các tàu ở xung quanh quần đảo Senkaku hoặc các tàu xung quanh một số bãi đá ngầm và đảo ở Biển Đông nơi Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với Philippines, Đài Loan và Việt Nam, và một số những nước khác.

***

Một luật mới của Trung Quốc cho phép cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ lực đối với các tàu nước ngoài trong vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền bao gồm cả Biển Đông làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và đã gây ra phản ứng gay gắt từ một số quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản.

Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1 tháng 2. Luật này cho phép cảnh sát biển Trung Quốc bắn vào các tàu xung quanh quần đảo Senkaku hoặc các tàu xung quanh một số bãi đá ngầm và đảo ở Biển Đông nơi Bắc Kinh tranh chấp chủ quyền với Philippines, Đài Loan và Việt Nam, và một số nước khác.

Giống như Philippines và Việt Nam, Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với luật mới này, với việc Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi phát biểu luật này không được áp dụng theo cách vi phạm các tiêu chuẩn quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cũng bày tỏ quan ngại mạnh mẽ của Nhật Bản về luật này, nhấn mạnh rằng luật này vi phạm các chuẩn mực quốc tế. Ấn Độ, quốc gia có hơn 50% thương mại quốc tế đi qua khu vực Biển Đông phải theo dõi chặt chẽ tác động của luật mới của Trung Quốc đối với lợi ích kinh tế của New Delhi trong khu vực.

Vào tháng 12/2020, khi Trung Quốc đang tranh luận về dự thảo luật mới, Toshinari Matsuo, Giám đốc Văn phòng Luật Vận hành tại Trường Cao đẳng Tham mưu và Chỉ huy Hải quân của Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản, đã viết: luật mới đã vượt ra ngoài các tiêu chuẩn do Liên hợp quốc thiết lập tại Công ước về Luật Biển (UNCLOS). UNCLOS cho biết một quốc gia ven biển có thể thực hiện các bước cần thiết chống lại tàu thuyền nước ngoài đi qua lãnh hải của mình nếu việc đi qua của họ không vô hại.

Khu vực Senkaku được giám sát bởi các tàu tuần duyên và máy bay tuần tra của Nhật Bản. Điều quan trọng là Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã tái khẳng định với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ, trong đó Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các vùng lãnh thổ dưới sự kiểm soát hành chính của Nhật Bản, áp dụng cho cả quần đảo Senkaku.

Theo các chuyên gia, các thành viên ASEAN cần làm rõ các hành động sử dụng vũ lực nào của Trung Quốc trong vùng biển của họ sẽ được coi là hành động chiến tranh. Phó Đô đốc Koda Yoji, nguyên Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản bình luận với VnExpress Quốc tế rằng “đối với Việt Nam, cũng như Nhật Bản, tình huống nguy hiểm nhất không phải là việc Cảnh sát biển Trung Quốc sử dụng vũ khí theo quy định của pháp luật mà cốt lõi của vấn đề là việc Trung Quốc sử dụng luật pháp như một công cụ chính của “chiến tranh pháp lý” để mở rộng lãnh thổ của mình một cách “hòa bình”. Đồng thời, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cần đưa ra quan điểm nhất quán về vấn đề này.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 08/02/2021, trong một cuộc phỏng vấn với CNN Philippines cho biết, "Tôi rất lo ngại về luật này vì nó có thể gây ra những tính toán sai lầm và đụng độ [trên Biển Đông], đặc biệt là hiện nay họ được phép bắn vào các tàu nước ngoài. "Cảnh sát biển Trung Quốc hiện hoạt động trong các khu vực tranh chấp ở Biển Tây Philippines, một phần của các tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông, nơi hải quân và cảnh sát biển Philippines cũng tuần tra. Lorenzana nói thêm: “Khả năng xảy ra đụng độ hoặc tính toán sai là rất lớn, và vì vậy tôi kêu gọi tất cả các bên tranh chấp ở [Biển Đông], gồm cả Trung Quốc, Việt Nam, hãy lưu ý và cẩn trọng trong việc thực thi luật pháp của họ.

Lorenzana cũng cho biết Philippines sẽ thảo luận với các đồng minh của mình, bao gồm Mỹ và các bên tranh chấp khác, về cách xử lý tình hình. Nhiều quốc gia bên ngoài khu vực như Vương quốc Anh, Australia và Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch tuần tra các vùng biển tranh chấp để thực hiện các hoạt động tự do hàng hải. Lorenzana bổ sung: chính phủ Philippines sẽ tiếp tục hợp tác với các bên thứ ba này để “tìm cách giải quyết”.

Vào tháng 1/2021, chính phủ Philippines đã ra công hàm phản đối luật mới của Trung Quốc, được coi là “lời đe dọa chiến tranh đối với bất kỳ quốc gia nào, là bất chấp luật pháp [quốc tế], mà nếu không thách thức nó, có nghĩa là phục tùng luật này”.

Các nước trong khu vực Đông Nam Á cần đưa ra quan điểm nhất quán và thống nhất về vấn đề này. Đó là cách duy nhất để khiến Trung Quốc rút lại luật hoặc ngăn không cho Trung Quốc thực thi luật này trong phạm vi tài phán của các nước khác.

Vào ngày 09/02/2021 Mỹ đã cử hai nhóm tác chiến tàu sân bay tham gia các hoạt động diễn tập chung ở Biển Đông để phản đối luật mới của Trung Quốc.

Cuộc tập trận ngày 09/02 cho thấy các nhóm tác chiến USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz tiến hành “vô số cuộc diễn tập nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa các khí tài cũng như khả năng chỉ huy và kiểm soát”, Hải quân Hoa Kỳ cho biết. Tuần trước, Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành “hoạt động tự do hàng hải” (FONOP) đầu tiên ở Biển Đông và cũng có chuyến đi đầu tiên qua eo biển Đài Loan dưới thời chính quyền Biden. Các hoạt động nêu trên của hai tàu sân bay diễn ra khi một tàu ngầm tấn công hạt nhân của Pháp là một trong số hai tàu hải quân gần đây đã thực hiện một cuộc tuần tra qua biển Đông, người đứng đầu Bộ quốc phòng Pháp cho biết trong một tweet ngày 09/02/2021.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Florence Parly viết trên Twitter rằng tàu ngầm Emeraude đã tham gia cùng tàu hỗ trợ Seine. Parly viết: "Cuộc tuần tra đặc biệt này chỉ vừa hoàn tất. Đây là bằng chứng nổi bật cho thấy năng lực của hải quân Pháp trong việc triển khai ở những khu vực xa xôi và trong thời gian dài cùng các đối tác chiến lược của chúng tôi như Úc, Mỹ và Nhật Bản".

Hồi cuối năm ngoái [2020] truyền thông Nhật Bản đưa tin vào Pháp, Mỹ và Nhật Bản dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tập trận chung trên bộ và trên biển lần đầu tiên vào tháng 5.

Không thể bỏ qua ý định đằng sau luật mới này của Trung Quốc. Năm ngoái [2020], Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng tốc việc thực thi các luật liên quan đến đối ngoại. Ông kêu gọi bảo vệ chủ quyền quốc gia và các lợi ích cốt lõi thông qua lập pháp và thực thi pháp luật. Luật Hải cảnh mới là một phần của sự thúc đẩy đó. Trung Quốc đang ráo riết thực hiện cải tạo bồi đắp ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Một báo cáo năm 2020 của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD) lưu ý rằng, trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tăng gấp đôi số lượng tàu tuần tra cảnh sát biển cỡ lớn trên 1.000 tấn, từ khoảng 60 chiếc vào năm 2010 lên hơn 130 chiếc vào năm ngoái. Điều đó khiến lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc, được một số người coi là hải quân thứ hai của Trung Quốc, trở thành lực lượng cảnh sát biển lớn nhất trên thế giới, DOD cho biết.

Phần lớn các tàu mới này không chỉ được trang bị trực thăng, vòi rồng mà còn có cả pháo 30 mm và 76 mm, thường lớn hơn nhiều so với pháo của các hạm đội tuần duyên các nước khác. Một số tàu cảnh sát biển này cũng có thể hoạt động cách xa bờ biển Trung Quốc đại lục trong thời gian dài.

D.R.C.

Nguồn bản dịch: vanviet.info

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn