Ngày Thống nhất

Chế Quốc Long

Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR; tiếng Đức: Deutsche Demokratische Republik, DDR) thường được gọi là Đông Đức – một quốc gia XHCN tồn tại từ 1949 đến 1990. Ngày 3 tháng 10 năm 1990 Quốc hội Đông Đức quyết định rằng lãnh thổ quốc gia này sẽ được đặt dưới hệ thống pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức, trở thành một nước Đức thống nhất, chấm dứt sự chia cắt từ sau 1945.

Ngay khi bức tường Berlin sụp đổ, dòng người hỗn loạn từ phía Đông đổ về phía Tây, như mô tả của một Việt Kiều tại Đức: ”Một tình trạng rất là hỗn loạn xảy ra ngày hôm đó, nhưng mà hỗn loạn trong sự vui mừng, người Tây Berlin đón tiếp người Đông Berlin trong sự vui mừng. Không khí ngày hôm đó như là một ngày lễ hội lớn. Người phía Đông đi tới đâu cũng được tiếp đón và được đối xử rất là tử tế. Hai đứa con gái tôi được cô giáo dẫn ra bức tường mua hoa tặng cho những người bước qua khỏi ranh giới”. Những người phía Đông đã không bị phân biệt đối xử.

Mặc dù là tuyến đầu của cuộc đấu tranh mang tính ý thức hệ, nhưng sau khi thống nhất, hoàn toàn không có các trại học tập cải tạo hay các lớp chính trị cải huấn. Không có bất cứ sự trả thù hay truy bức nào với lực lượng quân đội, an ninh của Đông Đức, ngay cả đối với lực lượng an ninh khét tiếng Stasi, dù rằng nước Đức luôn có sẵn các trại tập trung từ thời Hitler.

Điều quan trọng nhất, người phía Đông được hưởng những giá trị nhân văn của con người, được tự do ngôn luận, được luật pháp bảo vệ, được xét xử bởi tòa án độc lập, được quyền bầu cử và tự do ứng cử, tự do thành lập các tổ chức và đảng phái... những quyền cơ bản của con người.

Thách thức với chính quyền Đức là xây dựng lại miền Đông đổ nát từ cơ sở hạ tầng, hiệu suất lao động, giáo dục đến luật pháp. Gần như nền hành chính Đông Đức phải làm lại từ đầu, như lời kể của nhân viên tòa thị chính Berlin: “Chúng tôi phải cầm tay chỉ việc cho nhân viên tòa thị chính phía Đông”, khi thay đổi nền hành chính cai trị bằng nền hành chính phụng sự cho nhân dân. Những quân nhân và công chức của chế độ Đông Đức vẫn được hưởng lương hưu và các phúc lợi khác như những người đồng bào phía Tây của họ.

Sau khi thống nhất, công cuộc “Xây dựng miền Đông“ bắt đầu với quá trình tu bổ những những thành phố như Dressden, Leipzig, Chemnitz hoặc Halle là những thành phố đã bị suy tàn dần dần trong thời kỳ CHDC Đức. Người Đức cũng thành công trong việc việc trang bị hệ thống viễn thông thuộc loại hiện đại nhất Châu Âu cho các bang mới phía Đông.

Kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, người Đức thường tổ chức những buổi hòa nhạc, những sự kiện văn hóa, những bài phát biểu ngắn gọn của lãnh đạo chính quyền. Họ không tổ chức meeting, không tổ chức lễ duyệt binh, cũng chẳng cần bắn pháo hoa, cũng không giăng đầy cờ và khẩu hiệu, mặc dù họ thừa tiền để làm điều đó. Có lẽ họ muốn dành từng đồng tiền đó để thay từng nắp cống cho phần phía đông, cấp từng cuốn sách giáo khoa cho học sinh... hay trên hết họ không muốn làm đau lòng những đồng bào phía Đông khốn khổ của họ.

Những gì xảy ra ở Đông Đức mùa thu năm 1989 cho thấy rõ con người có sức mạnh như thế nào khi họ xuống đường đấu tranh một cách ôn hòa cho những quyền dân chủ của mình.

Trong một chuyến open Tour vào buổi chiều hè ở Berlin, cùng người hướng dẫn viên du lịch đã lớn tuổi, khi chiếc xe đi dọc bức tường Berlin, ông đã kể về sự hình thành bức tường, những sự kiện xảy ra vào mùa thu năm 1989, kể đến cái ngày mà bức tường Berlin sụp đổ, ông như hét lên “đó là ngày hạnh phúc của đất nước tôi” tiếng thét vui mừng, sung sướng, vỡ òa trong hạnh phúc tưởng như sự việc mới xảy ra ngày hôm qua, dù ngày đó đã qua gần 30 năm. Thế mới biết khao khát tự do của con người to lớn đến dường nào!

Người Đức đã có một ngày thống nhất hạnh phúc, khi đem lại tự do cho mọi người dân. Không phải quốc gia nào cũng làm được điều này.

Có thể là hình ảnh về đường phố

C.Q.L.

Nguồn: FB Chế Quốc Long

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn