Người lao động “ồ ạt” rút số bảo hiểm xã hội một lần, vì sao?

TS Phạm Quí Thọ

Người lao động “ồ ạt” rút số bảo hiểm xã hội một lần, Vì sao?

Hình minh hoạ. Công nhân sửa dây cáp điện ở Hà Nội hôm 2/12/2020. AFP

Trung bình giai đoạn năm năm 2016-2020 mỗi năm có hơn 700 nghìn người lao động rời hệ thống bảo hiểm xã hội một lần, riêng ba tháng đầu năm 2021 có hơn 225 nghìn “ồ ạt rút sổ”. Bài viết làm rõ động cơ nào thúc đẩy người lao động ứng xử trước rủi ro để đề xuất sửa đổi chính sách nhằm tránh thất bại.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc là một chính sách công mà chính phủ can thiệp vào thị trường bảo hiểm để đảm bảo rằng người lao động được bảo hiểm hoặc bảo vệ trước rủi ro kinh tế. Họ được trả quyền lợi trong tương lai thông qua các quy tắc và yêu cầu bồi thường phụ thuộc một phần vào sự đóng góp của họ - phí bảo hiểm để tạo ra một quỹ bảo hiểm. Ở Việt Nam chính sách này được luật hoá năm 2014, trong đó tại điều 60 quy định người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được nhận “quyền lợi” một lần sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH…

“Rất đáng lo ngại”

Thời gian gần đây, đặc biệt từ đầu năm 2020 thời gian đại dịch COVID-19, thực trạng người lao động ồ ạt rút sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần là “rất đáng lo ngại”. Theo thống kê của Cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chỉ tính riêng ba tháng đầu năm 2021 số lượng người lao động rút BHXH tăng 20.5% so với cùng kì năm 2020. Riêng trong năm 2020, có 1 triệu người tham gia BHXH nhưng có tới 880.000 người nhận BHXH một lần. Cũng theo nguồn số liệu trên, số người thất nghiệp có quyết định nhận trợ cấp thất nghiệp khoảng 1,03 triệu người, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019.

Nguyên nhân trực tiếp được chỉ ra là do đại dịch đã tác động tiêu cực trên diện rộng lên toàn bộ hoạt động doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 mới được công bố, có hơn 87% doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và FDI, cho biết họ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trong năm 2020. Trong bốn tháng đầu năm 2021 vẫn tiếp tục tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính bình quân mỗi ngày có 429 doanh nghiệp đóng cửa, rời khỏi thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chiếm đến 55,1%, ở tất cả 17 lĩnh vực như sản xuất phân phối, điện, nước, gas, y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, giáo dục và đào tạo, khai khoáng và kinh doanh bất động sản….

Dường như các nhà quản lý “rất lo ngại” về sự an toàn của quỹ và chỉ tiêu kế hoạch bảo hiểm xã hội, và cho rằng sự “lỏng lẻo” của Luật BHXH đã dẫn tới hiện tượng trên. Tuy nhiên, theo tôi, cần có cách nhìn đầy đủ để có giải pháp chính sách “trúng và đúng”, mà trước hết cần làm rõ động cơ nào thúc đẩy người lao động ứng xử như trên.

Điều gì thực sự đang diễn ra?

Các nhà quản lý cảnh báo rằng nhận bảo hiểm xã hội một lần có nghĩa là người lao động từ bỏ cơ hội được bảo vệ trước rủi ro phía trước và sau khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp họ đều cho rằng có thể “bị thiệt thòi” về lâu dài, nhưng do khó khăn cấp bách tài chính nên họ đã lựa chọn “cứu cánh” tức thời trước rủi ro…. Người lao động cũng được khuyến cáo rằng họ có thể bảo lưu (luật cho phép), đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ “Gói hỗ trợ” của Chính phủ… để tăng cơ hội trở lại thị trường lao động, tiếp tục tham gia BHXH để cộng nối thời gian tính hưởng lương hưu sau này….

Động lực vô hình nào dẫn dắt người lao động?

Hiện tượng rút sổ bảo hiểm một lần, theo tôi, là kiểu hành vi “phi lý trí” và “thực dụng”. Sự so sánh tương đối thiệt hơn giữa hiện tại và tương lai là động cơ thúc đẩy. Bức tranh hiện tại là hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, đời sống đắt đỏ hơn do đồng tiền mất giá, sự trục lợi bảo hiểm, chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế theo bảo hiểm xã hội và phiền hà khi làm các thủ tục thanh toán, “Gói an sinh” của Chính phủ liệu có đến tới họ…. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra điều kiện sống vật chất và tinh thần của công nhân trong các khu công nghiệp tập trung là rất thiếu thốn, không đảm bảo để họ duy trì công việc lâu dài.  Đó là những yếu tố tâm lý tác động mạnh đến hành vi của họ. Trước mặt họ là những tiêu cực trong xã hội, nạn quan tham nhũng nặng nề, hành chính quan liêu, bất công xã hội, phân biệt đối xử và khoảng cách giàu nghèo, cá nhân không được bảo vệ, lương hưu không đủ cho cuộc sống…. Những yếu tố này báo hiệu một tương lai bấp bênh. Những tính toán “rất người” đã ăn sâu vào tiềm thức người lao động. Ngoài ra, thị trường lao động “huấn luyện” họ dần quyết đoán hơn, thực dụng hơn với tình hình, và họ đã biết cách tối đa hoá tiền bạc trong bối cảnh dịch COVID-19 còn đe doạ còn dài….

Hơn thế, khi những hành vi “phi lý trí” có hệ thống, sự phi lý trí được lặp đi lặp lại có thể cung cấp rất nhiều điều cho quá trình thiết kế hay sửa đổi chính sách BHXH và các chính sách trợ cấp khác cải thiện cuộc sống người lao động. Hiện tượng rút sổ bảo hiểm một lần đã có từ nhiều năm nay, có xu hướng năm sau cao hơn năm trước và chưa có dấu hiệu dừng lại, sự bùng phát hiện nay xảy ra đồng thời với đại dịch COVID-19. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, số người hưởng BHXH một lần bình quân năm trong 5 năm (2016-2020) khoảng 750.000 người, nghĩa là cứ 2 người tham gia BHXH có 1 người “rời khỏi hệ thống”.

Thất bại chính sách?

Quan niệm rằng chính sách BHXH là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường là đúng, nhưng sẽ là phiến diện nếu xem đây là vấn đề “chính trị của giai cấp công nhân lao động” để làm hay sửa đổi chính sách.

Trước hiện tượng rút sổ BHXH một lần đã có ý kiến rằng Nghị quyết số 93/2015/QH13 năm 2015 của Quốc hội về việc “thực hiện trở lại” BHXH một lần đối với trường hợp NLĐ sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH… trước “sự kiện” đình công của công nhân tại một số công ty ngành da giày, dệt may… đang đặt ra những thách thức. Từ đó, đề xuất rằng rà soát và sửa Luật BHXH 2014 theo hướng “siết chặt” quy định hưởng BHXH một lần; sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu, có thể từ 20 năm xuống 15 năm, để được hưởng lương hưu, giúp NLĐ dễ dàng được hưởng lương hưu, hạn chế nhận BHXH một lần….

Theo tôi, cần nghiên cứu “sự phản ứng của bộ phận công nhân” nêu trên như một bài học về thái độ ứng xử của chính quyền đối với người lao động vẫn có giá trị cho sửa đổi Luật BHXH sắp tới. Bài học này phải được bổ sung các nghiên cứu sâu và toàn diện hơn về hiện tượng “ồ ạt” rút sổ BHXH một lần gần đây. Như vậy, nhiều chính sách có liên quan tới việc cải thiện cuộc sống người lao động như tiền lương tối thiểu, lương hưu, trợ cấp…. đồng thời với chính sách phát triển thị trường lao động. Nguyên tắc xây dựng bất kỳ chính sách công nào cần tìm ra các giải pháp sao cho vị trí đối tượng thụ hưởng chính sách được đặt ở trung tâm, tăng lợi ích kinh tế và sự lựa chọn của người lao động, nghĩa là cần cân nhắc các giải pháp kinh tế gắn với mở rộng việc làm và chất lượng tăng trưởng, thay vì nhấn mạnh tính chất “bắt buộc”.

Nếu “tính chuyên chế” được đặt ưu tiên trên tình cảnh của người lao động thì sự “thất bại” chính sách đã được cảnh báo. Tính bền vững của chính sách BHXH chỉ có được khi có giải pháp cải thiện điều kiện sống hiện tại của người lao động và cơ sở cho niềm tin vào tương lai của chính họ và chế độ.

P.Q.T.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn