NĂM 1991- KỲ 2

Nguyên Ngọc

image

Thào Mỹ ngày gặp lại

Đồng Văn ngày xưa là một huyện lớn, nay chia làm bốn: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ.

Ngày chiến tranh biên giới, thị trấn Đồng Văn và tất cả các xã đều trở thành phía trước phơi mình ra dưới tầm pháo. Huyện Mèo Vạc phải nhường cho Đồng Văn ba xã để có chỗ mà lui. Huyện lỵ Đồng Văn phải chạy lùi về Lũng Phìn. Nghe nói tốn tới hàng trăm tấn thuốc nổ phá núi dựng cơ quan huyện ủy và ủy ban mới. Cơ quan khá đàng hoàng, cất toàn bằng gỗ trắc núi đá rắn hơn thép, trên đồi cao, khoáng đạt, khang trang. Chỉ có điều rét tê người quanh năm. Đêm chúng tôi ở lại, sương buốt tựa băng rơi lộp độp suốt sáng như một thứ mưa rào chậm chạp và bí mật. Có cửa hàng mậu dịch, có cả ngân hàng, kho bạc… Nhưng hình như quang cảnh chung lại đìu hiu hơn, xơ xác hơn xưa nhiều. So với ngày tôi ở trước đây, chỉ có hai điều thay đổi tân tiến rõ rệt: đường ô-tô đã đến hầu khắp các xã, tất nhiên là đường hiểm trở vô song, nhưng dẫu sao cũng là đường.

Và nước. Trên vùng núi đá vôi mênh mông này nước quý hơn vàng. Mưa ào xuống một cái, vài phút sau núi đá vôi đã hút khô sạch. Nay đã có đường ống dẫn nước, bằng kim loại hẳn hoi, qua các xã. Nước được chứa trong các bể xi-măng lớn, xanh rờn và lều phều rêu rác, nhưng cũng là nước, là thiên đường, so với cái đói nước kinh niên ngày trước.

Tiếp chúng tôi là Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Lì Mí Pó. Theo chỗ tôi nhớ, tôi chưa gặp người H’mông nào như anh. Không sôi nổi, nhiệt huyết ồn ầo, dễ say và dễ buồn, dễ cực điểm. Lì Mí Pó chắc chắn, hơi trầm mặc, ít nói, cười rất nhẹ, đăm chiêu nhiều hơn. Anh nói chậm, cân nhắc từng chữ, câu nói gọn và chắc. Người gầy, rắn đanh như được tạc bằng gỗ trắc núi đá, mắt không xếch lắm, khuôn mặt rắn rỏi, kiên định. Anh là kỹ sư nông nghiệp.

Câu chuyện loanh quanh một ít những kỷ niệm xưa, rồi lập tức, chẳng dừng được, bị cuốn ngay vào đề tài nóng bỏng nhất: sống thế nào đây, trên núi đá cằn cỗi muôn đời này?

Lì Mí Pó đi nhiều. Người đi nhiều thường cũng là người nghĩ nhiều. Anh bảo:

– Tôi công tác ở huyện mỗi năm trung bình đi bộ ba, bốn nghìn cây số, buổi trưa nhịn đói.

Câu chuyện của anh, tất nhiên, xoắn chặt vào việc làm ăn. Vẫn câu hỏi cháy bỏng ấy: trồng cây gì?

Lì Mí Pó:

– Chúng tôi có 4 vạn hai dân, 11 dân tộc, 90 phần trăm người H’mông. Bình quân đất sản xuất 0,17 héc-ta/đầu người.

Tôi cười :

– Đất hay đá?

Lì Mí Pó cũng hơi cười:

– Vâng, đá.

– Trồng gì?

– Ngô và một ít lúa. Năng suất ngô 9 tạ/héc-ta, lúa 2,4 tấn/héc-ta. Thử trồng ngô hai vụ nhưng thất bại, anh ạ, vì thiếu cường độ ánh sáng.

Anh nhìn ra ngoài. Đã gần 10 giờ sáng. Mà bốn bề vẫn còn mù mịt sương.

– Đành quay lại một vụ, thu hoạch khoảng tháng năm tháng sáu, phụ thuộc có mưa sớm mới cày được. Tháng chín, tháng mười giá lạnh, cờ ngô bị khô trắng. Năm nay do mưa nhiều, lũ trôi cây, phân gio. Dân không có tiền mua phân đạm. Hiện nay ba bốn mươi phần trăm số hộ đói. Không có ngô ăn, chỉ trông chờ tam giác mạch, nhưng tam giác mạch sẽ làm chua đất, xấu ngô.

– Còn cây dược liệu?

– Cũng có đấy: đương quy, tam quy, tam thất. Nhưng thị trường bấp bênh, các thứ ấy bây giờ bên Tàu tràn qua nhiều. Dân chán, mỗi năm chỉ thu hoạch được vài chục cân. Trên này có ưu thế mận, lê, chắc anh từng biết rồi. Nhưng bảo quản, vận chuyển thế nào? Thuê một chiếc xe tải từ thị xã Hà Giang lên, về, mất bốn triệu đồng.

Tôi liều mạng bục ra một câu hỏi kỳ thực vẫn ấm ức từ lâu:

– Hay trở lại cây thuốc phiện?

Lì Mí Pó ngồi im lặng rất lâu. Những gì đang trào lên trong anh mà khiến đôi mắt của người kỹ sư nông nghiệp H’mông sinh ra trên đất đá khắc nghiệt này, hơn nửa đời trằn trọc với quê hương này, mỗi năm đi bộ, nhịn bữa trưa, hàng 3, 4 nghìn cây số khắp núi non này, đôi mắt nhỏ, dài ấy đột nhiên ánh rực lên.

– Đó là việc của cấp quốc gia – anh nói.

– Nhưng còn ý kiến riêng anh?

Lì Mí Pó nhắc lại.

– Đó là việc của cấp quốc gia… Bây giờ cấm trồng thuốc phiện nhưng người ta vẫn hút đấy. Có điều chui lủi, lén lút, khó nhọc hơn, đắt hơn.

Ngừng một lát rồi anh nói:

– Sức mua của dân rất thấp, chỉ trông vào ba hạt ngô còm cõi.

Đêm hôm ấy tôi lại ngồi với Lí Mí Pó đến khuya. Hình như sự tĩnh mặc của đêm núi rừng khiến anh cởi mở hơn. Anh tâm sự:

– Tôi có nghĩ một phương án: làm thủy điện sông Nho Quế. Tôi đi xem kỹ rồi. Làm được. Tất nhiên nhà nước Trung ương phải hỗ trợ chúng tôi. Chẳng lẽ nhà nước Trung ương bỏ chúng tôi sao?

– Để làm gì? – Tôi hỏi.

– Sẽ chế biến bảo quản lê, mận, đào, rồi chuyển về xuôi. Tôi nghĩ nát óc rồi, chỉ còn phương kế đó.

Chúng tôi lại ngồi im lặng. Tôi không dám hỏi thêm Pó câu gì nữa. Tôi biết cái phương án của anh đẹp quá, nhưng rồi chắc cũng chỉ là một thứ ảo tưởng như bao ảo tưởng của chúng ta… Lê, mận Đồng Văn, Phó Bảng ngon nổi tiếng. Nhưng sản lượng được là bao?…

Thật sự chưa có con đường ra cho cái cao nguyên đá kỳ dị này.

*

Trên đường từ Lũng Phìn qua Mèo Vạc, Gác lái xe bảo:

– Cái dốc này gọi là dốc Ba Cô Giáo đây.

– Là thế nào?

Gác cười. Anh đánh nhanh tay lái tránh một tảng đá lớn.

– Anh cho em xin điếu thuốc… Nguyên chỗ này có một cái trường cấp 1, tất nhiên, có ba lớp thôi. Lớp 1, lớp 2, lớp 3. Lớp 1 mười học sinh, lớp 2 năm, lớp 3 thì chỉ còn có hai. Cả ba lớp ngồi chung tất một phòng, dạy chung, học chung, lộn tùng phèo. Ba cô giáo là người dưới xuôi lên. Kinh có, Tày có. Anh nghĩ coi, heo hút giữa rừng đá, bốn bên toàn đá. Bộ đội ta phát hiện ra. Đi qua, tạt vào, nghỉ lại đêm. Đủ ba người thì tốt, hai người cũng được, một cũng được. Nghĩa là… anh hiểu rồi chứ gì?… Thương quá.

Chúng tôi sững người. Và bỗng sực nhớ ba cô gái trong cái trạm sản xuất bị bỏ quên giữa rừng Tây Nguyên và những cậu trinh sát khao khát và tội lỗi trong quyển tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh.

Ôi, giữa những ngày tôi và các bạn đang sống yên ổn giữa Hà Nội, với bao nhiêu chuyện hằng ngày hữu tích sự và vô tích sự của chúng ta, thì ở nơi núi non xa xôi này vẫn còn có câu chuyện bi thảm tội lỗi và đau đớn này sao?…

Chúng tôi phải dừng xe lại, nép hẳn vào một bờ ta-luy nhường đường cho hai chiếc xe tải chở rất nặng ngược chiều. Thùng xe chất toàn những hòm gỗ lớn: xe quân đội chở đạn về xuôi. Chiến tranh biên giới đã yên. Bộ đội đang rút dần về.

… Có người đón đường đi nhờ xe: một cô giáo ở chính cái trường S.L. Gác vừa kể, đi nhờ xe về Mèo Vạc: ngày mai là phiên chợ. Cô gái má đỏ au, rắn chắc. Hình như là người Tày Chiêm Hóa. Đường xóc nảy người mà cháu bé vẫn ngủ say.

Chúng tôi không dám hỏi chồng cô bây giờ ở đâu. Cô gái cười tươi rói:

– May quá, không thì mẹ con cháu cuốc bộ nửa đêm mới đến nơi.

Cô giáo cũng đi chợ. Chốn đèo heo hút gió này chợ là ngày hội mà.

*

– Thào Mỹ bây giờ ở đâu?

Anh Phó Chủ tịch huyện Mèo Vạc hơi ngơ ngác:

– Thào Mỹ?… Thào Mỹ nào nhỉ?… À phải rồi, hình như là bán cái quán ngay trước cổng cơ quan đây.

Hình như…. Tôi hơi cay đắng, nhưng biết chẳng trách ai được. Anh Phó Chủ tịch người tận dưới Thái Bình, chắc là mới được điều lên công tác vùng cao sau khi Thào Mỹ đã nghỉ việc. Bao nhiêu lo toan rối rắm hằng ngày, anh đâu có thì giờ tìm hiểu những chuyện mấy chục năm trước.

Hình như là bán cái quán ngay trước cổng cơ quan đây, nghĩa là cách chỗ tôi đang ngồi chỉ năm bảy chục mét. Tôi vội rửa ráy qua quít rồi chạy ù ra:

– Chị Thào Mỹ!

– Anh!

Chúng tôi không nói được gì nữa. Thào Mỹ cúi xuống lục tìm mãi một vật gì đó trong cái thúng hàng lộn xộn, chắc là để giấu đi một nỗi niềm xúc động quá bất ngờ. Lâu lắm chị mới ngửng lên, gần như thì thào:

– Vậy mà em nghe tin anh đã hy sinh rồi.

Và chúng tôi lại ngồi im lặng. Đột nhiên chẳng còn có gì để nói với nhau cả. Tất cả vụt tan biến hết. Xuân Thiều và Ma Liễu ý tứ bỏ đi đâu đó. Tôi ngồi một mình cạnh Thào Mỹ, cách có vài gang tay, nhưng giữa chúng tôi là 30 năm dâu bể. Vậy mà người đàn bà ấy vẫn đẹp một cách lạ lùng. Tôi chưa thấy người đàn bà nào có thể đi qua 30 năm dằng dặc đau khổ trầm luân tưởng chừng nhẹ tênh đến vậy. Vẫn đôi mắt xanh nâu đắm đuối ấy, có bình tĩnh và chín chắn hơn đương nhiên, nhưng ngọn lửa khát khao chừng không thể, không hề tắt. Vẫn gọn gàng nhanh nhẹn rắn chắc, có lẽ vẫn hệt ngày xưa, những ngày leo lên công tác Thào Trứ Lũng, Cán Trứ Phìn chót vót, Thào Mỹ đi trước, tôi theo sau, thấy chiếc váy lanh óng ánh của chị đong đưa theo nhịp bước và đôi bắp chân Mỹ nõn nà như hai cái ức trắng của đôi chim rừng lướt đi trong cỏ đá.

Tôi buột miệng:

– Chị Mỹ ơi, sáng mai ta lên Thào Trứ Lũng đi, thăm ông già Lầu Xểnh Va.

Thào Mỹ cười:

– Anh chẳng còn leo nổi nữa đâu. Mà ông Lầu Xểnh Va cũng mất rồi.

Chị bảo:

– Tối nay anh sang nhà em nhé, anh còn nhớ món mèn mén không, em đãi anh một bữa. Chồng em mất rồi, năm ngoái… Anh ấy đi đột ngột quá, đâu có mấy ngày, em chạy không kịp… Bây giờ ở nhà còn thằng con trai và đứa con dâu. Thằng Dính, con đầu của em, đang học trường quân sự dưới Hà Nội… Chỉ tiếc anh lên mà không còn gặp được chồng em. Anh ấy cũng nhắc anh luôn đấy, em kể lại tất cả mà.

image

Thào Mỹ ngày gặp lại

Tôi ngạc nhiên. Người chồng Lô Lô, trẻ hơn Mỹ đến gần chục tuổi, đã đánh đập hành hạ chị tàn bạo, đã gọi chị là Con Mèo già, cút đi!, vậy mà chị nói về anh với biết bao thương yêu. Chị đã có hạnh phúc thật sự chăng? Một chút hạnh phúc bắt được giữa cuộc đời xáo động. Hay là một cố gắng tuyệt vọng để níu lấy một bóng dáng hạnh phúc do chính chị tưởng tượng ra?

Không, Thào Mỹ đã có hạnh phúc thật. Nhìn đứa con trai và cô con dâu chị thì biết và tin. Cậu con trai đẹp quá chừng, đôi mắt xanh nâu tinh anh đằm thắm của mẹ, cái vạm vỡ tự tin táo bạo chắc là của cha. Và sự chắt lọc pha trộn của hai dòng máu, để làm nên cái tác phẩm kỳ diệu này. Cô con dâu người Lô Lô Lũng Cú mới nằm nơi dậy, ngồi bên bếp lửa thản nhiên trật vú cho con bú. Cô gái Lô Lô một con ấy trông ngon lành như một trái đào vừa chín tới.

Tôi hỏi cậu con trai:

– Làm thế nào mò lên tận Lũng Cú mà tìm được cục vàng này thế?

Cậu cười ranh mãnh:

– Thì ngày trước bác chẳng lặn lội lên tận Mèo Vạc này là gì. Mẹ cháu kể hết. Cả nhà này đều biết bác. Bọn cháu chờ, cháu bảo: Thế nào cũng có ngày bác trở lên. Cháu đoán có sai đâu…

Tôi rủ Thào Mỹ sang thăm Lùng Sùng Páo. Chúng tôi đi trong đêm rét căm căm, qua Chúng Pả, rồi Xả Pả. Thào Mỹ bảo:

– Anh Páo bây giờ bị mù, nhưng còn tinh lắm. Em sẽ không giới thiệu gì cả, để xem anh ấy có nhận ra anh không.

Cả nhà đang quây quần quanh bếp lửa. Tôi bước vào và gọi:

– Anh Páo, có người cũ về thăm đây. Nhớ không?

Một người đứng dậy. Cao lớn, gầy, quần áo chàm, đầu quấn khăn. Người ấy mò mẫm bước tới mấy bước, đứng lặng một chút, rồi đột ngột ôm chầm lấy tôi:

– Anh Ngọc!… Các con ơi, bà ơi, anh Ngọc về đây này!

Páo khóc. Từ đôi mắt mù của anh len ra hai giọt nước mắt lớn. Tôi cứ đứng vậy mà để cho hai giọt nước mắt nghĩa tình ấy ướt ấm trên má tôi.

Chúng tôi uống rượu. Lâu lắm tôi mới lại uống nhiều thế. Cô con gái Páo, học trường thiếu niên vùng cao, lém lỉnh chuốc rượu đến tài. La đà say, tôi nghe Páo kể:

– Mấy năm tôi đi các làng, đồng bào hỏi thăm anh Ngọc mãi. Ai cũng nhắc: anh cán bộ Ngọc không bao giờ dọa dân…

Páo kể. Và lại khóc. Chúng tôi lại uống.

Xuân Thiều ghé tai tôi:

– Tớ ghen với hạnh phúc của cậu.

*

Phiên chợ Mèo Vạc nghèo và buồn. Phải nói thật điều này thôi: không bằng 30 năm trước.

Không còn những chõ xôi vàng rực, chỉ nhìn đủ thèm. Không còn những gói hoàng tinh (mà ở đây người ta gọi là voòng chính) mỡ màng chất đầy các củi tấu. Không còn những chú lợn béo ụ được dòng dây vào cổ, người bán người mua thách và mặc cả ầm ĩ. Cả những người đi bán khèn Mèo cũng chẳng thấy. Vắng hẳn những chiếc váy H’mông xúng xính rung rinh. Ngay đến hàng thắng cố truyền thống cũng lơ thơ… Chợ biên giới mà hàng Trung Quốc chỉ có mấy chiếc đèn pin cổ lỗ, vài xấp vải đen rất thô, mấy thứ thuốc cao đơn hoàn tán linh tinh. Có lẽ chỉ còn có một nơi sôi động nhất là cái sân vận động ở đó người ta bán và mua ngựa. Trên vùng núi đá này, ngựa là chiếc xe Honda. Người mua thử ngựa, nhảy thót lên lưng, giật cương chạy quanh sân. Người ngồi xem uống rượu men lá bằng bát. Nhưng không còn thấy cảnh các đôi trai gái say mèm, người con trai cầm khèn vừa nhảy lò cò vừa thổi, người con gái cầm ô xanh đỏ hát dìu dặt Tu tè chí dù mưng, rồi dìu nhau vào các hốc đá tiếp tục cuộc tình đắm đuối cho đến tối mịt…

Mới trưa chợ đã vãn.

Không gì bộc lộ rõ rệt đời sống của người dân bằng cái chợ. Lì Mí Pó nói đúng: Sức mua của người dân đã xuống thấp lắm.

Thào Mỹ không ra chợ. Chị chỉ ngồi cái quán trước cổng huyện ủy. Quán chị cũng đìu hiu quá: mấy cái kẹo không có tên, dăm chai rượu, vài bao thuốc lá bán từng điếu…

Chúng tôi đảo qua chợ vài vòng, chẳng mua được gì, chẳng có gì để mua. Tôi bảo Xuân Thiều:

– Thôi ta đi chuyện khác. Tôi sẽ cho ông xem hai kỳ quan: Mã Pi Lèng là một, Sùng Chóa Vàng là hai.

– Sùng Chóa Vàng?

– Rồi sẽ biết…

Chúng tôi đi Mã Pi Lèng trước. Xuân Thiều đứng lặng trên đỉnh đèo, sững sờ không nói được câu nào. Tôi có thể đoan chắc với các bạn, trên khắp đất nước ta đấy là đệ nhất hùng quan. Thào Mỹ có lần kể với tôi rằng có bận, hồi còn trẻ, thất tình, tuyệt vọng, chị đã lang thang khắp núi rừng và định ăn lá ngón tự tử. May thay hôm ấy chẳng biết xui khiến thế nào chị leo lên Mã Pi Lèng. Và chính cái đèo kỳ lạ này đã khiến chị quyết sống. Núi sông đẹp đến thế, chết sao nổi!

Ba giờ chiều, trên đường từ Mã Pi Lèng trở về Mèo Vạc, chúng tôi ghé lại Pả Vi thăm Sùng Chóa Vàng.

Trong ký ức của tôi, đó là một điểm sáng không thể quên, một con người kỳ lạ. Có lẽ là người H’mông nhất trong tất cả những người H’mông tôi từng gặp, quen biết. Một chiến sĩ thiện chiến bậc nhất và một tâm hồn nghệ sĩ đến tận máu thịt. Vô cùng dũng cảm và vô cùng tự do. Những trận đánh khó khăn ác liệt nhất đều có mặt Sùng Chóa Vàng. Những việc hiểm nguy nhất, chọn ai? Bao giờ cũng là Sùng Chóa Vàng. Làm thịt chó ngon nhất: Sùng Chóa Vàng. Ve gái tài nhất: Sùng Chóa Vàng. Yêu đến mê mẩn vợ con, lại cũng Sùng Chóa Vàng…

Tôi nhớ một đêm chúng tôi đang đuổi theo bọn phỉ trên thôn Cán Trứ Phìn, đột ngột Sùng Chóa Vàng tìm đến tôi:

– Cán bộ, cho mình về nhà một bữa.

– Sao được. Đang đánh nhau thế này. Mà về làm gì?

– Mình nhớ vợ!

– Trời ơi! Xong trận này đã. Sẽ cho nghỉ một tuần.

– Không cần một tuần. Một đêm thôi. Mình thèm nó quá rồi. Về một đêm. Mai có mặt.

– Nhưng dọc đường bọn phỉ nó xơi tái ông mất.

– Sợ gì!

Nói xong, xốc súng quay đi ngay. Cây súng kíp dài ngoẵng.

Tôi chỉ kịp gọi với theo:

– Chóa Vàng, phải cẩn thận đấy. Có thể bọn phỉ đã phục sẵn quanh nhà cậu…

Quả nhiên, chẳng sai. Chóa Vàng đi hai chục cây số đường núi đá đêm đen. Về đến nhà, chẳng nói chẳng rằng một câu, ôm xốc vợ vật ngay lên giường… Đang giữa cuộc ái ân cuồng dại, bỗng chị vợ đẩy mạnh Chóa Vàng ra:

– Có tiếng động sau nhà, nghe thấy không?

Chóa Vàng vùng dậy. Cây súng đặt ngay đầu giường. Quả có tiếng sột soạt sau nhà thật.

– Cứ nằm im – anh khẽ bảo vợ. Rồi một mình ra đứng ở cửa, nghe ngóng. Lại có tiếng sột soạt. Chóa Vàng nổ liền hai phát.

– Cầm đuốc ra đây!

Chị vợ xốc vội chiếc váy, đốt đuốc chạy ra: hai tên phỉ nằm vắt ngang bờ rào sau nhà, cả hai đều trúng đạn đúng giữa trán…

Sáng hôm sau anh lại đã có mặt chỗ chúng tôi. Hỏi gì cũng chỉ trả lời gọn lỏn:

– Hai thằng!

Một tuần sau chúng tôi mới biết rõ hết chuyện…

Ôi, Sùng Chóa Vàng, người chiến sĩ nghệ sĩ tuyệt diệu của tôi 30 năm trước, bây giờ anh thế nào? Nghe nói khi Đồng Văn – Mèo Vạc đã dẹp xong vụ phỉ, anh về làm bí thư xã Pả Vi liên tục mười năm. Rồi nghỉ hưu…

– Nhà Chóa Vàng kia kìa – Thào Mỹ chỉ.

Chúng tôi men theo bờ một nương đá, vòng vèo hơn vài trăm mét mới đến một ngôi nhà tranh, một túp lều xơ xác. Đang đi, bỗng vấp phải một người quấn tấm chăn rách tả tơi nằm ngủ ngay bờ rào. Cúi xuống, kéo chăn, thấy ló ra một cái đầu trọc lóc: Sùng Chóa Vàng!…

Chúng tôi lại ngồi với nhau bên bếp lửa. Chẳng còn biết nói câu gì. Cả anh Phó Chủ tịch huyện đi cùng với chúng tôi cũng lặng thinh. Căn nhà người anh hùng của chúng tôi 30 năm trước hoàn toàn trống trơn, không giường, không chiếu, không bàn ghế, chỉ có cái cối đá xay mèn mén và cái nồi nhôm treo trên bếp lửa. Tường thưng bằng bẹ ngô. Mái tranh rách bươm…

image

CHÓA VÀNG 40 năm sau

(Ảnh chụp năm 2002. Khi tôi lên lại lần sau)

Lúc từ giã, Chóa Vàng nắm tay tôi hỏi:

– Anh có lên lần nữa không?

Trên đường về tôi kéo Thào Mỹ đi lùi lại sau. Tôi hỏi:

– Chị Mỹ, trồng cây gì bây giờ ở đây? Trồng ngô thì chết đói. Chóa Vàng đấy…

Thào Mỹ nhìn tôi:

– Chẳng lẽ trở lại cây thuốc phiện sao anh? Thì chính anh đã viết Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng. Chính anh phải trả lời đi chứ.

Quanh hai chúng tôi miên man những nương đá lởm chởm, tầng tầng lớp lớp, sâu hút tận bờ sông Nho Quế thăm thẳm, cao ngất tận đỉnh Mã Pi Lèng vòi vọi. Giữa các hốc đá là những bụm đất đỏ quạch nhỏ đúng bằng bàn tay. Người H’mông có nghệ thuật xếp đá giỏi nhất thế gian. Để cúp cum giữ từng bụm đất vàng ngọc ấy. Và cắm xuống đấy một cây ngô chết đói.

Cây gì ?

Làm sao ?

Lì Mí Pó bảo tôi, lúc chia tay:

– Đấy là việc giải quyết ở tầm quốc gia, anh ạ. Anh đã cất công lên đến đây, tôi xin gửi anh như một lời nhắn. Tôi nói điều này, anh đừng chê trách nhé: chúng tôi đuối sức rồi. Hãy cứu chúng tôi!

Bạn ở Hà Nội, xin mở bản đồ ra mà xem: Đồng Văn – Mèo Vạc – Lũng Cú, ấy là cái mỏm nhọn nhất trên cơ thể Tổ quốc đó.

Tôi vừa từ nơi ấy về. Mang theo lời nhắn của Lì Mí Pó.

Tháng 8 năm 1991

♣♣

Ở trên tôi có nói từ vùng cao trở về tôi hôi hổi muốn ngồi ngay vào bàn và cầm bút, bao nhiêu ấn tượng còn sống động cựa quậy. Và quan trọng hơn nhiều: Cảm giác tôi có thể viết khác lần này, tôi đã có thể thật sự làm mới các từ của mình, rứt chúng ra khỏi cái ký ức tồn dư ngoan cố bám dính trong ấy cả một phần đời tôi…

Nhưng rồi không ngờ lại có chuyện rắc rối chẳng đâu vào đâu đang chờ, đến có cơ sẽ làm nhạt nhòa tất cả … Tất nhiên phải kể, cả hai, cái thúc giục và cái rắc rối.

Tôi có thói quen để bắt đầu cho viết thường lục tung tủ sách tìm thứ gì đó thường khi rất bất ngờ làm đà. Lần này tôi tìm được, cứ như trên trời rơi xuống, một cuốn sách không nhớ từ đâu tôi có được của ông linh mục kiêm nhà dân tộc học F. M. Savina Lịch sử người Miêu (Histoire des Miao) in năm 1930 ở Hồng Kông, khá ly kỳ.

Hãy nghe trước hết Savina định nghĩa người H’mông: “Chỉ cần hai từ để xác định người H’mông: một người rách rưới lang thang trên núi, lưng đeo gùi và thổi khèn”.

Ông dẫn tục ngữ H’mông:

Mê ngiee lỏa dề, mờ nồng giang pêr, ndô, mê Hmông nhoà sau trông

Cá lội dưới nước, chim bay trên trời, người H’mông ở trên núi cao

Và đây là chân dung họ:

“… đàn ông trung bình, đàn bà nhỏ thó hơn, ngực nở, vai rộng, bàn tay bàn chân nhỏ, đi dép quai mảnh, mũi thường tẹt, đôi khi thẳng, gò má hơi lồi, trai gái đều má phúng, miệng nhỏ, môi mỏng, mắt hơi xếch và cứ như muốn nhắm lại, tóc khi đen khi màu hạt dẻ hay râu ngô, da sáng hay trắng và râu thưa khiến những con người này thuộc một chủng tộc đặc biệt nằm giữa chủng da trắng và chủng da vàng

Tôi muốn bổ sung Savina: Phụ nữ H’mông ở nước ta là phụ nữ dân tộc thiểu số duy nhất mặc váy xếp li.

Họ từ đâu đến vậy, để tôi trở thành thân thiết và sẽ góp phần thay đổi cả ngòi bút của tôi như tôi sẽ muốn tâm sự, những con người nửa Âu nửa Á, nửa trắng nửa vàng tôi đã gặp và cũng từng ít nhiều nhúng tay can dự vào số phận của họ?

Theo Savina, nhìn trên một bản đồ dân tộc học có thể nhận ra rất nhiều chủng tộc từ khởi nguyên đều tụ ở một vùng đất, ông chỉ rõ, phía Đông là cao nguyên Pamir, Đông Nam là sông Indus, Tây Bắc là biển Oman, Tây Nam là vịnh Persique, chính Tây là các lưu vực sông Tigre và Euphrate, Đông Bắc là biển Caspienne, chính Bắc là hồ Aral.

Savina tin rằng người H’mông, vốn gốc Touranien, từng sống ở vùng thiết lập Tháp Ngôn ngữ (Babel), sau bị người Aryen và người Sémite đánh đuổi, thay vì chạy về vùng Trung Á như nhiều tộc người khác, xuất phát từ vùng nằm giữa Pamir, biển Caspienne và vịnh Persique mà họ gọi là “cao nguyên Tả Soa” rất thân thiết trong tâm khảm mỗi người H’mông cho đến tận ngày nay, họ lại mải miết đi về phương Bắc, vượt qua cả vĩ tuyến 60, lọt hẳn vào Vòng tròn Bắc cực – cho nên trong các truyện cổ tích Thào Mỹ kể cho tôi nghe những đêm cùng thức trắng ở Mèo Vạc có cả chuyện đêm dài sáu tháng ngày dài sáu tháng… Từ đây họ đổ xuống phương Nam, làm chủ vùng Trung Nguyên, mạn Bắc Kinh ngày nay, trước khi bị người Hán du mục từ Đông Bắc men theo sông Vị, sông Hoài và bờ Nam sông Hoàng Hà tràn xuống đánh đuổi. Cuộc thất bại lịch sử này của họ bắt đầu từ bao giờ? Theo Léon Weiger trong sách Trung Quốc qua các thời đại (La Chine à travers les ages, 1920), chậm nhất là khoảng năm 2500 trước Công Nguyên. Nghĩa là người H’mông đã đi suốt 5000 năm từ Nam lên Bắc, rồi lại đổ xuống đi xuyên lục địa Trung Hoa để đến biên giới Việt Nam. Và toàn đi trên các đỉnh cao bởi vì những vùng đồng bằng đã bị các dân tộc khác chiếm hết rồi. Họ vào Việt Nam ở mũi nhọn Lũng Cú…

Savina viết: “… Họ đã nán lại quá lâu trên núi cao, chẳng còn chỗ cho họ ở đồng bằng. Dân tộc lữ hành này, chưa bao giờ có Tổ quốc cố định, chẳng hề quan tâm đến biên giới của các dân tộc khác, nhưng họ thành thạo tuyệt vời các con sông và các ngọn núi của châu Á, và đã đặt tên cho hầu hết các sông núi đó bằng ngôn ngữ của mình. Hẳn họ sẽ đoạt giải nhất về địa lý so với toàn bộ người phương Đông! [Cho tôi nói thêm nhé: Cho nên xuống thấp thì họ ngạt thở!]

Người H’mông chưa bao giờ có Tổ quốc cố định, tuy nhiên lại cũng chưa bao giờ biết chịu nô lệ. Độc lập một cách dữ tợn là dấu hiệu khác biệt của người H’mông, suốt mọi thời đại…”

Nhân đây cho tôi kể một câu chuyện phiêu du kỳ lạ nữa xảy ra ở chính Mèo Vạc cách đây chưa đến mươi năm và đã được đăng trên báo Thanh niên. Một hôm có người đàn ông tên là Vừ Già Pó đột ngột mất tích. Trên vùng biên cương xáo động và bí ẩn này chuyện ấy cũng không hoàn toàn lạ. Thỉnh thoảng vẫn có người bị bắt cóc bán sang Tàu, con gái thì làm vợ người ta hay bị ném vào các ổ điếm, đàn ông thì làm nô lệ. Vừ Già Pó biến mất. Người ta đi tìm… Rồi người ta quên… Cho đến một hôm bỗng có tin, trên báo chính thống hẳn hoi, Vừ Già Pó bị bắt tại… Kashmir, vùng đất tranh chấp khốc liệt giữa Ấn Độ và Pakistan. Hẳn Vừ Già Pó đã trốn thoát được cảnh nô lệ bên Tàu, tờ báo đoán thế. Nhưng tại sao anh lại lưu lạc tít tắp tận Kashmir? Tính ra từ cái thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc quê hương, bị bắt sang Tàu rồi thoát, Pó đã đi bộ 5800 km xuyên Bắc Lào, Bắc Thái Lan, Myanmar, vượt sườn Hymalaya, sang Bangladesh, Bhutan, Nepal, rồi Bắc Ấn Độ, đến Kashmir. Chỉ có thể đi như trong cơn mê.

image

Cuộc phiêu du kỳ lạ của VỪ GIÀ PÓ

Khi bị bắt Vừ Già Pó đang còn đi, mải miết về hướng Tây. Mải miết về hướng Tây thì đến vùng đất cổ nằm giữa núi Pamir, biển Caspienne và vịnh Ba Tư, tức cao nguyên Tả Soa, thường xuyên được nhắc đến trong các truyền thuyết H’mông Thào Mỹ thuộc lạ lùng và kể cho tôi bao đêm cùng thức trắng: điểm xuất phát cuộc trường chinh 5000 năm của H’mông lên Bắc Cực, rồi quay xuống phương Nam, toàn đi trên các đỉnh cao và đặt tên cho chúng, cho đến cái thung lũng đá kỳ dị này và đặt cho nó cái tên cuối cùng: Mèo Vạc. Chưa bao giờ được biết ký ức lạ lùng đến thế của một dân tộc .

Lại cũng không thể không nói về cách người H’mông đến Mèo Vạc và trồng cây thuốc phiện.

Sau khi vào Việt Nam tại đỉnh nhọn Lũng Cú, họ tạt qua Đồng Văn, rồi đi tiếp về hướng tây, qua Xà Phình, Phó Cáo (nhưng không ra Yên Minh, thung lũng lúa nước của người Tày) mà hướng về Phó Bảng, men theo chân dãy Thập Vạn Đại Sơn, rồi đi tiếp sang Lào Kay, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, để tiếp tục cuộc trường chinh trên Tam Giác Vàng Bắc Lào -Thái, đến Myanmar…

Riêng một nhánh nhỏ đã có chọn lựa khác lạ. Từ Đồng Văn còn ít nhiều núi đất, họ tách ra, rẽ xế về Nam, leo lên Mã Pi Lèng hiểm trở, hay bị chính ngọn đèo kỳ quan này mê hoặc, đột ngột bỗng thấy mình đã đứng trên một ngọn cao chót vót, ngọn cao nhất, trước mặt, một cảnh tượng chưa từng thấy: tuyệt không có gì khác ngoài đá tai mèo trùng điêp.

Tổ tiên Thào Mỹ đi theo chính nhánh này. Nhánh mạo hiểm nhất.

Từ nay, với họ, là sống trên đá. Ngoảnh mặt hướng nào cũng là đỉnh cao và đá. Nương ư? Là trăm nghìn hốc đá mỗi hốc chỉ bằng một vụm tay. Đất ư? Phải tụt xuống tận bờ sông Nho Quế leo lẻo xanh nghìn mét dưới kia, hì hục xúc từng gùi đất, lại hì hục ngược lên nghìn mét dốc đá, tằn tiện đổ vào các hốc đá chỉ bằng vụm tay ấy. Và cắm xuống đấy một cây…

Cây gì?

Câu hỏi sống còn.

image

Trải mấy trăm hay mấy nghìn năm chọn lựa gian truân, họ tìm được loại cây duy nhất thích hợp với đất đá và nắng mưa sương gió nơi này, lại cho con người sống khá dư dả: cây thuốc phiện. Giống anh túc đẹp nhất, cũng dữ dội và hiểm nguy nhất trong toàn họ anh túc. Anh túc-Mỹ nhân. Hệt người đẹp trên đời, lúc còn bé cây thuốc phiện tầm thường và hiền lành chẳng phân biệt với cây cải cúc, có thể nấu canh như canh cải ăn với mèn mén. Nhưng chỉ chừng hai tháng tuổi nó bỗng dậy thì, không thèm ra hoa cải vàng mộc mạc, mà kỳ ảo như ma, chỉ một đêm sáng ra một thân cây lẳng lơ nở đến mấy loại hoa đủ màu khác nhau, đỏ, tím, hồng, lác đác xanh hay lốm đốm điểm hồng trên nền trắng cao quý và quyến rũ. Đã bắt đầu thấy đôi ba quả, rồi hối hả mỗi lúc một rộ lên những quả thoạt trông như quả vừng nhưng to và bọng, những chiếc vú ứ sữa khiêu khích. Ba tháng thì thu hoạch được. Rất công phu. Buổi chiều sẫm lên nương, dùng chiếc liềm nhỏ răng sắc và thật mịn, cứa nhẹ vào hai mặt của quả (chiều hôm sau lại cứa nốt hai mặt còn lại), sáng ra gạt lấy chỗ nhựa ứa từ vết thương do cứa hôm trước lên một lưỡi dao, cả nương mới được nửa lưỡi dao. Một sào Bắc bộ (360m²) cho ba lạng mủ. Mủ ấy phết lên một tấm giấy bản rồi đem hong khô thì thành “thuốc sống”. Lấy thuốc sống bóc bỏ giấy, đem dầm vào nước sôi, lọc sạch rồi đun cho đặc lại mới thành “thuốc chín”. Là dạng thuốc dùng hút ở Đông Dương vào đầu thế kỷ 20, gọi là nha phiến. Mười cân nha phiến tinh chế được một cân bạch phiến. Đắt hơn vàng…

Cây thuốc phiện, chọn lựa sống còn và bi kịch truyền đời của người H’mông để tồn tại trên những rẻo cao đá tai mèo.

♣♣

Trên bàn viết ở Hà Nội, một chiếc phong bì đang chờ khi tôi từ Mèo Vạc trở về. Công an văn hóa A 25 triệu tập. Triệu tập nhé, chứ không phải mời. Đến Trần Bình Trọng. Anh Phùng trưởng A 25 quen từ hồi tôi còn làm báo Văn nghệ khá lịch sự. Nhưng mấy cậu trẻ ngồi quanh thì xấc ra mặt. Họ tập trung hỏi về “cuộc họp ở nhà anh Trần Độ với Bùi Duy Tâm và Dương Thu Hương”. Kế hoạch họp thế nào, bàn bạc những gì… Tất nhiên tôi bảo chẳng có cuộc họp nào hết, với tôi và Phương Quỳnh hoàn toàn là tình cờ, anh Độ theo tôi cũng bất ngờ, cũng chẳng có kế hoạch bàn luận nào. Còn Hương với Bùi Duy Tâm thì các ông hỏi họ ấy. Hương bị bắt rồi, Bùi Duy Tâm cũng trong tay các ông, khó gì… Thật ra lúc này tôi biết chuyện bắt Dương Thu Hương đã gây rắc rối cho chính họ. Dù sao cô ấy cũng là nhà văn có tiếng, bắt ắt phải có ý kiến cấp trên nào đấy. Nghe bảo anh Quang Phòng Tổng Cục phó an ninh đã báo cáo Ban Bí thư Trung ương do ông Nguyễn Thanh Bình đứng đầu (tôi đã đối mặt với ông trong vụ Vua Lốp hồi làm báo Văn nghệ, nay lại có chuyện với nhau khi ông về làm Trưởng ban Bí thư, duyên nợ hai chúng tôi hóa ra cũng khá dài!). Được Quang Phòng báo cáo sau lưng Dương Thu Hương là một tổ chức phản động quan trọng, Bùi Duy Tâm là đầu mối, nghe có vẻ đúng quá, ông Bình đồng ý cho bắt. Hóa ra bắt xong, tìm mãi chẳng thấy gì. Mà Hương thì rất đáo để, vào tù cô chửi Quang Phòng chẳng chừa chút nào. Dư luận trong ngoài nước đã xôn xao, bà vợ Tổng thống Mitterrand đã lên tiếng… Tôi sang họp Thường trực Hội Nhà văn, biết Quang Phòng đã đánh tiếng với Hội rằng Dương Thu Hương rất phức tạp về mặt an ninh, bắt là đúng, tuy nhiên nếu Hội Nhà văn có ý kiến “thì chúng tôi cũng có thể cân nhắc thêm”, lại hẹn mời Hội sang họp để cùng xem xét. Thường trực bàn, biết thế là họ sai rồi và đang lúng túng, nhất trí Hội không xin xỏ gì hết và cử Hữu Mai sang họp khi họ mời. Đúng là họ rất bí, mà Dương Thu Hương bắt thì dễ, thả lại không dễ chút nào, chắc gì cô đã chịu ra, cứ ở đấy chửi cho sướng! Hôm Hữu Mai sang họp, Quang Phòng lại giở giọng “nếu Hội…”, Hữu Mai trả lời ngay: “Khi bắt các anh có hỏi gì chúng tôi đâu, bây giờ làm gì tùy các anh, Hội không có ý kiến gì ạ!”. Cuối cùng đành phải thả, cũng may Hương chịu ra, sau khi chửi dữ dội một trận nữa. Nghe nói Quang Phòng mất chức vì vụ này…

Riêng tôi, họ còn nhì nhằng với tôi mãi về vụ gặp ở nhà anh Trần Độ. Vừa rồi xem lại Trở lại Mèo Vạc thấy còn ghi Tháng 8 năm 1991, tức tôi đã bị mất đứt ba tháng chẳng đâu vào đâu. Cho đến hôm Tô Hoài a-lô khoe bốn tập hồi ký đang viết, dọa tôi về chuyện Thào Mỹ rồi gửi cho tôi cả bốn tập viết tay của anh. Thường vẫn vậy, đọc của người khác, nhất là trên bản viết tay, nghĩa là thứ còn rất “sống”, lại đánh thức được mình khỏi cơn lừ đừ suýt nữa đã khiến mọi chuyện thành nhạt nhòa nguội lạnh, có khi sẽ mất luôn mãi mãi, như một người vì một chuyện chẳng ra sao đã để nhỡ chuyến tàu định mệnh của mình. Cám ơn Tô Hoài thật nhiều, không cần đọc hết bốn tập của anh tôi đã hối hả ngồi vào bàn, hối hả cầm bút. Và tôi nhìn thấy hiện ra trên trang giấy là những từ run rẩy vẫn là của riêng tôi vừa đã hoàn toàn mới, khác, của hôm nay. Vậy đó, tôi đã tìm được cách viết của mình. Bài đăng hai kỳ trên báo Văn nghệ.

Hai tuần sau tôi vào Sài Gòn, đến thăm Nguyễn Khải, bị Khải mắng một trận: Mình đọc Mèo Vạc rồi, Khải bảo, lạnh cả người, bút lực thế mà bao nhiêu năm cậu không viết là rất có tội. Nhà văn kiểu gì lạ thế…

Khải rất thích những cái tôi dịch của Kundera, anh có tiểu thuyết Thượng đế thì cười, là lấy từ một châm ngôn Do Thái “Con người suy nghĩ, còn Thượng đế thì cười được Kundera dẫn lại trong tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết. Tôi bảo Khải: Lâu nay tôi mải suy nghĩ, để ông Thượng đế (thì) cười cho. Bây giờ tôi biết cười với ông ấy rồi.

Tình bạn của chúng tôi là vậy, lo lắng nhất là cho cái viết của nhau. Khải hỏi tôi bao giờ thì trở lại với người H’mông. Tôi bảo không, tôi đã tìm được “lối viết” của tôi rồi, tôi sẽ mang nó về cho mảnh đất riêng của tôi chứ: Tây Nguyên.

Tháng 4 - 2021

N.N.

Nguồn: Văn Việt

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn