Hàn lâm hoá nội các Chính phủ Việt Nam

Nguyễn Văn Tuấn

Nội các Chính phủ Phạm Minh Chính có một điểm nổi bật nhất là trình độ học vấn rất cao, cao hơn các bộ trưởng trong chính phủ Úc và Mĩ.

Chúng ta biết rằng nội các Chính phủ mới có 28 thành viên [1], nhưng có đến 5 phó thủ tướng! Chính phủ Úc [2] hồi nào đến giờ chỉ có 1 phó thủ tướng. Chính phủ Mĩ cũng vậy, chỉ có 1 phó tổng thống [3]. Không hiểu sao Việt Nam có nhiều phó thủ tướng thế.

Điểm thứ hai là nam giới 'thống trị' nội các Phạm Minh Chính. Thật vậy, trong số 28 người chỉ có 1 người duy nhất 1 nữ: Phạm Thị Thanh Trà. Trong khi đó thời đại mới là tạo điều kiện và xiển dương vai trò của phụ nữ. Do đó, nội các Morrison (Úc) có đến 23% là nữ, còn nội các Biden bên Mĩ thì có đến 46% là nữ giới.

Nhưng điểm nổi bật trong nội các mới là trình độ học vấn của các thành viên rất cao. Điểm tuyệt vời ở đây là có 14 người có bằng tiến sĩ [4], tức chiếm 50% tổng số thành viên trong nội các. Con số này rất cao nếu so sánh với Úc, nơi không có bộ trưởng nào có bằng tiến sĩ, hay so sánh với Mĩ, nơi chỉ có 4 người có bằng tiến sĩ.

Thật ra, trình độ học vấn cao của các bộ trưởng Việt Nam không phải là điều gì mới mẻ. Chừng 10 năm trước (2010), nội các Chính phủ lúc đó có 26 người, thì 13 người có bằng tiến sĩ, tức cũng chiếm tỉ trọng 50%. Rồi nội các Nguyễn Xuân Phúc cũng thế: số người có bằng tiến sĩ xấp xỉ 52%.

Ngay cả trong Bộ chánh trị (BCT) cũng có nhiều tiến sĩ. Thật vậy, số liệu năm 2021 cho thấy trong số 18 thành viên BCT, có đến 10 người (56%) có bằng tiến sĩ [5]. Nói cách khác, tỉ trọng tiến sĩ trong BCT còn cao hơn trong nội các Chính phủ.

Ở nước ngoài, Đức là nơi có nhiều tiến sĩ trong nội các, nhưng tỉ trọng tiến sĩ cũng chỉ 20% trong tổng số bộ trưởng, và tình trạng này đã được xem là một 'hiện tượng'. Tuy nhiên, con số 20% đó chẳng thấm gì so với 50% của Việt Nam. Có thể nói rằng chính phủ Việt Nam ngày nay đã trở nên hàn lâm hoá.

Những dữ liệu thực tế trên có thể hiểu nhiều cách. Hiểu tích cực là trình độ các bộ trưởng Việt Nam ngày nay đã cao hơn nhiều so với các vị tiền nhiệm trong thời chiến tranh hay mới sau chiến tranh. Một cách hiểu khác là nó phản ảnh tính hiếu học của người Việt, và điều này thể hiện qua trình độ của các bộ trưởng.

Hiểu theo nghĩa kém tích cực thì những dữ liệu này nói lên rằng người Việt chưa chắc là hiếu học mà chỉ hiếu danh thôi. Ông Lương Đức Thiệp, trong "Việt Nam tiến hóa sử" (1944), viết rằng người Việt học không phải để hiểu biết mà để có được chức quyền vì miếng cơm manh áo: "[...] cho nên người Việt Nam hiếu học không phải vì khát hiểu biết mà chỉ vì mong một địa vị ưu thắng trong xã hội: Học đối với người Việt không phải để thỏa mãn một khát khao trí tuệ, mà chính là để làm kế mưu sinh." Nếu hiểu theo nghĩa này thì bằng cấp như tiến sĩ ngày nay ở Việt Nam đã mất cái uy danh của nó và đã bị lạm dụng.

Một cách hiểu khác nữa là tình trạng 'hàn lâm hoá' chỉ là hậu quả của chính sách 'người ngành nào phụ trách ngành đó' (ví dụ như bộ trưởng quốc phòng thì phải là tướng lãnh, bộ trưởng y tế phải là người của ngành y, bộ trưởng giáo dục phải là người của ngành giáo dục và đào tạo, v.v.) Trong khi đó ở các thể chế dân chủ và dân sự thì người ta thường cho người ngoài ngành lãnh đạo ngành chuyên môn. Thành ra, chúng ta thấy ở Mĩ hay Úc có khi bộ trưởng quốc phòng là luật sư, bộ trưởng y tế là người từng học về văn chương.

Tiến sĩ (PhD) là văn bằng thuộc loại 'prestigious' hay 'elite' (tinh hoa), là văn bằng cao nhất trong một số nước trên thế giới. Văn bằng PhD là viết tắt từ chữ 'Doctor of Philosophy'. Chữ 'philosophy' ở đây không có nghĩa hẹp là triết học, mà có nghĩa rộng hơn. Trong tiếng Hi Lạp, 'Philo' có nghĩa là 'thương' (sau này trại ra 'philia') và 'sophia' có nghĩa là 'tư tưởng' (hay sáng suốt, hay thông thái). Như vậy, chữ 'philosophy' ở đây có nghĩa nghĩa rộng là 'yêu tư tưởng'. Bản chất của văn bằng PhD, theo nghĩa nguyên thuỷ của nó, mang tính lí thuyết hơn là thực hành. Sau này thì nhiều trường cho ra đời loại bằng tiến sĩ thực hành mà họ gọi là 'professional doctorate'.

Còn chữ 'doctor' ở đây xuất phát từ tiếng Latin 'docere' có nghĩa là 'giảng dạy'. Nhưng ngày nay, giảng dạy phải đi liền với nghiên cứu khoa học. Do đó, văn bằng PhD bản chất là một chứng chỉ của người hành nghề giảng dạy và nghiên cứu. Cho đến nay, văn bằng PhD được xem là 'giấy thông hành' của nhà khoa học. Cũng giống như một người muốn hành nghề thầy thuốc thì phải có bằng MD, còn muốn hành nghề nghiên cứu và giảng dạy thì phải có PhD.

Thế nhưng, ở Việt Nam thì ý nghĩa của văn bằng PhD có vẻ trở nên lệch lạc. Nhiều cơ quan trong hệ thống công quyền ở Việt Nam có qui định rằng ứng viên phải có bằng PhD để đáp ứng tiêu chuẩn cho một chức vụ nào đó. Và, theo thời gian, những người đạt được những chức vụ đó được thăng tiến trong hệ thống chánh trị và có mặt trong nội các hay Bộ Chính trị. Do đó, có thể nói rằng sự hàn lâm hoá chánh phủ ở Việt Nam ngày nay đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước, và nó có thể xuất phát từ cách hiểu lệch lạc về văn bằng tiến sĩ.

Cách đây chừng 10 năm, Báo SGGP có đi một loạt bài về vấn đề đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam. Trong loạt bài đó, có một tác giả viết như sau: "Nhà khoa học, nhà quản lý các nước cũng sẽ rất ngạc nhiên khi biết được trong đội ngũ cán bộ của ta hiện nay, tỷ lệ TS rất cao! […] Trên các nước, TS nếu có trong bộ máy quản lý nhà nước thì cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất ít." Nhận định này cho đến nay vẫn còn thích hợp.

___

[1] http://chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/chinhphu/chinhphuduongnhiem

[2] https://www.aph.gov.au/Senators_and_Members/Parliamentarian?MPID=HWO

[3] https://www.whitehouse.gov/administration/cabinet

[4] Thành viên Nội các mới có bằng tiến sĩ: Phạm Minh Chính, Nguyễn Hồng Diên,

Nguyễn Chí Dũng, Vũ Đức Đam, Huỳnh Thành Đạt, Phan Văn Giang, Trần Hồng Hà,

Tô Lâm, Lê Thành Long, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Thanh Nghị, Hồ Đức Phớc,

Nguyễn Kim Sơn, Nguyễn Văn Thể.

[5] Các ủy viên Bộ Chánh Trị có bằng tiến sĩ: Trần Tuấn Anh, Nguyễn Hòa Bình, Phạm Minh Chính, Phan Văn Giang, Vương Đình Huệ, Tô Lâm, Trần Thanh Mẫn, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Phú Trọng, và Trần Cẩm Tú.

N.V.T.

Tác giả gửi BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn