Ứng viên ĐBQH, Chánh án Lê Thanh Phong tiếp tay chính quyền TP HCM cưỡng đoạt đất của dân

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ

Ngày 23/5 tới ở Việt Nam là ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Cho đến nay danh sách các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh đã được chốt. Trong danh sách này có tên Lê Thanh Phong, đương kim Chánh án TAND địa phương này (*).

Khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức Quốc Hội quy định Đại biểu Quốc Hội “gương mẫu chấp hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật”. Thế nhưng Chánh án Lê Thanh Phong lại làm ngược lại khi xâm phạm trắng trợn và có hệ thống Luật tố tụng hành chính nhằm tiếp tay chính quyền sở tại cưỡng đoạt đất của gia đình ông Nguyễn Dương Lương, ngụ tại 255/6/27 Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.

Chính quyền cưỡng đoạt đất

Ngày 28/9/1975 bà Dương Thị Kính, mẹ của ông Lương, mua nhà đất của ông Nguyễn Bá Vại tại phường 5, quận Thạnh Mỹ Tây (nay là phường 22, quận Bình Thạnh), thành phố Hồ Chí Minh. Hai người có làm “Giấy sang nhà” và Giấy này có xác nhận của Ủy ban nhân dân cách mạng phường.

Cần nói thêm rằng gia đình bà Kính là một gia đình có công lớn đối với Tổ quốc Việt Nam. Mẹ bà, bà Nguyễn Thị Cháu, được Nhà nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng”. Bố, chồng, con và cả bốn em trai của bà tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, trong đó ba em trai, Dương Văn Cồ, Dương Văn Hữu và Dương Văn Linh, là Liệt sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1993, bà Vũ Thị Duyên tranh chấp đất với bà Dương Thị Kính và chồng bà Kính là ông Nguyễn Bá Phụng, cho dù bà Duyên không có giấy tờ nào thể hiện đã mua nhà đất của ông Vại. Ngày 20/11/2001, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh ra Quyết định số 2324/QĐ-UB giải quyết tranh chấp đất giữa hai bên, theo đó, vợ chồng bà Kính – ông Phụng phải trả cho bà Duyên phần đất mà bà Duyên tranh chấp. Gần 10 năm sau, ngày 6/3/2020, Chủ tịch quận Bình Thạnh ra Quyết định số 1788 QĐ-UBND cưỡng chế thực hiện Quyết định số 2324, tức dùng vũ lực để đoạt đất của bà Kính – ông Phụng.

Ngày 20/3/2020, ông Nguyễn Dương Lương, con bà Kính – ông Phụng, nhân danh bản thân và các đồng thừa kế của bà Kính – ông Phụng, đã khởi kiện Chủ tịch quận Bình Thạnh và UBND quận Bình Thạnh tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Lý do khởi kiện là theo quy định của các Luật đất đai mà Nhà nước CHXHCN Việt Nam ban hành, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất giữa bà Duyên và vợ chồng bà Kính – ông Phụng thuộc Tòa án, tức không thuộc UBND, vì bà Kính có Giấy sang nhà được UBND phường xác nhận. Điều này đồng nghĩa hai quyết định nói trên của Chủ tịch quận Bình Thạnh là trái pháp luật và phải bị hủy bỏ.

Cụ thể, theo Luật đất đai 2013 (Điểm d Khoản 1 Điều 100) cũng như Luật đất đai 1993 (Khoản 3 Điều 38) Luật đất đai 2003 (Khoản 1 Điều 136 và Khoản 1 Điều 50), thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất thuộc Tòa án nếu đương sự có giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993. Với các căn cứ pháp lý này, ông Lương yêu cầu Tòa án hủy hai quyết định của Chủ tịch quận Bình Thạnh.

Chánh án TAND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Phong đã cử Thẩm phán Mai Thị Thanh Tú thụ lý vụ án. Tiếp đó, Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh đã ủy quyền Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hồ Phương đại diện Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh tham gia tố tụng.

Chánh án Lê Thanh Phong tiếp tay

Căn cứ Điều 69 Luật TTHC (Tạm đình chỉ việc thi hành quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho rằng việc thi hành quyết định đó sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không thể khắc phục), ông Lương đã hai lần (26/5/2020 và 10/7/2020) gửi đến TAND thành phố Hồ Chí Minh Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bằng tạm đình chỉ việc thi hành Quyết định cưỡng chế trái pháp luật nói trên của Chủ tịch quận Bình Thạnh.

Ngày 28/5/2020, Chánh án Lê Thanh Phong đã chỉ đạo Thẩm phán Nguyễn Minh Hiếu ra Thông báo không chấp nhận yêu cầu của ông Lương. Được Tòa án “bật đèn xanh” qua Thông báo này, ngày 14/7/2020, UBND quận Bình Thạnh đã huy động hàng trăm công an, dân phòng cưỡng đoạt mảnh đất nói trên của gia đình ông Lương. Để thuận tiện cho việc cưỡng đoạt đất, công an đã vậy kín nhà ông Lương và chặn ông Lương ra khỏi nhà.

Tiếp đó, vẫn Chánh án Lê Thanh Phong đã bao che và đồng lõa với Thẩm phán Mai Thị Thanh Tú trong việc xâm phạm trắng trợn tố tụng hành chính, gậy thiệt hại nghiêm trọng cho quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lương.

Khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Thế nhưng Thẩm phán Tú đã chấp nhận Phó Chủ tịch quận Bình Thạnh Hồ Phương vắng mặt tại các buổi đối thoại với ông Lương cũng như tại phiên tòa cho dù ông Lương phản đối bằng văn bản. Hành vi này của Thẩm phán Tú rõ ràng đã tước đoạt quyền của ông Lương đối chất và tranh luận với người bị kiện để làm rõ các tình tiết của vụ án như quy định tại Điều 55 Luật TTHC. Đây là bằng chứng rõ ràng về việc Thẩm phán Tú đã không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ tiến hành tố tụng.

Do đó, căn cứ Khoản 8 Điều 45 Luật tố tụng hành chính (Người tiến hành tố tụng phải bị thay đổi khi có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ), ngày 27/01/2021 Luật sư Đặng Trọng Dũng, luật sư của ông Lương, đã gửi Chánh án Phong Đơn khiếu nại và yêu cầu thay đổi Thẩm phán Tú vì Thẩm phán này đã không vô tư trong tiến hành tố tụng. Ngày 21/3/2021, Chánh án Phong đã ra Quyết định giải quyết khiếu nại số 29/2021/QĐ-GQKN bác yêu cầu thay đổi Thẩm phán Tú của Luật sư Dũng. Như vậy, Chánh án Phong đã bảo trợ Thẩm phán Tú xâm phạm trắng trợn Khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính.

Tóm lại, Chánh án Lê Thanh Phong chẳng những chà đạp luật pháp do chính Quốc Hội Việt Nam ban hành mà còn chà đạp lên xương máu của các Liệt sĩ đã hy sinh vì Độc lập dân tộc khi tiếp tay chính quyền thành phố Hồ Chí Minh cưỡng đoạt đất của gia đình ông Lương.

Hội đồng bầu cử quốc gia có “ra tay”?

Khoản 4 Điều 15 Luật bầu cử Đại biểu Quốc Hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân quy định Hội đồng bầu cử quốc gia “Lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử; xóa tên người ứng cử trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội”. Như vậy, Hội đồng bầu cử quốc gia và tân Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ phải tức khắc xóa tên của Chánh án Lê Thanh Phong trong danh sách ứng cử Đại biểu Quốc Hội vì quan chức tư pháp này đã ngang nhiên hành xử ngược với Khoản 2 Điều 22 Luật tổ chức Quốc Hội quy định Đại biểu Quốc Hội “gương mẫu chấp hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật” như trên đã chứng minh. Hơn thế nữa, một hành động như vậy là có tính sống còn đối với chính Quốc Hội. Bởi để một kẻ chà đạp pháp luật trắng trợn như vậy vào vị trí của nhà lập pháp có khác nào “rước giặc vào nhà”!

Vấn đề còn lại là liệu Hội đồng bầu cử quốc gia và cá nhân tân Chủ tịch Quốc hội kiêm Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ có tự coi mình là người bảo vệ “Nhà nước pháp quyền của Dân,do Dân và vì Dân” để “ra tay” tiễu trừ “giặc nội xâm” khoác áo tư pháp này!

C.H.H.V.

Tác giả gửi BVN

Chú thích:

(*) Danh sách chính thức 50 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại TP.HCM, Tuổi trẻ, 23/04/2021.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn