Năm điểm nghẽn khiến kinh tế tư nhân mãi "không chịu lớn"

Phương Linh

Doanh nghiệp tư nhân vẫn yếu thế trong quá trình phân bổ nguồn lực vật chất so với các khu vực doanh nghiệp khác. Đây là một trong những những trở ngại lớn cản trở kinh tế tư nhân phát triển phát triển.

Năm điểm nghẽn khiến kinh tế tư nhân mãi "không chịu lớn"

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Qua gần 35 năm đổi mới, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.

Khu vực kinh tế này liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42-43% GDP, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân.

Tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Đề án "Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam", ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh, doanh nghiệp tư nhân đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hiếu cũng cho rằng, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt; chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực này còn thấp, năng lực khoa học công nghệ còn nhiều lạc hậu, trình độ quản trị doanh nghiệp còn yếu.

Nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đội ngũ các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thiếu nguồn lực và năng lực cạnh tranh. Đa phần các doanh nghiệp này đều hoạt động vì mục đích mưu sinh, "không chịu lớn" hoặc rất khó để phát triển lớn mạnh.

Bà Lan cho rằng, nguồn lực từ kinh tế tư nhân của Việt Nam rất lớn, song còn quá nhiều vướng mắc chưa tháo gỡ, khơi thông khiến khu vực kinh tế này vẫn đang "chậm phát triển".

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, ông Hiếu đã chỉ ra năm yếu tố tồn tại, hạn chế trong vai trò, chức năng quản lý nhà nước đang kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay. Theo đó:

Thứ nhất là về định hướng, quy hoạch.

Công tác xây dựng quy hoạch của nhà nước còn chưa kịp thời, chưa đầy đủ, làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp.

Nhiều định hướng phát triển lớn của nhà nước còn mang tính chất trải đều trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực dẫn đến hiệu quả thấp trong huy động và phân bổ nguồn lực. Ông Hiếu lấy ví dụ như định hướng phát triển ngành công nghiệp ưu tiên thì có khá nhiều các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn khác nhau.

Bên cạnh đó, một số định hướng chiến lược mới chỉ dừng lại ở mục tiêu, số lượng, chưa chú trọng đến phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng. Nhiều quy hoạch có chất lượng chưa cao, đặc biệt là vẫn còn khoảng cách giữa chủ trương, chính sách, quan điểm của Đảng, nhà nước với công tác thực tiết triển khai thi hành. Điều này đã gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp.

Thứ hai là công tác tạo lập khung khổ thể chế.

Theo ông Hiếu, chất lượng thể chế trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa đạt được tiến bộ mạnh mẽ trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.

Môi trường kinh doanh được cải thiện chủ yếu ở lĩnh vực điều kiện gia nhập thị trường. Hệ sinh thái hỗ trợ, nuôi dưỡng doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân chưa có nhiều tiến bộ.

Khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn yếu thế trong quá trình phân bổ nguồn lực vật chất so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Những bất cập về thể chế đất đai, quyền tài sản bao gồm giao dịch đảm bảo, xử lý tài sản thế chấp vẫn chậm được giải quyết. Đây là những trở ngại lớn cản trở lực lượng sản xuất phát triển.

Về công tác thủ tục hành chính, ông Hiếu cho biết, doanh nghiệp vẫn có nhiều phản ánh, kiến nghị về khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn không rõ ràng giữa các quy định pháp lý. Nhiều quy định không hợp lý, không tương thích đã tạo ra chi phí tuân thủ cao, can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ của doanh nghiệp.

"Chất lượng thể chế chưa đạt được mục tiêu như Đảng, Chính phủ đặt ra. Nhiều chỉ tiêu về thể chế của Việt Nam đang ở mức thấp hơn so với khu vực. Cụ thể, năng lực cạnh tranh 4.0 Việt Nam đứng thứ 6 trong ASEAN, chất lượng môi trường kinh doanh xếp thứ 5 năm trong ASEAN trong khi mục tiếp là trong top 4", ông Hiếu dẫn chứng.

Thứ ba là khâu phân bổ nguồn lực phát triển kinh tế.

Chính sách phân bổ nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực địa bàn chưa hiệu quả và đúng mục tiêu. Vẫn còn quan điểm cho rằng chưa có sự bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn lực, giữa các doanh nghiệp có quy mô khác nhau, hạn chế hoặc khó tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước còn nhiều tồn tại. Nhiều doanh nghiệp nhà nước chậm thoái vốn, cổ phần hóa, khu vực doanh nghiệp nhà nươc hiệu quả thấp

Thứ tư là khâu kiểm tra giám sát.

Việc thay đổi trong công tác kiểm tra giám sát chưa đáp ứng đủ yêu cầu và mục tiêu để ra, một số thay đổi mang tính cơ học, không thực chất.

Đơn cử như vẫn còn gần 20% doanh nghiệp được khảo sát cho biết họ vẫn bị thanh kiểm tra 2 lần trong năm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh cũng vẫn bị kiểm tra. Trong khi đó, công tác thanh tra, kiểm tra đang tạo nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Thứ năm là công tác tổ chức thực hiện pháp luật hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Việc thực hiện thủ tục hành chính được nhiều doanh nghiệp phản ánh là gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cùng với đó là tình trạng thiếu liên thông, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan với doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp gặp khó trong quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến, triển khai chưa hiệu quả.

Giải pháp đổi mới quản lý nhà nước để phát triển kinh tế tư nhân

Bàn về giải pháp để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đổi mới toàn diện quản lý nhà nước nhằm phát triển kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, ông Hiếu cho rằng, trước hết, các cơ quan quản lý cần xác định đúng vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường.

Trọng tâm của quá trình này là nâng cao vai trò, chất lượng thể chế theo nguyên tắc phát triển thị trường, cung cấp dịch vụ hành chính công, giảm sự can thiệp hành chính sách vào quản trị nội bộ doanh nghiệp, xoá bỏ những quy định không hợp lý, trái quy luật thị trường, cản trở thúc đẩy kinh tế tư nhân.

Đồng thời, nhà nước cần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt hình thức sở hữu, thành phần kinh tế, năng cao bảo đảm quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Đi cùng với đó là phân bố nguồn lực công bằng bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Theo ông Hiếu, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cần đổi mới căn bản, toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo, từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp, từ tiền kiểm sang kiểm soát theo nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi giữa các thành phần kinh tế, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế.

P.L.

Nguồn: The Leader

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn