Liệu ASEAN có nên nâng cấp quan hệ với Trung Quốc theo đề nghị của Vương Nghị?

Hoàng Thảo

Liệu ASEAN có nên nâng cấp quan hệ với Trung Quốc theo đề nghị của Vương Nghị?

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu trong cuộc họp với ngoại trưởng các nước ASEAN tại Trùng Khánh hôm 7/6/2021. AP

Đề xuất của Trung Quốc

Gần đây, tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) đã diễn ra cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị với những người đồng cấp đến từ các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Điều chính yếu cần lưu ý trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc là đề xuất của ông Vương Nghị với nguyện vọng nâng tầm quan hệ của Trung Quốc với ASEAN lên mức đối tác chiến lược toàn diện.

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác đối thoại của ASEAN và quan hệ hai bên diễn ra khá tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế -  thương mại.

Năm 2019, ASEAN đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Các khoản đầu tư của Trung Quốc cũng chảy vào Đông Nam Á, phần lớn thông qua BRI (Vành đai Con đường). Báo chí Trung Quốc cho biết cho tới tháng 11/2020 đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á chiếm hơn 76% tổng đầu tư vào các quốc gia và khu vực có liên kết với BRI. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tham gia vào phần lớn các cấu trúc đã được ASEAN thiết lập, ví dụ như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (MMDA+) và các cấu trúc khác nữa. Định dạng ASEAN+3 có vai trò nổi bật, bởi trên nền tảng này, các đối tác kinh tế hàng đầu của hiệp hội như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc thường xuyên thảo luận các vấn đề hợp tác.

Ý đồ của Trung Quốc

Điều gì khiến Trung Quốc muốn thúc đẩy quan hệ với ASEAN tiến lên cấp độ đối tác chiến lược toàn diện? Trong thực tiễn quan hệ quốc tế hiện đại, mức độ đối tác chiến lược có nghĩa là các bên không giữ quan hệ thù địch, có cái nhìn chung hoặc tương đồng về những vấn đề chiến lược trong chương trình nghị sự thế giới, nhiều phần tin cậy lẫn nhau và hiệp lực trên cơ sở bình đẳng. Cho đến nay, Trung Quốc đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 20 nước trên thế giới.

Có thể thấy rằng, với sự cạnh tranh Mỹ - Trung càng ngày diễn ra càng gay gắt hơn, trong bối cảnh đó, ASEAN là một đối tác quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện các hoạt động ngoại giao để “kéo” ASEAN về phía mình, hay chí ít là không để ASEAN “ngã” vào “vòng tay của Mỹ”.

hungbanguyenthanhlong2021.jpeg

Hình minh hoạ: Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam Hùng Ba trao 500.000 liều vắc-xin ngừa COVID-19 cho Việt Nam ở Hà Nội hôm 20/6/2021. Hình: Sức Khoẻ và Đời Sống

Bài học từ Malaysia

Tuy nhiên, còn nhiều thứ khiến các thành viên của ASEAN e ngại trước yêu cầu này của Trung Quốc. Đặc biệt với các hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông.

Đầu tháng sáu, 16 máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc đã được nhìn thấy cách bờ biển Sarawak, bang Sarawak, miền Đông Malaysia hơn 100 km. Lực lượng Không quân Hoàng gia Malaysia mô tả vụ việc này là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền quốc gia". Bộ Ngoại giao nước này đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Malaysia đến để bày tỏ sự bất bình về vụ xâm nhập. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ những lo ngại của Malaysia khi nói rằng những máy bay này bay tới đó để "tập trận định kỳ".

Không chỉ Malaysia cảnh giác với các ý định của Trung Quốc trong khu vực. Cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông và yêu sách đơn phương của nước này đối với hơn 80% vùng biển tranh chấp, cùng với việc xây dựng các đảo nhân tạo, đã gây ra nhiều bất bình. Việc tàu đánh cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm các vùng biển của Indonesia, Việt Nam, Philippines và sự hiếu chiến của các tàu cũng như máy bay hải quân Trung Quốc càng làm dấy lên nghi ngờ từ các quốc gia thành viên của ASEAN. Vụ máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận Malaysia diễn ra chỉ hai tháng sau khi Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein đến tỉnh Phúc Kiến ở miền nam Trung Quốc hôm 1/4. Trong chuyến thăm này, ông Hishammuddin đã gọi người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị là “anh cả”.

Bắc Kinh đã tính toán rằng khi Trung Quốc đạt được vị thế một siêu cường, các quốc gia Đông Nam Á sẽ không và không thể thách thức sức mạnh kinh tế và quân sự của họ. Điều này càng được nhấn mạnh sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố vào năm 2015 rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa Biển Đông, nhưng ngay sau đó tiến hành xây dựng thêm các đảo nhân tạo, triển khai tên lửa và xây dựng nhà cũng như căn cứ quân sự trên các đảo đó.

Các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm cả Malaysia, thừa nhận rằng không quốc gia nào trong số họ có khả năng sánh ngang về sức mạnh quân sự với Trung Quốc. Về kinh tế, khu vực này hiện có quan hệ sâu sắc với Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng mong muốn tăng cường mối quan hệ này. Việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc nối Côn Minh ở tỉnh Vân Nam với Singapore trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) vẫn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á phải cân bằng giữa thực tế kinh tế với việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và tự hào dân tộc.

Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy mối quan hệ với Malaysia thông qua việc tài trợ và xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng lớn. Năm 2016, dự án Liên kết Đường sắt Bờ Đông (ECRL) trị giá 65,5 tỷ ringgit (15,8 tỷ USD) đã được triển khai để kết nối Kuantan trên bờ biển phía Đông với các cảng ở bờ biển phía Tây. Melaka Gateway, một dự án phát triển bất động sản và thương mại trị giá 10,5 tỷ USD, đã được trao cho một công ty Malaysia và ba đối tác thương mại Trung Quốc. Hợp đồng phát triển ba đường ống với tổng chi phí 4,1 tỷ USD cũng đã được trao cho các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi đảng Barisan Nasional cầm quyền thất bại trong cuộc bầu cử vào năm 2018, ông Mahathir Mohamed - khi đó chuẩn bị nhậm chức Thủ tướng Malaysia - tuyên bố sẽ xem xét lại các dự án trên. Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 8/2018, ông đã cảnh báo về “phiên bản mới của chủ nghĩa thực dân”, nơi các nước giàu nhằm vào các "con mồi" là các nước nghèo hơn. Phát biểu này của ông ngụ ý nhằm vào Trung Quốc. Một tháng sau đó, dự án ba đường ống đã bị hủy bỏ. Mahathir đã đàm phán lại các điều khoản cho ECRL và giảm chi phí xuống còn 44 tỷ ringgit vào năm 2019.

Sau khi chính phủ Mahathir sụp đổ vào tháng 2/2020, Thủ tướng Muhyiddin Yassin đã tiến hành hàn gắn quan hệ với Trung Quốc. Tháng 4 năm nay, Malaysia thông báo dự án ECRL được đàm phán lại sẽ có giá 50 tỷ ringgit. Tuy nhiên, chính quyền bang Malacca đã hủy dự án Melaka Gateway vào tháng 11/2020 vì “không có tiến triển nào”.

Bài học từ Việt Nam

Tháng 5/2014, Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 đến các lô dầu khí 142 và 143 mà Việt Nam đã lựa chọn để khai thác. Giàn khoan của Trung Quốc đã hoạt động tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, cách đảo Tri Tôn khoảng 27 km (đảo Tri Tôn là cấu trúc địa hình ở cực Tây Nam của quần đảo Hoàng Sa, do Trung Quốc kiểm soát nhưng cũng nằm trong tuyên bố chủ quyền của Việt Nam). Đối với các nhà quan sát Việt Nam, đây dường như là một động thái khiêu khích khác của Trung Quốc – điều mà các quốc gia Đông Nam Á đã lường trước sẽ xảy ra cho dù họ không chấp nhận.

Mặc dù giới tinh hoa Trung Quốc có thể đã lường trước được phần nào sự phản đối của Việt Nam, nhưng các cuộc biểu tình bạo lực chống Trung Quốc trên khắp đất nước có lẽ đã vượt ngoài dự tính của họ. Trước đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kích động tinh thần dân tộc để thể hiện sự không hài lòng của họ với Hà Nội.

Kể từ đó, Việt Nam đã theo đuổi cả hai phương án ngoại giao và quốc phòng để đối phó với sức ép gia tăng từ Bắc Kinh. Việt Nam đã tham gia ba hiệp định thương mại đa phương lớn đáng chú ý - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 thành viên, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia và Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA). Các hiệp định tự do thương mại như vậy sẽ quốc tế hóa nền kinh tế của Việt Nam và giúp Việt Nam bớt phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Ở Biển Đông, Việt Nam đang triển khai cải tạo ở mức độ khiêm tốn đối với các cấu trúc địa hình mà Việt Nam đang quản lý ở quần đảo Trường Sa, trong đó có việc xây dựng hệ thống phòng thủ bờ biển và phòng không tại một số đảo. Điều này cho thấy Việt Nam đang phát triển chiến lược chống tiếp cận, ngăn chặn xâm nhập (A2AD) giống như Trung Quốc trong khu vực. Điều này sẽ làm giảm, nhưng không triệt tiêu lợi thế của Trung Quốc nếu xung đột xảy ra trong khu vực.

Kết luận

Trường hợp của Malaysia và Việt Nam là ví dụ rõ ràng cho thấy các hành động của Trung Quốc đang tác động đến Đông Nam Á ra sao. Mặc dù các quan hệ kinh tế - thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN ngày càng gia tăng, nhưng không có nghĩa ASEAN hoàn toàn tin tưởng Trung Quốc, đặc biệt với vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã thể hiện là họ sẽ không từ bỏ yêu các sách của mình trên Biển Đông, mà Bắc Kinh chỉ tìm cách trì hoãn giải quyết vấn đề, nhấn vào tầm quan trọng của sự hợp tác giữa các nước ASEAN với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế hoặc cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Chính vì vậy, ASEAN sẽ không mặn mà gì với việc nâng tầm quan hệ với Trung Quốc.

H.T.

Nguồn: RFA

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn