Các vấn đề cốt lõi cần xem xét để sửa Luật đất đai của Việt Nam

Tô Văn Trường

Dù biện luận bất cứ cách nào, nói quanh, nói co để phủ nhận quyền sở hữu đất đai này của dân cũng đều không ổn. Nếu đất đai là của toàn dân thì chính quyền chỉ là một thành tố trong khái niệm ấy chứ không đồng nghĩa: Chính quyền = Nhà nước = toàn Dân. Mập mờ về khái niệm là gốc dẫn đến mọi vi phạm.

Quốc hội Việt Nam khóa 14 vẫn còn nợ dân về sửa Luật Đất đai vì đây là nguyên nhân gây bất ổn xã hội, bao oan ức, kiện tụng khắp cả nước.

Kẻ thủ lợi trong những năm qua chính là các nhóm lợi ích đã lộ diện hoặc đang giấu mình. Nếu không sửa Luật Đất đai dựa trên cơ sở khoa học, hợp lòng dân thì các nhóm lợi ích sẽ vơ vét thêm nữa để rồi sẽ được Luật sửa đổi bảo vệ. Sự căng thẳng xã hội sẽ còn tăng cao hơn nhiều.

Ảnh: Biểu cảm của một số người dân Thủ Thiêm trong các cuộc đối thoại với chính quyền địa phương để đòi lại đất bị giải tỏa trái pháp luật

Tôi thường được nghe người nông dân tâm sự ngày xưa “theo Đảng để dân cày có đất”. Có đất, đương nhiên phải có quyền sở hữu. Nhưng sau bao hy sinh, người nông dân chỉ đổi được phận ông chủ hờ. Ngay cả những người chắt bóp cả đời mua được mảnh đất cũng bỗng dưng mất quyền làm chủ.

Dù biện luận bất cứ cách nào, nói quanh, nói co để phủ nhận quyền sở hữu đất đai này của dân cũng đều không ổn. Nếu đất đai là của toàn dân thì chính quyền chỉ là một thành tố trong khái niệm ấy chứ không đồng nghĩa: Chính quyền = Nhà nước = toàn Dân. Mập mờ về khái niệm là gốc dẫn đến mọi vi phạm.

Quốc hội Việt Nam khóa 14 vẫn còn nợ dân về sửa Luật Đất đai vì đây là nguyên nhân gây bất ổn xã hội, bao oan ức, kiện tụng khắp cả nước.

Kẻ thủ lợi trong những năm qua chính là các nhóm lợi ích đã lộ diện hoặc đang giấu mình. Nếu không sửa Luật Đất đai dựa trên cơ sở khoa học, hợp lòng dân thì các nhóm lợi ích sẽ vơ vét thêm nữa để rồi sẽ được Luật sửa đổi bảo vệ. Sự căng thẳng xã hội sẽ còn tăng cao hơn nhiều.

Vậy nên Việt Nam không thể tiếp tục để cho Luật sửa đổi đất đai trở thành con dao hai lưỡi.

Muốn gỡ vướng chính sách liên quan đến lĩnh vực kinh tế như sửa Luật Đất đai, riêng Bộ Tài nguyên Môi trường không đủ lực. Việt Nam cần phải có sự phối hợp đa ngành, thay đổi nhận thức từ Trung ương (cụ thể là Ban Kinh tế Trung ương) vì còn liên quan đến cả Hiến pháp, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị và nhiều quy định về pháp luật về đất đai, xây dựng, quy hoạch khác cũng cần được rà soát điều chỉnh, sửa đổi.

Việt Nam phải sửa Luật Đất đai trên cơ sở quy hoạch và quy trách nhiệm xử lý cụ thể cho những người có trách nhiệm, kể cả truy cứu trách nhiệm nếu cán bộ cố ý làm sai dù đã nghỉ hưu.

Nhiều cử tri, xuất phát từ thực tiễn, có chung nhận thức về quan điểm khi sửa Luật Đất đai như sau:

1. Việt Nam cần phải công nhận tính đa sở hữu đối với đất đai, bao gồm sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân.

Trong đó, sở hữu tư nhân vừa là nguồn lực quan trọng nhất, năng động nhất trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Riêng đất ở đã cấp và thu tiền sử dụng đất nên chuyển sang sở hữu tư nhân và ghi rõ trong sổ đỏ để người dân được thực hiện các quyền của chủ sở hữu chứ không phải chỉ được quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế lại vẫn thực hiện đủ các quyền chủ sở hữu kể cả chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp.

2. Cần tôn trọng nguyên tắc mọi công dân, tổ chức (doanh nghiệp) đều bình đẳng trước pháp luật. Nội dung Luật Đất đai sửa đổi phải phù hợp với quy luật, cơ chế vận hành của nền kinh tế thị trường, tạo khung pháp lý chi phối sự vận động của đất đai nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cả về kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

3. Việc xác định giá đất khi giải toả, đền bù cần quy định lại và làm rõ các nguyên tắc sau đây:

• Chấm dứt kiểu tư duy nhà nước có thể “trưng thu/ thu hồi” đất đai của dân và “đền bù” cho họ. Phải xây dựng tư duy mới, trên cơ sở tôn trọng quyền tư hữu của dân. Khi nhà nước cần sử dụng đất của dân để xây dựng các công trình quốc phòng, an ninh, trụ sở cơ quan nhà nước, giao thông, bệnh viện, trường học công lập thì phải tuân thủ hai điều kiện. Một là phải có quy hoạch. Quy hoạch này phải được sự đồng thuận của người dân thông qua các cơ chế giám sát. Hai là nhà nước phải mua lại đất của dân theo giá thị trường hàng năm.

• Loại trừ trường hợp nhà nước thu hồi đất của dân, giao cho doanh nghiệp làm dự án kinh doanh. Đây là chính là cơ chế gây ra biết bao oan ức trong lòng xã hội. Vì cơ chế này tất yếu tạo điều kiện cho quan chức nhà nước cấu kết với doanh nghiệp, nhân danh các dự án “kinh tế xã hội” nhưng thực chất đem lại lợi ích riêng cho doanh nghiệp và chà đạp lên lợi ích của số đông người dân. Ngoài ra, đã có nhiều trường hợp bản thân các quan chức nhà nước trục lợi bằng cách “trưng thu” đất của dân thông qua các “doanh nghiệp tư nhân” bình phong.

• Bất kể trường hợp doanh nghiệp tư nhân muốn mua đất của người khác để xây dựng các cơ sở sự nghiệp tư, hay cơ quan nhà nước cần mua đất của dân để làm việc công, như xây dựng trụ sở cơ quan, thì như trên đã nói, ngoài việc phải phù hợp quy hoạch và cấp phép của cấp có thẩm quyền, còn phải mua lại theo giá thị trường và thoả thuận với dân. Việc mua lại và thỏa thuận với bên bán là chủ sở hữu đất đều phải chủ đầu tư trực tiếp làm, cho dù chủ đầu tư là cơ quan nhà nước hay tư nhân. Việt Nam phải chấm dứt tình trạng chính quyền “thu hồi” đất, “đền bù” cho dân, rồi “bàn giao” lại mặt bằng cho chủ đầu tư như từ trước đến nay, vì cơ chế này đã gây ra rất nhiều hệ luỵ tai hại.

Hay nói rõ hơn, khi nhà nước cần sử dụng đất của dân cho các mục đích công, cần từ bỏ tư duy “thu hồi đất”, đồng thời, cần làm rõ mục đích, tính cần thiết, điều kiện, thẩm quyền đối với việc khu vực đất đai mà nhà nước cần đến.

Việt Nam cần chấm dứt việc trưng thu để giao đất cho các khu kinh tế vì chủ thể kinh doanh thì phải tính hết các chi phí theo giá thị trường.

Những nỗi bất bình trong dân suốt ba thập niên vừa qua chủ yếu thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất của dân, giao cho bên thứ ba vì lý do “phát triển kinh tế”. Cơ chế này tất yếu bị tư bản thân hữu lợi dụng.

4. Đất đai là tài sản có giá trị lớn, lại càng ngày càng bị thu hẹp do dân số tăng thêm, vì thế cần chấm dứt tình trạng các cấp quản lý được quyền cấp đất cho cán bộ xây nhà ở, nhất là cấp đất cho cán bộ lãnh đạo hoặc “hoá giá” nhà đất theo mức giá ưu đãi rất rẻ mạt. Thực tiễn nhiều quan chức đã bán ngay nhà đất được “phân phối” hoặc “hoá giá” và hưởng phần chênh lệch hàng chục lần.

5. Cần xử lý cứng rắn và kiên quyết với mọi trường hợp lấn chiếm đất công, kể cả ở vùng sâu vùng xa, rồi hợp thức hoá thành đất tư nhân. Nhiều quan chức hoặc có quan hệ với quan chức, do nắm được thông tin quy hoạch trước khi công bố, đã cho người thân hoặc bán thông tin cho những người khác để họ chiếm đất, như trường hợp đất ven sông Tô Lịch, một số bãi rác ven đô… Khi nhà nước tiến hành cống hoá thành đường giao thông, hoặc xây khu dân cư trên bãi rác hoang trước đó thì họ kiếm tiền bồi thường rất nhiều lần.

Luật Đất đai 2003 đã cho phép cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp bất hợp pháp trước 1993 mà không có tranh chấp, khiếu nại, như vậy nhà nước đã chấp nhận hợp thức hoá một lần cho tất cả các trường hợp chiếm đất bất hợp pháp trong quá khứ, không lý gì lại tiếp tục việc đó nhiều lần sau nữa.

6. Nghị quyết 10 năm 1988 của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam có chính sách giao đất cho hộ gia đình. Nghị quyết này xác định hộ gia đình là đơn vị kinh tế để giao đất do tập thể (hợp tác xã) quản lý về cho hộ thành viên. Bằng cách này, Nghị quyết 10 giao đất cho từng hộ dân mà không làm ảnh hưởng đến quan điểm xã hội chủ nghĩa về công hữu.

Tuy nhiên, hiện nay các giao dịch đất đai của các hộ gia đình nói trên đã phát sinh rất nhiều, nhưng “hộ gia đình” lại là khái niệm không được xác định rõ bằng luật pháp. Hiện nay, ngành quản lý đất đai có cho chuyển giấy quyền sử dụng đất giao cho hộ thành cá nhân nếu được các thành viên trong sổ hộ khẩu đồng ý. Đối với trường hợp này, luật nên đổi thành giao đất cho cá nhân, tài sản trị giá trên mức nào đó thì cả vợ chồng đồng đứng tên giống như các tài sản khác (nhà, xe…).

7. Người dân và doanh nghiệp có toàn quyền định đoạt trong các giao dịch dân sự về ruộng đất thuộc quyền sở hữu của mình. Những xung đột lợi ích trong quan hệ ruộng đất đã và đang diễn ra ngày càng gay gắt, trên quy mô lớn, chủ yếu là do không thừa nhận chế độ đa sở hữu ruộng đất, trong đó có quyền sở hữu tư nhân về đất đai.

Trước mắt, điều Việt Nam có thể làm ngay để khắc phục một phần những xung đột lợi ích trong quan hệ ruộng đất, là xóa bỏ quy định của Luật Đất đai hiện hành cho phép các cấp chính quyền thu hồi và đền bù giá trị quyền sử dụng đất của người dân theo khung giá do chính quyền cấp tỉnh, thành phố quy định theo thời kì 5 năm/1 lần. Thay vào đó là sự thừa nhận quyền sử dụng đất hiện hành của công dân và doanh nghiệp là quyền tài sản, là hàng hóa được trao đổi theo nguyên tắc thuận mua, vừa bán, như tất cả các tài sản khác.

8. Các lực lượng vũ trang (quân đội và công an) không được thành lập doanh nghiệp, vì các cơ quan chức năng của nhà nước sẽ không thể kiểm soát các hoạt động của các doanh nghiệp này. Dưới chiêu bài “vì an ninh quốc gia”, các doanh nghiệp này dễ lạm dụng quyền để lấy đất của người dân không theo cơ chế thị trường, không theo pháp luật. Đó là chưa kể, lực lượng vũ trang đã nắm vũ khí lại còn nắm cả nguồn lực kinh tế chính là cơ chế và điều kiện đưa họ đến khả năng có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát của lãnh đạo chính trị.

Trung Quốc từ cuối giai đoạn Đặng Tiểu Bình còn ảnh hưởng quyền lực, đã cải tổ lực lượng vũ trang theo nguyên tắc lực lượng vũ trang phải chuyên nghiệp, chỉ tập trung vào vấn đề vũ trang, an ninh và quân sự, không được có nguồn thu kinh tế riêng mà chỉ được nhận ngân sách do nhà nước cung cấp.

9. Nếu nghiên cứu sâu về Luật Đất đai, như trên đã nói, không nên tiếp tục sử dụng khái niệm “thu hồi đất”. Phải bỏ ngay điều 62 của Luật Đất đai hiện hành. Không cần quy định quyền sử dụng đất nếu thừa nhận quyền sở hữu đất của người dân. Nếu không dùng khái niệm quyền sở hữu thì nội dung quan hệ giao dịch phải được tự do như có quyền sở hữu. Nạn tham nhũng cũng từ cái quyền rất thiêng liêng nhưng lại rất mơ hồ trong luật hiện nay.

10. Trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, khó nhất là cơ sở dữ liệu số hoá về đất đai. Đến nay hầu như chưa địa phương nào làm được điều này. Vì vậy Việt Nam cần ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu này và công khai cùng quy hoạch đất. Điều này vừa giúp bảo vệ quyền lợi của người dân vừa hỗ trợ tốt cho dịch vụ hành chính công về đất đai.

Lời kết

Luật Đất đai, hay nói cụ thể hơn là quan điểm về sở hữu trong Luật Đất đai, đang là điểm nghẽn trong phát triển, thậm chí là hiểm họa đối với trật tự an toàn xã hội và an ninh chính trị ở Việt Nam.

Sửa Luật Đất đai là vấn đề phức tạp, chắc chắn đụng chạm đến quyền lợi của nhiều tổ chức, cá nhân và nguồn thu ngân sách, nhưng sửa Luật là yêu cầu bức thiết của thực tiễn. Việt Nam cần ưu tiên thực hiện sửa đổi vấn đề quan trọng này trong nhiệm kỳ của Quốc hội khoá 15.

Vấn đề liên quan đến chuyển nhượng, góp vốn quyền sử dụng đất nông nghiệp mới được đưa vào điểm b khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020. Đây chỉ là phần nhỏ trong nội dung cần sửa của Luật Đất đai. Ngoài nội dung nhỏ này, các cơ quan nhà nước của Việt Nam có liên quan đến đất đai cũng cần phải rà soát, tổng kết, đánh giá Luật Đất đai ngay trong năm 2021 để làm cơ sở cho việc sửa các nội dung của Luật, để Luật thực sự hữu ích cho sự phát triển bền vững về kinh tế xã hội và môi trường.

T.V.T.

Nguồn: usvietnam.uoregon.edu

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn